hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1552.htm

Trịnh Bửu Hoài

Một góc nhìn về tiểu thuyết ĐBSCL

(Tham luận tại Bàn tròn Văn xuôi ĐBSCL lần 1 - Tiền Giang tháng 09/2004)

 

 

(Thơ Trẻ) Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất non trẻ so với các vùng lãnh thổ khác của đất nước, nhưng truyền thống dân tộc Việt là đời sống kinh tế phát triển đến đâu, văn hóa nghệ thuật cũng phát triển theo đến đó.

 

Khi cuộc sống dần ổn định, sự giao lưu văn hóa, thương mại đã tạo thêm sức sống cho vùng đất nầy, văn học quốc ngữ bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long vào đầu thế kỷ 20. Đáng lưu ý là thể loại tiểu thuyết, có mặt rất sớm so với cả nước. Ở miền Bắc, tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách được xem là tiên phong viết vào 1922 và xuất bản năm 1925. Trong khi đó, ở đồng bằng sông Cửu Long tiểu thuyết Tiết phụ gian truân củu Trương Duy Toản (người Vĩnh Long) xuất bản vào năm 1910. Hồ Biểu Chánh ở Tiền Giang viết tiểu thuyết Ai làm được vào năm 1912, xuất bản năm l922. Nguyễn Chánh Sắt ở An Giang viết và in tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên vào năm 1919. Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu quê ở Bến Tre xuất bản năm 1915. Thế hệ tiếp theo là Bửu Đình với Mảnh trăng thu in trên Phụ nữ Tân văn năm 1930, Phi Vân ở Bạc Liêu với Đồng quê được giải khuyến học Cần Thơ năm 1943.

 

Điều nầy nói lên tiểu thuyết ở đồng bằng sông Cửu Long khá thịnh hành trong thời kỳ đầu của phong trào sáng tác văn học Nam bộ. Các tác giả tiểu thuyết thời đó hầu hết xuất thân từ Nho học, nhưng cũng khá am hiểu văn hóa nghệ thuật phương Tây. Kết hợp hai dòng văn chương nầy, các tác giả đã thể hiện được văn phong mới mẻ, trau chuốt, xen lẫn với những điển tích sâu xa của cổ văn, phù hợp với trình độ người đọc lúc bấy giờ nên rất được ưa chuộng. Nhưng sau đó đồng bằng sông Cửu Long không có cuộc cách tân như Tự Lực Văn Đoàn ở miền Bắc.

 

Sau Cách mạng tháng 8 và kháng chiến chống Mỹ, xuất hiện một số tiểu thuyết nổi tiếng như Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Hòn Đất của Anh Đúc, Mùa gió chướng của Nguyễn Quang Sáng với lối viết hiện đại, được người đọc đón nhận.

 

Những năm đầu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nền văn học đồng bằng sông Cửu Long hình thành từ ba dòng: văn học kháng chiến, văn học trong vùng tạm chiếm, văn học trẻ từ phong trào cách mạng. Được Nhà nước thành lập tổ chức Hội, tập họp lực lượng nên hoạt động khá sôi nổi và phong phú. Một số tiểu thuyết ra đời, chủ yếu lấy đề tài từ cuộc chiến tranh vừa đi qua.

 

Thời kỳ đổi mới, giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, cùng với thành phố Hồ Chí Minh tiểu thuyết đồng bằng sông Cửu Long nở rộ với nhiều đề tài phong phú, đa dạng như: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hồi ức chiến tranh, các phong trào cách mạng, tình cảm xã hội. Các tác giả có tiểu thuyết xuất bản và được phát hành rộng rãi là: Đặng Thư Cưu, Dạ Ngân, Nguyễn Linh, Nguyễn Khai Phong, Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Đình Bổn, Mường Mán ở Cần Thơ; Hào Vũ, Chu Hồng Hải, Nguyễn Thường ở Long An; Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Lập Em, Tường Vân, Mai Bửu Minh ở An Giang; Thu Trang, Hoàng Thu Dung, Trần Thị Vân Thanh ở Tiền Giang; Nguyễn Thanh, Nguyễn Trọng Tín ở Cà Mau; Anh Động, Nguyễn Khoa Đăng ở Kiên Giang; Trúc Phương, Lâm Quang Vẹn, Nguyễn Phước Hải ở Vĩnh Long, v.v… Thời kỳ nầy, một số cây bút tập trung viết tiểu thuyết vì sách tiêu thụ được do đọc giả đang ''khát'' , có nhuận bút tương đối khá giúp tác giả nhẹ gánh cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, ít có tác phẩm nào mang tính đột phá và gây tiếng vang.

 

Bước sang thập niên 90 ,cũng như một số khu vực khác, tiểu thuyết Đồng bằng Sông Cửu Long chửng lại với nhiều nguyên do: Tiểu thuyết nước ngoài được dịch và in tràn ngập, sách in đẹp nhưng giá tăng cao, khó tiêu thụ, người đọc từ mua chuyển sang thuê sách, số lượng phát hành giảm mạnh nên nhuận bút không tương xứng với công sức người viết. Và hiện nay tiểu thuyết ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ xuất hiện lác đác, một thực trạng đáng báo động ở một vùng giàu truyền thống đấu tranh; từ khẩn hoang, khắc phục thiên nhiên cho đến chống giặc ngoại xâm; xây dựng cuộc sống mới ngồn ngộn sự kiện và nhân vật, nhưng hầu hết nhà văn chỉ nhắm vào truyện ngắn, dễ viết, dễ in không mất nhiều thời gian đầu tư và ghì mò trên trang giấy. Trong khi đó các khu vực khác mà lân cận với đồng bằng sông Cửu Long là Thành phố Hồ Chí Minh, tiểu thuyết vẫn xuất hiện đều đặn và có những cuốn được giải thưởng, gây tiếng vang.

 

Nhà văn đồng bằng sông Cửu Long ít viết tiểu thuyết có phải vì chưa có đề tài, chưa có điều kiện? Đề tài không thiếu, nhưng điều kiện thì quả là chưa thể như mong muốn. Tuy nhiên, một số khu vực khác Hội Văn học Nghệ thuật địa phương hoặc hội chuyên ngành Trung ương cũng đầu tư bình quân như nhau và mặt bằng đời sống của nhà văn ở các khu vực cũng không chênh nhau bao nhiêu nhưng vẫn có nhiều tiểu thuyết. Có phải chúng ta chưa thể hiện hết nhiệt quyết và trách nhiệm của nhà văn với cuộc sống, đối với xã hội đang phục vụ cho chúng ta. Có phải chúng ta chưa thực sự cần cù, nghiêm túc trong lao động và lãng phí thời gian, chưa có khát vọng vươn lên, chưa đột phá và cách tân ngòi bút của mình. Có phải chúng ta còn trông chờ, ỷ lại vào một sự hỗ trợ nào đó hơn là lòng say mê nghề nghiệp. Có phải chúng ta còn lúng túng hay đuối sức đối với những tác phẩm dài hơi. Một số cây bút trẻ gần đây đã có tiểu thuyết như: Trương Thị Thanh Hiền, Nguyễn Thị Diệp Mai, Minh Phúc, Đoàn Công Thiện… và chắc chắn là các cây bút này chưa dừng lại, có phải các nhà văn trẻ này còn nhiệt quyết và đang sung sức. Rất buồn là hiện nay một số hội viên Hội Nhà văn suốt năm không viết một bài nào.

 

Những nguyên nhân tôi vừa nêu có thể chưa đúng hoặc chỉ đúng với trường hợp này và không đúng với trường hơp kia. Nhưng tôi rất mong mỏi các nhà văn đồng bằng Sông Cửu Long suy nghĩ thêm và nhận lấy trách nhiệm cao quý của mình về một thể loại quan trọng đang dần khan hiếm ở vùng đất chúng ta sinh sống là tiểu thuyết. Chúng ta phải kế thừa xứng đáng các bậc nhà văn tiền bối đã mở đầu nền văn học quốc ngữ bằng tiểu thuyết từ rất sớm.

 

Đồng bằng sông Cửu Long có sông dài, đồng rộng, không thể không có nhiều tác phẩm dài hơi và giá trị cao.

 

T.B.H

 

 


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com