Cho đến giờ, tiểu thuyết ở nền văn học Việt Nam là một thể loại khoẻ và tính thâm niên cũng không hề là trẻ. Để có được hai đặc tính ưu tú đó, tiểu thuyết Việt Nam chịu ơn nhiều từ những nền văn học lớn mà đặc biệt đáng kể là ba đại gia, theo tuyến tính thời gian, đó là Trung Quốc, Pháp và Nga. Một trong những lý do đơn giản là bởi vì ba nền văn học này được chuyển sang Việt ngữ vừa hay vừa nhiều vừa chuẩn. Với đông người viết dài dài ở ta (thuần tuý đếm theo chữ) thì tiểu thuyết Tàu luôn là loại sách để đầu giường. Tiểu thuyết của người Trung Quốc có nhiều loại. Có loại trường thiên có loại trung thiên có loại đoản thiên, ở đây chỉ xin lạm bàn đến loại trường thiên, thể loại hiển hách nhất ảnh hưởng rất đậm tới người đọc bình thường Việt.
Theo văn hào Lỗ Tấn ở quyển Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (NXB Văn hoá trang 21) thì tiểu thuyết là câu chuyện đường phố lời nói ngõ làng vào lỗ tai ra lỗ miệng mà tạo ra .Khổng Tử nói "Tuy là cái đạo nhỏ nhưng chắc chắn cũng có chỗ khả quan có điều đi đến xa thì sợ ứ đọng". Quan niệm có vẻ khắt khe này hình như bắt nguồn từ cái nhìn của các triết gia Nho giáo. Theo họ, Đại Thuyết (nông nổi dịch là lời nói to) bao gồm Kinh, Sử, Tử, Tập. Ví như Kinh Dịch, Sử ký, Luận ngữ (tử viết) hoặc những tuyển thơ (thi tập). Những cái có kiểu dáng khuôn vàng thước ngọc hao hao như chân lý gần gần tới được Đạo, thật xứng đáng là những vật thể lớn. Còn những lời trữ tình miên man đại loại gọi kiểu dân dã là nôm na, thì nói chung đều kêu là tiểu thuyết (nông nổi dịch là lời nói nhỏ). Nhiều vô kể những thế hệ độc giả Việt say mê những lời nói nhỏ của văn Tàu. Không thể lý giải nổi, từ các đô thị lớn, nơi ngấm ngầm ngông nghênh tự nhận là trung tâm văn hoá đến những vùng sâu vùng xa mà mật độ tiến sĩ hầu như về mo đều ăm ắp đông người vanh vách đọc Tam quốc, Thuỷ hử, Tây du nuột nà trơn tru như cháo chẩy.
Chuyện xưa đã rõ nhắc lại bằng thừa, duy có điều đáng ngạc nhiên là hơn chục năm lại đây trường thiên tiểu thuyết Trung Hoa vẫn tạo mưa tạo gió trên văn đàn người Việt. Hồi bắt đầu đổi mới, xôn xao nhất là cuốn Một nửa đàn ông là đàn bà của nhà văn viết không hay Trương Hiền Lượng. Tiếp đến được dịch nhiều là Giả Bình Ao mà cuốn Phế đô dở không kém cuốn Nôn nóng cũng của ông này. (Mấy tờ báo lớn chuyên về văn nghệ đều có bài biên khảo coi Giả văn sĩ sẽ lĩnh giải Nobel trong nay mai. Đã có vài nhà văn Việt không nổi tiếng bật cười, đem ông Giả so với ông Cao quả có đôi phần khiên cưỡng. Bút lực ở Linh Sơn của Cao Hành Kiện súc tích và hiểm trở hơn nhiều so với lực văn của ông Giả). Hiện tượng Mạc Ngôn cũng làm báo chí Việt tuôn nhiều mực bút. Tên ông này nghĩa đen là không nói (nhà thơ Dư Thị Hoàn biết chữ Hán đã dịch) vậy mà nói cũng dài. Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận đều là những minh hoạ lỗi lạc cho ý của Khổng phu tử đã dẫn "cũng có chỗ khả quan có điều đi xa thì ứ đọng". Không ứ đọng mà bùng nổ là cô Vệ Tuệ ở Thượng Hải. Nữ nhà văn trẻ có tập truyện ngắn vừa được dịch (in ở NXB Hội nhà văn với lời giới thiệu của phê bình gia có tuổi Vương Trí Nhàn). Tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn này là Shanghai Baby, chưa được dịch.
Trở lên trên là những hiện tượng trường thiên tiểu thuyết được nhắc rất nhiều. Xin được lưu ý một trường hợp khiêm nhường hơn, nam nhà văn sinh năm 1963, Tô Đồng. Giống như nhiều người viết trẻ khác Tô Đồng viết không nhiều và không dài. Tiểu thuyết Thê thiếp từng bầy (bản dịch Việt ngữ đăng phơi- ơ-tông từ số 168 trên bán nguyệt san Kiến thức ngày nay có tên là Oan hồn) được Trương Nghệ Mưu, một đạo diễn nổi tiếng mà nhà văn "lưu manh" Vương Sóc gọi là giả vờ chỗ này, giả vờ chỗ kia, cố học đòi phong nhã dựng thành phim thật hay Đèn lồng đỏ treo cao. Phải nhắc đến Tô Đồng bởi bút pháp rất lạ của ông (tạp chí Văn học nước ngoài số 4/98 chuyên về văn kinh dị có giới thiệu một truyện ngắn có ma "Anh đào" của Tô Đồng. Theo như lời phi lộ thì Tô Đồng rất mả về thể loại này, một thể loại mà văn học Việt Nam quá hiếm. Dòng văn Liêu trai với người Tàu là có truyền thống, các văn nhân tiền bối ở ta chịu ảnh hưởng rất đậm, cứ đọc Thánh Tông di thảo và Truyền kỳ mạn lục thì biết). Văn chương Việt bây giờ đột nhiên ít ma chẳng biết đấy có phải điềm lành.
Thật sơ suất và không công bằng lắm nếu chỉ nhắc đến các văn sĩ Trung Hoa ở đại lục. Nhiều độc giả Việt Nam còn rất say mê tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, một văn nhân đang sống ở Đài Loan. Kim Dung tiên sinh tái xuất văn đàn Việt chừng hơn hai năm nay (lấy theo tiêu chí thời gian ấn bản bộ Tiếu ngạo giang hồ của NXB Văn học, một địa chỉ văn nghệ rất danh môn chính phái). Trước đó quần hùng hai đạo Hắc Bạch đã ồn ào reo hò dài cổ ngong ngóng. Trên các kệ sách lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh v.v... nhan nhản những tập tiểu luận vừa uyên bác vừa ba lăng nhăng bình văn Cắm Dùng xếnh xáng. Tiên sinh lộ diện làm rắc rối thêm một "thảm án" văn chương, liệu tiểu thuyết kiếm hiệp có phải là đích thực văn học. Một vài học giả đầy đủ tài và đầy đủ tâm cũng xếp Quỳnh Dao (nữ hoàng tiểu thuyết tình cảm) cùng chiếu với Kim Dung trong dòng Cận văn học (para literature). Cận là gần, gần là chưa tới, chưa tới là không phải. Có phải thế chăng mà ở Việt Nam, bà Quỳnh Dao chưa được gọi là nữ sĩ như ta vẫn thường gọi bà Mộng Tuyết, bà Vân Đài, bà Ngân Giang chẳng hạn. Điều này được một số nhà thơ sắp thành giáo sư văn chương coi là công bằng.
Theo Huế