Trong khu nhà nhỏ phố Quán Sứ, Hà Nội, đôi khi vẫn vang lên tiếng dương cầm của một nghệ sĩ già mà bà con lối xóm vẫn thân mật gọi ông bằng "Bác Oanh". Nhưng ít ai biết người nghệ sĩ giản dị ấy lại chính là tác giả của bài ca "19 tháng 8", một ca khúc nổi tiếng mà cứ mỗi độ thu về được nghe những giai điệu tuyệt vời ấy, lòng ta lại thấy bồi hồi, xúc động.
Khí thế sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa vẫn vang vọng trong từng lời ca tiếng hát với "cờ bay muôn nơi, trong ánh sao vàng" và trong cả ký ức sâu thẳm của người nhạc sĩ già khi ông tự hào kể cho chúng tôi nghe về mùa thu cách đây gần 60 năm trước.
Người từ khắp năm cửa ô kéo về, chàng trai Xuân Oanh như bị mê đi trước khí thế sục sôi và ánh sáng của cách mạng. Trước mặt anh là cả một rừng người luôn hô vang những khẩu hiệu như muốn vỡ tan lồng ngực, cuồn cuộn tiến về quảng trường Nhà hát Lớn trong màu cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Niềm vui, sự xúc động mãnh liệt và những xúc cảm mạnh mẽ cứ trào dâng khiến Xuân Oanh không thể đừng được và ông đã viết ngay những giai điệu đầu tiên của bài hát "19 tháng 8" bằng... miệng.
Sáng tác được câu nào, nhạc sĩ hát vang câu ấy. Khi đoàn biểu tình kéo đến Nhà hát Lớn thì ông cũng hoàn thành xong những giai điệu cuối cùng: "Toàn dân Việt Nam... đứng đều lên đắp xây một ngày...". Nhạc sĩ Xuân Oanh nhớ lại: "Bài hát được ghi vội trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá và những tờ giấy xé vội... cứ thế bài hát được truyền đi. Ca khúc viết buổi sáng thì buổi chiều đã được in ra và được phổ biến rất nhanh tới toàn thể quần chúng cách mạng".
Và cũng từ ca khúc này cái tên Xuân Oanh đã trở nên nổi tiếng và ngày một quen thuộc hơn với đông đảo bạn yêu nhạc. Ông tiếp tục sáng tác và là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng được giải thưởng trong nước và quốc tế: Quê hương anh bộ đội, Bình minh không bao giờ tắt, Hà Nội ở Lâm Đồng...
Sức sống và sự nổi tiếng của ca khúc "19 tháng 8" khiến ai cũng tin rằng sau Cách mạng tháng Tám, nhạc sĩ Xuân Oanh sẽ đi theo sự nghiệp sáng tác chứ ít ai biết rằng sau này, Xuân Oanh lại trở thành một phóng viên của Tạp chí Cứu quốc, làm phiên dịch, thành viên Ban Đối ngoại TW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký ủy ban liên hiệp vì hòa bình...
Ngoài khả năng cảm thụ tinh tế trong âm nhạc và sáng tác ca khúc, Xuân Oanh còn có một khả năng nổi trội về ngoại ngữ. Ngay từ năm 1944, Xuân Oanh đã mày mò, tự học lấy tiếng Anh, chỉ sau một năm, những kiến thức thu thập được đã giúp ông có thể dịch sách và trở thành người phát ngôn tiếng Anh đầu tiên trên Đài tiếng nói Việt Nam. Nhưng một động lực to lớn giúp Xuân Oanh đi sâu vào ngành đối ngoại và công tác dịch thuật là nhờ ơn của Bác Hồ. Cho đến bây giờ ông vẫn nhớ như in lần được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch: "Cùng đi trong đoàn đại biểu văn hoá cứu quốc năm ấy còn có các nhà văn Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi... Bác dặn chúng tôi: "Làm báo, các chú phải giỏi về chính trị, hội hoạ, âm nhạc, thể thao và đặc biệt là ngoại ngữ".
Ghi nhớ lời dặn ấy, nhạc sĩ Xuân Oanh luôn cố gắng tự học và trau dồi kiến thức, ông sử dụng thông thạo tiếng Anh, Pháp, Nga, tiếng Trung và còn có khả năng trong việc sáng tác những tác phẩm hội hoạ.
Xung quanh là sách, giá vẽ và cây đàn pianô làm bạn trong căn nhà nhỏ, nhạc sĩ Xuân Oanh có vẻ trẻ trung hơn so với tuổi 83 của mình, trong ông vẫn chứa chan bao suy tư, và những hoài niệm về những ngày đã qua.
Một con người đa tài, vừa là nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà báo, nhà ngoại giao... nhưng Xuân Oanh luôn giữ cách sống giản dị và khiêm tốn. Sức sáng tạo và phong cách làm việc của ông khiến nhiều thế hệ phải ngưỡng mộ và noi theo. Nhưng trên tất cả vẫn là những âm thanh vang vọng và hào hùng của bài ca "19 tháng 8", những giai điệu giản dị nhưng chân thật và sống động ấy sẽ còn sống mãi trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.