Trong quá trình đi thực tế để làm tập tư liệu Sức sống Nam Cao, tổ khoa học xã hội Trường trung học cơ sở Nhân Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) đã sưu tầm được những mẩu chuyện, tranh ảnh rất quý và đầy lý thú.
Một trong những tư liệu quý ấy là những mẩu chuyện liên quan đến tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Chúng tôi cứ trăn trở mãi: Không hiểu vì sao nhà văn lại gắn cho nhân vật Chí cái tên Phèo?
Đi tìm câu trả lời, chúng tôi được ông Trần Khang Hộ, 85 tuổi, người làng Đại Hoàng - bạn học thuở nhỏ của Nam Cao, kể cho nghe câu chuyện sau: "Khi tôi ngoài 20 tuổi, thấy ở làng có một người tên là Chí, quê quán ở đâu không rõ. Vì Chí hơn tuổi nên Chí được cánh trẻ gọi là chú, Chí người cao, to, béo khỏe, khi dân làng có việc, Chí hay đi giúp nhà này, nhà nọ. Các nhà có máu mặt trong làng thường thuê Chí đi đòi nợ. Xong việc họ cho Chí vài xu đi mua rượu uống. Uống say, Chí nằm phèo ở điếm. Từ đó người làng gọi là "Chí Phèo".
Chúng tôi cũng được ông Trần Đức Tuy, lão thành cách mạng, thầy giáo về hưu, quê ở Đại Hoàng - cũng là bạn học thuở nhỏ của Nam Cao, kể cho nghe câu chuyện sau: "
Ở làng Đại Hoàng hồi ấy, có lão Trương Pháo chuyên làm nghề giết lợn. Ông này thường "bắt phèo" (ruột non) để bán, vì món này được nhiều khách ưa chuộng. Chí hồi đó có ra làm thuê cho Trương Pháo, Chí cũng "bắt phèo" rất khéo, khách ăn ai cũng khen ngon.
Từ đó, Chí có tên là Chí Phèo. Chẳng biết vì lý do thứ nhất hay vì lý do thứ hai hoặc vì cả hai lý do trên mà nhà văn Nam Cao đã đặt tên cho nhân vật của mình là Chí Phèo.
Chỉ biết rằng hai mẩu chuyện trên là có thật ở làng Đại Hoàng quê hương nhà văn Nam Cao.
Báo Giáo dục và Thời đại
.