hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1447.htm

Hoàng Lân

Căn bản về PDA

Hãy tận dụng tối đa chiếc máy tính cầm tay của bạn

Hiển nhiên, dưới đây chỉ là những thủ thuật khởi đầu dành cho bạn khi bước vào thế giới PDA. Để hoà nhập với một thiết bị nhỏ bé mà vô cùng hữu ích, bạn cần trang bị cho mình một vài kiến thức cơ bản về việc sử dụng, bảo dưỡng, khắc phục lỗi. Với những thủ thuật nhỏ này, chúng tôi hi vọng sẽ giúp đỡ được bạn.

PDA dưới góc độ vật lý

Một chiếc PDA trông cũng như một chiếc máy tính tay (calculator), nhưng không có nghĩa rằng bạn có thể coi nó như vậy. Nói một cách khác, hãy lên kế hoạch cho việc sử dụng và bảo dưỡng nó. Làm được điều này sẽ giúp bạn có một chiếc PDA tuyệt vời.

Giữ màn hình sáng sạch

Chỉ một vết ngón tay cũng đủ làm xấu đi bộ mặt hoàn hảo của chiếc PDA. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng bởi bạn có thể dễ dàng trang điểm khuôn mặt đáng yêu đó bằng cách lau màn hình thường xuyên. Hãy chọn một mảnh vải sạch không xơ cùng với một ít chất rửa kính, giống như bạn vẫn thường làm với cặp kính thời trang của mình hay với thấu kính của chiếc máy ảnh. Nhẹ nhàng lau bề mặt màn hình. Tuy nhiên, bạn không nên phun hoặc đổ trực tiếp chất lau thuỷ tinh lên màn hình PDA bởi chất rửa có thể bám vào các góc hoặc cạnh và làm ảnh hưởng tới khả năng cảm ứng của màn hình.

Bụi tĩnh điện

Do hiện tượng tĩnh điện, màn hình chiếc PDA của bạn sẽ dễ dạng bám bụi chỉ trong một thời gian ngắn. Để tránh điều khó chịu này, hãy lau màn hình với một miếng vải khô chống tĩnh điện thật sạch.

Hãy nhẹ tay

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của những chiếc PDA là màn hình cảm ứng. Bạn có thể nhập dữ liệu và thực hiện nhiều động tác khác chỉ đơn giản bằng cách gõ hoặc chạm vào màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng bạn không dùng quá nhiều sức vào hành động này bởi điều đó có thể dẫn tới những vết xước trên bề mặt màn hình. Tương tự như vậy, đừng bao giờ chạm vào màn hình PDA bằng những vật khác ngón tay của bạn hoặc bút trỏ cảm ứng (stylus) mà nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng. Bút bi, bút mực, bút chì, móng tay, chìa khoá và bất cứ vật thể sắc nhọn nào cũng có thể tạo ra những vệt xước trên bề mặt cảm ứng.

Bảo vệ màn hình

Có một cách để bảo vệ màn hình chiếc PDA thân thiết của bạn là sử dụng một màn chắn bảo vệ - một lớp nhựa dẻo mỏng và trong dính trên bề mặt màn hình, có khả năng chống các vết trầy xước. Bạn có thể mua màn bảo vệ này ở bất cứ cửa hàng nào có bán PDA với giá không quá 01 USD.

Một số người sử dụng không thích dùng lớp chắn bởi chúng ảnh hưởng tới khả năng cảm ứng của màn hình với bút stylus hoặc khả năng hiển thị của màn hình. Chính vì điều này, chúng tôi gợi ý rằng bạn nên sử dụng thử một vài loại chắn màn hình khác nhau trước khi đưa ra sự lựa chọn cuối cùng. Thậm chí, có khả năng bạn sẽ quyết định không sử dụng bất cứ một loại màng chắn nào cả.

An toàn với vỏ bảo vệ

Màng chắn màn hình chỉ có thể bảo vệ màn hình cảm ứng của chiếc PDA, nhưng nếu bạn muốn có một giải pháp bảo vệ toàn diện cho chiếc PDA, hãy cân nhắc việc đầu tư một chiếc vỏ bảo vệ. Không quan trọng chất liệu của lớp vỏ chắn này, nó có thể làm từ da hoặc kim loại. Cũng không quan trọng việc nó là loại mở vỏ sò hay trượt, hoặc giá trị của nó là bao nhiêu, 10 hay 50 USD, điều quan trọng nhất là nó vừa với chiếc PDA và phù hợp với sở thích cá nhân của bạn. Khi đó, chiếc vỏ bảo vệ sẽ là tấm lá chắn giữ cho chiếc PDA được an toàn. Bạn có thể đặt mua vỏ bảo vệ trực tiếp từ nhà sản xuất PDA hoặc một nhà sản xuất linh kiện phụ tùng hay đại lý bán hàng cho bạn.

Chăm sóc bên ngoài

Bạn có thể làm sạch lớp vỏ ngoài của chiếc PDA và xoá những vết ngón tay, mực bẩn với một mảnh vài mềm và ẩm. Không nên sử dụng các hoá chất hoặc chất tẩy rửa mài mòn bởi chúng có thể làm hỏng hoặc xấu đi lớp áo khoác của PDA.

Cách dùng bút stylus

Bút trỏ cảm ứng (stylus) trông giống như một chiếc bút chì và cách sử dụng cũng giống như đối với bút chì. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng stylus không phải là một chiếc bút chì do đó, đừng bao giờ gọt, đẽo hoặc làm biến dạng công cụ này dưới bất kỳ hình thức nào. Một chiếc bút stylus thông thường sẽ không bị mòn và có thể được sử dụng lâu dài nếu bạn biết cách ‘sử xự’ với nó.

Trong trường hợp bút stylus bị gãy hoặc hỏng, hãy thay thế ngay lập tức. Bạn có thể mua bút stylus trực tiếp từ các nhà sản xuất hoặc từ một cửa hàng bán lẻ máy tính. Bất cứ loại bút nào cũng có thể dùng được song hãy cân nhắc một chiếc stylus phù hợp với chiếc máy PDA của bạn và vừa vào khe cắm stylus trên thân máy. Để bảo vệ chiếc bút, hãy cắm nó vào khe căm trên PDA hoặc trong vỏ bảo vệ khi không dùng tới.

Thường xuyên đồng bộ hoá

Sẽ thực sự là một ý tưởng tốt nếu bạn có thói quen cập nhật và đồng bộ hoá chiếc PDA với máy PC, thậm chí ngay cả khi bạn nghĩ rằng chẳng có lý do gì rõ rệt cho việc trao đổi dữ liệu giữa hai loại thiết bị này. Quá trình đồng bộ hoá dữ liệu có thể đảm bảo rằng bạn đã có một phiên bản sao lưu các nội dung trong chiếc PDA, bao gồm cơ sở dữ liệu về danh bạ, lịch, v.v...

Bạn có thể thiết lập chế độ Hotsync hoặc ActiveSync giữa PC và PDA để đồng bộ hoá dữ liệu bất cứ khi nào bạn kết nối PDA với PC. Sử dụng tài liệu để có hướng dẫn sử dụng chi tiết và cấu hình các chế độ đồng bộ hoá.

Cách sử dụng pin

Chúng tôi xin được tặng các bạn một vài thủ thuật dành cho việc sử dụng hiệu quả nhất cục pin của chiếc PDA. Bạn có thể kéo dài tuổi thọ và thời gian sử dụng của pin, nhưng hãy nhớ rằng các dữ liệu của bạn có tầm quan trọng hơn nhiều so với vài ba giờ đồng hồ kéo dài của thời gian sử dụng pin. Chính vì vậy, như đã nói ở trên, việc đồng bộ hoá dữ liệu sẽ giúp bạn bảo vệ được các thông tin trước những biến cố có thể xảy ra.

Quy tắc kéo dài tuổi của pin

Có một vài chế độ sử dụng có thể làm cho chiếc PDA của bạn ‘ngốn’ năng lượng một cách bất thường. Dẫn chứng bao gồm việc bạn để chiếc PDA chạy với chế độ ánh sáng nền (backlight) hoặc hiển thị màn hình với độ sáng tối đa. Điều này sẽ khiến bạn phải thường xuyên thay hoặc nạp lại pin so với bình thường. Nhiều ứng dụng ngoài (add-on) trên các loại thẻ như PC Card hay thẻ nhớ CF (Compact Flash) cũng là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn điện năng của pin, do đó, chỉ nên cắm các loại thẻ này vào máy khi sử dụng. Bất cứ lúc nào có thể, hãy tắt máy nếu bạn không sử dụng và cắm máy vào đường điện AC của bộ sạc (nếu máy PDA của bạn dùng pin sạc).

Sạc điện thường xuyên

Chúng tôi đề nghị bạn hãy thường xuyên sạc pin của máy bằng cách đặt nó trên bộ sạc khi không sử dụng. Không giống như các loại pin Ni-Cd (nickel-cadimium) trước đây, pin Li-Ion (lithium-ion) không làm mất dung lượng điện tích khi bạn nạp mỗi ngày. Nói cách khác, việc giải phóng toàn bộ điện tích (discharge) với pin Li-Ion là không cần thiết mặc dù có thể có ai đó đã từng khuyên bạn nên thỉnh thoảng làm điều này.

Khi pin đã cũ và chai, đừng vội thay thế. Hãy liên hệ với nhà sản xuất và yêu cầu họ gợi ý bạn về việc sắm pin mới.

Hãy lưu ý rằng việc mua một cục pin mới từ một vài nhà sản xuất là khó khăn và tốn kém. Những nhà sản xuất này đề nghị bạn nên mua một chiếc PDA mới còn hơn là mua một cục pin thay thế. Nếu đây là điều bạn khó chịu, hãy nghiên cứu kỹ về các khả năng thay thế pin khi quyết định mua một chiếc PDA.

Thay pin nhanh

Một số thiết bị chạy trên nền hệ điều hành Palm sử dụng pin alkaline AAA không sạc (dùng một lần). Những thiết bị này chỉ có một lượng điện năng hạn chế dùng để lưu (backup) dữ liệu trong trường hợp không có pin. Do đó, khi máy hết pin hoặc thời gian thay pin quá lâu, bạn có nguy cơ mất hết dữ liệu trong PDA. Cũng cần lưu ý rằng hãy để vài phút sau khi thay pin rồi mới bật máy lên.

Cẩn trọng với các phím

Khi thay pin dùng một lần cho chiếc PDA của bạn, hãy cẩn thận. Một số người đã vô tình chạm vào nút thiết lập lại hệ thống (reset) trong quá trình thay pin làm cho dữ liệu và nội dung trong máy bị xoá sạch.

Trong trường hợp này, sức ép của các ngón tay người sử dụng khi thay pin mới đã tác động lên một vài nút trên thân máy gây nên sự tái lập hệ thống PDA. Để tránh điều này, hãy đóng nắp vỏ của PDA (nếu có) hoặc cẩn thận cầm chiếc PDA sao cho bạn không vô tình chạm phải một nút điều khiển nào.

Các dấu hiệu cần lưu tâm

Có một số dấu hiệu sẽ xuất hiện báo cho bạn sự cần thiết phải thay pin Li-Ion cho chiếc máy PDA. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là khi PDA rút ngắn đáng kể thời gian sử dụng trong một lần sạc pin so với bình thường, chẳng hạn chỉ một đến hai tiếng sau khi sạc so với ba hoặc bốn giờ đồng hồ sáu tháng trước đó.

Một hiện tượng khác là màn hình hiển thị mờ và tối với sự xuất hiện của các vệt dọc khi bạn khởi động máy hoặc khi bạn không thể khởi động sau khi đã sạc pin cả một đêm. Hiện tượng này thường thấy khi bạn đã sử dụng máy hơn một năm liên tục.

Khắc phục các trục trặc giản đơn

Hầu hết các trục trặc liên quan tới chiếc PDA của bạn xuất phát từ phần mềm. Trong các trường hợp này, bạn có thể liên hệ với hãng phát triển phần mềm hoặc nhà sản xuất PDA để có được những trợ giúp kỹ thuật. Tuy nhiên, trong một vài tình huống khác khi nguyên nhân là từ phần cứng, những thủ thuật sau có thể giúp bạn khắc phục một phần trục trặc.

Thử khởi động lại

Bất chấp kích cỡ khác nhau, các loại máy tính cầm tay đều có những đặc điểm chung về màn hình nền. Chúng đều có thể có chung các ứng dụng và có các chức năng tương tự nhau. Và chúng đều có một cách giải quyết trục trặc: khởi động lại.

Với chiếc máy tính cá nhân PC, người sử dụng có thể khởi động lại với tổ hợp phím CTRL-ALT-DELETE. Máy tính cầm tay không có các phím chức năng này song việc khởi động lại (hay còn gọi là khởi động mềm - soft reset) được thực hiện qua một nút nhỏ. Người sử dụng có thể khởi động bằng cách ấn một vật nhọn nhỏ (chẳng hạn một cái ghim giấy) vào lỗ nhỏ phía thân sau PDA. Hệ điều hành của máy sẽ khởi động lại.

Ngăn chặn virus

Trước đây, người ta vẫn nghĩ virus chỉ là vấn đề với PC. Thế nhưng thời cuộc đã thay đổi. Bất cứ ai đồng bộ một chiếc PDA với máy tính hoặc truy nhập Internet hay trao đổi các tệp dữ liệu đều có khả năng bị virus quấy phá. Cách phòng thủ tốt nhất cho chiếc PDA là các ứng dụng chống virus. Hãy cài đặt phần mềm diệt virus trên PC và trên các chiếc PDA của bạn.

Phần mềm diệt virus phiên bản dành cho PDA có khá nhiều với các mức giá khác nhau, trong đó có ba nhãn hiệu nổi tiếng nhất: F-Secure Anti-Virus for Pocket PC (36 USD), Kaspersky Security for PDA (19 USD) và PC-cillin for Wireless của Trend Micro (miễn phí).

Đế kết nối

Sau khi cài đặt, PC của bạn tự động nhận được PDA bất cứ lúc nào bạn kết nối nó thông qua đế kết nối. Nếu điều này không xảy ra, bạn sẽ phải tìm cách khắc phục.

Trước tiên, hãy kiểm tra xem đế kết nối có cắm vào đúng cổng trên PC không (hầu hết các đế đều kết nối với PC qua USB (Univeral Serial Bus) hoặc cổng nối tiếp). Cắm nguồn điện AC (nếu có) vào đầu vào của đế kết nối để chắc chắn rằng đế và thiết bị có đủ điện năng hoạt động.

Nếu điều này vẫn chưa đem lại hiệu quả, tắt PC và rút cáp của đế kết nối khỏi cổng trên PC. Nếu kết nối qua cổng nối tiếp, hãy cắm lại cáp và khởi động máy tính. Nếu kết nối là USB, khởi động máy tính và khi hệ điều hành đã được nạp hoàn toàn, cắm cáp nối vào cổng USB. Đặt chiếc PDA vào đế để PC có thể nhận thiết bị này. Nếu không thực hiện được kết nối, có khả năng trục trặc nằm ở cổng kết nối. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để khắc phục vấn đề này.

Nếu những thủ thuật ở trên vẫn chưa giúp ích cho bạn, có thể cáp kết nối hoặc đế kết nối của bạn có vấn đề. Trước khi đưa ra các giải pháp khác hoặc yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật hay vào một cửa hàng linh kiện máy tính, cố gắng kết nối đế với các cổng nối tiếp hoặc USB khác trên máy PC của bạn. Chúng tôi cũng gợi ý rằng bạn nên khởi động lại máy tính và PDA. Cũng có thể bạn sẽ phải cài đặt lại các phần mềm PDA trên PC. Chúng tôi không đảm bảo rằng các thủ thuật trên có hiệu quả tối đa, song ít ra đó là những gợi ý phát huy tác dụng trong nhiều trường hợp.

Lưu ý đầu tiếp xúc

Việc ngưng kết nối giữa PDA và PC khi bạn đang đồng bộ hoá dữ liệu có thể bắt nguồn từ lỗi cáp hoặc đế kết nối. Bỏ PDA ra khỏi đế và kiểm tra xem cổng kết nối trên đế có sạch sẽ hoặc các chấu tiếp xúc (pin) có thẳng không. Các chấu cong hoặc bẩn có thể làm ngắt việc truyền dữ liệu. Đặt PDA lại vào đế một cách chắc chắn. Thử lại việc đồng bộ hoá dữ liệu. Nếu trục trặc tiếp diễn, nguyên nhân có thể là một chiếc đế kết nối hỏng.

Chế độ tự động tắt

Bạn có thể nhận ra rằng đôi khi chiếc PDA của bạn đột nhiên tắt mà không bởi một lý do cụ thể nào. Trong hầu hết các trường hợp, đó là không phải là một trục trặc mà là chế độ tiết kiệm năng lượng được thiết lập sẵn (auto-off). Nếu không hoạt động trong một khoảng thời gian định trước nào đó, PDA sẽ tự động ngắt nguồn. Việc thay đổi chế độ tiết kiệm này khá khác nhau giữa các thiết bị, phụ thuộc vào hệ điều hành, phiên bản và nhãn hiệu máy. Hãy đọc hướng dẫn sử dụng để có thêm chi tiết.

Điều chỉnh mức cảm ứng

Một chế độ thiết lập phần cứng khác của hệ điều hành có thể ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ chiếc PDA của bạn là tinh chỉnh mức cảm ứng màn hình. Đây là chế độ điều khiển hiển thị PDA để phản ứng lại sự tiếp xúc giữa màn hình cảm ứng với bút trỏ stylus. Quá trình tinh chỉnh màn hình gồm các bước kiểm tra mức cảm ứng của bút stylus trên các điểm nhất định xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên màn hiển thị.

Thông thường, bạn sẽ phải tinh chỉnh màn cảm ứng trong lần đầu tiên bạn sử dụng PDA, tuy nhiên, bạn có thể phải lặp lại động tác này khi PDA không cảm nhận đúng sự tiếp xúc của bút stylus với màn hình. Cũng giống như với chế độ tự động tắt nguồn, việc thiết lập chế độ cảm ứng cũng khác nhau giữa các thiết bị khác nhau. Bạn có thể tham khảo tài liệu hướng dẫn sử dụng để biết thêm chi tiết.

Những vấn đề bổ sung

Khi PDA lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, chức năng chính mà nó thực hiện chỉ bao gồm công cụ quản lý danh bạ và quản lý thông tin cá nhân. Nhưng đó không phải là những gì được người sử dụng mong đợi ngày nay. Thế hệ PDA mới nhất có thể thực hiện nhiều chức năng ngoại vi, bao gồm gửi tin nhắn giọng nói, chụp và quản lý ảnh kỹ thuật số, truy cập Internet không dây và nhiều ứng dụng khác.

Bộ nhớ lớn hơn

Một trong những linh kiện bổ sung hiệu quả nhất cho chiếc PDA của bạn là bộ nhớ. Bộ nhớ ngoài của PDA được sử dụng dưới dạng thẻ nhớ nhanh (flash memory - một dạng thẻ lưu trữ dữ liệu ngay cả khi không được cung cấp điện năng) có hình thức giống một chiếc thẻ bằng nhựa và có thể cắm vào các khe thích hợp trên PDA.

Các dạng thẻ nhớ thông dụng nhất bao gồm: CF (Compact Flash), SD (Secure Digital), MMC (MultiMedia Card), PC Card và Memory Stick. Kích thước vật lý của thẻ có thể khác nhau tuỳ loại song không lớn hơn một chiếc thẻ tín dụng và thường không nhỏ hơn một con tem. Dung lượng nhớ có thể lên tới một gigabyte dữ liệu, một con số quá đủ đối với hầu hết các ứng dụng PDA.

Trước khi chọn mua một thẻ nhớ, hãy đọc hướng dẫn sử dụng để biết PDA của bạn có thể tương thích với các loại thẻ nào. Một vài loại PDA hỗ trợ nhiều loại thẻ khác nhau và bạn có thể chọn một trong số các loại thẻ phù hợp. Nhãn hiệu thẻ nhớ không phải là điều quan trọng và giá thành của chúng từ khoảng 0,25-1 USD/Mb, tuỳ thuộc vào dạng thẻ và dung lượng.

Sử dụng thẻ nhớ cho các ứng dụng

Một khi bạn đã có trong tay một chiếc thẻ nhớ, bạn có thể sử dụng tuỳ ý mình. Nếu giống như nhiều người sử dụng PDA khác, bạn có thể quyết định dành dung lượng trống cho việc lưu trữ các dạng dữ liệu nội dung nhất dịnh, đặc biệt là các tệp âm thanh và hình ảnh. Tuy nhiên, bạn có thể dùng nó để cài đặt các ứng dụng cho chiếc PDA. Khi cài đặt các phần mềm, hãy thay đổi chế độ cài đặt mặc định và tải các ứng dụng lên thẻ nhớ.

Các thẻ nhớ có khả năng ghi/đọc rất nhanh, do đó bạn sẽ không cảm thấy bị gián đoạn khi chạy các ứng dụng phần mềm từ phương tiện lưu trữ này. Hiển nhiên, bạn phải cắm thẻ nhớ vào máy PDA khi bạn muốn sử dụng các ứng dụng trên đó.

PDA đa năng

Bộ nhớ không phải là món quà duy nhất mà bạn có thể tặng cho chiếc PDA. Trong số các linh kiện bổ sung, bạn có thể nghĩ tới máy nghe nhạc, modem thoại và modem không dây, máy ảnh kỹ thuật số, máy định vị toàn cầu, bàn phím, máy dịch, điện thoại, máy thu âm và thậm chí máy nhắn tin. Thật không may, không phải mọi thiết bị ngoại vi này đều tương thích với tất cả các loại PDA. Để chắc chắn rằng bạn có thiết bị bổ sung thích hợp, tham khảo tài liệu hướng dẫn sử dụng hoặc vào website của nhà sản xuất và chọn các linh kiện từ địa chỉ này.

Tìm hiểu sự khác biệt

Việc cài đặt thêm các ứng dụng hay bổ sung thêm các linh kiện hoàn toàn phụ thuộc vào chủng loại PDA mà bạn đang sở hữu. Có hai loại PDA thông dụng nhất: thiết bị Palm và máy tính bỏ túi (Pocket PC). Máy Palm chạy trên nền Palm OS còn Pocket PC sử dụng hệ điều hành Windows CE hoặc Pocket PC. Đó không phải là sự khác biệt duy nhất. Xét từ góc độ phần cứng, Pocket PC có xu hướng tích hợp nhiều bộ nhớ với sức mạnh vượt trội của bộ vi xử lý cùng với các phần cứng hỗ trợ truyền thông đa phương tiện. Trong khi đó, các máy chạy trên nền Palm OS nhỏ hơn với giá thành rẻ và tiêu hao năng lượng ít hơn. Và tất nhiên, các thiết bị Palm OS và máy tính bỏ túi không thể tương thích với nhau.

Bất chấp những yếu tố này, sự khác biệt giữa Palm và Pocket PC ngày càng thu hẹp. Bạn có thể mua một chiếc Palm có khả năng thực hiện các chức năng như ở Pocket PC và ngược lại. Với các hai chủng loại PDA này, bạn đều có thể làm mọi thứ, bao gồm cả kết nối Internet, truyền thông bằng âm thanh và chơi nhạc MP3. Vấn đề chỉ là loại PDA nào phù hợp với kinh nghiệm và sở thích của bạn nhất. Nếu bạn có ý định sắm cho mình một chiếc PDA, trước tiên hãy tìm một sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của bạn chứ đừng cân nhắc tới hệ điều hành.

Bạn là người quyết định

Biết cách chăm sóc cho chiếc PDA của bạn, khắc phục các trục trặc kỹ thuật phát sinh, kéo dài tuổi thọ và thời gian hoạt động của pin, và bổ sung thêm các chức năng, tiện ích cần thiết là bốn nhân tố quan trọng giúp bạn có thể yên tâm rằng chiếc máy Palm hoặc Pocket PC của mình hoạt động hiệu quả và năng suất bất cứ nơi nào bạn đến. Và đó chính là thủ thuật quan trọng nhất mà chúng tôi muốn dành cho các bạn.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com