Kim Lân - Nhà văn của đồng quê, nhiều bạn đọc yêu quý thường gọi ông như vậy, cũng có thể trong nhiều truyện ngắn của ông, chất đồng quê, phong tục, tập quán, nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá của làng mạc Việt Nam còn ghi dấu ấn khá đậm nét.
Nhà văn Kim Lân, tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1-8-1921, tại thôn Phù Lưu (còn có tên gọi làng chợ Giầu), xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Quê hương ông là một làng quê nổi tiếng bởi truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng, có nhiều người thành danh. Cựu nhà báo Hoàng Tích Chù, nghệ sĩ nhân dân quay phim Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sĩ Hồ Bắc, nhà dịch thuật Hoàng Thúy Toàn... đều là đồng hương, bạn bè thân quen của ông.
Nhà nghèo, hồi nhỏ cậu bé Tài chỉ học đến lớp nhất, rồi phải đi phụ việc cho các thợ đàn anh (sơn quốc, khắc tranh bình phong) để giúp gia đình kiếm sống. Nhờ chịu khó quan sát và suy ngẫm, lại có dịp đi đến nhiều làng xã trong vòng nên từ hồi còn ít tuổi, ông đã có vốn hiểu biết khá dày dặn trong cuộc sống ở vùng Kinh Bắc quê hương ông, chuẩn bị tốt để sau này ông trở thành nhà vǎn với những trang viết đặc sắc về phong tục nông thôn Việt Nam và một số sinh hoạt vǎn hóa phong phú ở các làng quê Việt Nam (chọi gà, thả chim đấu võ, đánh vật... )
Kim Lân theo cách mạng từ năm 1944 trong Hội văn hóa cứu quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông trở thành phóng viên các báo của lực lượng vũ trang cách mạng như Chi Lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc - và từ năm 1948 làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam. Thời gian này ông đã viết truyện ngắn Làng, đánh dấu một bước chuyển của văn xuôi nước ta trên đường kháng chiến. Sau hòa bình lập lại (19S4), ông lần lượt công tác các cơ quan văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học, báo Văn nghệ, Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, hội văn nghệ Hà Nội và Nhà xuất bản Tác phẩm mới cho đến lúc nghỉ hưu.
Có thể nói suốt cả một đời văn Kim Lân chuyên viết truyện ngắn về làng quê Việt Nam - mảng sống từ lâu ông hiểu biết khá cặn kẽ. Sau này vẫn viết về nông thôn , ông đề cập đến sự đổi mới mặt tình cảm của người nông dân trong cách mạng và kháng chiến, sự đổi đời của họ trong cải cách ruộng đất nhưng hoạt động phục vu cách mạng. Tuy thầm lặng, bình thường nhưng thật đáng quý trọng.
Truyện Làng - có thể coi là tác phẩm thành công, tiêu biểu của Kim Lân, nhân vật Lão Hai trong truyện là nhân vật người nông dân có những chuyển biến rất mới, không giống bất kỳ nhân vật người nông dân nào trong các truyện ngắn, truyện dài trước kia.
Nếu nhìn một cách hệ thống từ những nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm Kim Lân viết trước Cách mạng tháng Tám 1 945 đến các tác phẩm sau này, người đọc dễ dàng nhận ra nét riêng của ông là một ngòi bút sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của từng con người, từng số phận riêng để từ đó góp một tiếng nói riêng vào trang sử chung về tâm tư, tình cảm con người Việt Nam của văn học hiện đại chúng ta. Về nhận xét này, nhà thơ Trần Ninh Hồ viết: "Tất cả, tất cả dường như đã được ghi lại bằng những thân phận, những tâm trạng sắc sảo đến cốt, đến lõi. Nếu như cho rằng văn chương là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý nghĩa ấy" (Báo Văn nghệ - số 34 ngày 24/8/1991).
Có thể nói ngòi bút của Kim Lân đối với thể loại truyện ngắn đã đạt tới đỉnh điểm chỉ riêng ông mới có - về góc độ này, nhà văn Nguyễn Khải viết: "Về văn xuôi là cái nghề của tôi, trước sau, tôi thán phục có ba người là các ông Nguyễn Tuân, Nam Cao, và Kim Lân. Sau này viết lách được cái gì thường cũng lấy vào văn của ba ông ấy làm chuẩn..." (Văn nghệ trẻ số 23-1966).
Riêng hai truyện Làng và Vợ nhặt đã được Nhà xuất bản giáo dục tuyển chọn đưa vào bộ sách "nhà văn và tác phẩm" dùng cho phần giảng văn của học sinh trong các trường phổ thông trong cả nước.
Không chỉ có các em học sinh, các giáo viên dạy văn, các bậc cha me yêu thích văn học cũng trân trọng tìm đọc những truyện ngắn hay của Kim Lân. Ông có nhiều bạn bè thân quen trên mọi lĩnh vực: văn, thơ, họa, nhạc Nam Cao, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Huy Tưởng... đều là chỗ bạn bè thân quí của nhà văn. Đối với những người viết văn trẻ, ông luôn luôn có tấm lòng thực sự quý mến và trân trọng. Ông thường nói vui với số anh chị em này. "Bây giờ là thời đại của các cậu - cánh tớ bây giờ già rồi, cần phải lui về phía sau nhường chỗ cho cánh trẻ...". Với họ, Kim lân không chỉ là đồng nghiệp mà nhiều người đã trở thành bạn tâm đắc của ông trong nhiều chuyến đi dã ngoại, đến nhiều vùng "đất lạ" của đất nước ta.
Ngoài truyện ngắn, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi mà người lớn đọc cũng thích thú, say mê. Ông Cản Ngũ và Anh chàng hiệp sĩ gỗ là hai truyện hay viết cho các em được NXB Kim Đồng chọn đưa vào tuyển tập sách chọn lọc dành cho thiếu niên nhi đồng Việt Nam. Ngoài viết văn, ông còn tham gia đóng một số phim, chỉ ít phút xuất hiện, nhưng gây ấn tượng mạnh cho người xem, ví như vai Tú Pạng - trong phim Vợ chồng A Phủ; Lý Cựu - trong Chị Dậu, Lão Hạc - trong Làng Vũ Đại ngày ấy...
Ở tuổi trên 80, ngày hôm nay đây Kim Lân vân sáng trí, sáng lòng, yêu đời, thích giao du với bạn bè, thích đi, thích đàm đạo việc văn, việc đời. Đối với những người có nhân cách, bạn tâm đắc, ông sống hết mình , thủy chung rất mực , trước sao sau vậy - ông sống giống một lão nông thực thụ, bình dị như những người nông dân được ông thể hiện trong tác phẩm của ông.
Hiện nay ông sống thư nhàn tại căn nhà nhỏ số 6 Hạ Hồi quận Hoàn Kiếm - Hà Nội vui tuổi già bên chim muông, cây cảnh, cổ vật, chiêm nghiệm sự đời và chứng kiến những thành tựu của lớp nhân tài mới trong đó có các con của ông.
Báo SK&ĐS