hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1528.htm

Không rõ

Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết

Đó là bà Huỳnh Thị Thái (1896-1982), bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa, quê ở xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) với cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn viết vào năm 1972. Bà còn là ký giả của nhiều tờ báo và là người phụ nữ đầu tiên của Đà thành cắt tóc ngắn, đi xe đạp...

Từ thông tin của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Dy Hy đã tiếp cận gia đình và những người thân quen. Ông cũng là người duy nhất được cung cấp hầu như toàn bộ tư liệu, từ ảnh chụp, thẻ phóng viên, các tác phẩm đã xuất bản và di cảo của bà để biên soạn, cho ra đời cuốn Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên (Nhà xuất bản Văn học - 2003). Trong cuốn sách này, Thy Hảo Trương Dy Hy sau phần biên khảo đã cho in toàn bộ cuốn Tây phương mỹ nhơn - Luân lý tiểu thuyết; Chiêm Thành lược khảo và Bà Nà du ký - một ký sự in trên tạp chí Nam Phong tháng 6-1931.

Bà Huỳnh Thị Thái sinh năm 1896 là con của cụ Huỳnh Phúc Lợi - nguyên là một võ quan triều Nguyễn, từng tham gia Hội Cần Vương Quảng Nam và bà Bùi Thị Trang. Lúc trưởng thành, bà sánh duyên cùng Hàn lâm viện đại học sĩ Vương Khả Lãm, và theo chồng về sống tại Đà Nẵng.

Là một phụ nữ nông thôn trở thành Vương phu nhân, nhưng vốn là người có học, bà sớm tiếp thu tinh thần Duy Tân và tích cực tham gia các hoạt động của phong trào yêu nước hồi bấy giờ. Không chỉ đăng đàn diễn thuyết kêu gọi chị em học chữ quốc ngữ, thực hiện nếp sống mới..., bà còn đứng ra làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, tham gia Nữ công học hội do bà Đạm Phương thành lập. Bà còn là người phụ nữ làm báo từ rất sớm, là thông tín viên thường trực tờ Thực nghiệp dân báo của Hà Nội; đồng thời viết cho nhiều tờ báo khác như Nam Phong (Hà Nội), Tiếng Dân (Huế), Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn (Sài Gòn)...

Năm 1927, với bút danh Huỳnh Thị Bảo Hòa, bà cho ra đời cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn và được bạn đọc đương thời hoan nghênh. Bộ tiểu thuyết này được in tại nhà in Bảo Tồn (Sài Gòn), khổ 14x20 cm. Bìa in hình bán thân một phụ nữ Pháp chít khăn, cổ đeo chuỗi hạt. Tiểu thuyết có 15 hồi lấy bối cảnh của thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) trong đệ nhất thế chiến (1914-1918). Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân phát hiện được tác phẩm này ở Thư viện quốc gia Hà Nội.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khi xem xong tiểu thuyết nói trên đã viết lời tặng, ca ngợi nội dung tiết nghĩa và văn từ lưu hoạt... Bùi Thế Mỹ - người giữ việc nhuận sắc và trông nom việc xuất bản tiểu thuyết này viết trên tờ Đông Pháp thời báo cho biết là ông tôn trọng tác giả nên không thêm bớt, sửa đổi một chữ nào...

Cuốn sách do Thy Hảo Trương Dy Hy biên soạn còn cho biết, bà Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực khảo cứu, biên khảo với tác phẩm Chiêm Thành lược khảo. Chủ bút báo Nam Phong lúc ấy là Phạm Quỳnh đã viết lời giới thiệu cho tác phẩm này. Ngoài ra, bà còn viết nghiên cứu về tuồng. Nhưng thú vị nhất đối với những người làm báo là tác phẩm Bà Nà du ký in trên tờ Nam Phong năm 1931. Đó là một thiên ký sự không chỉ quý ở phần tư liệu mà còn về cả bút pháp phóng khoáng nhưng chân thực mà đến giờ cũng ít người làm được.

Bà Huỳnh Thị Thái mất ngày 8-5-1982 tại ngôi nhà 82 Phan Châu Trinh - Đà Nẵng, thọ 86 tuổi.

Người viết bài này băn khoăn một điều rằng, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa mới qua đời năm 1982, lại sống ở Đà Nẵng, thế mà trước đó, người ta vẫn nói đến người phụ nữ đầu tiên của nước ta viết tiểu thuyết không phải là bà, thậm chí tiểu thuyết đầu tiên nói đến cũng ra sau tiểu thuyết của bà hàng chục năm. Đây là vấn đề đáng quan ngại cho công tác nghiên cứu, phê bình văn học khi mảng công việc này ngày càng ít người theo đuổi. Dù muộn, chúng ta cũng cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có công phát hiện một tư liệu quý và Thy Hảo Trương Dy Hy đã làm một việc cần thiết trả lại sự chính xác cho văn học sử Việt Nam.

Báo Thanh niên


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com