hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1531.htm

Không rõ

Thi sĩ Hoàng Cầm - những rung cảm đến trong đêm

Nhà thơ Hoàng Cầm làm thơ không theo chủ định trước, không bao giờ ông ngồi "nghĩ thơ" mà phần lớn nó tự đến từ một rung cảm, một hoài niệm hay một nỗi đau buồn nào đấy. Những xúc cảm ấy thường đến trong đêm khuya, bằng một giọng nữ văng vẳng bên tai: "Bên kia sông Đuống", "Về Kinh Bắc", "Mưa Thuận Thành", "Men đá vàng", "99 tình khúc" - những tập thơ chính của ông đều xuất phát từ những xúc cảm đó và xuyên suốt trong thơ ông là chất trữ tình bay bổng của một vùng văn hóa phồn thịnh Kinh Bắc, của một con chim vàng với giọng hót lảnh lót, của một cây đàn hoàng tử với những âm điệu lịch lãm và sang trọng ngân vang trong nền thơ Việt Nam...

Tôi sinh ra trên miền đất quan họ, ở vùng Thuận Thành, còn gọi là Luy Lâu - nơi phát tích đầu tiên của nền văn hóa Việt Nam, phía hữu ngạn của sông Đuống. Cha tôi là một ông đồ nho nghèo chuyên đi dạy học kiếm sống, làng nào mời dạy thì đón về góp gạo nuôi thầy, lúc rảnh rang lại xoay ra bốc thuốc bắc cho bà con trong làng. Mẹ tôi là một phụ nữ trẻ đẹp, hát quan họ hay nhất làng Bưu, lại là làng hát quan họ nổi tiếng nhất trong vùng. Mẹ tôi cùng thôn với mẹ của thi hào Nguyễn Du - bà Nguyễn Thị Tần. Tôi được sinh ra một đêm trước ngày hội Lim (12 tháng giêng năm 1922). Tuổi thơ tôi lớn lên trong lời ru của các làn quan họ, của các điệu hát đối, hát ví. Trong tôi luôn thấm đẫm những âm hưởng, sắc màu của một nền văn hóa Kinh Bắc với một đời sống vật chất và tinh thần rất phong phú, nó ngấm và ảnh hưởng vào cuộc đời, vào giọng điệu thơ tôi rất nhiều sau này.Tôi nghiệm ra một điều, thời niên thiếu sinh sống như thế nào thì nó in đậm vào hồn anh, thơ anh như thế. Xuân Diệu sống ở thành thị từ nhỏ nên rất khó tìm trong thơ ông những nét làng quê, ngược lại, thơ Nguyễn Bính rất khó tìm ra chất thị thành mà thường là hình ảnh của một làng quê nghèo chân chất vùng chiêm trũng. Về già tôi hay ngồi nghiền ngẫm sự đời và cũng nghiệm ra một chân lý: cách sống, lối sống của mình như thế nào thì mình sẽ làm thơ như thế và điều đó còn quán xuyến suốt cả cuộc đời mình. Tôi sống thiên về nội tâm, về thế giới bên trong còn ngoài đời rất ngờ nghệch, dại dột vì thế hay gây ra những hiểu nhầm hoặc thua thiệt. Tuy nhiên, cũng nhờ thế mà tôi có những giây phút xuất thần với "Bên kia sông Đuống", "Lá diêu bông", "Mưa Thuận Thành".

- Thế nhưng chắc chắn những bài thơ ấy phải xuất xứ từ một cảm hứng cụ thể nào đó chứ, thưa ông?

- Dĩ nhiên là thế, mỗi bài thơ đều mang những tình riêng của mình lâu nay và chỉ chờ những cảm xúc đến là bật lên thành lời. Những cảm xúc ấy đến rất lạ. Thường trong đêm khuya thanh vắng, tôi chợt nghe văng vẳng bên tai một giọng đọc, vâng, một giọng đọc nữ thong thả và rõ ràng - cố nhiên đó là giọng đọc phát ra từ tâm trạng của chính mình và ngay trong thời khắc ấy tôi cầm lấy bút ghi chép ngay. Khi tôi khơi được nguồn mạch, các câu thơ sau cứ thế mà tuôn trào. Bài "Bên kia sông Đuống" bắt đầu từ một giọng đọc nữ trong đêm như thế. Lúc ấy, tôi đang làm báo ở Việt Bắc cùng các anh em khác như Nguyên Hồng, Kim Lân, Hoàng Tích Linh... Bố mẹ và vợ con tôi đang bị mắc kẹt ở phía bên kia sông Đuống, nơi địch chiếm đóng. Tôi đang lo lắng vì lâu không nhận được tin nhà thì nghe ông chỉ huy bảo tôi có mấy anh lính ở dưới quê lên báo cáo tình hình. Nghe báo cáo xong, về tôi không sao ngủ được, trong lòng tràn đầy các tình cảm rối bời, lo lắng, xao xuyến xen lẫn với căm giận và nhiều nhất là sự xót xa, thương nhớ khi nghĩ về làng quê mình đang nằm dưới gót giặc, về những người dân quê bị giết, những ngôi đình bị phá và những ngôi chùa bị chiếm đóng... Trong tâm trạng đó tôi nghĩ khó mà làm thơ được nhưng rồi chợt văng vẳng trong đêm khuya vang lên một giọng đọc nữ: "Em ơi buồn làm chi / Anh đưa em về bên kia sông Đuống / Ngày xưa cát trắng phẳng lì". Những tình cảm dồn nén bấy lâu nay cứ thế trào ra thành thơ, tôi ghi lia lịa chỉ sợ ghi không kịp bị tắc giữa chừng và khi ghi xong 134 câu thơ thì trời đã rạng sáng. Tôi liền đánh thức Nguyên Hồng dậy, đợi ông ra sân tập thể dục xong mới gọi: "Hồng ơi, có thơ mới này, thích nghe thì vào đây". Khi tôi mới đọc được 4, 5 câu đầu, ông đã... khóc thút thít. Nguyên Hồng có một cái tật rất đáng yêu là nghe chuyện gì xúc động là ông khóc ngay, mà khóc thành tiếng nức nở như phụ nữ hẳn hoi. Tôi biết thế nên cứ đọc, bên tai là tiếng khóc ngày càng to của Nguyên Hồng, nước mắt, nước mũi ràn rụa đến nỗi ông phải lấy vạt áo để lau. Hôm sau ông bảo tôi chép thành 3 bản để gửi đi ba nơi (lúc đó N.Hồng là tổng biên tập báo Quân Việt Bắc, báo Sự Thật (tiền thân của Nhân Dân ngày nay), báo Vệ quốc quân (QĐND) và Ban văn nghệ Nha Thông tin tuyên truyền). Mãi 2 tháng sau bài thơ lại xuất hiện trên một tờ báo khác là Cứu quốc - tiền thân của báo Đại đoàn kết do hai ông Như Phong và Tô Hoài phụ trách... Thời đó bài thơ này cùng với "Đêm liên hoan", "Quà tặng đêm giao thừa" được rất nhiều người yêu thích và đồng cảm, nó lan truyền tận Côn Đảo, Phú Quốc. Đó là những bài thơ tâm đắc nhất thời kháng chiến chống Pháp của tôi...

Nhiều bài thơ về sau, đặc biệt là bài "Lá diêu bông" cũng ra đời trong một tình huống ban đầu như thế.

Sau này, có kinh nghiệm nên trước khi đi ngủ tôi luôn để sẵn một tập giấy dưới gối và một cây bút chì bên tay phải (tôi không dùng bút mực vì sợ tắc giữa chừng), chờ khi cảm xúc đến là bật dậy viết luôn vì chỉ vài phút sau là quên ngay. Đêm ấy là một đêm mùa đông lạnh giá, tôi không ngủ được mà không bởi một lý do gì. Đến khoảng gần 2 giờ sáng, một giọng đọc lại vang lên, rành rọt: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng"... Nhanh như một luồng điện chạy qua cơ thể, tôi cầm bút và viết ngay, dòng này đè lên dòng kia dưới ánh đèn ngủ mờ ảo 6w. Đây là bài thơ duy nhất mà tôi ghi lại từ đầu đến cuối theo giọng đọc đó. Hóa ra cái tình ấy, câu chuyện ấy mà đã ngấm vào mình từ lâu rồi...

Năm 4 tuổi, tôi được bố gởi đi trọ học trên tỉnh, cách nhà khoảng 6km. Chiều thứ bảy lại theo chuyến tàu chợ về nhà. Một hôm, được nghỉ học sớm nên tôi tranh thủ về nhà. Vừa bước vào cửa, tôi thấy một cô gái tóc dài đang mua hàng của mẹ, khi chị quay mặt ra tôi như bị một cú sét đánh trúng bởi một gương mặt quá đẹp, đến mức không diễn tả được, làm sáng bừng cả không gian xung quanh, còn tôi thì như bị mê man đi. Trong 4, 5 năm trời, hễ đi học thì thôi chứ về nhà là tôi lẽo đẽo theo chị, chị ra bờ sông gần nhà giặt áo, tôi cũng men theo; chị vào vườn ổi, tôi cũng vào theo... Hôm ấy là Noel, buổi chiều tôi theo chị ra đồng, trời lạnh, nắng đã nhạt dần. Chợt chị quay lại mắng yêu: "Ơ, sao thằng này cứ theo tao mãi thế nhỉ", tôi đỏ bừng mặt nhưng trong lòng rất sung sướng. Lúc sau thấy chị vạch lá tìm cái gì đấy, tôi bèn hỏi: "Chị Vinh ơi, chị tìm cái gì đấy?". Chị bảo tìm một thứ lá gì đấy mà sau này tôi quên mất, rồi nói đùa: "Đứa nào tìm được lá, ta sẽ gọi là chồng". Tối, hai chị em dắt tay nhau về nhưng câu chuyện này cứ ám ảnh tôi mãi, đặc biệt là lời thách đùa của chị. Nhưng sau đó chị đi lấy chồng, tôi... thất tình từ năm 15 tuổi. Mấy chục năm sau viết "Lá diêu bông", những ký ức tuổi thơ vẫn sống mãi trong tôi bỗng tràn về...

- Những cảm xúc đến trong đêm và qua giọng đọc của người phụ nữ ấy, nó làm chủ hoàn toàn ngòi bút của ông, ông có nghĩ sẽ có những câu thơ vô nghĩa?

- Có nhiều câu thơ vô nghĩa nhưng nó vẫn giàu sức gợi, sức cảm. Theo tôi không nhất thiết phải giải nghĩa thơ mà hãy tự cảm nhận, từ cảm nhận sẽ ra hình tượng. Thơ, nhiều khi chỉ là một cái đẹp đơn thuần. Nhiều người hỏi "Lá diêu bông" là gì, tôi không biết nhưng rõ ràng nó phù hợp với không khí, âm hưởng chủ đạo của bài thơ. Nhiều người lại hỏi tôi nghĩ gì khi viết một câu thơ rất hình ảnh và hình tượng chỉ về con sông Đuống là "Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ". Quả thật lúc ấy tôi không nghĩ gì cả. Nhưng nếu giải nghĩa có thể hiểu đó là sự nhân cách hóa con sông, nó cũng suy tư, trăn trở khi nghĩ về vận mệnh Tổ quốc, dân tộc và chính nó.

- Trong lời đề tựa của tập thơ 99 tình khúc, ông có ghi trong lời tựa rằng "Thành kính dâng lên hương hồn người đã gợi ra nhịp điệu, âm thanh và đường nét sắc màu trong 99 tình khúc" và phía dưới là "dâng" cho 13 người phụ nữ. Từ thuở ấy đến giờ, hình như ông vẫn đi đầu non cuối bể để tìm lá diêu bông! Ông sẽ không ngại chứ khi trả lời câu hỏi hơi tế nhị này, có phải đó là những người phụ nữ đã đi qua đời ông?

- Không, có gì phải ngại khi tôi đã ghi lời đề tựa như thế. Những người phụ nữ ấy là những mối tình của tôi. Có mối tình đơn phương, có cuộc tình đồng điệu, có... những người bạn đời và những người tình. Những mối tình này đã đi qua đời tôi, là cội nguồn, rung cảm và góp phần vào nhưng bài thơ, những tình khúc này.

Ở tuổi "xưa nay hiếm" (80 tuổi), có còn "tình khúc" nào nữa đến với ông và giọng đọc của người phụ nữ văng vẳng trong đêm khuya ấy, có còn?

- Mấy năm gần đây có vẻ như cảm xúc đang thưa dần đi do sức khỏe, tuổi tác không còn như xưa mà tôi lại không bao giờ ngồi "nghĩ thơ", cái đó tôi dành cho văn xuôi. Tập văn xuôi thứ hai của tôi sẽ ra mắt trong thời gian tới cũng là những bài tạp văn, hồi ký, hoài niệm, những truyện ngắn đậm chất thơ hay những bài phê bình văn học kiểu cảm nhận... Trong năm nay, NXB Văn học sẽ in cho tôi 2 tập văn xuôi, một tập thơ và một tập kịch thơ ("Kiều Loan", "Trương Chi", "Hậu Nam Quan", "Lên đường", "Cô gái nước Tần")

- Và bút danh Hoàng Cầm nữa, nghe rất gợi, ông có thể giải nghĩa cho bạn đọc - bởi tôi chắc chắn nó-không-vô-nghĩa?

- Tên thật của tôi là Bùi Tằng Việt do bố tôi đặt, bởi tôi sinh ra ở thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên. Năm 18 tuổi, khi viết cho tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy, tôi lấy bút danh là Hoàng Cầm. Trước tiên, nó là tên của một vị thuốc bắc rất đắng nhưng chữa được nhiều bệnh, còn tôi chọn nó bởi hai nghĩa: Hoàng Cầm là con chim vàng và cây đàn hoàng tử. Cả hai nghĩa này đều gần với đời tôi và thơ tôi (trong đó tập "Về Kinh Bắc" tiêu biểu nhất cho phong cách và mang đậm ý nghĩa của bút danh này). Thành ra bao nhiêu ý nghĩa của bút danh này nó đều vận vào cuộc đời tôi.

Báo SGGP


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com