Ông được nhiều người biết đến với cái tên ký dưới bài thơ nổi tiếng ông đồ.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già...
Theo tôi, nhà phê bình văn học Hoài Thanh, trong cuốn Thi nhân Việt Nam đã có một nhận xét rất chính xác về Vũ Đình Liên:
... "Từ khi có phong trào thơ mới ra đời ta đã thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. Người cũng ca ngợi tình yêu như hầu hết mọi nhà thơ hồi bấy giờ nhưng hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa Có một lần hai người cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác Ông đồ...
(Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học - Hà Nội, 1992, trang 68-69).
Đúng như ý của ông Hoài Thanh nói trên, thương yêu con người và hoài niệm quá khứ là hai nét nổi bật nhất trong cuộc sống và tư duy sáng tác của Vũ Đình Liên. Những người quen thân ông hẳn không mấy ai quên trong đời thường Vũ Đình Liên có những thái độ, cử chỉ, hành động đầy tính nhân ái. Đi đường gặp một cháu bé mua quà thiếu tiền, ông dừng lại móc túi lấy tiền trả hộ cho cháu. Ông thường nhỏ nhẹ nhắc nhở, khuyên răn, dạy bảo các cháu sống quanh ông những điều hơn, lẽ thiệt. Có năm ông không ăn Tết với gia đình mà mang một cặp bánh chưng lên xe hoả ngược Thái Nguyên. Trên tàu vào giao thừa nêm áy ở ga Lưu Xá, khách xuống hết chỉ có một người đàn bà điên và ông. Ông giở bánh bóc ra mời người bạn đồng hành duy nhất cùng ăn. Lạ lùng thay, bà điên ấy bỗng nhiên chợt tỉnh trở thành một người như bình thường. Lại một giao thừa khác, ông mang bánh chưng ra mời một cụ già hành khất ở đầu phố cùng ăn. Ông xúc động chảy nước mắt khi nghe tiếng chổi tre quét rác của các chị công nhân trong đêm lạnh mà nhớ đến một bà già quét rác chết vùi trong đống rác. Có lần ông kề đi từ Sơn Tây về qua một nơi có tên là "Cầu Trò", thấy tên lạ ông mới hỏi một bà cụ người địa phương nghe kể lại chuyện thương tâm của một ca kỹ đi hát về quá khuya gặp mưa phùn gió bấc vừa đói vừa rét người đó đã ngã gục xuống chết cóng ở chỗ này, Vũ Đình Liên xót xa làm một bài thơ khóc con người xấu số bạc mệnh đó. Có đêm ông còn nằm mộng thấy trao đổi thơ với người này. Ngày còn sống ông hay đến thăm chị Vũ Mỹ Hằng, con gái độc nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng ông lững thững ôm cặp đi bộ từ nhà xuống Nhân Chính, thắp hương viếng mộ ông Phụng, trò chuyện an ủi chị Hằng rồi lại lững thững ôm cặp về chùa Bộc, đôi khi tá túc vài bữa cùng ăn cơm cháy với vị trụ trì ở đó. Đặc biệt, ông rất quý người bạn đời của ông. Bà chăm sóc ông tận tình đến nỗi khi giật mình nghĩ lại chuyện mình "lang thang" đây đó có khi bỏ cả những ngày lễ lạt tết nhất, ông rất hối hận. Khi bà mất, ông mang bát hương đến ngay bên cạnh giường nằm. Ông còn nói với bạn bè một cách rất chân thành: "Bọn ta phải lập ra một cái hội gọi là "Hội những người chồng xám hối'"' (ông dùng tiếng Pháp "assoclation des maris repentants"). Nhân một hôm trò chuyện với nhà giáo Nguyễn Thượng Xứng, bạn của ông Liên, anh Xứng hỏi:
- Ông biết chuyện ông Liên chia buồn với bà Anna, chuyên gia Liên Xô về cái vụ ông chồng bà ta mất đột ngột rồi chứ?
- Hình như là một bài thơ bằng tiếng Pháp phải không?
- Đúng vậy - bà Anna rất giỏi Pháp văn nên ông Liên gửi bà ấy bài chia buồn lấy tên là "à votre douleur" (Với nỗi đau của bà).
Anh Xứng kể tiếp:
- Khi bà Anna về nước bà có hẹn ông Liên năng gửi thư cho bà nhưng ông vốn đãng trí nên quên mất. Về sau nhớ lại, ông gửi liền mấy lá song có lẽ vì bà Anna không còn ở địa chỉ cũ nữa nên không có hồi âm. Ông Liên hối hận lắm.
Ông làm một bài thơ lấy tên là Đàn sếu (hay Hận dài) đau lắm. Khi đọc cho bọn ta nghe, ông còn rơm rớm nước mắt.
Biết ông như vậy cho nên khi các bạn nhận xét ông là một người đa cảm đa sầu, đa tư, đa lự, tôi xin phép chữa lại là "chân cảm, chân sầu, chân tư, chân lự" anh thấy có phải không?
Đánh giá như vậy quả không xa sự thật. Sự thật ấy lộ ra trong sáng tác của ông, trong đời sống văn học của ông. Đọc Ông đồ, "Lòng ta là những thành quách cũ"... có thể thấy rõ điều đó. Có lần đi qua hồ Hoàn Kiếm, ông chỉ Tháp Rùa và kể:
- Năm bốn tư (1944) tôi làm việc ở Quy Nhơn, xứ sở của các Tháp Chàm, tôi đã viết một vở kịch thơ về nàng Mị ê, vở đã bị thất lạc trong thời kỳ kháng chiến, nay chỉ còn nhớ lõm bõm được mấy câu...
Anh em yêu cầu ông đọc - ông lẩm nhẩm nhớ lai và đọc:
Trên đường dài không một bóng Chàm đi
Trên bến rộng không một thuyền Chàm đậu
Không ai nhớ Mị Ê thương Xạ Đẩu
Cả núi sông cây cỏ cũng hững hờ
Chẳng nhớ là sông núi nước Chàm xưa
Chỉ còn lại, than ôi, dãi dầu mưa Rắng
Trên đồi cao ngọn Tháp Chàm câm lặng
Nghìn muôn năm xây hận một phương trời
Còn Tháp Chàm thương nhớ nước Chàm thôi...
Tất nhiên cảm thức áy, nhân sinh quan ấy ở nhà thơ có theo thời gian mà thay đổi. Mấy năm trước khi trở về với cõi hư huyền, ông có trao cho tôi mười bài thơ về đề tài Ông đồ. Dưới mỗi bài có ghi rõ năm sáng tác và mỗi bài đều có một nhan đề: Ông đồ (Tưởng nhớ) - 1936; Ông đồ yêu nước - 1977; Ông đồ nhân dân - 1977; Thuỷ chung với ông đồ - 1974; Ông đồ thống nhất- 1976; Ông đồ XHCN - 1977; Ông đồ mùa xuân cộng sản - 1977; Ông đồ viết bài ca cộng sản - 1977; Ông đồ quốc tế - 1977; Ông đồ say - 1977.
Mười bài thơ này tác giả lấy một cái tên chung là "Bản hợp xướng hoàn chỉnh" (tác giả ghi bằng tiếng Pháp: Symphonie achevéc).
Thời thơ mới, Vũ Đình Liên làm thơ tự do. Sau này ông sính làm thơ thất ngôn bát cú. Ngoài thơ tiếng ta, ông còn làm thơ tiếng Pháp, dịch thơ Pháp. Nhà thơ Pháp mà ông mê là Bô-đờ-le (Beaudelaire). Ông thường đùa coi ông là Bô-đờ-Liên. Ông đã dịch cả tập thơ Bô-đờ-le ra tiếng Việt Đó là tập "ác hoa" (Les fleurs du mal). Một nét đặc biệt nổi bật nữa là ông say văn chương như điếu đổ. ở nhà người bạn thân của ông là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Trần Văn Lưu, ông đã thiết kế một cái đền . Păng-tê-ông (Panthéon) để thờ các danh nhân văn học như: Vích-to Huygô (Victor Hugo), Nguyễn Du... Ông còn rủ mấy anh em lên nhà ông Lưu bàn với ông Lưu và hoạ sĩ Bùi Xuân Phái (hai người bạn thân của ông) để cùng nhau thành lập... Viện Hàn lâm Văn học.
Hỏi ông: Để làm gì?
Ông đáp: Tập hợp các tài năng văn học, thúc đẩy sáng tác
- Việc đó là việc của Nhà nước.
Ông ngẩng lên, hơi ngơ ngác:
- Ta làm cũng được chứ. Bên Pháp có Viện Hàn lâm do hai anh em Gông-cua (Goncourt) sáng lập đó thôi!
Vũ Đình Liên là như vậy: đôn hậu, "chất phác", mê đắm. Bỗng nhớ một lần, ông đến nhà ông Trần Văn Lưu ở Hàng Bông, thấy có treo bức tranh ông đồ do hoạ sĩ Bùi Xuân Phái xé giấy màu ghép lại, ông ngồi lùi ra một góc, ngẩn ngơ ngắm mãi rồi xúc động làm luôn bài thơ Ngắm tranh.
Ông đã đi xa mãi mãi nhưng trong lòng bè bạn hình ảnh ông vẫn còn ở lại, hình ảnh một "nhà thơ trong cốt cách ông đồ".
Báo Văn nghệ