Sách sử và truyền thuyết đều ghi nhận Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), người đời Trần Thái Tôn (1225-1258) là người đầu tiên viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, ngoài bài "Văn tế cá sấu", đến nay tất cả đều đã thất truyền.
Bài thơ tiếng Việt cổ nhất còn lại là của nàng Điểm Bích, một cung nữ của vua Trần Anh Tôn (1279-1293). Bài thơ như sau:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình.
Truyền thuyết kể rằng, nhà sư Huyền Quang (Lý Đạo Tái, 1254-1334) nổi tiếng chân tu, cả nước biết tiếng nhưng vua Anh Tôn vẫn nghi ngờ: nhà sư trẻ thế, lại tài giỏi (Huyền Quang vốn là Trạng nguyên), chắc gì đã dứt được những ham muốn trần tục? Nhà vua bèn sai Điểm Bích, một cung nữ đủ cả sắc lẫn tài tới chùa Yên Tử, nơi Huyền Quang đang tu hành để thử lòng. Vua hẹn rằng, nếu lấy được kỉ vật của Huyền Quang đem về sẽ được tặng thưởng, bằng không thì trị tội.
Nhận lệnh vua, Điểm Bích tới chùa, giả làm khách viếng cảnh lỡ đường, xin ngủ lại. Đêm ấy, nàng tìm đến phòng nhà sư tìm cách quyến rũ, nhưng bị ông đuổi ra. Lo sợ, Điểm Bích thuật lại hết mọi chuyện với nnhà sư và xin ông cứu cho thoát tội. Thương tình, Huyền Quang lấy 3 nén vàng, vốn là của vua ban cho Huyền Quang khi trước, tặng nàng.
Vốn là người tài hoa, Điểm Bích liền "bịa" thêm bài thơ trên, nói dối là của Huyền Quang tặng cho nàng, dâng lên vua cùng với 3 nén vàng.
Nhà sư chân tu vì thương người đã bị lừa, mang tiếng oan. Và Điểm Bích chắc không thể ngờ rằng bài thơ nàng "bịa" ra lại trở nên bất hủ và là tác phẩm cổ nhất của văn thơ tiếng Việt.