hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1522.htm

Không rõ

Nhà thơ Nguyễn Duy

Cánh cầm bút “buôn dưa lê” ưa tung ra nhận xét về các nhà văn, tới Nguyễn Duy thường bảo: “Cha Duy coi vậy chứ khôn lắm!”. Ơ hay, các anh, các ả tí toáy văn chương lại cứ hay cho rằng "khôn" là một thứ chả ra gì, tóm lại là không nghệ sĩ, không thi sĩ. Nhưng thật ra mấy ai chơi với Duy mà hiểu hết Duy để biết thương cái “khôn” của Duy ? Nghe ra có vẻ nghịch lý, người ta lo thương cái “dại” chứ hơi sức đâu mà đi lo thương cái “khôn” bao giờ ?

Thôi hết thời rồi một gã lực điền băm bổ, ăn một lèo 10 bát cơm, ưa mặc áo lính thùng thình bỏ ra ngoài cái quần lính cũng không kém thùng thình (hình như vì không có dây nịt). Bây giờ Duy chậm chạp đến rề rề, và lúc này đây ngồi trên chiếc ghế tre nhìn ra bụi trúc nhỏ đón mặt trời. Đón không phải để... chào, mà để chằm chằm nhìn thẳng vào ông mặt trời. Chả phải ương ngạnh gì đâu, mà vì nghe theo lời một ông thầy, rằng: "Mỗi sớm con cứ nhìn thẳng vào mặt trời lên 15 phút, sự cường tráng sẽ trở lại với con". Sớm nay như mọi sớm mùi khoai nướng đã lên rần rần rồi nhưng ánh mặt trời lại tản mát đẩu đâu. Duy bảo: "Bây giờ tôi chả ăn được gì ngoài khoai". Duy lại bảo: "Một ngày buồn vì không được nhìn thẳng vào mặt trời tròn trịa".

Lâu rồi mỗi đứa một phương... sống, chả lúc nào ngồi lại với nhau để bàn chuyện văn chương. Tôi chuẩn bị vài ba câu hỏi ất ơ định làm một bài phỏng vấn ất ơ. Đại loại như: "Ông sinh ra ở một gia đình nhà nông chẳng ai ngó ngàng đến thơ, ấy thế mà ông lại trở thành nhà thơ, trong khi ba đứa con của ông rành rành sinh ra trong một gia đình... thơ lại chả đứa nào ngó ngàng đến thơ ? Thơ có lỗi hay ông có lỗi ?".

Đại loại: "Giữa cái việc bỏ thuốc lào với bỏ thơ, rõ ràng bỏ thuốc lào có lợi cho mạng sống của ông hơn, tại sao chỉ đến khi bị ngã què chân ông mới bỏ, trong khi lúc đôi chân còn băm bổ ông đã bỏ... thơ ?". Nhưng tôi chả hỏi được câu hỏi nào dự tính trước, Duy không cho tôi cái cơ hội hỏi ấy, bởi, Duy không muốn tôi biết cái chầu rìa mon men mà muốn cho tôi biết cái lõi tôi cần phải biết từ Duy. Tôi linh cảm rằng với con người mỗi sớm chờ mặt trời lên để nhìn trừng trừng vào, đây không chỉ là "muốn cho" mà còn là "muốn... trút" .

Duy đứng dậy với tay lấy cái làn tre treo ở mái hiên bựng vốc trà sen cho vào quả trứng bạc thả vào "lọ" nước sôi. Hừ, pha trà sen kiểu này cụ Nguyễn Tuân biết cụ chửi chết. Nhưng Duy "cóc" sợ ai chửi nữa. Pha trà thế nào trà vẫn đậm hương trà, sen vẫn đậm hương sen thì pha.

Nguyễn Duy: Có đụng chạm xã hội mới ra cái thần hồn văn chương. Nhưng khổ nỗi nhà văn cũng có năm bảy loại nhà văn. Có anh nhà văn viết... chơi thôi. Có anh nhà văn viết ba lăng nhăng để kiếm sống, có anh nhà văn lo kiếm... chức, có tí quyền lực. Còn nhà văn... thật ? Ở anh nhà văn thật ấy có một nhà hiền triết, một nhà văn hóa, một nghệ sĩ. Thực ra cái lõi của văn chương là triết. Từ cả những chuyện đùa cợt, tầm phào nhất cũng có thể phả triết học vào, có thế mới dội lại được cuộc đời. Chỉ khác nhà triết học trình bày triết học của mình bằng lý lẽ, khoa học, còn nhà văn bằng cảm xúc. Thời buổi hiện đại rồi đâu có phải ai cũng thành "nhà thơ" được. Làm thơ phải đọc, phải đi đó đi đây, không có kiến thức tổng hợp xã hội sao làm thơ cho ra cái thời hôm nay ? Ấy đụng đến đọc, đến đi, đến kiến thức đều cần phải có tiền đấy. Nhưng tiền ấy ở đâu ra ? Ngồi trông chờ ai đó, đều không viết được, đều không thành hết. Tôi đã từng ký những hợp đồng... viết ấy, nhưng viết được chữ nào đâu ? Mà nếu có chữ thì chữ ấy không thành văn chương. Để thành một nhà văn lớn ở nước mình khó lắm, phải là một nhà văn hóa lớn, không thâu tóm được tinh hoa văn hóa dân tộc vào một cá thể không thể trở thành một nhà văn hóa lớn ! Nước mình có ông nhà văn nhiều chữ - chơi chữ thành thần, tôi phục ông ấy chơi chữ, nhưng bảo thành cái gì bày lên bàn đi, không bày được ông ạ.

Trà tuần đầu đã nhạt, Nguyễn Duy lại lọ mọ chống đôi chân khập khiễng đến bên mái hiên có treo cái làn tre. Lặp lại động tác cũ, nhón lấy nắm trà sen thả vào quả trứng bạc, rồi cầm cái cần treo quả trứng bạc nhứ nhứ như câu nhái.

Nguyễn Duy: Văn chương thời quái nào cũng vậy, không đụng đến kinh mạch, huyệt đạo của xã hội không thể thành văn chương đích thực được, mà chỉ là thứ kể chuyện vặt qua ngày. Bút lực tôi ào ào, nếu bảo nhà văn lớn là số lượng chữ tôi có thể đua thành... lớn. Nhưng để mỗi con chữ có linh hồn thì... Ngày xưa cụ Tản Đà bảo có văn thật, văn chơi. Thế nào là chơi, thế nào là thật ? Chơi như anh làm thơ ứng khẩu ấy mà. Để có văn thật đã khó, được người đời chấp nhận văn thật ấy, khó hơn. Làm văn chương thật là phải rũ được gan ruột mình ra. Hà... hà... tôi cũng thử " rũ" một tí thì đã bị người đời đập cho rũ mặt rồi:

" Trích một giọt máu thường xét nghiệm

Tí trí thức, tí thợ cày, tí điếm

Tí con buôn, tí cán bộ, tí thằng hề

Phật và ma mỗi thứ một tí ti..."

Nói một cách nghiêm túc trong đó có cả mình, chả lẽ mình rũ gan ruột mình ra chửi mình cũng không được sao ?

Bây giờ Nguyễn Duy đóng căn cứ trên gác thượng ngôi nhà ông mới hoàn thành này. Bán miếng đất ở Lồ Ồ, bỏ ra một năm mở quán... vịt, trổ tài đánh tiết canh vịt, rồi đi vay bạn bè mới đủ tiền lên cái nhà này đây. Nhưng lên nhà mát cái mặt rồi vẫn canh cánh nỗi lo trả nợ bạn bè, thế là bày ra trò làm lịch... thơ. Thúng, mủng, cối, chày triển lãm thơ khắp thế giới đem ra chụp lại rồi đề thơ lên đấy, in, bán, lời. Ba vụ lịch đủ "rũ" sạch nợ. Ai bảo Duy không có tí máu kinh doanh, tí máu con buôn ? Có lúc thấy Duy phải đọc thơ cho cả kẻ mình không ưa, ai bảo Duy không có tí thằng... hề ? Ngày ngày Duy vẫn phải đến cơ quan, chả gì cũng là một ông lãnh đạo văn phòng phía Nam của một tờ báo, rõ ràng Duy không chỉ "tí cán bộ" mà nhiều... tí cán bộ. Nhưng có thấy một Nguyễn Duy mấy chục năm bươn chải nuôi vợ con nheo nhóc rồi giúp họ hàng ở quê nheo nhóc làm đủ thứ chuyện: nuôi lợn, đạp xích lô, nấu rượu, viết thuê, giúp vui bên chén rượu với mấy gã giàu tiền, ú chức mới hiểu Duy phải "khôn" cái tiểu tiết để được "dại" cái đại sự. Đại sự ấy Duy đã có rồi: Vợ và các con thoát được cảnh nghèo. Đại sự ấy Duy đã có rồi: Tuy không nói toẹt được trước những người cần nói "toẹt" điều cần nói, thì đã viết "toẹt" được điều cần viết bằng cả máu và nước mắt của mình trên giấy rồi đem in đàng hoàng. Bộ ba trường ca: Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa Tổ quốc và Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là một minh chứng. Gan ruột rũ ra hết ở đấy, tài năng, trí tuệ, nhân cách rũ ra hết ở đấy, và tình yêu Tổ quốc cũng rũ ra hết ở đấy. Đến đấy là dừng. Chính vì vậy Duy gác thơ. Nhưng cái nghĩa vụ công dân yêu nước thương nòi vẫn đeo đuổi Duy, Duy không buông bút, Duy vẫn viết nhưng là... văn để chứng minh điều Duy tâm đắc: "Nhà văn phải luôn là đại diện của thần thánh để sống với cuộc đời này".

Nguyễn Duy: Có anh nhà văn thấy người ta đang chơi te-nít nhảy vào đòi... chơi, hoặc chơi trò khác như đá banh, người ta kêu Xuân Tóc Đỏ ra tóm cổ liền. Nếu muốn chơi ở chỗ các ông hả ? Đi nhặt banh ! Tôi nghĩ tốt nhất nhà văn hãy làm bổn phận của mình là đi phóng các tuyến đường, đụng nhà dỡ nhà, đụng chùa dỡ chùa, chứ không phải cứ đụng là uốn, là né. Nhưng đụng gì thì đụng, phóng tuyến đường gì thì phóng, anh nhà văn phải luôn luôn giữ ở trái tim mình:

“Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng”

Im lặng một đẫn, rồi vài đẫn. Ơ hay, ở giữa Sài Gòn ồn ào quá mức này vẫn có cái khoảng im lặng đến da diết để nghe hai chữ Tổ quốc. Có kẻ nói hai chữ "Tổ quốc" ấy như con vẹt, nhưng cũng biết bao người con nước Việt mình nói đến "Tổ quốc" mà mắt như bị chìm đi bởi nước mắt.

Mặt trời đột ngột vo tròn lại ra đúng cái bản mặt của ngài. Tôi bảo: "Ông nhìn thẳng vào mặt trời đi!". Duy tháo cặp kính mở đôi mắt hơi nhỏ liếc ông mặt trời một cái, rồi toét cười: “Phải là mặt trời mới lên ông ạ".

Theo Huế


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com