Nam Cao, tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ngày 20.10.1917, quê làng Đại Hoàng, nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà. Cha ông làm nghề lang thuốc, mẹ ông làm ruộng, dệt vải. Năm 1922, Nam Cao học ở trường làng.
Đậu xong bằng sơ học yếu lược, ông lên học trường tiểu học Cửa Bắc, thành phố Nam Định (1926). Khoảng năm 1930 - 1934, Nam Cao học trường Thành Chung ở Nam Định. Khi sắp thi tốt nghiệp, Nam Cao bị ngã, rồi bị ốm nên bỏ dở.
Tháng 2 - 1935, Nam Cao lấy vợ. Vợ ông bà Trần Thị Sen, theo đạo Thiên Chúa. Theo người làng kể lại, ông đã vượt khỏi những trở ngại phong tục và tín ngưỡng, để lấy được người mình yêu. Đó cũng là sự thể hiện một tư tưởng tiến bộ, tính bướng bỉnh, thầm lặng của ông, lòng khát khao tự do, dân chủ, hạnh phúc. . .
Cuối năm 1935, Nam Cao vào Sài Gòn, làm thư ký cho một hiệu may (hiệu Ba Lễ). Từ năm 1936, ông bắt đầu tự học và tập viết văn. Các truyện ngắn của ông trong thời ký này đăng rải trên báo Tiểu thuyết thứ bảy như Nghèo (số 156) Đui mù (số 160), Cảnh cuối cùng, Hai cái xác. Khoảng cuối năm 1937, ông in truyện trên báo ích Hữu (Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp)... Thời gian này, ông chưa được chú ý. Ông lấy bút danh là Thuý Rư.
Năm 1938, Nam Cao trở ra Bắc, ông tự học để thi đỗ bằng Thành Chung. Để giúp đỡ vợ con và tự nuôi mình, theo đuổi nghề văn, Nam Cao dạy học ở trường tư thục Công Thạnh ở Thuỳ Khê. Năm 1940, ngày 22 tháng sáu, chính phủ Pháp Pétain và Vichy) đầu hàng phe phát xít. Tháng chín năm ấy, quân Nhật vào Đông Dương. Trường Công Thạnh bị Nhật trưng dụng cho quân lính. Nam Cao thôi dậy học. Thời kỳ này, Nam Cao tiếp tục viết văn. Ông đổi bút danh là Xuân Du. Đôi khi ông còn làm thơ nữa và ký tên là Nguyệt.
Năm 1941, Nam Cao cho in tập truyện ngắn đầu tay trong đó có truyện Chí Phèo, một truyện vừa nổi tiếng của ông, cũng là của dòng văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam thời kỳ này. Trong bản thảo Chí Phèo được lấy cái tên dung dị: Cái lò gạch cũ. Lê Văn Trương, lúc ấy là nhà văn đắt khách nhất, đổi tên lại cho là Đôi lứa xứng đôi. Mãi sau này mới lấy tên là Chí Phèo. Bút danh Nam Cao được khẳng định từ đây...
Nam Cao vẫn tiếp tục dậy học tư để kiếm sống. Ông phải về tận Thái Bình dậy ở trường tư thục Kỳ Giang. Đến năm 1942, ông trở về làng. Nam Cao vẫn tiếp tục theo đuổi nghề văn. Ông cộng tác với Tiểu thuyết thứ Bảy và cho in liên tiếp các truyện ngắn: Dì Hảo, Nửa đêm, Cái mặt không chơi được, Nhỏ nhen, Những truyện không muốn viết, Đòn chồng - Trăng sáng. Trẻ con không được ăn thịt chó.
Bạn đọc Tiểu thuyết thứ Bảy đã quen và yêu mến bút danh của Nam Cao. Tuy nhiên những nhà phê bình và các chủ xuất bản chưa chú ý đúng mức đến ông, bởi ông là một người mới viết. Làm sao ông Vũ Đình Long, người chủ trương tiểu thuyết thứ bảy và nhà xuất bản Tân Dân lại có biệt nhãn với ông như đối với các ông Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan và Tô Hoài được. . . Xu hướng hiện thực phê phán của Nam Cao ngày càng rõ. Phong cách, bút pháp riêng, trầm mặc, sâu sắc, đôi lúc đến cay chua, ngày càng chín mùi. Vậy mà trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, ông chưa được coi như là một tác giả!
Càng viết, Nam Cao càng khai thác sâu vào lớp người lao động, đặc biệt là người dân quê và lớp tiều tư sản nghèo, những viên chức nhỏ, những ông giáo trường tư... Trong năm 1943, Nam Cao viết liên tục hàng chục truyện ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy: Mua nhà (số 448), Quái dị (số 450), Từ ngày mẹ chết (số 459), Làm tổ (số 455), Thôi đi về (số 458), Truyện tình (số 462), Mua danh (số 464 ), Một truyện Xú-vơ-nia ( số 465 ), Sao lại thế này (số 467), Mong mưa (số 470), Tư cách mõ (số 471), Bài học quét nhà (số 473), Chuyện buồn đêm vui (số 475), Điếu vǎn (số 476), Cười (số 477), Quên điều độ (số 478), Xem bói (số 479), Một bữa no (số 480), ở hiền (số 483), Lão Hạc (số 484), Rửa hờn (số 458), Rình trộm (số 487), Nước mắt (số 488), Đời thừa (số 490).
Như vậy là cứ khoảng 2, 3 số Tiểu thuyết thứ bẩy lại có một truyện ngắn của Nam Cao. Ông đã trở thành một trong những cây bút chủ chốt của Tiểu thuyết thứ bẩy, một tờ "báo tập" hàng tuần của một nhà xuất có tiếng, Tân Dân. Sang năm 1944, Tiểu thuyết thứ bảy phát hành loại mới, ông còn in tiếp một số truyện ngắn rất tiêu biểu: Lang rận (số 1), Một đám cưới (số 3).
Thời gian này, ông còn viết truyện thiếu nhi cho Tủ Sách Hoa Mai như Đầu đường xó chợ, Phiêu lưu, Bảy bông lúa lép.
Trong năm 1944, sức viết của Nam Cao rất khoẻ ông đã kiếm tiền bằng ngòi bút để sống và để giúp gia đình vượt qua những năm tháng rất khó khăn. Ngoài truyện ngắn, năm 1943 - 1944, ông đã thử sức mình bằng những truyện dài đầu tiên: Truyện người hàng xóm (in trên Trung Bắc chủ nhật) ; Cái bát, Một đời người, Cái Miên , Ngày lụt và Chết mòn. Từ Truyện người hàng xóm được in nhiều kỳ, các truyện dài khác của ông, thường bán đứt cho nhà xuất bản và mất bản thảo. Riêng tập Chết mòn, ông đem theo ba lô đi kháng chiến.
Theo Tô Hoài, bản thảo này, Nam Cao đã gửi lại gia đình Tô Hoài đi tản cư và đến năm 1954 khi trở về Hà Nội, Tô Hoài đưa xuất bản với cái tên Sống mòn...
Vậy là thời sung sức và định hình văn chương của Nam Cao chính là những năm bốn mươi sau này, nhất là sang thời kỳ cách mạng tháng Tám 1945, vị trí của Nam Cao mới dần dàn được khẳng định như một nhà văn lớn trên văn đàn thời ấy. Khi Chí Phèo in ra, nhiều người cho rằng Chí Phèo có chút nào ảnh hưởng của A.Q. Và, văn chương đã ảnh hưởng thì hình như có phần "kém phần sáng tạo". Càng ngày, người đọc càng thấy nhân vật A.Q. của Lỗ Tấn, chỉ điển hình cho một thời đã qua và dần dần trở thành xa xưa, thành người của một thời, còn anh chàng Chí (Phèo) và Cô Thị Nở, cặp nửa người - nửa ngợm ấy, xem ra đã thành loại nhân vật có bóng dáng cả xưa và nay, nhất là Chí Phèo! Hiện nay, như nhiều người nói, có thiếu gì Chí Phèo hiện đại, nó không còn là loại Chí Phèo nhà quê, mà ở các tầng lớp khác cũng đều có...
Bút pháp của Nam Cao, với người đọc ngày càng được trang bị thêm kiến thức, là một bút pháp dồi dào nội lực. Bằng những hình ảnh và chi tiết sống động, ông đã xây dựng được những con người, những cảnh ngộ, những giai đoạn, thời kỳ, mà số phận của những người nhà quê và những trí thức nghèo, sống gần như trong một chiếc chảo rang nóng, ngột ngạt mà vẫn phải sống, phải tồn tại. Nhưng lương tri và tâm hồn của họ thật trong sạch thật thuần hậu... Lão Hạc, Thứ... hay cả nhân vật đã thân tàn ma dại như Chí Phèo, Thị Nở, cả đời mình trôi nổi vật lộn, mà vẫn rất tình người...
Năm 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở Phủ Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã chính quyền mới, ở địa phương. Tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hoá cứu quốc in truyện ngắn Mò sâm banh của ông, tác phẩm đánh dấu sự tham gia tích cực vào đời sống cách mạng, vào giai đoạn mới. Năm 1946, Nam Cao ra Hà Nội làm thư ký toà soạn của tạp chí này, sau đó ông tham gia đoàn quân Nam Tiến với tư cách phóng viên. Ông cho đăng truyện ngắn Nỗi truân chuyên của má hồng và ký sự dài Đường vô Nam trên tạp chí Tiên phong. Cũng năm này ông cho tái bản tập truyện Chí Phèo (Hội văn hoá cứu quốc) và in tập truyện ngắn Cười (nhà xuất bản Minh Đức).
Cuối năm 1946, ông về công tác ở Ty Văn Hoá Hà Nam và phụ trách tờ Giữ nước và Cờ chiến thắng của Hà Nam.
Năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc làm phóng viên Báo Cứu quốc. Nhật ký ở rừng được viết tong những tháng, năm này... Năm 1948, Nam Cao vào Đảng. Ông hoàn thành tiếp Nhật ký ở rừng cho in truyện ngắn Đôi mắt, trên tạp chí Văn nghệ số 3. Các số Văn nghệ tiếp theo đăng nhật ký ở rừng. Từ năm 1948 đến 1951, với ý thức một cán bộ kháng chiến, ông thường viết nhiều thể loại khác. Hình như ông đang thời kỳ tích luỹ thêm vốn liếng để chuẩn bị cho những sáng tác sau này. Ngoài truyện ngắn Đôi mắt, ông còn có Bốn cây số cách một căn cứ địch, Trên những con đường Việt Bắc, Từ ngược về xuôi, Đợi chờ, phần lớn sau này được in vào tập truyện ngắn Đôi mắt. Từ khi về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc, ông công tác ở toà soạn tạp chí Văn nghệ, Nam Cao tham gia vào uỷ viên tiểu ban Văn nghệ, 1950, ông đi chiến dịch biên giới và viết chuyện biên giới, ông còn viết bài ký vài nét qua vùng mới giải phóng, những nét ghi nhanh ở vùng Cao - Lạng. Ngoài ra ông còn viết các bài tiểu luận về Văn nghệ, soạn sách địa dư v.v... thời ,kỳ này, Nam Cao dành thì giờ cho công việc làm báo nhiều nhất... Ông ít được tập trung vào viết những thể loại sở trường: truyện ngắn hay những tiểu thuyết dài hơi như Sống mòn, ở giai đoạn trước.
Nhận xét về thời này của ông, Tô Hoài viết: "Không bao giờ, trong công tác thực tế, Nam Cao đặt cái anh nhà văn ra trước công việc, mà đầu tiên, chúng ta chỉ trông thấy anh cán bộ Nam Cao. Do đó, Nam Cao cảm thông được với thực tế, qua cảm nghĩ và công việc của một người bình thường, vì vậy mà sự sống đã đến với anh trăm màu nghìn vẻ vui buồn, mừng giận, phấn khởi..."
... Cuộc sống mới khó nhọc và thú vị xiết bao. Có lý nào người viết sách lại ngủ gà trước những điều ấy? Có lý nào người viết sách lại nhát gan đến nỗi đóng cửa, không dám cho nhân vật ra tiếp xúc với xã hội mới?
Giải thích xuất xứ về truyện ngắn Đôi mắt, và nhân vật nhà văn Hoàng trong đó, Tô Hoài viết tiếp; "Qua truyện Đôi mắt Nam Cao nói cho người bạn văn lâu ngày gặp lại của mình biết là, giờ đây mình đã khác rồi... Bằng cái truyện ngắn ấy? Nam Cao muốn nói với xung quanh và với cả chính mình rằng cái nhìn cũ của chúng ta xanh xám quá, thôi đừng tìm cách che đậy nó bằng thói quen mòn mỏi nào nhé, hãy can đảm đổi mới, có cộm mắt, đau người khó chịu thì cứ cố gắng lên, nhất định sẽ thích hợp và có được tấm lòng tha thiết.
Quả là, Nam Cao lúc nào cũng đứng ở mũi nhọn của cuộc sống. Với cuộc sống cũ trước cách mạng, ông đã làm thế. Và sau cách mạng, ông lại càng sống nhiệt thành hơn, mạnh mẽ hơn. Chỉ tiếc rằng nhữmg thực tiễn chín mùi của đời sống kháng chiến, ông chưa có thì giờ để thể hiện lên trang viết...
Ngày 30 tháng 11 năm 1951, Nam Cao tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp. Ông vào Khu 3, Nam Cao bị địch phục kích và hi sinh ở quãng Mười giáp, Hoàng Đan (tỉnh Ninh Bình).
Dù là viết văn, hay viết báo Nam Cao đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp mình theo đuổi. Ông trở thành một nhà văn lớn, nhà báo mẫu mực một thời mà người đời sau luôn tôn trọng và chiêm ngưỡng.