hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1047.htm

Lê Hoài Nam

Lại nói về việc dùng tiếng nước ngoài

Mặc dù đã có không ít tiếng nói nhắc nhở việc không nên dùng tiếng nước ngoài bừa bãi, nhưng trong nhiều bài viết, bài nói trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số người vẫn cứ "xài" tiếng nước ngoài một cách... "vô tư"! Có một nghịch lý là cái tệ hại ấy xuất hiện nhiều hơn cả trong lĩnh vực văn hóa! Sau đây xin đề cập một số trường hợp tương đối phổ biến:

Trong lĩnh vực ca, nhạc. Về tên gọi các nhạc cụ có nguồn gốc phương Tây, có thể chấp nhận việc dùng các từ tiếng nước ngoài (trong nguyên dạng hay được phiên ra chữ quốc ngữ), dù từ đó đã từng được dịch nghĩa ra tiếng Việt, vì chúng là những thuật ngữ ít nhiều mang tính quốc tế. Thí dụ như từ "vi-ô-lông" - đã được dịch là "vĩ cầm" - phiên ra từ tiếng Pháp: "violon", còn trong tiếng Anh là "violin" đều do từ nguyên "violone" trong tiếng Italy ra. Hay từ "ghi-ta" - đã được dịch là "lục huyền cầm" - là phiên từ tiếng Pháp "guitare" ra, còn trong tiếng Anh là guitar (cũng đọc là ghi-ta), trong tiếng Italy là "gitarre", đều bắt nguồn từ từ "guitarra" trong tiếng Tây Ban Nha. Thế nhưng không thể dùng các từ "guitarist", "pianist", vì tiếng Việt vốn không có biến hình: người (hay nghệ sĩ) chơi đàn ghi-ta, người (hay nghệ sĩ) chơi đàn pi-a-nô. Tương tự như vậy, tiếng Việt đã có "người đơn ca", "người độc tấu", sao lại cứ phải viết theo tiếng Pháp: là "soliste", hay theo tiếng Anh là "soloist"?

Với các hoạt động nghệ thuật, người ta không chịu nói một cách đơn giản "cuộc thi âm nhạc" mà phải nói "concours pi-a-nô", "concours vi-ô-lông"... cho có vẻ long trọng (!) (ấy là chưa kể nhiều khi người viết quên đi chữ "s" cuối, chỉ còn "concour" trơ trụi). Còn "đại hội liên hoan" các ngành nghệ thuật thì gọi là "festival", "hội diễn ghi-ta" thì gọi là "guitar gala", "chuyến lưu diễn" thì gọi là "tour diễn". Phổ biến nhất hiện nay là từ "show" (có người viết là "sô") để chỉ việc trình diễn, buổi (hay tiết) trình diễn nghệ thuật. Từ đó đẻ ra một lô từ phát sinh: chạy show (sô), đi show (sô), nghệ sĩ show (sô), bầu show (sô), và cả "sô Tây" nữa. Không bằng lòng với từ "ngôi sao" (sân khấu, điện ảnh), người ta dùng từ "vơ-đét"; cho rằng nói "tiền thù lao cho nghệ sĩ" có vẻ không được lịch sự, người ta phải dùng từ "cát-sê" (có khi còn viết là "cát-xê"). Không chỉ mượn các danh từ, người ta còn "nhập khẩu" cả động từ vốn nhạy cảm về tính dân tộc của ngôn ngữ hơn: người ta lấy từ "lăng-xê" (lancer) trong tiếng Pháp để viết "lăng-xê" một tác phẩm, một  ban nhạc, một giọng hát, một tác giả. Tại sao không nói "tung ra", hay "quảng cáo cho" hay "tán dương"...?

Trong lĩnh vực điện ảnh, sao cứ phải gọi "máy quay phim" là camera và "người quay phim" là cameraman? Sao không nói "phần giới thiệu phim" mà phải nói "générique phim"! Thật chỉ khổ cho người không học tiếng Anh, tiếng Pháp.

Trong lĩnh vực thể thao cũng không hiếm kiểu dùng tiếng nước ngoài vô lối như vậy. Để nói đội bóng này "kỵ lối chơi" của đội bóng kia, người ta hay nói "kỵ rơ" (phiên âm không chính xác từ "jeu" của tiếng Pháp); để nói lối chơi ép sân (hay siết chặt) người ta dùng "lối chơi pressing"; để chỉ "vận động viên xe đạp" (có cách nói hay: tay đua xe đạp), người ta thích gọi là cua-rơ xe đạp; để chỉ người "hâm mộ", "say mê" thể thao, người ta gọi là "fan".

Ngoài ra, còn một số từ khác liên quan đến hoạt động văn hóa, mà gần đây báo chí thường dùng như từ "băng-rôn" (phiên âm từ "banderole" trong tiếng Pháp) thay cho từ "biểu ngữ" vốn đã thông dụng từ lâu...

Hẳn có người sẽ nói rằng, những từ đó là thông dụng trong giới nghệ thuật, thể thao, thậm chí một số người ngoài cuộc cũng đã quen thuộc. Tuy nhiên ở đây lại trở lại những vấn đề rất cơ bản đối với người viết báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra cách đây hàng bốn mươi năm: "Viết cho ai xem?" "Viết để làm gì"? <<>>(*)

Thiết nghĩ việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc phải bắt đầu từ những cái gì thông thường trong cuộc sống hằng ngày, trước hết là tiếng mẹ đẻ.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com