hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1048.htm

Minh Huệ

Giữ gìn tiếng Việt trong sáng theo gương Hồ Chí Minh

Tiêu biểu cho ý thức trách nhiệm về sự chăm sóc môi trường giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vẫn là Hồ Chí Minh, trên cả hai tư cách: Nhà văn hóa và Chủ tịch nước.

Tiếp theo là các vị lãnh đạo Phạm Văn Đồng, Trường-Chinh và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác. Đáng tiếc là từ hơn mười năm nay nhiệm vụ bảo vệ tiếng Việt của những người cầm bút đã bị xem nhẹ dần dần đến tình trạng môi trường tiếng Việt đang bị "ô nhiễm" nghiêm trọng và toàn diện, cả về dùng từ, cấu trúc câu, chính tả, lạm dụng tiếng nước ngoài... (Riêng về chính tả, thì nạn viết tắt đã đến mức "đáng sợ", với những câu, cụm chữ tắt như đánh đố bạn đọc).

Một nhà văn lão thành nổi tiếng đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, có lần đã nói với tôi rằng: Nhà văn chúng ta cần có ngoại ngữ, nhưng trước hết là hàng ngày phải chăm lo học tiếng Việt. Thì chính danh nhân văn hóa, nhà văn đa ngữ Hồ Chí Minh, cũng đã có lần tâm sự với giới báo chí, văn nghệ, là "Đến ngày Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ra tờ báo Thanh niên, thì mình lại học viết tiếng ta" <<>>(*). Sự học viết ấy của Bác Hồ xuất phát từ một nhận thức khoa học đầy tâm huyết "Tiếng nói là một thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp". Sau này, hơn một năm trước lúc "đi xa", Bác lại khẳng định tiếp "Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta".

Bác đã nhiều lần thẳng thắn nêu lên những cái tật trong viết và nói, làm cho nghèo đi, làm vẩn đục cái kho tàng và môi trường tiếng Việt. Chẳng hạn, cái tật "vay mượn lu bù" chữ Hán để "lòe thiên hạ" (cũng như hiện nay, đang rộ lên các mốt khoe khoang tiếng Anh). Tuy nhiên, tôi cũng không quên rằng, đã từ lâu, Bác Hồ vẫn nhấn mạnh "... Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc". Có nghĩa là muốn sáng hồn văn, thì phải luôn đề cao trách nhiệm tận tâm, tận trí, tận lực bảo vệ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Văn phong Hồ Chí Minh cũng như văn phong của mỗi nhà văn hóa lớn ở nước ta, cho tôi bài học về một bản lĩnh như vậy. Cái bản lĩnh phấn đấu và cống hiến vì sự nghiệp "Trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Tôi hiểu lời Hồ Chí Minh "Trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam" có nghĩa là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như tiêu đề Nghị quyết V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII). Nhưng trau dồi bằng khả năng và sức mạnh nào? Về vấn đề này, Bác Hồ đã đề xuất một cách giải quyết thấu đáo như sau:

"Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ - Thí dụ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là chữ Trung Quốc, nhưng ta không có những chữ gì dịch thì cố nhiên ta phải dùng. Nếu quá tải, không mượn, không dùng hoặc là nói "Việt Nam đứng một", thì không ai hiểu được... đã mượn thì phải mượn cho đúng".

Bác đã nêu lên hai nguyên nhân dẫn đến sự vay mượn khi không không cần thiết, hoặc vay mượn không đúng, vì:

Bác nhấn mạnh: "Vay mượn là cần, nhưng phải chống lạm dụng, chống lười biếng. Cần có cuộc vận động chống lạm dụng tiếng nước ngoài, lạm dụng chữ Nho. Có vô số trường hợp có thể tìm tiếng ta mà không chịu khó tìm. Đây cũng phải theo nguyên tắc tự lực cánh sinh là chính, phải quý báu tiếng mình, dựa vào bản thân nó để phát triển nó là chính, vay mượn là phụ".

Bác còn đề xuất: "Cần nghiên cứu cách đặt từ của mình, nghiên cứu nghĩ thêm cách đặt từ mới của mình".

Lời Bác Hồ cách đây hàng chục năm, vẫn còn giữ nguyên giá trị nóng hổi trong nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hiện nay.

Cùng với công cuộc đổi mới, tiếng Việt đang phát triển với quy mô rộng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những từ chính xác thì cũng lẫn lộn vô số là hạt sạn. Mà buồn thay, những hạt sạn như vậy ngày càng dễ gặp, dễ thấy. Chẳng hạn, trước đây người ta nói: cơ quan hữu trách, cơ quan chủ quản, cơ quan hữu quan, cơ quan liên quan, thì giờ đây chỉ còn gộp lại một cụm từ vô nghĩa cơ quan chức năng (rồi kéo theo một loạt cụm từ khác: các cơ quan chức năng, ban ngành chức năng, thậm chí có cả lực lượng chức năng nữa).

Vô nghĩa vì chức năng là nhiệm vụ của một tổ chức, một tập thể, một đoàn thể, một ngành khoa học. Thí dụ: nhận thức, khám phá, sáng tạo là chức năng của văn nghệ. Vậy nói "cơ quan chức năng" là không nói gì cả, vừa thừa lại vừa thiếu. Cũng gần như vô nghĩa, khi người ta dùng cụm từ "giải pháp tình thế" thay cho "giải pháp đột xuất; giải pháp tạm thời", giải pháp nào thì chẳng phải xuất phát từ một tình thế cụ thể để tạo nên một tình thế thuận lợi hơn. Sự vay mượn không đúng hoặc không cần thiết mà trước đây danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đã cảnh báo, thì bây giờ đây đã trở nên nặng trĩu những va vấp lộn xộn và lủng củng. Tại sao người ta không chịu viết và nói giản dị, là công ăn bắt... tên buôn lậu, mà viết và nói công an bắt... đối tượng buôn lậu. Đối tượng ở đây là người xấu, là kẻ phá hoại. Nhưng rồi đối tượng cũng là người tốt, người có công với nước: "Ông Chủ tịch xã đi thăm... đối tượng gia đình chính sách, trong khi vẫn có thể viết đơn giản, là ông Chủ tịch xã đi thăm... gia đình thương binh liệt sĩ. ở đây, sự vay mượn từ đối tượng quả là vô duyên.

Rồi nào là "thành tích còn khiêm tốn", "đầu tư khiêm tốn", thậm chí còn có cả "chiều cao khiêm tốn" thì không một ai hiểu nổi tác giả muốn nói gì. Từ "khiêm tốn" vốn nằm ở lĩnh vực đạo đức, từ khi nào đã được chuyển sang lĩnh vực đánh giá mức độ, hoặc trình độ, đồng nghĩa với "ít ỏi", "thấp kém". Sự vay mượn phải nói là đáng nực cười.

Rồi xu hướng dùng từ "bà con" thay cho đồng bào, cũng đã thành phổ biến. Mà cũng lạ! Cứ hễ nói đến "nông dân" là y như phải kèm tiếng "bà con" (rất thừa). Bà con nông dân; bà con dân tộc (vô nghĩa); lại có người còn "liều mạng" viết: "Bà con các bộ tộc nhân dân Lào".

Rồi lại còn những cụm từ chắp vá, như "phối kết hợp", "kỹ chiến thuật", "khán thính giả"...

Còn với tiếng Anh, tiếng Pháp, thì sự vay mượn lại còn vô duyên hơn. Người ta thích dùng chữ Fair play tiếng Anh thay cho chơi đẹp vốn là một từ vô cùng chính xác, vô vàn hay trong tiếng Việt. Trong một cuộc đấu bóng chuyền quốc gia, mặc dầu đã có cái băng vải viết cụm từ Giải thưởng lớn, ấy thế mà, người tường thuật vẫn cứ cố gào to lên tiếng Pháp Gờ-răng-pơ-ri (grand prix).

Còn nhiều, nhiều lắm những hạt sạn "cắn gãy răng" như thế, mà người viết bài nhỏ này, chỉ xin lấy ra vài thí dụ làm minh chứng cho nhận định rất chủ quan và bất cập của mình. Nói bất cập vì vấn đề thì lớn lắm, mang tính chiến lược, vậy thì sự hiểu biết cá nhân làm sao mà bao quát được, làm sao mà tránh được sai sót.

Chỉ xin nêu mấy đề nghị sau đây:

Cuối cùng xin kể lại mẩu chuyện sau đây: Hôm ấy (1968) Hồ Chủ tịch chủ trì hội nghị bàn về việc ra loại sách Người tốt, việc tốt. Khi kết thúc, Bác Hồ nhắc các giám đốc xuất bản, viết sao cho giản dị, dễ hiểu, đừng có lạm dụng chữ Nho. Rồi đột nhiên, Bác nói đại ý: Có phải các chú thích nói "hỗ trợ" Bác thì quan trọng hơn là "giúp đỡ" Bác?. Đáng tiếc là hơn ba mươi năm sau, tức là bây giờ đây, người ta đua nhau nói chữ Nho "hỗ trợ" thay cho tiếng Việt "giúp đỡ", mặc dầu "hỗ trợ", thật ra là giúp đỡ lẫn nhau, chứ không phải chỉ giúp một chiều.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com