hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1535.htm

Phạm Thanh Hà

Nhà văn Tô Hoài: Tôi chỉ viết về Hà Nội

Tên tuổi ông đã quá quen thuộc với bạn đọc đủ mọi lứa tuổi trong cả nước. Nếu có ai đó thống kê, chắc chắn trong văn học, không ai có một khối lượng lớn đến thế các tác phẩm đã xuất bản và được tái bản nhiều lần tại Việt Nam như ông. Sách của ông vẫn được bạn đọc chờ đợi, nhiều khi người ta quên rằng nhà văn Tô Hoài đã 82 tuổi. ở tuổi ông, hầu như không còn được mấy nhà văn có sức lực để viết như vậy.

- Đừng tưởng tôi khỏe nhé, ông cười - Đời viết văn của tôi đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm, kinh nghiệm lớn nhất là không bao giờ tôi viết theo hứng cả. Làm gì có hứng viết, chỉ có hứng đi chơi, đi ăn, đi ngủ thôi chứ, viết khổ lắm, làm sao có hứng được. Tôi viết theo giờ. Từ lúc trẻ đến bây giờ, tôi tập thói quen đã ngồi vào bàn là phải viết. Viết có khi không dùng được vẫn cứ viết. Bây giờ cứ từ 3 giờ sáng, có tuổi rồi ngủ chẳng được mấy, lại không xem vô tuyến, chỉ nghe đài để biết mọi tin tức trong ngoài nước, tôi ngồi vào bàn với trang giấy trước mặt, mà đã ngồi là viết được.

- Thưa ông, với một khối lượng tác phẩm đồ sộ mà ông đã có, đấy chắc không phải là kinh nghiệm duy nhất mà ông muốn truyền cho lớp trẻ?

- Ồ, không, không phải là việc truyền kinh nghiệm đâu. Tôi chỉ nói về công việc của riêng mình thôi. Tôi vốn là người tự học để viết mà. Khi mới bắt đầu viết cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi cũng thử viết đủ mọi thể loại: văn, thơ, kịch, sân khấu... Rồi tôi tự nhận thấy mình chỉ có viết văn xuôi là thuận hơn cả, thế là từ đấy tôi viết văn xuôi. Sau này tôi mới thấy rõ ngay từ đầu tập trung như thế sẽ rất tốt cho sự phát triển nghề viết của mình. Văn xuôi bao gồm cả truyện, ký và tiểu thuyết, cả đời tôi chỉ viết thế, viết cho trẻ em tôi cũng chỉ tập trung vào ba thể loại ấy.

Khi tôi còn trẻ, một số nhà văn lớn tuổi hơn, Vũ Ngọc Phan chẳng hạn, khuyên tôi nên hướng việc viết của mình vào đề tài nào tập trung, dễ khai thác và dễ phát triển. Tôi đã làm theo lời khuyên ấy. Các tác phẩm giai đoạn đầu của tôi là những chuyện về loài vật từ dế mèn, đến chuột, hay bọ ngựa, cho người lớn, trẻ con đều đọc được. Lúc đấy trên văn đàn chẳng có ai viết như thế cả nên mình tôi tha hồ múa bút trong một đề tài ấy, nhờ thế gây được sự chú ý ngay. Bước đầu như thế là một kinh nghiệm rất quý.

Khi mình có ý thức hơn, giai đoạn sau, tôi chuyển đề tài. Và từ đấy, tôi viết về Hà Nội, chỉ viết về Hà Nội. Cho đến bây giờ, nhắc lại những tác phẩm tôi đã viết, thấy hầu hết là những tác phẩm về Hà Nội. Những cuốn về miền núi, như Vợ chồng A Phủ... là nhờ mười năm tôi ở Việt Bắc, nhờ những suy nghĩ, những xem ngắm của mình, dù có được khen hay được giải thưởng, với tôi cũng không phải là những tác phẩm gan ruột. Viết về dân tộc, phải là người dân tộc viết cơ. Trong nhiều năm, tôi tập trung vào những tiểu thuyết: Quê nhà - viết về giai đoạn khi người Pháp đánh Hà Nội, người Hà Nội ta đánh lại người Pháp như thế nào. Quê người - kể lại đời sống sa sút khi bị Pháp chiếm đóng. Tất cả những điều ấy tôi viết không khó khăn gì, vì đấy là miền đất nơi tôi sinh ra, lớn lên, nghe và chứng kiến. Mười năm là cuốn tiểu thuyết kể về những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tên và số phận nhân vật không giống nhau, những vấn đề nối tiếp nhau. Thời chống Mỹ, tôi viết Đường phố, ngõ phố Hà Nội. Tất cả đều là Hà Nội. Cả truyện trẻ con cũng vậy, vẫn là quang cảnh ấy, trên một cơ sở đề tài ấy, Dế mèn, hay ba truyện cổ tích mà tôi rất thích: Quả dưa đỏ -chuyển thành Đảo hoang; Mỵ Châu Trọng Thủy - chuyển hành Nỏ thần, Chử Đồng Tử - chuyển thành Nhà Chử, đều trên mảnh đất phát tích là Hà Nội. Rất nhiều cuốn lặt vặt, khó nhớ hết, gần đây Chuyện cũ Hà Nội của tôi đã được xuất bản, toàn những chuyện nhỏ, tôi cứ viết dần, viết dần in lại lần cuối là 800 trang. Cuốn này năm trước được giải thưởng Thăng Long. Tôi đang viết một tập truyện phong tục, cũng toàn những truyện ngắn về những phong tục thời tôi sống, những phong tục mà tôi biết, khác xa bây giờ.

- Thưa ông, ông khai thác từ đời sống của ông, nói khác đi là khai thác chính bản thân mình, để viết nên nhiều tác phẩm như vậy, mà sao người đọc có cảm giác như nguồn vốn của ông chưa khi nào cạn kiệt?

- Không phải thế đâu, không phải là tôi chỉ khai thác tôi đâu, một đời người ta sống mấy đời chứ không phải một. Ông bà, bố mẹ tôi cho tôi cái sống ấy, rồi tôi lại tìm lấy xung quanh. Nói đến chuyện này, tôi muốn nói thêm về ngôn ngữ. Tôi muốn nói rằng ngôn ngữ của tôi không có tuổi. Tôi luôn luôn nhặt nhạnh chung quanh và khai thác lại. Tôi bao giờ cũng lưu tâm đến ngôn ngữ đời sống, bây giờ người ta hay nói vô tư đi, chẳng hạn thế, cái "vô tư" ấy lại chẳng phải là "vô tư". Phải tìm và sáng tạo lại. Điều này, rất quan trọng và chẳng phải là sáng kiến của riêng tôi đâu. Nếu không ý thức được điều đó sẽ không có phong cách. Các nhà văn trẻ bây giờ ít sáng tạo ngôn ngữ quá, phong cách của nhiều người cứ na ná nhau. Sao lại để cho mình cạn chứ? Nhà văn là phải khác nhau. Ngôn ngữ chính là chất liệu khảo cổ ngay trên mặt đất, phải biết tìm và trân trọng.

- Thưa ông, nhưng ông còn những tác phẩm khác không phải chỉ về Hà Nội. "Cát bụi chân ai" hay "Chiều chiều" chẳng hạn, rồi trong tập "Bút ký Tô Hoài" chừng hơn 500 trang ông sẽ tập hợp và in lại trong thời gian tới có những bài về nhiều đề tài khác nhau phải không ạ?

- Tôi viết tự truyện từ rất lâu rồi, hồi trẻ là Cỏ dại, cách đây chừng hơn hai mươi năm là Tự truyện, và những cuốn tiếp theo. Cuốn Tự truyện đang được dựng thành phim, ba tập. Tất nhiên một đời văn phải có nhiều suy ngẫm bên cạnh một vài đề tài mình yêu quý. Điều quan trọng nhất là tôi vẫn tiếp tục viết được, lại còn làm được nhiều công tác xã hội khác nữa: Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch ủy ban Đoàn kết á Phi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Việt -ấn... Bây giờ về ở trong căn nhà nhỏ tại Nghĩa Tân này để yên tĩnh và viết, tôi còn đang làm nhiều sách cho trẻ em lắm, 25 cuốn cho Nhà Xuất bản Kim Đồng, 100 truyện cổ tích viết lại cho hai nhà xuất bản Kim Đồng và Giáo dục.

- Xin cám ơn ông!

Báo SGGP


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com