hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1049.htm

Lê Xuân Mậu

Chuyện lai ghép từ Hán - Nôm

Trong tiếng Việt có rất nhiều từ gốc Hán đọc theo âm Hán - Việt (âm Hán - Việt) này thành hình vào thời Đường và được người Việt dùng, khác với âm chuẩn và địa phương hiện nay ở Trung Quốc). Khối từ này vào tiếng Việt bằng con đường sách vở, được gọi là "chữ" để đối lại với các từ dân gian dùng gọi là "nôm". Nho sĩ xưa coi tiếng nôm là "nôm na", nhiều khi là "mách qué" nữa, dùng không sang bằng "chữ", gắn với trình độ học vấn của người dùng. Khối chữ nôm na này được các nhà ngôn ngữ ngày nay gọi là "thuần Việt" đỡ phần rẻ rúng hơn. (Thực ra cái khối "thuần Việt" này cũng chẳng "thuần" lắm, nó có nguồn gốc từ nhiều nơi, từ Tày, Thái, Khmer... và cả từ tiếng Hán mượn qua con đường dân gian cổ xưa như buồng, múa, xét... tương đương với phòng, vũ, sát ở khối Hán - Việt).

Phải nhắc lại một chút như vậy để hiểu những lời chê trách của nhiều bậc thức giả nhiều chữ nghĩa (Hán và Hán - Việt), các vị bảo có nhiều chữ ghép "vô lối" nửa chữ, nửa nôm, nôm không ra nôm, chữ không ra chữ, lại còn thừa nữa: In ấn, vô bờ, đa phần, chung cư...

Sự thực không thể chê trách đơn giản như thế được. Cái chuyện lai ghép kiểu nửa nôm nửa chữ, "Việt - Hán giao duyên" này có nhiều điều vừa lý, vừa thú lắm.

Một kiểu tạo từ khoa học

Khi đã mượn và dùng quen nhiều từ Hán - Việt như bất bình, bất kính, bất đắc dĩ... thì người ta nhận ra cái giá trị tạo từ của yếu tố bất. Có thể chưa ý thức đầy đủ về phương thức dùng "tiền tố" như được biết ở ngôn ngữ học sau này, nhưng người ta cũng đã biết dùng công thức bất + x. Với người Việt bình dân (có cả nho sĩ bình dân), sự phân biệt "chữ" với "nôm" không thật rạch ròi. Vì vậy có thể ghép bất + kể, bất + thình lình. Cái lối lai ghép có vẻ "bừa bãi" ấy cũng được thực hiện với vô, ta có vô kể... vô lối!

Cũng như vậy, cái cảm thức ngôn ngữ đã cho bà con ta thấy cái kiểu dùng hậu tố hóa là hay nên từ các hình thức hợp tác hóa, công nghiệp hóa, người ta tạo ra trẻ hóa, ngói hóa rồi cho cả "tây tàu giao duyên": bê-tông hóa.

Thiết tưởng kiểu tạo từ dùng tiền tố, hậu tố này là rất hay. Nó giúp ta phát triển vốn từ mạnh mẽ phục vụ nhu cầu diễn đạt chung. Rồi đây chắc ta cũng sẽ tách ra được nhiều tiền tố, hậu tố khác để dùng. Đương nhiên, một số từ tạo ra có thể không đạt yêu cầu về mặt nào đó sẽ bị loại bỏ (ví dụ thô thiển quá kiểu như "cứng hóa!").

Ghép hai yếu tố đồng nghĩa chữ và nôm

Nhiều người đã phát hiện hình thức lai ghép mà họ coi là "thừa" và "mách qué" vì chữ không ra chữ, nôm không ra nôm. Đó là những hình thức như in ấn, ca hát, lý lẽ. Thật ra ở hình thức lai ghép này có nhiều cái "lý" ngôn ngữ học rất đặc sắc.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng vì chú ý đến âm hưởng, đến nhạc tính khi đặt câu, dùng từ đã tạo ra "từ đôi" chỉ có một âm có nghĩa, âm kia thì không thêm một ý nào. Đó cũng là trường hợp "chắp một âm ta với một chữ nho, mà hai chữ cũng đồng một nghĩa như tùy theo, thờ phụng, thì giờ, danh tiếng...".

Ngoài lý do tạo âm hưởng, giáo sư Hoàng Xuân Hãn còn nêu ra lý do nữa. Đó là "chữ đơn âm tiết dễ thoảng qua tri giác, chữ kép dễ gây chú ý hơn, giúp ta dễ hiểu câu hơn". Điều đó cũng giải thích việc thêm một âm nôm "dịch" luôn "chữ" đi trước để thành từ kép.

Theo tôi, còn phải thêm rằng khi đặt hai âm "nôm" - "chữ" đồng nghĩa bên nhau để tạo thành một từ, người Việt cũng chỉ thực hiện một kiểu ghép đẳng lập: Ghép hai từ gần nghĩa để tạo ra một từ ghép có tính khái quát, tổng hợp. Lý lẽ, ca hát, in ấn không còn giữ nghĩa của các từ đơn tiết nôm, hán nữa. Cũng chính vì thế không thể nói "Cô ấy ca hát bài Tình ca Tây Bắc rất hay" hoặc "Tôi vừa đưa in ấn quyển tiểu thuyết ấy". Cũng có khi tạo từ như thế người ta đã tạo ra một sắc thái nghĩa riêng. Ví như danh + tiếng sẽ thành từ chỉ "tiếng tăm tốt" không chỉ là "tiếng tăm" nói chung. Hơn nữa đây có thể là do thói quen gắn "nôm" với "chữ" (khi có thể được) để bà con bình dân dễ hiểu. Thấy thuận tai, thuận miệng dễ hiểu và đạt yêu cầu diễn đạt, cộng đồng đã chấp nhận như một phương thức tạo từ.

Cách tạo từ bằng các yếu tố gần nghĩa là cách làm quen thuộc, ở tiếng Hán cũng có nhiều từ tạo ra như thế: đẳng cấp, hoa mỹ, mỹ lệ... có ai chê là thừa đâu! Còn như lai ghép chữ - nôm thì cũng là bình thường, ta đã làm quen cả rồi mà. Những người biết chữ Hán thì kêu là thừa, nhưng nếu các nho sĩ dịch luôn để người bình dân hiểu ngay thì có gì đáng trách. Còn người bình dân vì những lý do ngôn ngữ học như đã nói, họ thấy chả có gì trái tai, khó đọc, khó hiểu cả, chả có gì thừa cả! Họ tiếp nhận cả khối cái ngữ nghĩa ấy. Thực ra đối với họ, gốc gác từ nguyên, đâu có quan trọng, để ý làm gì, hiểu nhau là được.

Còn nhiều kiểu ghép

Không chỉ có những kiểu lai ghép có thể "mô hình hóa" như trên. Còn có những kiểu như chung cư... cứ tưởng như Hán - Việt "xịn" hóa ra không. Có đến mấy từ "chung" Hán - Việt: cuối hết, trọn, chén uống rượu, - cái chuông, đồ dùng để đong v.v... không có chữ Hán - Việt nào có nghĩa là "cùng với nhau" (Từ điển Tiếng Việt) như ở đây cả. Vì vậy người ta bảo là "vô lối" không ra thể thống gì. Nhưng bà con ta thấy dùng rõ nghĩa mà lại gọn hơn "nhà tập thể" nên cứ dùng.

Thật ra có lẽ cũng có nhiều chữ lai ghép kiểu này. Chữ kết tủa, chữ tá tràng là thế cả. Các nhà khoa học tạo ra theo các mô hình tạo từ đã có và được chấp nhận, đi vào từ vựng Việt. Chẳng ai thắc mắc là nó có phải là chữ nghĩa thánh hiền hay không!

Cái ý thức tạo từ ấy còn được vận dụng vào việc dùng cả hai yếu tố Hán nữa. Nhờ vậy từ vựng Việt phát triển mạnh những năm 1940 khi mà nhu cầu giảng dạy, xây dựng các ngành khoa học Việt Nam trở thành cấp bách. Các ngành khoa học xã hội (Văn, Luật, Triết...) đến các ngành khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Y, Dược...) nhiều khi chỉ có hình thức Hán - Việt. Các từ này chỉ là của người Việt dùng (Hoàng Thúc Trâm gọi là "Việt dụng"), chắc chắn viết ra chữ Hán thì người Hán chịu, chả hiểu mô tê gì!

Và nói cho cùng, có lẽ hiện tượng "lai ghép" này rất gần với kiểu "bình dân hóa", "đại chúng hóa", từ Hán - Việt mà những người "nặng đầu óc dân tộc" quen gọi là "Việt hóa" - như ta thường gặp là đảo trật tự các thành tố từ ghép: hiếu đạo - đạo hiếu, nội hướng - hướng nội, biên mậu - mậu biên (mậu dịch biên giới)... Cũng có thể đảo kết hợp với dịch một yếu tố: trung quy mô - quy mô vừa, vũ điệu - điệu múa...

Xung quanh cái chuyện chữ nghĩa lai ghép này thỉnh thoảng lại có tiếng kêu ca. Thành thử cũng phải xin nói đôi điều để "biện minh" cho bà con bình dân mình.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com