"Tai tiếng thì nhiều, nhưng hình như tôi là một người bất cần: Ai nói xấu cũng được, tốt cũng được, bởi chỉ mình biết mình thôi. Họ có thể vu khống nhiều chuyện, mình không cần thanh minh, trừ tội giết người", nhà thơ tâm sự.
- Nếu được làm lại cuộc đời, chị có "lầm lạc" làm một thi sĩ?
- Tôi vẫn yêu thơ ca, văn học, cái đẹp. Khi nào cùng cực quá, tôi phải cười. Những khi khổ nhất cả về thân xác lẫn tinh thần, tôi vẫn có cảm giác nhẹ nhõm: Cuộc đời là vậy, khi mình không sống cho mình thì thấy hạnh phúc.
- Chị thà sống dại, hơn là khôn ngoan bịt mắt nhìn đời?
- Ở đời biết ai dại, ai khôn? Dại khôn theo quan niệm của từng người. Khôn của người này có khi là cái dại của người khác. Tôi sống đúng với những gì tôi nghĩ.
- Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Lâm Thị Mỹ Dạ chỉ dừng ở sự thảng thốt, hồn nhiên, vô tư lự trước cuộc đời, một chút xót xa, đau đớn cho thân phận?
- Thơ như cây cỏ, hoa lá. Tất cả tự nhiên mọc, đừng uốn éo, tạo dáng. Thế hệ chúng tôi đến với thơ rất khó khăn. Người ta cho rằng tư duy phụ nữ không bằng nam giới. Nhưng tôi nghĩ, sự tinh tế ở phụ nữ thường mạnh hơn ở đàn ông. Song dấn thân biểu hiện sự quyết liệt thì phụ nữ viết văn mạnh hơn phụ nữ làm thơ.
- Theo đánh giá của chị thì thế giới thơ như thế nào?
- Rất đa dạng. Có những người nghiêm túc, có những người dễ dãi. Họ nghĩ, làm thơ rất dễ nên làm hỏng thơ. Cho nên, có người nói, thơ bây giờ không còn là thơ. Điều đó cũng có cái đúng. Có những người tự dối mình, bất lực giữ tên mình. Nhưng tôi nghĩ, không nên đùa với thơ. Thơ như một cái đền thờ, bước vào đó thì đừng nên xem thường cái mà mình tôn thờ.
- Vậy theo chị thơ có là "khu vườn chữa bệnh"?
- Thơ vừa là nơi gây cho mình nhiều vết thương, mà cũng vừa là nơi xoa dịu, nhưng cũng không hẳn là một khu vườn chữa bệnh. Vì nếu như vậy, ai cũng nhảy vào đó. Thơ như cuộc đời đầy tràn vết thương. Trên đường đi vào thể nào cũng bị cào rách nát. Nhưng khi đến được thì đó là đích cuối cùng.
- Cái đích cuối của nhà thơ ở Việt Nam là gì?
- Thơ Việt Nam thiên về trữ tình, trong khi thơ thế giới in đậm tinh thần xã hội. Nhiều nhà thơ lớn của thế giới có thái độ phản kháng quyết liệt. Nền thơ ca của ta nên có tầm cao hơn để xứng với một đất nước anh hùng mà cũng nhiều bi kịch cá nhân trong thời bình.
- Đối với thơ trẻ hôm nay, chị có cái nhìn cởi mở hơn những người khác?
- Không nên đặt lớp trẻ vào cái nhìn cổ điển. Lớp trẻ có quyền sống trong thời của họ, phản ánh tâm trạng của họ. Họ có tài năng, có học, nhiều trường phái. Ai định hình được, làm cho người ta nhớ, phải thật có tài. Tôi thích Phan Huyền Thư, cách viết kín đáo, đàn bà, sâu sắc mà chừng mực, tuy không biết còn đi xa bao lâu. Thích Vi Thùy Linh thẳng thắn như roi quất, quyết liệt, trần trụi, nhưng trong thơ có những cái nhìn độc đáo, khác thường, những từ ngữ "huý kỵ".
Theo Vnexpress