Cách đây khoảng 4,4 tỷ năm một tai nạn vũ trụ khủng khiếp đã xảy ra. Một tiểu hành tinh có kích thước bằng l/l0 Trái đất đã lao thẳng xuống hành tinh của chúng ta. Dưới tác dụng của lực hút Trái đất và lực hấp dẫn của bản thân các hạt bụi và đá vũ trụ này mà một tiểu hành tinh khác đã được tạo thành. Đó chính là Mặt trăng ngày nay. Đây là kết luận mà phi thuyền không gian thăm dò Mặt trăng của Mỹ Lunar Prospector mới đưa ra sau chuyến bay thành công vừa qua.
Việc lật lại nguồn gốc hình thành và cấu tạo Mặt trăng của tàu Lunar Prospector không phải là lần đầu tiên. Từ năm 1974, hai nhà địa chất Mỹ William Hartmann và Donald Davis đã đưa ra giả thuyết tương tự khi phân tích các mẫu đất đá của Mặt trăng do các tàu con thoi APOLLO gửi về. Họ đã phát hiện ra rằng, Mặt trăng có những thành phần chất khoáng giống như của Trái đất và từ đó đặt ra câu hỏi: liệu Trái đất và Mặt trăng có phải cùng được sinh ra từ một đám mây bụi và đá vũ trụ khổng lồ. Lần này, con tàu Lunar Prospector tiếp tục khẳng định giả thuyết của các nhà địa chất về nguồn gốc của Mặt trăng là đúng.
Tuy nhiên, theo kết quả khám phá của Lunar Prospector, lõi của Mặt trăng gồm chủ yếu là kim loại sắt, có đường kính là 220 đến 450km nhưng chỉ chiếm khoảng 4% khối lượng toàn bộ Mặt trăng. Còn lõi của Trái đất cũng được cấu tạo chủ yếu từ nguyên tố sắt nhưng lại có khối lượng bằng 30% khối lượng Trái đất. Vậy đâu là nguyên nhân của sự khác nhau này? Vấn đề là ở chỗ, trước khi có vụ va chạm cách đây 4,4 tỷ năm, các kim loại sắt tập trung chủ yếu ở trong lòng Trái đất. Khi vụ va chạm xảy ra, toàn bộ đám mây bụi tạo nên Mặt trăng sau này được hình thành từ lớp vỏ Trái đất vốn rất nghèo chất sắt. Do đó giữa Trái đất và Mặt trăng có một vài nét khác biệt về cấu tạo cho dù chúng có cùng một nguồn gốc như nhau.