Thứ ba, 27/5/2003, 08:39 GMT+7
Bản du ca cuối cùng... (phần 18)
Erich Maria Remarque
Steiner sửa soạn hành trang. Anh ta định đi Pháp. Aùo quốc càng ngày càng trở nên nguy hiểm. Ngoài ra khu Parter và các gian hành hội chợ của lão Potzloch cũng sắp sửa dọn dẹp để nghĩ mùa đông.
Potzloch siết tay Steiner:
- Chúng ta đều là những kẻ giang hồ, quá quen với các cuộc chia tay. Rồi lại sẽ gặp nhau ở một góc trời nào đó.
- Đúng vậy. Chúc ông một mùa đông hạnh phúc.
Potzloch nheo mắt đăm chiêu:
- Anh biết không, tất cả đều do thói quen. Khi đã nhìn thấy quá nhiều người đi và tới, mình đâm ra quen. Thật mà, tất cả rồi cũng trở thành thói quen thôi. Ngay cả cái mà người ta gọi là sự ngây ngất.
- Và cũng như chiến tranh. Cũng như sự đau khổ và chết chóc. Tôi biết có một người lần lượt chôn bốn người vợ trong vòng mười năm. Ông ta lấy bà cợ thứ năm. Bà nầy cũng đang sắp chết. Ông biết tôi đang sắp nói gì không? Ông ta đang kiếm bà thứ sáu. Cũng là thói quen. Tất cả chỉ trừ cái chết của chính mình.
Potzloch khoát tay như để xua đuổi cái ý nhgĩ đó đi:
- Nhưng chẳng ai chịu hiểu như vậy. Nếu họ hiểu thì làm gì có chiến tranh. Người nào cũng tin là mình thoát. Có đúng không?
Steiner gật đầu hứng thú:
- Thôi, xin tạm biệt.
- Tạm biệt.
Pozloch phóng nhanh như gió.
Steiner tới căn nhà di động bằng bánh xe. Lá khô gẫy vụn dưới bước chân. Đêm trải dài, yên tĩnh và vô hồn, trên khu rừng. Tiếng búa vang lên từ gian hàng bắn bia, một vài ngọn đèn đong đưa trên kỵ mã trường đã tháo gỡ hơn một nửa.
Steiner tới gặp Lilo để chia tay. Nàng vẫn ở lại Vienne. Giấy tờ nàng chỉ có hiệu lực trên đất Aùo. Nàng cũng không thể theo Steiner nếu hoàn cảnh cho phép. Họ chỉ làø một đôi bạn của sự tình cờ mà trạng thái bất quyết của thời gian đã đưa họ tới gặp nhau. Cả hai đều hiểu như thế.
Lilo đang ở trong gian nhà lăn, lo dọn ăn. Steiner vừa bước vào, nàng quay lại:
- Có thơ của anh.
Steiner lấy tơ, nhìn con dấu:
- Thụy Sĩ. Đúng là của thằng bé chúng mình – hắn xé bao, đọc qua – Ruth vào nhà thương.
- Bịnh gì?
- Sưng phổi. Không nặng lắm. Cả hai ở Morat. Thằng bé ra hiệu bằng ánh sáng, ban đêm, trước bịnh viện. Chắc tôi sẽ gặp chúng trên đường đi ngang Thụy Sĩ.
Steiner bỏ thơ vào túi áo trong:
- Hy vọng là chúng nó có cách gặp lại nhau.
- Kern biết mà. Cậu ấy khôn lắm rồi.
- Phải, nhưng mà…
Steiner muốn giải thích điểm khó khăn cho Kern là Ruth sẽ bị đưa tới biên giới ngay khi ra khỏi bịnh viện. Nhưng sực nhớ đây là đêm cuối cùng của mình với Lilo, anh không muốn đề cập tới trường hợp trùng phùng của người khác.
Anh tới cửa sổ nhìn ra. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn khí đá, các công nhân đang tháo gỡ những con thiên nga, hươu cao cổ và ngựa gỗ cho vào bao. Những con thú giả ấy, con nằm, con đứng, con ngã ngang dường như một quả bom đã nổ tung và tàn phá khu vực thần tiên đó.
Lilo gọi:
- Xong rồi. Tôi có làm món pirogui cho anh.
Steiner quay lại:
- Pirogui? Với bọn du mục chúng mình thì một bữa ăn chung cũng đủ tạo được không khí gia đình.
- Còn có một thứ khác mà anh không hiểu… Anh không hiểu vì anh không thể khóc được. Đó là nỗi buồn chung.
- Hiểu chớ. Nhưng chúng mình lúc nào cũng buồn đâu, Lilo.
- Không. Anh không hiểu đâu. Hoặc anh dửng dưng, hoặc anh cười hay có được cái mà người ta gọi là cản đảm.
- Nhưng em muốn nói cái gì?
- Cái sợ biểu lộ tình cảm. Sợ phải khóc. Sợ không được làm một người đàn ông thật sự. Ở Nga, đàn ông cũng khóc nhưng họ vẫn cứ can đảm. Anh thì chẳng bao giờ khóc.
- Không.
- Vậy anh muốn gì?
- Không hiểu mà cũng không muốn hiểu.
Lilo nhìn sững Steiner:
- Thôi lại ăn. Tôi sẽ gói theo cho anh bánh mì và muối, như ở Nga, và tôi sẽ cầu nguyện bình an cho anh trước khi lên đường. Có lẽ anh sẽ cười.
- Không.
Nàng đặt dĩa pirogui lên bàn. Steiner bảo:
- Ngồi cạnh tôi đi, Lilo.
Nàng lắc đầu:
- Đêm nay anh ăn một mình. Tôi đứng hầu anh trọn bữa. Đây là bữa ăn chót của anh bên tôi.
Lilo đứng đó, trao bánh mì, thịt và dưa chua cho Steiner. Nàng nhìn Steiner ăn và lẳng lặng pha trà. Nàng đi qua đi lại trong gian nhà lăn với sự mềm mại của loài beo quá quen với một căn chuồng chật hẹp. Bàn tay thon và rám nắng của nàng thái thịt nhẹ nhàng, mặt trầm lặng vừa niềm nở, vừa kín đáo. Tự nhiên, Steiner tưởng như đang nhìn một khuôn mặt ở Thánh kinh.
Anh đứng lên thu dọn hàng trang. Cái túi đeo lưng không còn dùng nữa từ ngày có được thẻ thông hành dân Aùo. Bây giờ, xách vali, Steiner bước xuống đặt vali trên đất rồi quay trở lại.
Lilo đang đứng ở bàn ăn. Một tay chống lên bàn, nàng im lặng nhìn vào khỏang không trước mắt dường như chẳng thấy bất cứ gì. Steiner tới sát bên:
- Lilo…
Nàng từ từ quay lại. Mắt họ gặp nhau. Steiner thấp giọng:
- Khó đi quá, lilo.
Nàng quàng một tay qua cổ Stiener:
- Anh đi rồi tôi hoàn toàn cô độc.
- Em định đi đâu?
- Chưa biết.
- Em cứ ở lại Aùo. Dầu cho người Đức tới em vẫn an toàn.
- Vâng.
Nàng nhìn thật lâu vào mắt người bạn giang hồ. Mắt nàng sâu thẳm và ngời chiếu.
- Tiếc quá, Lilo.
- Tiếc quá…
- Em có hiểu tại sao không?
- Tôi hiểu và anh cũng hiểu điều gì tôi đã hiểu.
Họ vẫn chưa rời mắt nhau.
- Kể cũng lạ, giữa chúng mình chỉ có một thời gian ngắn. Vậy mà chẳng biết bao nhiêu chuyện đã được dung chứa.
Lilo trả lời, giọng ngọt ngào:
- Tất cả thời gian và tất cả cuộc sống.
Nàng ôm lấy đầu Steiner và nói vài tiếng Nga rồi trao cho anh một khúc bánh mì và một chút muối:
- Đi khỏi đây, anh nên ăn những thứ nầy. Như thế anh sẽ không vất vả tìm món ăn khi ở xứ lạ. Thôi đi đi.
Steiner muốn hôn nàng nhưng lại thôi. Giọng Lilo trở nên thì thầm:
- Anh đi đi…
Steiner đi xuyên qua khu rừng. Được một lúc anh nhìn ngoái lại. Khu hội chợ chìm trong đêm. Tất cả chỉ là một khối khổng lồ, đen ngòm trong đó có một vuông cửa xa xa còn ánh sáng và một bóng nhỏ đứng lặng im không vẫy tay từ giã.
Đúng mười lăm hôm, Kern lại được dẫn ra Tòa án địa phương. Con người to béo với khuôn mặt phúc hậu nói với anh:
- Rất tiếc là tôi phải báo cho anh một tin buồn.
Kern giựt mình. Có lẽ họ kêu án bốn tuần. Cũng không sao nếu trong thời gian đó bác sĩ Beer còn giữ được Ruth ở bệnh viện.
- Bản thỉnh cầu gửi đến cấp trên đã bị bác bỏ. Anh đã ở quá lâu tại Thụy Sĩ. Ngoài ra còn vụ tháo chạy hôm bị bắt lần đầu tiên. Anh bị kêu án mười lăm ngày tù.
- Dạ, thêm mười lăm ngày nữa?
- Tất cả mười lăm ngày kể cả thời gian tạm giam.
Kern thở phào nhẹ người:
- Như vậy là tôi được thả hôm nay?
- Phải. Nhưng có điều đáng buồn là anh bị kết án tù.
- Không sao. Tôi sẽ quen đi.
- Tôi chỉ mong lý lịch tư pháp của anh được trắng nhưng không có thẩm quyền.
- Chừng nào thì bị trục xuất?
- Hôm nay, qua Bâle.
- Qua Bâle? Ở Đức?
Kern nhìn vội chung quanh. Anh muốn phóng mình qua cửa sổ và chạy trốn. Cửa sổ đang mở rộng và căn phòng ông Chánh án nằm ngay tầng dưới. Bên ngoài, nắng chói chang. Bên ngoài, những cành táo đang lay động, phía sau đó là một bờ rào thấp có thể dễ dàng nhảy qua…
Ông Chánh án lắc đầu:
- Anh sẽ bị đưa qua Pháp chớ không phải Đức. Bâle vừa là biên giới Đức vừa là biên giới Pháp của chúng tôi.
- Tôi có thể xin được giải trả về Genève phải không?
- Phải. Bâle là nơi gần nhứt. Đó là chỉ thị của cấp trên.
Kern lo ngại:
- Có chắc là người ta sẽ đưa tới biên giới Pháp không?
- Không thể sai chạy.
- Có khi nào những người bị bắt không giấy tờ bị gởi trả về Đức?
- Theo tôi biết thì không. Thỉnh thoảng có một vài vụ nhưng chỉ xảy ra ở các thị trấn biên giới.
- Như vậy, nếu một phụ nữ bị bắt chắc không bao giờ bị giải trả về Đức?
- Không bao giờ. Anh muốn biết để làm gì?
- Thưa, cũng chẳng có gì đặc biệt. Thỉnh thoảng tôi có gặp một vài phụ nữ trên đường, chẳng có giấy tờ gì cả. Chẳng biết họ sẽ ra sao.
Ông Chánh án đưa cho Kern xem một mảnh giấy:
- Đây, lịnh trục xuất. Anh đã tin là sẽ được giải qua đất Pháp rồi chớ?
Kern liếc mắt qua:
- Vâng.
- Hai giờ nữa sẽ có chuyến xe.
- Nhứt định là tôi sẽ không có quyền đi Genève.
- Nhứt định. Giá vé đã đắt mà những người tị nạn lại tới dồn dập nên ngân quỹ thiệt hại không phải ít.
- Đặt trường hợp là tôi chịu bỏ tiền vé xe?
- Có thể. Anh muốn thế à?
- Thưa không. Tôi chỉ hỏi thế thôi chứ không đủ tiền.
- Nói cho anh biết, đáng lý ra anh phải trả tiền xe đi tới Bâle nhưng tôi đã gạt vấn đề đó ra – ông ta đứng lên – rán giữ sức khỏe. Chúc anh được an toàn ở Pháp. Và cầu mong tình thế sẽ thay đổi.
- Cám ơn ông Chánh án. Chúng tôi chỉ còn hy vọng duy nhứt đó thôi, nếu không chắc là đã tự vận từ lâu.
Kern chẳng còn cách nào để liên lạc với Ruth. Đêm qua, Beer có tới thăm và cho biết Ruth còn phải nằm bệnh viện tám ngày nữa. Anh quyết định sẽ viết cho Ruth ngay khi tới biên giới Pháp. Anh đã biết điều cần yếu: Ruth sẽ không bị đuổi trở lại Đức nếu có đủ tiền trả chuyến đi tới Genève.
Đúng hai giờ sau, một nhân viên an ninh mặc thường phục tới và dẫn anh ra nhà ga. Đêm qua, Beer có mang tới cho anh chiếc vali còn để lại ở vựa chứa rơm của ông lão chăn cừu.
Hai người đi qua một quán nhỏ. Có hai người gần cửa sổ vừa hát vừa khiêu vũ, tay người nầy đặt lên vai người kia.
Viên chức Cảnh sát dừng lại. một trong hai người đang hát nhìn ra, hỏi:
- Đi đâu mất vậy Max? anh em chờ quá.
Người áp giải Kern đáp:
- Đang làm phận sự.
Anh chàng có giọng kim nhìn Kern:
- Xui quá vậy! Vậy là ban hòa ca bốn giọng của mình đêm nay kể như hỏng.
- Không sao, tôi sẽ quay lại trong hai mươi phút.
Kern và viên chức Cảnh sát mặc thường phục tiếp tục đi. Kern hỏi:
- Ông không cùng đi với tôi đến biên giới?
- Không. Chúng tôi áp dụng một phương sách mới.
Tới nhà ga, viên Cảnh sát trao Kern cho người trưởng ga kèm theo lịnh trục xuất:
- Đây, tôi hết phận sự rồi – ông ta bỗng trở nên lịch sự khi nói với Kern – chúc cậu thượng lộ bình an.
Người trưởng xa dẫn Kern tới một toa nhỏ ngay trước buồng thắng máy và bảo:
- Lên đây đi.
Toa xe nhỏ hẹp chỉ có một cái ghế gỗ. Kern đẩy vali vào gầm ghế. Người trưởng xa khóa cửa bên ngoài.
- Tới Bâle, sẽ có người mở cửa.
Vài phút sau, đoàn tàu chuyển bánh.
Kern nhìn ra bên ngoài. Trời tối với từng cơn gió mạnh tạo thành một không khí âm u, xa lạ. Tự nhiên, Kern nghe chán nản tận cùng.
Còn tiếp