hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article979.htm

Văn Thịnh

Đất Thăng Long và ca nhạc dân gian

data/knowledge/su/gif/hanoi/tldangian_chualang.jpgTục hát đối nam nữ đã được khắc họa trên trống đồng. Đó là một hình thức sinh hoạt ca nhạc đã được xuất hiện từ rất lâu. Hát Hò trong lao động cũng đã xuất hiện từ thời cổ xưa. Ngoài các hình thức hát Hò, còn có hát Ru, hát cho Múa, hát rong, hát trong các nghi thức tín ngưỡng và và diễn xướng, các truyện kể dân gian có ví von, văn vẻ cũng xuất hiện từ thời lập nước Văn Lang

Trên mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ với chính sách áp bức bóc lột thậm tệ và đồng hoá, các sinh hoạt ca nhạc dân gian của ta tuy có ảnh hưởng văn hoá phương bắc và các nước láng giềng, vẫn giữ được truyền thống xưa.

Năm 1025, Lý Thái Tổ đã công nhận giáo phường, đặt ra chức "quản giáp" có quyền hạn quản lý mọi mặt sinh hoạt tinh thần, vật chất của giáo phường và tổ chức huấn luyện chuyên môn đi đôi với việc tuyển lựa đào kép. Từ chỗ sinh hoạt tự phát tới khi có tổ chức chặt chẽ trong các giáo phường, ca nhạc dân gian tại Thăng Long đã có những bước tiến vượt bậc và đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ ưu tú.

Các giáo phường chia ra từng họ, mỗi họ cử một người kỳ cựu làm trùm họ. Các trùm họ bầu người có khả năng, uy tín nhất làm quản giáp phụ trách điều khiển chung. Học trò đi hát xa về đều phải góp một phần tiền công với phường để cung dưỡng thầy. Cô đầu danh ca, nếu có học trò giỏi, hưởng nhiều lộc gọi là tiền đầu. Giáo phường Lỗ Khê (Đông Anh) ngày xưa gọi Cô đầu với ý nghĩa trân trọng. Từ đó ả đào nào có nhiều học trò, nghệ thuật lão luyện mới được mệnh danh là cô đầu. Sau này, nhất là gần đây, danh từ ả đào, cô đầu được gọi tràn lan, không phân biệt.

Đào kép rất tôn trọng tổ sư giáo phường và cư xử với nhau có thuỷ có chung. Họ là những người tự nguyện học nghề tuy có tính chất chuyên nghiệp, nhưng hoạt động lại nghiệp dư. Hàng ngày vẫn đi làm công việc đồng áng, chăn tằm dệt lụa, chạy chợ buôn bán, nhưng đến tối đều tới nhà ông Trùm để học đàn phách múa hát. Xưa học nghề hát rất công phu, trung bình từ năm năm trở lên mới gọi là biết hát. Lúc mới học phải ăn uống kiêng khem để giữ giọng. Tới khi qua lễ mở xiêm áo, tham gia buổi hát đầu tiên, chị em mới được bước vào nghề chính thức, được công nhận là thành phần của phường.

Việc tổ chức đi hành nghề - chủ yếu là hát ả đào (ca trù) cũng đều có khuôn phép. Luật lệ giáo phường quy định khắt khe khi hát đám, hát cửa đình khác, chồng đàn thì vợ hát, anh đàn em hát, bố đàn con hát, để cấm mọi hình thức đi đàn hát thuê tại các nơi xa lạ, giảm giá trị phường. Việc phân công đám hát ở các địa phương đã trở thành quy tắc nghiêm ngặt có sắp xếp hợp lý, đào kép không được tranh giành nhau địa bàn hoạt động.

Từ hộ hát, đám hát, các phường chèo, phường tuồng tại Thăng Long cũng tổ chức theo luật lệ của giáo phường. Họ cũng đi hát từng mùa, có ông trùm chỉ đạo cả về phần chuyên môn lẫn đi hành nghề. Các nam nữ diễn viên thường gọi là đào hát, kép hát, hàng ngày vẫn sinh hoạt như mọi người nông dân khác, tới khi có đám, có hội mới tập hợp lại từng phường hoặc gánh hát đi phục vụ. Đầu thế kỷ XX, tại nội thành Hà Nội mới xuất hiện những gánh hát tuồng chèo chuyên nghiệp.

Trong thời kỳ Lý - Trần, sinh hoạt ca nhạc dân gian có quan hệ mật thiết với ca nhạc cung đình, số đông ca công, nhạc công dân gian có sắc đều được tuyển lựa vào ban nhạc cung đình. Họ mang theo vốn ca nhạc dân gian được luyện tập theo thể thức mới, được nâng cao thêm về nghệ thuật biểu diễn, Những kinh nghiệm đó lại được trở về với nhân dân, bổ xung vào vốn dân gian sẵn có.

data/knowledge/su/gif/hanoi/dangian_muanon.jpgTới đời Hậu Lê, ca nhạc cung đình tách khỏi ca nhạc dân gian. Các nghệ sĩ dân gian không còn tiếp thu nổi thứ công thức khô khan hạn chế sáng tạo của luật lệ triều đình. Họ trở về với các giáo phường, tiếp tục hoạt động không chuyên, qua từng mùa, qua các ngày hội. Tuy nhiên, triều đình vẫn công nhận những tài năng nổi bật của nghệ sĩ dân gian và vẫn phải triệu họ vào cung ca nhạc rồi phong tước hiệu.

Hiện nay, tại giữa phố Hàng Trống, gần hồ Hoàn Kiếm có ngôi đền Đông Hưng thờ một ả đào danh ca thành Thăng Long. Ngoài của sổ có treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng bốn chữ Nghiễn thiên chi muội (sánh ngang em trời). Đó là Nguyễn Thị Huệ, ngụ tại thôn Cự Lâu (hiện thuộc quận Hoàn Kiếm), dung nhan kiều diễm, theo giáo phường học nghề ca múa để nuôi mẹ, nuôi em, trở thành danh ca nổi tiếng kinh thành. Bà được giáo phường cử vào hát tại phủ Trịnh Cường (đầu thế kỷ XVIII) và được chúa Trịnh phòng làm Ngọc Kiều phu nhân kiêm chức Nữ quan trông coi Ban Nữ nhạc.

Tới triều Nguyễn và thời kỳ Pháp đô hộ, các giáo phường vẫn giữ các nề nếp sinh hoạt xưa, khai trừ những người kém đạo đức, một phần để giữ uy tín của các vị tổ sư, mặt khác giữ nguyên lề lối truyền thống nghề nghiệp. Nhờ đó, vốn ca nhạc dân gian mới được trọn vẹn tới thế hệ chúng ta. Ngoài tổ chức giáo phường chăm sóc các loại hình hát cửa đình, hát ca trù, hát chèo, hát tuồng v.v... sinh hoạt nghệ thuật của các gia đình hát xẩm, tuy đã trở thành hát rong chuyên nghiệp, nhưng vẫn giữ được truyền thống. Các nghệ nhân truyền nghề cho con em mình, lại được tầng lớp lao động bảo trợ động viên khuyến khích, nên tuy đời sống có vất vả khó khăn, thân thể tàn tật, vẫn suốt đời theo nghề không nản chí. Đúng với tính chất hát rong, hát xẩm đã đi khắp các phố phường nội thành, tham gia mọi hội hè đình đám ven nội và các huyện ven ngoại thành, không chỉ sống bằng tiền thưởng của khán giả. Có một số gia đình hát xẩm, ngày kiếm ăn bằng nghệ thủ công đan lát, tối vẫn đi hát phục vụ và hàng năm, từng mùa đi tới các hội xa nội thành. Họ sống trong lòng người dân lao động, bản thân họ cũng phải lao động, nên hát xẩm đã là một hình thức sinh hoạt ca nhạc dân gian rất phổ cập với mọi tầng lớp lao động xưa.

Trong thời kỳ phong kiến, do ảnh hưởng mê tín dị đoan và sinh hoạt ăn chơi phù phiếm, lên đồng rất phổ biến tại các miếu mạo Hà thành. Chầu văn Yên Hoa (Yên Phụ) là nơi có nhiều bài bản, sẵn cung văn hát hay, đàn ngọt, điện miếu lộng lẫy. Với các bài chầu văn tâng bốc các con công đệ tử tới hầu bóng. Các cung văn phải biết phỉnh nịnh đón ý mà phát huy thêm tiếng đàn, giọng hát của mình. Cho nên nếu tước bỏ nội dung mê tín, các làn điệu chầu văn rất lành mạnh vui tươi và giọng hát, tiếng đàn người cung văn thật du dương hấp dẫn...

data/knowledge/su/gif/hanoi/dangian_muacong.jpgVào những năm 1930 - 1935, một tổ chức sinh hoạt nghệ thuật nhằm phục hồi và phát triển ca nhạc dân tộc, đã ra mắt khán giả tại nhà khai trí Tiến Đức, trung tâm văn hoá thủ đô thời bấy giờ. Đó là một nhóm nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác, tập hợp lại để hoà tấu, giới thiệu những bản nhạc dân tộc cổ truyền bằng những nhạc cụ dân tộc được cải tiến. Các buổi hoà nhạc đó đã thu hút nhiều khán giả và luôn được hoan nghênh. Thời gian sau, do bị quan lại o ép, dàn nhạc đó tạm thời giải tán để tổ chức những dàn nhạc thính phòng ngay tại gian phòng chật hẹp, nơi các nghệ sĩ trú ngụ. Những buổi ca nhạc trong gia đình vẫn tiếp tục cho tới ngày cách mạng thành công. ở đó đã đào tạo ra những lớp nhạc công trẻ yêu thích ca nhạc dân gian, để tới khi hoà bình lập lại, tạo thành những dàn nhạc dân tộc trong các hội diễn nghệ thuật. Nhiều người đã trở thành nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp hoặc nghệ sĩ biểu diễn trong các đoàn nghệ thuật quốc gia.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com