Thứ bảy, 24/5/2003, 08:23 GMT+7
Bản du ca cuối cùng... (phần 15)
Erich Maria Remarque
Hai ngày sau. Binder từ Zurich tới, bình thản, bảnh bao và đầy tự tin. Hắn hỏi Kern:
- Mạnh khoẻ chớ? Làm ăn ra sao?
Kern thuật lại cuộc gặp gỡ với ông Cố vấn Oppenhim. Binder chăm chú nghe. Hắn cười khi nghe Kern kể tới đoạn nhờ lão ta can thiệp cho mình ở lại.
- Đó là cái lầm lẫn chính yếu của anh. Tôi chưa hề thấy một người nào hèn cỡ lão ta. Rồi anh xem, tôi đã có cách trừng phạt lão…
Binder đi cho tới tối mới trở về với tờ giấy bạc hai chục quan trên tay. Kern nhìn nhận:
- Tôi phục anh sát đất.
Binder nhún vai:
- Cũng chẳng đẹp đẽ gì. Đồng tiền cướp mất của con người nhiều tánh tốt.
- Nhưng không có tiền thì lại cũng vậy.
- Rất đúng nhưng rất ít. Tôi đã làm cho lão ta điếng hồn về các tin tức khủng khiếp ở Đức. Lão cho là vì sợ. Lão muốn bảo đảm số mạng bằng cách ra điều mình có lương tâm. Tôi có ghi chú cho anh không?
- Không. Anh ghi: Chỉ cho khi nào bị bắt buộc.
- Cũng vậy thôi. Biết đâu rồi một ngày nào đó, lão Oppenheim sẽ chẳng là bạn đồng hành của mình trong cuộc sống lưu vong.
Kern cười:
- Dễ gì. Lão ta luôn luôn có lối thoát. À, anh đến Lucerne có chuyện gì không?
- Zurich dạo nầy quá nguy hiểm. Cảnh sát theo bén gót – mặt hắn thoáng nét buồn – với lại tôi cũng cần tới để xem có thư từ Đức gởi sang không.
- Của cha mẹ?
- Của mẹ tôi.
Kern lặng thinh. Anh nhớ tới mẹ mình. Thỉnh thoảng anh vẫn viết thơ cho mẹ. Nhưng anh không nhận được thơ trả lời vì không thể ở một chỗ.
Đột nhiên, Binder hỏi:
- Anh có thích bánh ngọt không?
- Thích chớ. Anh có hả ?
- Có. Đợi tôi một chút.
Binder trở lại với một hộp giấy bên trong có một cái bánh lớn trong giấy bóng.
- Mới vừa gởi tới hôm nay.
Kern bảo:
- Anh ăn đi chớ. Của mẹ anh làm cho anh mà.
- Phải, chính mẹ tôi làm. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà tôi không thề ăn, dầu chỉ ăn một miếng nhỏ.
- Tôi không hiểu gì cả. Nếu mẹ tôi gởi bánh cho tôi thì phải biết! Tôi ăn nhín cả tháng. Cứ mỗi đêm tôi ăn một miếng.
Binder nhăn mặt:
- Anh không hiểu. Mẹ tôi không phải gởi cho tôi mà là cho em tôi.
Kern tròn mắt:
- Nhưng anh bảo là em anh đã chết rồi mà.
- Đúng vậy. Nhưng mẹ tôi không biết.
- Sao vậy?
- Tôi không dám nói cho mẹ tôi biết. Bà có thể chết nếu được tin. Bà thương nó nhứt nhà, tôi thì chẳng được một góc nào cả. Chính là được cưng thái quá mà nó không chịu đựng nổi cảnh khổ.
Với một cử chỉ tức tối, hắn ném tờ bạc cửa Oppenheim xuống đất.
Kern lượm lên để trên bàn. Binder ngồi xuống ghế, rút thuốc ra hút. Hắn lấy ra một bức thơ:
- Đây là bức thơ gởi tới cùng một lượt với hộp bánh. Anh đọc đi rồi mới thấy tình cảnh bi đát của tôi.
Thơ viết trên giấy màu xanh lợt. Nét chữ tròn và nghiên như chữ của một cô gái:” Leopold của mẹ. Mẹ được thơ con hôm qua. Mẹ vui mừng đến nỗi phải ngồi yên một lúc lâu mới bình tĩnh lại. Mẹ xé bao thơ ra và đọc. Tim mẹ dạo nầy càng yếu hơn. Mẹ rất vui khi được tin con tìm được việc làm. Đừng lo quá về chuyện chẳng kiếm được bao nhiêu. Nếu con tận tuỵ với công việc thì đâu sẽ vào đó. Có thể sau nầy con phải tiếp tục học. Leopold nhớ nhắc nhở George. Nó nóng nẩy và vô tâm. Có con bên nó, mẹ cũng yên lòng phần nào. Sáng nay mẹ làm thứ bánh mà con ưa nhứt. Mẹ muốn làm bánh vương miện Francfort nhưng sợ đi đường nó sẽ hư mất. Hễ lúc nào rảnh thì viết cho mẹ. Sao không gởi cho mẹ một tấm ảnh của con? Mẹ mong gia đình mình sớm đoàn tụ. Mẹ của con. Nhớ nói mẹ thăm thằng George”.
Kern để lá thơ xuống. Anh không dám trả lời thẳng cho Binder.
Nhìn Kern với đôi mắt thần, Binder hỏi:
- Anh thấy chưa? Làm sao tôi có được tấm ảnh của nó?
- Mẹ anh có nhận được thơ của Leopold không?
Binder lắc đầu:
- Nó tự ngắm vào đầu năm ngoái. Từ đó, tôi phải viết thế nó, cách vài tuần một lần. Tôi bắt chước nét chữ của em tôi, phải cố nhái cho thật giống. Khổ quá!
Hắn nhìn Kern như van lơn:
- Anh thấy thế nào?
- Đành như vậy.
- Sáu mươi tuổi. Sáu mươi tuổi và bịnh đau tim. Chắc mẹ tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi sẽ cố làm cho mẹ tôi không biết gì cả. Tự sát, mẹ tôi không thể nào chấp nhận một chuyện như thế.
Binder đứng lên:
- Bây giờ, tôi lại phải viết thơ thay nó. Nhưng còn tấm hình, biết làm sao đây?
Hắn lấy bức thư trên bàn:
- Anh ăn bánh dùm tôi đi. Nếu anh không thích thì cho Ruth. Đừng nói gì với cô ấy cả.
Kern do dự:
- Bánh ngon quá. Tôi chỉ muốn được ăn một miếng nhỏ…
Binder lấy con dao nhỏ trong túi ra, xẻ lấy một mảnh nhỏ bỏ vào bao thơ. Mặt hắn sa sầm:
- Anh biết không, thằng em tôi không bao giờ nó thương mẹ tôi cả. Nhưng tôi… kể cũng lạ, phải không?
Hắn đi sang phòng bên kia.
Mười một giờ đêm, Ruth và Kern còn ngồi trong sân. Binder từ trên đi xuống. Hắn đã lấy lại vẻ nhàn nhã, sang trọng như chẳng có gì xẩy ra. Hắn nói với Kern:
- Mình đi dạo một lúc đi. Tôi không tài nào ngủ được mà cũng sợ phải sống một mình. Đằng nầy có chỗ giải khát hoàn toàn an ninh.
Kern nhìn Ruth:
- Em có mệt không?
Ruth lắc đầu. Binder nài ép:
- Vậy thì cùng đi cho tôi vui. Chỉ mất một tiếng đồng hồ thôi.
Hắn đưa hai người tới một quán nước có khiêu vũ. Ruth nhìn thoáng qua, hơi ngại:
- Sang quá, không hợp với bọn mình.
Binder trả lời giọng chua chát:
- Họ lập quán là để tiếp đón bọn lảng du như bọn mình đó chớ. Nhìn kỹ thì cũng chẳng có gì đáng gọi là sang. Chỉ được một việc là Cảnh sát không để ý tới. Và rượu cognac không đắt như mấy nơi kia. Nhạc ở đây khá lắm. Vào đi, tôi mời mà.
Họ gọi thức uống sau khi tìm ra chỗ ngồi. Binder nâng ly:
- Buồn làm quái gì! Hãy vui lên! Cuộc sống quá ngắn ngủi và sự kiện vui hay buồn cũng chẳng thay đổi được gì.
Kern cũng nâng ly:
- Đúng lắm. Mình cứ tưởng như là công dân Thụy Sĩ, có nhà ở Zurich và tới Lucerne du ngoạn.
Ruth cười với Kern. Bindere nói thêm vào:
- Hay cứ kể như là những nhà du lịch sang giàu.
Hắn uống cạn ly và gọi ly khác rồi hỏi Kern:
- Thêm một ly nữa chớ?
- Từ từ thôi.
- Uống đi. Để hăng hái mà. Một ly nữa. Kern.
- Cũng được.
Cả ba ngồi nhìn người ta khiêu vũ. Khách lớn khách đều cùng một trạc tuổi với họ. Thế nhưng, họ ngồi đó như những đứa trẻ lạc loài. Có lẽ đó không phải là nỗi buồn mất quê hương mà chỉ là thiếu nguồn hứng khởi trước một cuộc sống chẳng hy vọng, không tương lai. Kern chợt nhận ra cơn buồn trầm mặc đó. Anh nhắc nhở:
- Cái gì vậy? Mình mới bảo là phải vui mà.
Anh hỏi Ruth:
- Em thấy thế nào?
- Tạm được.
Căn phòng tối sầm lại. Aùnh đèn rọi nhiều màu quét trên sàn nhảy, rồi một nữ vũ công xinh xắn bắt đầu nhảy múa. Binder vỗ tay:
- Tuyệt diệu.
- Nhạc hay quá.
Họ bắt đầu cảm thấy yêu sống nhưng trong niềm vui bất chợt đó có pha lẫn mùi vị như bụi như tro.
Binder hỏi:
- Sao hai người không nhảy ?
- Em chắc không biết nhảy đâu.
- Anh cũng không rành, vậy càng tiện.
Ruth ngập ngừng vài phút rồi cùng Kern ra sàn nhảy. Aùnh đèn nhiều màu chiếu qua những cặp khiêu vũ.
Cả hai thoạt đầu hơi ngượng nghịu nhưng lần đầu lấy lại bình tĩnh, nhất là khi thấy chẳng ai để ý tới mình. Kern thì thào:
- Được nhảy với em là cả một thích thú. Mỗi ngày anh khám phá thêm nhiều mới lạ về em. Em đã thay đổi và làm đẹp được những gì ở chung quanh.
Bàn tay của Ruth áp sát vào tai Kern. Họ bước chập theo nhạc điệu. Aùnh đèn màu đổ lên người họ từng đợt sáng óng ánh và chỉ trong khoảnh khắc họ quên tất cả.
Nhạc ngừng, họ trở về bàn. Kern nhìn Ruth. Mắt nàng ngời chiếu niềm vui. Kern nghĩ “ước gì người ta có thể sống như ý muốn”. Ý nghĩ đó bỗng khiến Kern chán chường hơn.
Binder thúc nhẹ khuỷu tay vào người Kern:
- Lão ta kìa!
Lão Cố vấn thương mãi Oppenheim đang đi ra cửa. Tới chỗ bàn họ, lão ta dừng sững lại, trố mắt:
- Lý thú chưa! Những con người có học!
Không cần ai trả lời.
- Thì ra người ta làm phước để được trả ơn trước mắt!
Binder thản nhiên đáp:
- Một chút khuây lãng đôi lúc còn cần thiết hơn một bữa ăn, thưa ngài Cố vấn.
- Toàn là nói cho trôi. Những người trẻ không nên có mặt những nơi nầy.
- Và cũng không nên dấn bước đường xa.
Kern nói với Ruth:
- Để anh nói rõ cho nghe. Cái ông đứng trước chúng ta đây là ngài Cố vấn thương mãi Oppenheim. Ông ấy mua của anh một cục xà bông và anh lời được bốn mươi xu.
Oppenheim sửng sốt nhìn Kern. Lão nói lầm thầm gì đó rồi bỏ đi. Ruth đứng dậy:
- Coi chừng ông ta kêu Cảnh sát. Mình nên về là hơn.
- Lão ta hèn lắm. Đừng lo. Lão sợ dây dưa tới lão.
- Nhưng mình cũng nên về cho rồi.
- Cũng được.
Binder trả tiền. Cả ba trở về nhà trọ. Gần tới nhà ga, hai người đang từ đầu kia đi lại. Binder bảo nhỏ:
- Coi chừng nhân viên an ninh. Cứ tự nhiên.
Kern huýt sáo nho nhỏ, nắm lấy tay Ruth và bước khoan thai. Anh cảm thấy là Ruth muốn bước mau. Anh kéo tay Ruth lại và cười cợt làm ra vẻ ăn chơi.
Hai người kia đi ngược ngang qua. Một người đội nón nỉ, miệng ngậm xì gà… một người là cựu giảng sư Vogt. Ông ta nhận ra họ và nháy mắt ra hiệu với tất cả sầu thảm.
Được một lúc, Kern quay nhìn lại. Họ đã khuất bóng.
Binder luôn luôn thành thạo:
- Họ đi về hướng Bâle. Xe chạy về biên giới đúng mười hai giờ mười lăm.
Kern thở dài:
- Rủi cho ông ta là gặp phải một ông tòa quá nhân đạo.
Họ tiếp tục đi. Ruth rùng mình:
- Tình trạng ở đây đột nhiên trở nên đe doạ.
Binder bảo:
- Sang Pháp đi. Tới Ba Lê. Ở một thành phố lớn dễ chịu hơn.
- Sao anh không đi?
- Tôi không biết một tiếng Pháp nào cả. Ở Thụy Sĩ tôi quen hơn. Vả lại…
Hắn không nói nữa. Cả ba đi trong im lặng. Một đợt gió từ mặt hồ đổ lên. Trên đầu họ, vòm trời màu xám thép, bao la và xa lạ.
Kern và Ruth tới Berne. Họ nhà ở trọ Immegrun tìm ra nhờ địa chỉ của Binder. Đây là loại nhà trọ có thể ở không cần khai báo trong hai hôm.
Đêm thứ nhì, có tiếng gõ cửa ở phòng Kern. Anh đã thay đồ và sửa soạn lên giường. Kern dừng sững, bất động… đợi chờ. Rồi không một tiếng động, anh nhón gót chạy tới cửa sổ. Không có lối thoát vì lầu quá cao. Anh từ từ quay lại và ra mở cửa.
Một thanh niên khoảng ba mươi tuổi đang đứng đó. Anh ta cao hơn Kern một cái đầu, mặt bầu bĩnh, mắt xanh ướt, tóc quăn màu vàng hoe ngã trắng. Anh ta xoay xoay cái nón cũ trên tay:
- Xin lỗi, tôi cũng là dân tị nạn…
Kern nhẹ người tưởng chừng như vừa mọc cánh. Thế là thoát nạn!
- Tên tôi là Binding. Richard Binding. Tôi định đi Zurich nhưng không còn một xu để ngủ trọ. Tôi không xin tiền mà chỉ xin ông cho tôi được ngủ nhờ một đêm trên sàn ván.
- Trên sàn ván nầy?
- Vâng. Tôi quen ngủ vậy rồi. Tôi không quấy rầy ông đâu. Luôn ba đêm, tôi chưa được ngủ. Ông cũng biết, ngủ trên ghế đá thì không tài nào mà nhắm mắt… Cảnh sát…
- Tôi hiểu, nhưng anh nhìn xem, phòng hẹp thế nầy làm gì có chỗ…
- Dạ, không sao. Tôi ngủ ngồi cũng khá lắm. Chỉ cần yên tĩnh, không lo sợ là ngủ được ngay. Trong góc kia là đủ rồi.
Kern suy nghĩ rồi bảo:
- Mỗi phòng mướn hai quan, tôi có thể giúp cho anh tiền.
Binding đưa tay ngăn lại:
- Không dám. Tôi không dám nhận tiền đâu. Những người ở trọ tại đây, ai cũng cần từng đồng xu. Vả lại, tôi có hỏi dưới kia, họ bảo không còn phòng trống.
- Biết đâu sẽ có phòng trống nếu anh có hai quan.
- Dạ không phải vậy. Người chủ bảo là ông ta chẳng tiếc gì với một kẻ đã từng bị nhốt trong trại tập trung đến hai năm, nhưng chính thật là không còn phòng trống.
- Sao? Anh ở trại tập trung hai năm?
- Vâng.
Binding kẹp nón giữa hai đầu gối rồi móc túi lấy một mảnh giấy nhầu nát trao cho Kern. Anh chưa hề thấy giấy phóng thích tù trại tập trung. Anh đọc tiêu đề, bản văn, tên Richard Binding đánh máy, rồi nhìn con dấu chữ Vạn.
Kern trả giấy lại cho Binding:
- Thôi, được. Anh cứ ngủ ở đây. Tôi sẽ sang ngủ nhờ phòng của một người bạn rộng hơn.
Binding nhìn sững Kern:
- Dạ như vậy không tiện đâu.
- Anh đừng lo. Cách giải quyết của tôi là ổn thỏa nhứt.
Kern với lấy áo choàng và đôi giày:
- Tôi mang mấy thứ nầy theo để sáng khỏi phải đánh thức anh quá sớm.
Binding ôm lấy hai bàn tay Kern lắp bắp:
- Trời ơi, ông là một thiên thần. Một cứu tinh.
Kern cười:
- Không phải vậy đâu. Giữa những kẻ khốn cùng phải biết giúp đỡ lẫn nhau. Chúc anh ngủ ngon.
Kern đứng lại một chút. Anh muốn xách vali theo vì trong túi ngang còn bốn chục quan. Nhưng vali đã được khóa và mấy tờ giấy bạc giấu quá kỹ, không đáng ngại. Kern hơi xấu hổ vì đã nghi ngờ một kẻ vừa thoát khỏi cảng ngục tù tàn khốc.
Ruth cùng ở trên một lầu với Kern. Anh gõ cửa hai tiếng nhẹ, mật hiệu giữa hai người. Ruth mở cửa ngay. Nàng cuống quýt hỏi:
- Có chuyện gì, hả? Phải trốn ngay sao?
- Không. Anh cho một gã vừa ở trại tập trung ra mượn phòng để ngủ vì luôn mấy đêm rồi, anh ta không chợp mắt. Anh có thể ngủ trên ghế dài ở đây chớ?
Ruth mỉm cười:
- Chiếc ghế dài quá cũ và lung lay, bộ cái giường không đủ rộng cho hai đứa sao?
Kern ôm hôn Ruth:
- Lắm lúc anh hay hỏi những câu quái dị. Tất cả hãy còn quá mới đối với anh.
Phòng của Ruth rộng hơn phòng Kern. Ngoài chiếc ghế dài, đồ đạc trong phòng cũng như nhau nhưng Kern nhìn thấy nó có vẻ khác lạ hoàn toàn. Kern nghĩ “Phải chăng vì ở đây có sự hiện diện của những đôi giày nho nhỏ, chiếc áo blouse và cái váy nâu… Có một cái gì ấm cúng trong phòng, cái gì đó có lẽ là sự ngăn nắp… cái bóng của những người nội trợ”.
- Ruth, em có nghĩ nếu mình có muốn thành hôn với nhau cũng chẳng làm sao được không? Vấn đề giấy tờ… phiền phức thật!
- Em biết nhưng đối với em đó là vấn đề phụ. Em tự hỏi tại sao chúng mình phải cần tới hai phòng?
Kern cười:
- Có lẽ là tại tinh thần đạo đức của người Thụy Sĩ. Không khai báo thì được nhưng chưa là vợ chồng thì không.
Sáng hôm sau, Kern đợi đến mười giờ mới trở về phòng mình với hảo ý để cho Binding ngủ ngon.
Nhưng căn phòng hoàn toàn trống. Có lẽ Binding đã đi sớm. Kern mở vali ra. Anh ngạc nhiên vì vali không khóa. Anh nhớ rõ là đã khóa cẩn thận ngay từ chiều. Dường như các chai dầu thơm cũng không nằm theo thứ lớp. Anh lục trong túi ngang. Tất cả tiền Thụy Sĩ đều bay biến chỉ còn lại mười đồng tiền Áo.
Còn tiếp