Không chịu "an phận" với nghiệp thơ, mặc dù Hoàng Nhuận Cầm từng tuyên bố "yêu thơ đến chết", anh chàng thi sĩ lãng tử này còn tham lam gánh trên cơ thể còm cõi của mình những cái nghiệp khác như biên kịch, diễn viên và mới đây còn "nhảy" ra làm "bác sĩ tâm hồn" Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3.
Một
Có lẽ với những người yêu thơ và đã từng ngồi trên ghế giảng đường đại học, ít ai không thuộc vài bài thơ, đoạn thơ hay câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm. Thậm chí, giở bất cứ cuốn sổ thơ của nữ sinh khoa ngữ văn nào bạn cũng sẽ thấy những vần thơ của Cầm được viết nắn nót bằng màu mực tím. Và những câu thơ như thế, đọc lên không thể không nhớ...
"Em thấy không tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say...".
(Chiếc lá đầu tiên)
Thế nhưng, thơ Hoàng Nhuận Cầm khác... xa con người Hoàng Nhuận Cầm nếu chỉ xét trên phương diện "nhan sắc". Thoạt đầu gặp anh, tôi hơi... thất vọng, mới tin câu chuyện truyền khẩu tại Đại hội Hội Nhà văn lần 6 vừa rồi: trong khi thi sĩ Cầm "diêu bông" đã trên 80 tuổi có dư vẫn được chị em nhà văn tíu tít vây quanh thì thi sĩ Cầm "xúc xắc" đang còn "đầu bốn" ngồi một mình trong hội trường... hậm hực nhìn ra!
Hai
Không biết có phải tại cái "nhan sắc" đó nó vận vào nghiệp hay không mà khi Cầm nhảy sang lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy, "số" của anh cũng không khá hơn! Đóng phim đã trên 10 năm với khoảng 20 vai nhưng đều là vai phụ, đã thế chẳng có vai nào tử tế, toàn là những kẻ dở người, ấm đầu, hâm hấp, khùng khùng... Tự trào về cái nghề diễn viên "bạc bẽo" của mình, Cầm họa mấy câu thơ:
Đã sáu năm tôi làm diễn viên Chưa một lần được giao vai chính, có vở tôi cầm cờ, có vở tôi làm lính, có vở năm hồi tôi không nói một câu ... Nhưng như cô Thị Mầu đã phải lòng tiếng trống. Tôi có nỗi mê say không thể nói ra lời...
Tuy nhiên người xem lại nhớ đến anh nhờ những vai như thế. Nhắc đến Cầm "diễn viên" người ta phì cười và nhớ ngay đến ông vua Ngồi khật khưỡng, đần độn mà quyền uy trong phim "Cuội"; đến chàng thi sĩ dở hơi trong Số đỏ; đến cậu ấm Bình trong Người đàn bà bị săn đuổi hay Nghênh "hoạn lợn" trong Mảnh đời của Huệ; Thắng "lãng tử" trong Những người cha...
Với điện ảnh, cùng song hành với nghiệp diễn, Cầm còn có nghiệp viết, biên kịch. Lúc còn là nhà biên kịch của Hãng phim Truyện Việt Nam, anh đã cho ra đời những kịch bản phim nhựa ít nhiều gây dư luận như Lầm lỗi, Đằng sau cánh cửa, Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông 1946 (đồng kịch bản với Đặng Nhật Minh)... Hiện nay anh là nhà biên kịch năng nổ và tích cực của Hãng phim THVN và là "cha đẻ" của nhiều bộ phim đậm chất thơ như Mưa dầm ngõ nhỏ, Giấc mơ bằng giấy, Ký ức một thời...
Thế mạnh của Cầm khi viết kịch bản phim là những tác phẩm viết về lịch sử ở một góc độ mới hay đi sâu vào đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc. Một kịch bản phim nhựa mà anh ấp ủ 3 năm nay, có tên Nghĩa địa trắng, tái hiện lại cuộc khởi nghĩa lịch sử Bắc Sơn nhưng có dấu ấn của ngày hôm nay đang trong kế hoạch dàn dựng vào đầu năm 2001. Hoàng Nhuận Cầm thú nhận: "Tôi yêu thơ đến... chết và mê điện ảnh... phát mệt, khi viết về đề tài lịch sử, người tôi như bị nhập đồng vậy!".
Ba
Gần đây Hoàng Nhuận Cầm cũng đang "lên đồng" với cái nghiệp mới (nói là "nghiệp" bởi chắc khó lòng mà... dứt ra được!) - bác sĩ tâm hồn Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần. Từ thi sĩ nhảy sang làm diễn viên, biên kịch người ta có thể tin được chứ liều mạng làm cả bác sĩ mà chưa qua một trường lớp đào tạo nghề y nào thì quả là "kỳ tài". Kỳ tài đến mức một khán giả xem truyền hình gửi thư cho anh khen "Bác sĩ Hoa Súng khám bệnh thật kỳ tài, chẳng những làm cho người sống cười... muốn chết còn người chết thì muốn sống lại!". Mới qua được kỳ phát sóng thứ ba nhưng chương trình Gặp nhau cuối tuần đã "hút" mạnh khán giả vì đằng sau tiếng cười, người ta tìm ra nhiều điều cho mình. Riêng bác sĩ Hoa Súng thì thư gửi về cao như... núi. Mấy ngày cuối tuần, bác sĩ - nhà thơ phải tranh thủ đọc nghiên cứu thêm về sách thuốc, bí quá thì gọi điện tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ đồng nghiệp... Hoa Chuối!
Để hiểu thêm công việc "bếp núc" của bác sĩ tâm hồn Hoa Súng, chúng ta cùng "đột nhập" đến nhà riêng của Hoàng Nhuận Cầm:
- Bác sĩ Hoa Súng và "Bệnh viện tâm hồn", những cái tên ấy có nghĩa gì vậy?
- Đã có một khán giả hỏi mình câu này: "Hoa Súng ơi anh là ai, Cái tên ai ái chẳng sai chút nào, Dáng người tầm thấp hay cao, Đời tư biết có em nào hay chưa?" Và bác sĩ Hoa Súng ứng khẩu thành thơ: "Đã hỏi thì anh xin thưa, Từ trong lọ mực anh vừa chui lên, Dáng người như một mũi tên, Đẹp trai chắc chắn bỏ quên Lý Hùng, Đời tư vốn tính thẹn thùng, Mấy lần định nói nhưng rồi lại thôi".
Một "xuất xứ" khác của cái tên này là trích từ câu thơ mà mình rất thích "Hoa Súng tím vào trong mắt lắm mê say". Hiểu theo nghĩa đen thì đã "súng" là phải nhanh, bệnh nhân nào đưa ra câu hỏi là rơi vào "tầm đạn" của bác sĩ Hoa Súng ngay.
Còn Bệnh viện tâm hồn là bệnh viện chữa bệnh bằng tiếng cười, đem tiếng cười đến cho mọi người với phương châm "Khi bạn cười, cả thế giới sẽ cười với bạn, còn khi khóc, bạn chỉ khóc một mình". Tuy nhiên có một bạn hỏi khó tôi thế này: "Sao bác sĩ không đặt là Bệnh viện tâm thần cho đúng hơn là Bệnh viện tâm hồn"?
- Và anh trả lời...
- Đợi hồi sau sẽ rõ!
- "Bác sĩ Hoa Súng" và "Bệnh viện tâm hồn" khám và chữa bệnh bằng cách nào?
- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự chính xác, "đúng người đúng bệnh" và sự hóm hỉnh, kèm theo đó là sự nhanh nhẹn, linh hoạt và bất ngờ nữa. Trả lời đúng đã khó còn làm cho người ta cười lại càng khó hơn. Lúc đầu khi nhận "lệnh bắt buộc" của ông Khải Hưng mình cũng ngại lắm nhưng qua kỳ thứ nhất khán giả gọi điện kêu "khoái", thế là mình "tới" luôn!
- Anh "khám bệnh" trực tiếp tại trường quay hay đã được "chẩn đoán" từ trước?
- Bác sĩ Hoa Súng chỉ chuẩn bị trước một bộ quần áo trắng, chiếc mũ có in hình hoa súng và mấy cái kính "hiển vi". Mỗi kỳ "khám bệnh", bác sĩ Hoa Súng trả lời 5 câu trực tiếp và 6 câu qua... mạng, trong đó chỉ một vài câu có "kịch bản" từ trước còn phần lớn là khán giả tại trường quay đặt câu hỏi và bác sĩ "ứng phó" trực tiếp.
- Có tình huống nào khiến bác sĩ rối trí?
- Tất nhiên là không tránh khỏi. Gặp những câu hỏi bất ngờ và khó, hóc búa mình đành phải giả vờ lau chùi dụng cụ hay gọi điện hỏi bác sĩ đồng nghiệp... Hoa Chuối. Trong thời gian "câu giờ" đó mình nghĩ ra cách trả lời.
- Có câu hỏi nào của "bệnh nhân" bị... bỏ qua?
- Đến bây giờ thì... chưa!
- Có người nói bác sĩ Hoa Súng hơi hách dịch!
- (Cười). Mình chỉ giả vờ làm cho ra cái vẻ trầm trọng để tạo không khí như bệnh viện chứ trong bụng thì... buồn cười muốn chết!
- Làm thi sĩ và bác sĩ, anh thấy nghề nào hợp với mình hơn?
- Khi làm thơ mình mang tấm lòng bác sĩ, chia sẻ, cảm thông với mọi người và hy vọng đó là liều thuốc hàn gắn vết thương cho họ, còn khi là bác sĩ mình mang tâm hồn "thi sĩ" nghĩa là vay mượn sự nhịp nhàng, bay bổng của thơ ca đến... chữa bệnh.
- Mơ mộng như vậy anh không sợ chẩn đoán sai bệnh, thậm chí còn gây... tử vong cho bệnh nhân sao?
- Khổ lắm, nói mãi, đây là bệnh viện chữa bệnh bằng tiếng cười, với lại nhiều câu hỏi khó mà mình trả lời "chính xác", có khi bệnh nhân càng ốm thêm! Bệnh viện này là bệnh viện tâm hồn chứ không phải tâm thần!!!
Báo SGGP