Lên lớp 11, tôi học vùi đầu. Cuối năm thi tú tài 1, rớt là vô lính, đứa nào cũng ngán. Dũng là ngoại lệ, nó đi chơi tà tà. Chắc nó nghĩ đằng nào nó cũng thi rớt, trước khi bị đầy ra chiến trường, ăn chơi xả láng cho sướng thân.
Dũng xả láng bằng cách cặp bồ lung tung. Nó đi chơi hết cô này đến cô khác, báo hại Hà Lan khóc sưng cả mắt. Và, cũng như năm ngoái, Hà Lan lại tìm đến tôi, kể khổ. Lần này, nó không buồn giữ kẽ. Nó không rơm rớm nước mắt, mà gục đầu lên vai tôi, khóc vùi.
Hà Lan khóc mà tôi ướt áo. Nước mắt nó cháy bỏng da thịt tôi, như acid. Nếu nó khóc vì tôi, hẳn tôi sẽ xúc động ghê gớm. Hẳn tôi sẽ mủi lòng khóc theo. Nhưng đằng này, nó khóc vì Dũng. Nó khóc thằng sở khanh đó, trái tim tôi chai lì.
Lần đầu, vụ Bích Hoàng còn khiến tôi điên tiết nhện nhau với Dũng. Tôi làm kẻ giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha. Tôi muốn Hà Lan hạnh phúc. Nhưng càng về sau, trái tim tôi càng nguội máu anh hùng. Tôi chẳng thiết làm Lục Vân Tiên nữa. Phong Lai trá hàng và liên tục trở mặt khiến Lục Vân Tiên mệt mỏi. Cuối cùng, chịu hết nổi, tôi nói:
- Dũng đã như vậy, Hà Lan nghỉ chơi luôn đi! Dính dáng làm gì cho khổ thân!
Thấy Dũng chẳng ra gì, tôi định khuyên Hà Lan dứt áo từ lâu. Nhưng tôi ngại Hà Lan hiểu lầm. Tôi ngại nó nghi tôi yêu không được giở trò phá đám. Nhưng đến nước này, tôi bất chấp. Bây giờ tôi chỉ ngại mỗi một điều, dây dưa với Dũng, Hà Lan sẽ chuốc thêm đau khổ.
Hà Lan chẳng nghe tôi. Nó lắc đầu:
- Hà Lan không thôi Dũng được!
Hà Lan nói vậy, tôi chỉ biết thở dài. Tôi buồn cho tôi. Và tôi buồn cho Hà Lan. Tôi chẳng biết làm sao xoa dịu nỗi đau trong lòng nó. Những lời an ủi của tôi mới tẻ nhạt làm sao. Điều đó khiến tôi vô cùng ray rứt và tôi có cảm giác như tôi, chính tôi, chứ không phải Dũng, đã gây ra nỗi bất hạnh cho Hà Lan.
Mối tình giữa Hà Lan và Dũng cứ dùng dằng như vậy, suốt năm. Dũng chập chờn như cánh bướm, nay đóa hoa này, mai đóa hoa khác, thỉnh thoảng lại quay về với Hà Lan. Tôi nghiến răng chứng kiến cảnh đó, chẳng vui gì. Tôi thương Hà Lan đến nát lòng. Và tôi cũng chửi thầm nó tơi bời. Nó ngốc nghếch hệt như cô bé quàng khăn đỏ. Nó bị con sói đánh lừa mà chẳng biết. Nó cứ tưởng con sói là bà ngoại.
Hà Lan nghĩ học khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến hè. Nó có mang. Tin đó khiến tôi đau xót nhiều hơn là ngạc nhiên. Từ lâu, tôi đã phấp phỏng, lo lắng. Tôi sợ điều không hay sẽ xảy đến cho Hà Lan. Bây giờ, nó đến, sớm hơn tôi nghĩ. Nó đến khi năm học chưa kết thúc, thật ngặt nghèo.
Tôi biết được điều đó không phải do Hà Lan. Hà Lan tâm sự với tôi đủ chuyện, trừ chuyện đó. Hai tháng gần đây, nó trốn biệt. Tôi thấy lo lo, liền đi tìm. Tôi đạp xe đến trước cổng trường Nữ đứng đợi suốt 3 bữa liền, không thấy nó. Hà Lan biến mất khỏi dòng sông áo trắng khiến lòng tôi lửa đốt.
Tôi chạy đến nhà bà cô và bắt gặp Hà Lan ngồi lặng thầm trong phòng khách. Vẻ xanh xao trên gươn mặt nó khiến tôi kinh hãi. Tôi hỏi, nó bảo bệnh. Tôi hỏi bệnh gì, nó bảo cúm. Tôi liền phóng xe đến hiệu thuốc Thanh Lâm của cậu Huấn, kêu nhỏ Mai bán cho tôi mấy vỉ aspirin.
Tôi đưa thuốc, Hà Lan không lấy. Nó bảo có rồi. Tôi nhét mấy vỉ thuốc vào tay nó, dịu dàng nói:
- Hà Lan cứ cầm lấy! Có rồi thì để dành!
Nói xong, tôi về. Hà Lan tiễn tôi ra cửa bằng ánh mắt bối rối. Nó chẳng nói gì, chỉ cười. Một nụ cười buồn. Lúc đó, tôi nghĩ: tại bệnh đó thôi!
Ba hôm sau, tôi lại ghé. Hà Lan vẫn còn xanh.
Một tuần sau, cũng vậy. Nó cứ xanh hoài hoài.
Tôi không giấu được lo âu:
- Hay Hà Lan đến bệnh viện thử coi!
Hà Lan lắc đầu. Và khóc. Tiếng nức nở của nó khiến lòng tôi quặn thắt. Nhưng tôi chẳng hiểu gì. Tôi hỏi gì, Hà Lan cũng chẳng nói. Tôi chỉ biết đứng nhìn nó sụt sùi và đoán mò, chắc nó lại buồn thằng Dũng bỏ bê.
Tôi về, hỏi Dũng:
- Hà Lan bệnh, anh có biết không?
- Biết! - Dũng đáp cộc lốc, vẻ khó chịu.
Tôi phớt lờ, hỏi tiếp:
- Anh đến thăm Hà Lan chưa?
Dũng nhăn mặt:
- Chuyện của tao, mày hỏi làm gì?
Dũng lại giở cái giọng trịch thượng hôm nào. Tôi nổi khùng:
- Hỏi để biết!
Dũng liếc tôi, mặt đanh lại:
- Mày chẳng cần biết ba chuyện đó!
Noí xong, nó quay lưng bỏ ra khỏi phòng. Nó không thèm nói chuyện với tôi. Nếu như trước đây, tôi đã chặn nó lại, và hỏi cho ra lẽ. Nếu cần, tôi sẵn sàng đánh nhau. Những cú đòn của nó khủng khiếp thật, nhưng chẳng thể khiến tôi lùi bước. Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ, tôi mặc xác. Bây giờ tôi biết nó là loại người không thể nói chuyện.
Tôi chẳng buồn gây sự với Dũng. Nhưng nhìn nó vừa lừ lừ ra cửa vừa nhăn nhở hát "thôi, em đừng khóc, đừng khóc nữa làm gì...", tôi lại chạnh lòng nghĩ tới Hà Lan và bụng bỗng tức sôi lên. Nếu có một hòn đá trên tay, tôi sẽ không ngừng ngại ném vào lưng nó. Tôi sẽ ném thật mạnh.
Trước sau, Hà Lan vẫn câm như thóc.
Thái độ của nó khiến tôi nghi ngờ. Biết không thể dò hỏi nó được, tôi khai thác bà cô. Thoạt đầu, cô Hà Lan định giấu, sau biết tôi sắp về làng, cô sợ tôi làm lộ chuyện, bèn kể thật tất cả.
Tôi ngồi nghe, mắt mờ đi, mồ hôi chảy thành dòng.
Kể xong, cô dặn:
- Về làng, cháu đừng nói gì với ai nghen!
Tôi gật đầu.
Cô lại noí:
- Mẹ Hà Lan có hỏi, cháu nói là Hà Lan vẫn đi học bình thường nghen!
Tôi băn khoăn:
- Làm sao giấu mẹ Hà Lan được? Trước sau gì bác ấy chẳng biết!
- Chuyện ấy để cô lo. Cô sẽ tìm cách nói chuyện với mẹ Hà Lan sau.
Tôi chẳng thắc mắc nữa, mà ngồi im.
Nỗi buồn cao như núi, kéo về án ngữ trái tim tôi. Nỗi buồn như dòng nhạc Ngô Thụy Miên chảy ngập lòng tôi:
Dù mai đây
Ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em
Em đang tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, cò ước nghìn lời
Có trách một đời
Cũng đã muộn rồi, tình ơi!
Dù sao, dù sao đi nữa
Xin vẫn yêu em...
Có phải niệm khúc cuối đấy không, mà sao Hà Lan xé nát tim tôi, tôi vẫn yêu nó vô bờ? Mà sao, dẫu trách nó một đời, trước hôm về thăm làng, tôi vẫn đến tìm nó? Tôi ngồi bên cạnh Hà Lan suốt một buổi chiều, an ủi nó bằng sự thinh lặng dịu dàng và chia sẻ. Tôi mong sự cảm thông của tôi sẽ giúp nó đỡ phần nào trống vắng. Tôi muốn làm ngọn thu phong biết mấy, để thổi tan bóng mây u ám đang bắt đầu sẫm màu trong mắt biếc kia! Dù sao, Hà Lan có biết không, dù sao đi nữa... Tôi buồn bã nói thầm, và chỉ có buổi chiều nghe thấy.
Hà Lan bảo tôi Dũng sẽ cưới nó. Dũng hứa như vậy. Tôi chẳng biết tôi có mong như vậy không, nhưng khi nghe tin đó, lòng tôi nhẹ nhõm.
17 tuổi với đứa con trong bụng, Hà Lan dại dột quá chừng. Dù sao, nếu Dũng chịu làm đám cưới, cuộc đời Hà Lan khỏi lâm vào cảnh dở dang. Tôi mừng cho nó. Dẫu rằng, ngày vui của nó hẳn sẽ để buồn cho tôi, buồn chết được!
Tôi ngậm ngùi hỏi:
- Chừng nào đám cưới?
Hà Lan đáp, nó nhìn xuống đất:
- Anh Dũng bảo đợi thi tú tài xong.
Hà Lan nói vậy, tôi biết vậy. Tôi không hỏi Dũng, sợ nó tự ái. Nó nổi khùng lên là hỏng chuyện. Trong thời gian đó, tôi cố tỏ ra dịu dàng với nó. Tôi làm như tôi không biết gì hết.
Với ba mẹ Hà Lan, lại khác. Hai người đã biết chuyện, tôi không thể giả ngây. Mỗi lần về làng, ghé chơi, lòng tôi nơm nớp. Ba Hà Lan chẳng nói gì. Vẫn như dạo nào, đôi mắt đẹp của ông thường xuyên hướng lên bầu trời, dõi theo những tia nắng và những đám mây. Ông nghĩ ngợi về thời tiết và mùa màng. Ông chẳng hỏi thăm về Hà Lan mộ tiếng nào nhưng tôi đọc thấy trong mắt ông nỗi buồn thăm thẳm. Ông buồn như đá, khắc khổ và thinh lặng. Đâu phải tự nhiên ông là người duy nhất trong dòng họ dành trọn đời mình cho làng núi Đo Đo. Tôi liếc ông, lòng bỗng dưng xao xuyến khôn cùng.
Cũng như chồng, mẹ Hà Lan ra vào lặng lẽ. Bát canh thiên lý tôi ăn đã chẳng còn ngon miệng. Chiếc mâm gỗ tròn nằm ngơ ngác giữa trưa im. Tôi ngồi xếp bằng trên phản, lóng ngóng, vụng về.
Bất giác, mẹ Hà Lan buột miệng nói:
- Hà Lan ra thành phố, chẳng quen biết ai. Cháu thân nhất, sao chẳng bảo nó?
Câu nói nửa than, nửa trách, buồn hiu hắt. Chẳng biết trả lời sao, tôi ngồi im ngó ra cửa. Trưa dội nắng xuống giàn hoa thiên lý, ánh lên màu lá biếc, và rụng xuống mặt sân những giọt vàng lốm đốm. Tôi chạnh nhớ đến trưa nào, tôi và Hà Lan ngồi chơi ô quan trước sân, trên vai áo cũng nắng vàng vương vãi, chẳng nghĩ dòng đời sẽ có những khúc sông quanh.
Trong khi tôi đang ngẩn ngơ với rộn ràng xưa cũ, mẹ Hà Lan chợt chép miệng nói:
- Nhưng bác chỉ nói vậy thôi, cháu làm sao bảo nó được! Bác bảo, nó còn chẳng nghe!
Rồi bà hạ giọng thì thầm, như nói với chính mình:
- Nó chẳng giống ông ấy! Nó rời làng như cây bật rễ, biết bám vào đâu! Rồi nó sẽ khổ suốt đời!
Câu nói như gió thoảng khiến tôi bất giác rùng mình. Và trong một thoáng, tôi bỗng nhớ đến bà tôi. Hồi còn sống, lần đầu tiên để ý đến Hà Lan, bà đã nói "đời nó sẽ khổ". Lúc đó, tôi chẳng buồn quan tâm đến sự tiên cảm của bà. Bây giờ tôi mới hiểu, cũng như tôi hiểu vì sao bà mong tôi cưới Hà Lan làm vợ. Tôi cưới Hà Lan, đời nó sẽ tránh được bao nhiêu chong gai rắc rối. Cưới nó, tô vừa là "rể" lại vừa là "rễ", tôi làm sợi dây nối nó với đất đai nguồn cội dẫu cuộc đời có thổi dạt nó đi đâu. Chẳng ai ngờ mọi chuyện lại xảy ra quá nhanh, sợi dây chưa kịp buộc vào đã đứt tung như đàn tôi 6 sợi. Nỗi mong mỏi của bà vùi xuống đất sâu.
Tôi vẫn lặng thinh ngồi nhìn ra sân nắng. Thấy tôi buông đũa ngừng ăn, mẹ Hà Lan cũng chẳng giục giã gì. Bà cũng nhìn ra sân, nhưng tôi chắc ánh mắt u hoài của bà chẳng trông thấy cỏ hoa cây lá ngoài kia. Nỗi buồn kín đáo và sức chịu đựng phi thường của bà khiến tôi xúc động và cảm phục vô cùng. Độ lượng, kiên nhẫn, dịu dàng, bà là người mẹ thương con và khổ vì con. Bà giống bà tôi, bề ngoài có vẻ chậm chạp, lẩm cẩm nhưng tâm hồn lại cực kỳ sâu sắc và nhân ái. Chỉ tiếc là Hà Lan không hiểu bà. Nó đã tự đánh mất một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Nó như chú chim non nóng lòng rời tổ, mải mê bay theo muôn tía nghìn hồng, không biết cuộc đời lắm kẻ giương cung.