Người tôi thương ở nhà bà cô. Cô Hà Lan là người chị cả trong dòng họ. Sau cô, đến ba Hà Lan, rồi mới đến ông chú chạy xe đò. Họ hàng bên nội của Hà Lan hầu hết đầu đi làm ăn xa, chỉ có ba Hà Lan là ở lại làng.
Chồng cô là thương gia cỡ lớn, chủ hãng sản xuất vỏ xe ô-tô. Nhưng hai vợ chồng lại không có con. Khi Hà Lan ra thành phố học, đến ở nhà cô, hai vợ chồng mừng như bắt được vàng.
Hà Lan ở nhà bà cô y như ở trên thiên đường. Đồ ăn, thức uống, áo quần, giày dép, kể cả tiền tiêu vặt, Hà Lan không thiếu một thứ gì. Bà cô chiều chuộng Hà Lan như chiều chuộng một thiên thần. Bạn Hà Lan cũng được cưng lây. Mỗi lần tôi đến chơi, cô đón tôi như đón khách quí. Cô dọn bánh biscuit mời tôi ăn. Cô mở tủ lạnh, khui Coca cola bắt tôi uống. Tôi xấu hổ chín người. Cô làm như tôi chết đói chết khát đến nơi.
Biết tôi ngượng, Hà Lan cầm bánh nhét vào tay tôi, dỗ như dỗ con nít:
- Ngạn ăn đi, đừng ngại!
Không phải tôi ngại, nhưng tôi cảm thấy không được tự nhiên. Căn phòng khách sang trọng này hình như không thích hợp với tôi. Tôi cảm thấy lúng túng và gò bó khi ngồi vào chiếc ghế bành to tướng. Tôi thích như ngày xưa hơn. Mỗi lần đến chơi nhà Hà Lan, chúng tôi thường ngồi bên nhau trên những khúc gỗ đặt dưới giàn thiên lý. Giữa khung cảnh đơn sơ mà gần gũi đó, chúng tôi trò chuyện với nhau thoải mái và thân mật biết bao. Còn ở đây, mọi chuyện đâm ra khác hẳn. Tôi nói năng cứ ngượng nghịu thế nào. Nhìn những chùm đèn lấp lánh treo lơ lửng trên trần nhà và những dãy tủ kính sang trọng kê dọc tường, tôi xụi lơ, hết muốn nói chuyện. Những câu chuyện mà tôi định nói, những câu chuyện về phiên chợ làng, về mùa thị chín, về những buổi chiều len lỏi trong rừng tìm bông dủ dẻ, tỏ ra chẳng thích hợp trong khung cảnh choáng lộn này một chút nào. Chúng trở nên lạc lỏng làm sao.
Những lúc như vậy, lòng nguội lạnh, tôi ăn qua loa vài miếng bánh rồi vội vã cáo từ. Cô Hà Lan đưa tôi ra đến tận cửa và dặn: "Ngày mai, cháu đến chơi nhé!". Tôi gật đầu, và ngày hôm sau tôi chẳng đến. Tôi thích gặp Hà Lan ở ngoài phố hơn.
Từ hồi lên lớp 10, tôi và Hà Lan không còn học chung trường như trước nữa. Hà Lan học trường Nữ, toàn con gái. Chiều chiều, sau giờ tan học, tôi thường đạp xe qua trường Hà Lan, đứng lóng ngóng trước cổng, đợi nó ra. Có cả khối đứa lởn vởn như tôi, mặt đứa nào đứa nấy lấm lét như kẻ trộm.
Trường Nữ giờ tan học là một kỳ quan đối với bọn con trai chúng tôi. Mãi về sau này, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh thơ mộng của những tà áo trắng lững lờ trôi ra khỏi cổng trường như một dòng sông nghi ngút sương mù. Dòng sông ảo ảnh đó đã một thời cuốn theo nó bao nhiêu mắt nhìn ngây ngất, những mối tình vẩn vơ và thầm lặng, đã sản sinh ra bao nhiêu thi sĩ và những kẻ viết tình ca nổi tiếng và vô danh của cuộc đời.
Tô chong mắt về phía cổng trường, dáo dác nhìn. Tìm Hà Lan giữa một biển áo trắng mênh mông chẳng khác nào tìm một hạt cát giữa đại dương. Nhưng bằng lòng kiên trì không mệt mỏi, cuối cùng bao giờ tôi cũng tìm ra hạt cát của tôi và bao giờ tôi cũng nhìn thấy nó trước khi nó nhìn thấy tôi. Và chỉ cần nó liếc tôi cười một cái, bao nhiêu mệt nhọc của tôi trong lúc chờ đợi bay biến đâu mất.
Tôi lẳng lặng đạp xe theo Hà Lan, cách một khoảng xa. Suốt một chặng đường dài, Hà Lan đạp xe lững thững phía trước, tôi đạp xe lẽo đẽo phía sau, y như 2 kẻ lạ. Chưa rời trường Nữ, tôi chưa dám tiến lên đi song song với Hà Lan. Học sinh trường Nữ tinh quái nổi tiếng. Tôi đã nghe tụi bạn cùng lớp kháo nhau đủ chuyện về học sinh trường này. Chuyện nào cũng động trời. Nào là tụi trường Nữ từng vác guốc đánh nhau với tụi nam sinh trường Hoàng Diệu. Chiếc guốc nào của tụi nó cũng đóng đinh lởm chởm, phang trúng là tét đầu. Đánh nhau một hồi, tụi Hoàng Diệu chạy vắt giò lên cổ. Nào là tụi nó từng nắm tay giăng hàng ngang trước cổng trường, chặn một đám lính biệt động quân lớ ngớ đi ngang qua đó, đòi tịch thu mấy chiếc mũ nâu làm... kỷ niệm. Trước bầy nữ quái dữ dằn này, mấy tay lính biệt động súng ống đầy mình nhũn như con chi chi, đành bỏ nón chạy lấy người. Tôi không biết hư thực ra sao nhưng nghe riết các mẫu giai thoại rùng rợn kiểu đó, tôi đâm ngán. Tụi bạn còn dọa: "Đứa nào vô phúc đi ngang trường Nữ một mình coi như đi vào... tử địa".
Tôi không muốn đi vào tử địa. Tôi chỉ đến đón Hà Lan vào những lúc đông người. Và trên đường về, đợi cho Hà Lan đi thật xa, đến lúc nó rẽ ngoặt vào góc phố, tôi mới dấn xe lên. Tôi không dám đuổi theo Hà Lan ngay còn vì một lẽ khác. Tôi sợ gặp cô Thịnh. Cô Thịnh học chung trường với Hà Lan, lớp 12. Cô đã bắt gặp tôi lang thang ở đây một lần. Lần đó, tôi giật bắn người khi đang đuổi theo Hà Lan bỗng nghe có tiếng gọi sau lưng:
- Ngạn ơi, đi đâu đó?
Tôi quay lại và nhận ra cô Thịnh. Tôi dừng xe, ấp úng đáp:
- Ngạn đi chơi.
Cô Thịnh nhìn tôi nửa tin nửa ngờ:
- Đi chơi mà đi một mình?
Tôi lúng túng chỉ tay về phía trước:
- Ngạn đi với thằng bạn cùng lớp. Nó chạy đằng kia kìa!
Cô Thịnh nhìn theo tay chỉ của tôi. Cô không biết trong đám con trai đang chạy xe giữa đường có đứa nào là bạn tôi không. Nhưng cô không hỏi, chỉ cười cười:
- Chứ không phải Ngạn đang chạy theo cô bé nào à?
Tôi đỏ mặt:
- Đâu có.
Tôi chối biến. Tôi không muốn cô Thịnh biết chuyện tình cảm của tôi với Hà Lan. Từ ngày nhận ra khoảng cách giữa cô và tôi, tôi không muốn tâm sự với cô nữa. Tôi thấy xấu hổ. Còn cô, sau lần đó cô cũng không bao giờ hỏi thăm về "cô bé" của tôi. Không hiểu cô đã biết gì chưa.
Lần đầu tiên tôi đến đón Hà Lan, khi thấy tôi cả tiếng sau mới đạp xe lên, Hà Lan ngạc nhiên hỏi:
- Ngạn hư xe à?
- Đâu có.
- Sao bây giờ Ngạn mới tới? Hà Lan thấy Ngạn từ nãy.
- Tôi sợ bạn của Hà Lan chọc.
- Tụi nó không chọc đâu.
Tôi liếm môi:
- Tôi không biết. Tôi nghe người ta nói học sinh trường Nữ ghê lắm.
- Ghê sao?
Tôi kể cho Hà Lan nghe những chuyện tôi nghe được về học sinh trường Nữ. Nghe xong, Hà Lan mỉm cười:
- Người ta bịa đó. Tụi bạn Hà Lan hiền thấy mồ.
Hà Lan nói, tôi tin ngay. Tôi chưa thấy học sinh trường Nữ giở trò gì ghê gớm, chỉ toàn nghe đồn. Tôi không tin ngôi trường dịu dàng mà cô Thịnh và Hà Lan đang theo học lại đầy rẫy nguy hiểm như tụi con trai hay kể. Dù vậy, mỗi lần đến đón Hà Lan, tôi vẫn đi tụt lại đằng sau nó suốt một chặng đường dài. Tôi quen như vậy. Tôi sợ cô Thịnh nhìn thấy.
Thường, tôi đưa Hà Lan về tận nhà. Nhưng tôi không vào. Tôi ngồi trên xe cười với Hà Lan và đợi cho nó đi khuất sau cánh cửa, tôi mới lững thững đạp xe đi.
Hà Lan ít về làng, dù chú nó chạy xe trên tuyến đường nói liền thành phố và huyện lị. Mỗi lần tô rủ, nó đều bảo bận ở lại học thêm. Hà Lan có đi học thêm thật, nhưng có phải vì vậy mà nó không có thì giờ về thăm làng hay không thì tôi chẳng rõ. Không có Hà Lan, tôi về làng một mình. Tháng nào tôi cũng về. Tôi ngồi trên xe đò ngủ gà ngủ gật. Hơn nửa ngày trời, xe mới về đến huyện. Từ huyện, tôi đạp xe về làng, trên con đường năm nào tôi và Hà Lan vẫn thường đi bên nhau những chiều thứ 7. Con đường cũ chẳng có gì thay đổi, chạy dọc 2 ven đường vẫn những cây bông gòn cao vút, những cây keo tay nơi trú ẩn của những con cánh quýt tuyệt đẹp, những cây sầu đông xơ xác và những hàng rào dâm bụt đỏ chói. Xa hơn nữa là những cánh đồng rập rờn sóng lúa, màu xanh trải dài đến tận lũy tre xa.
Cảnh vật vẫn thế, chỉ khác là chiều nay, trên đường về dằng dặc chỉ có mình tôi lặng lẽ đạp xe đi.
Đi ngang rừng Sim, tôi không ghé, dù tim tôi đập từng hồi rộn rã. Tôi sợ kỷ niệm níu chân tôi. Tôi sợ ngồi một mình giữa rừng Sim, lòng tôi sẽ ngập đầy lá rụng.
Hôm đầu tiên về làng, tôi ngạc nhiên thấy làng tôi khang khác. Mọi vật vẫn ở nguyên chỗ cũ nhưng khoảng cách giữa chúng dường như có ai đó đã thu ngắn lại. Tôi đi từ giếng Cây Duối về chợ Đo Đo, thấy đoạn đường sao mà ngắn ngủi, một chớp mắt đã tới nơi. Khoảng cách giữa chợ Đo Đo và nhà tôi cũng vậy, gần nhau đến buồn cười. Tôi nhìn vào chợ, thấy chợ bé đi nhiều. Cây bàng già không còn cao ghê gờm như tô hằng tưởng. Mới đi khỏi làng có mấy tháng, khi trở về tôi như người khổng lồ trong câu truyện ngày xưa của bà kể. Nếu bà còn sống, hẳn tôi sẽ hỏi: "Bà ơi, ai đã thu nhỏ làng mình lại hở bà?". Hẳn là bà sẽ đáp: "Không ai cả, cháu ạ. Tại vì cháu lớn lên đó thôi. Khi lớn lên, người ta thường thấy mọi thứ dường như bé đi!". Nhưng bà tôi đã không còn để tôi hỏi và nghe bà âu yếm trả lời. Tôi chỉ nghe thấy cuộc trò chuyện kia trong trí tưởng tượng của tôi thôi.
Mỗi lần về làng, tôi chỉ ở chơi được 2 ngày. Tôi dành một ngày để đi thăm thầy cô và bạn bè thuở nhỏ. Thầy Cải đã nghĩ dạy hẳn. Thầy ở nhà đi câu và ng bằng nghề đan giỏ. Cô Thung vẫn dạy lớp 3 và vẫn còn than khát nước giữa giờ học. Lớp vỡ lòng của thầy Phu vẫn đông học trò và vẫn giống bọn tôi hồi trước, lũ nhóc sau này bị thầy phạt nhảy cóc phờ người. Đến trường thăm thầy Phu, ngoái nhìn về cuối lớp, chỗ ngày xưa tôi và Hà Lan ngồi học cạnh nhau, lòng tôi không khỏi bâng khuâng tiếc nhớ.
Tôi đứng trước cổng vườn ông Cửu Hoành, bồi hồi nhìn cây thị năm nào. Cây thị vẫn như xưa, nó chẳng chịu già đi dù dưới gốc cây ngập đầy lá rụng. Những trái thị vàng nằm lẫn trong đám lá chắc đã bị bọn học trò trường thầy Phu nhặt hết đi rồi. Lát nữa đây, sau giờ học, hẳn sẽ có đứa dán những mảnh vỏ thị lên bàn để tưởng tượng đó là hoa quì hoa cúc. Hệt như tôi hồi nhỏ. Lòng xao xuyến, tôi bứt một chiếc hoa lồng đèn cạnh hàng rào, ngậm trên môi và rảo bước về nhà.
Bao giờ về làng, tôi cũng đến chơi nhà Hà Lan, có khi tôi ở đó trọn ngày. Tôi lôi khoai lang trong góc nhà ra, lùi vào bếp trấu và trong khi chờ khoai chín, tôi leo lên võng nằm đọc sách. Mùi khoai chín dễ biết, thơm nức mũi. Nhưng lắm khi nằm đu đưa trên võng, gió ngoài hè thổi vào mát rượi, tôi ngủ khì. Khi giật mình thức dậy, khoai đã cháy khét lẹt.
Mẹ Hà Lan vẫn đãi tôi món canh nấu bằng hoa thiên lý. Canh ngon, mà sao tôi nt không trôi. Nhìn tô canh quen thuộc, bỗng dưng tô nhớ Hà Lan quá chừng. Nỗi nhớ khiến cổ tôi như nghẹn lại. Tôi vừa uể oải và cơm vừa trả lời những câu hỏi của mẹ Hà Lan. Bao giờ bà cũng trò chuyện trong bữa ăn. Bà thích như vậy. Nhưng lần này mẹ Hà Lan không kể về chuyện ông tôi đã cứu bà như thế nào nữa. Mà bà hỏi:
- Sao cháu không rủ Hà Lan về chơi?
Giọng bà buồn buồn. Tôi không dám nói là tô có rủ nhưng Hà Lan không về. Tôi chỉ đáp:
- Hà Lan bận học thêm, bác ạ!
Mẹ Hà Lan nhìn tôi:
- Còn cháu thì sao? Cháu không bận học thêm à?
Câu hỏi có vẻ gì trách móc khiến tôi bối rối. Tôi đáp, giọng lúng túng:
- Cháu cũng có học. Nhưng cháu học ngày khác.
Mẹ Hà Lan không hỏi nữa. Bà nhìn ra ngoài sân nắng, vẻ xa vời. Tôi thầm hỏi bà đang nghĩ ngợi điều gì. Bà có nhớ Hà Lan như tôi đang nhớ hay không.