Theo hiệp định Giơnevơ 1954 Hà nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch: Lợi dụng thời gian đó, chính quyền và quân đội còn ở trong tay, chúng ra sức dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta đi Nam và di chuyển máy móc vật liệu xuống Hải Phòng để đưa vào Nam. Âm mưu thâm độc của chúng là làm cho Thành phố Hà nội trở thành trống rỗng không có điện, nước, mọi công việc bị đình trệ, khi Chính phủ về.
Những âm mưu của chúng đã thất bại. Mặc dầu địch dùng mọi cách để mua chuộc, đe dọa, toàn thể công nhân và đồng bào Hà nội đều hành động theo lời kêu gọi của Chính phủ: Kiên quyết giữ máy móc cho đến cùng, không để cho chúng di chuyển vào Nam. Chính vì vậy, mà ta đã giữ nguyên vẹn được nhà máy Điện, nhà máy nước, tất cả các đầu tàu và toa xe ở Sở hỏa xa, bảo đảm cho Thành phố có điện, có nước, có tàu hỏa chạy ngay sau khi ta vào tiếp quản.
Ngày 10/10/1954 bộ đội và cán bộ ta vào tiếp quản Thủ đô, mở ra một thời kỳ lịch sử mới.
Trước giải phóng, thực dân Pháp chỉ xây dựng ở đây một nhà máy điện nhỏ, một nhà máy sửa chữa ô tô, làm phụ tùng xe đạp, nhà in, thuộc da, tuyệt nhiên không có một xí nghiệp chế tạo cơ khí nào hoặc xí nghiệp tiêu dùng loại lớn. Giá trị sản lượng công nghiệp rất thấp, không đáng kể.
Mười năm (1954 - 1964) Hà nội cải tạo và xây dựng với một tinh thần tự lực cánh sinh, một thái độ lao động sáng tạo.
Trong thời gian đó, thành phố đã trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng, trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước. Đã có được những cơ sở đầu tiên của một nền công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ ở Thủ đô với trên 200 xí nghiệp lớn nhỏ. Nhưng đế quốc Mỹ, kẻ thay chân Pháp ở miền Nam không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng...