Bắt đầu với một hệ thống máy tính cấu hình cơ bản, chúng ta sẽ làm cho nó trở thành dàn âm thanh phù hợp với mọi sở thích, thành phòng tối của nhà nhiếp ảnh số chuyên nghiệp, và thành trung tâm giải trí cho những tay nghiền game.
Mỗi phương án đều xuất phát từ một cấu hình như nhau: máy tính (có thể là loại bất kỳ, máy hiệu hay máy lắp ráp) Pentium III - 600, 64 MB RAM, ổ cứng IDE 9,5 GB. Yêu cầu nâng cấp của bạn có thể khác, nhưng cấu hình cũng phải tương đối mạnh để đáp ứng được những đặc tính kỹ thuật chỉ ra trong bài.
Đối với mỗi phương án đều có bản tóm tắt về yêu cầu hệ thống tối thiểu, danh sách các thành phần linh kiện, biểu giá cũng như đòi hỏi về thời gian và trình độ chuyên môn. Tất cả những đề xuất đều có mức lựa chọn rộng đủ cho bạn cân nhắc tuỳ theo khả năng tài chính cũng như mục đích sử dụng. Bởi vậy bạn có thể chọn những thành phần linh kiện thấp cấp để sau đó tiếp tục nâng cấp khi cần.
Bạn cũng có thể kết hợp các thành phần linh kiện trong các phương án. Mặc dù cách thức nâng cấp chủ yếu nhắm vào môi trường sử dụng gia đình hơn là nghiệp vụ, nhưng nhiều thành phần linh kiện sử dụng cũng mang lại sức mạnh không kém cho máy tính văn phòng. Khi nói đến nâng cấp máy tính, chẳng có gì là bắt buộc cả.
Bạn cần thực hiện ba bước cơ bản khi làm theo hướng dẫn trong bài
1. Xác định khả năng PC. Nếu phần lớn các thành phần linh kiện máy tính của bạn đáp ứng được yêu cầu tối thiểu nêu ở phần trên, việc nâng cấp sẽ khá đơn giản. Trong trường hợp khác (chẳng hạn CPU yếu hơn) thì giải pháp hay nhất là nâng cấp CPU hay mua hệ thống mới.
2. Quyết định nâng cấp như thế nào. Cân nhắc giá cả, thời gian và độ phức tạp của mỗi phương án mà bạn có thể tự làm. Nếu cảm thấy không tự tin, bạn nên giao phó công việc này cho cửa hàng hay dịch vụ máy tính nào đó mà bạn tin tưởng.
3. Đọc phần "nâng cấp như thế nào?". Sau khi đã quyết định nâng cấp và mua đầy đủ các thành phần linh kiện cần thiết, bạn nên xem phần "Nâng cấp như thế nào?" trong bài này. Đây là những hướng dẫn chi tiết giúp bạn từng bước cài đặt và thực hiện nâng cấp.
Bất kỳ lúc nào nâng cấp, bạn cần cân nhắc một số thao tác và thực hiện những công việc sau:
- Nếu không sử dụng Windows 98 SE hay Millennium bạn nên suy nghĩ để nâng cấp lên một trong số HĐH này bởi chúng có những hỗ trợ tốt hơn về âm thanh và đồ hoạ.
- Kiểm tra những cập nhật phần mềm mới nhất tại www.windowsupdate.microsoft.com.
- Kiểm tra phần cứng hệ thống. Vào Start. Settings. Control Panel, chọn biểu tượng System và nhấn vào nhãn Device Manager. Nếu nhìn thấy dấu chấm than (!) màu vàng bên cạnh mục nào đó, nhấn vào nút Properties và theo hướng dẫn để khắc phục vấn đề.
- Quét và dồn đĩa cứng (defragment). Vào My Computer, nhấn chuột phải vào biểu tượng đĩa cứng, chọn Properties, nhấn tiếp vào nhãn Tools và nhấn vào nút Check Now. Sau khi hệ thống thực hiện xong thao tác này, nhấn vào nút Defragment Now.
- Sao lưu toàn bộ các chương trình và dữ liệu trên đĩa cứng.
Nếu máy tính của bạn không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về BXL thì có lẽ bạn nên tìm cách nâng cấp để có được hệ thống mạnh hơn. Nhiều thành phần linh kiện đưa ra trong các phương án - đặc biệt là những phần mềm - sẽ làm việc tốt hơn với Pentium III, Athlon, Pentium II hay Celeron. Các chip Pentium cũ không thể nâng cấp lên các loại CPU kể trên, Ngay cả Pentium II cũng chưa phải là hoàn toàn tốt.
Nếu muốn bạn có thể thay cả mainboard. Nhưng chỉ nên làm điều này khi có kinh nghiệm về phần cứng và khả năng tài chính. Một mainboard chuẩn có giá dao động từ 100-150 USD, nhưng giá toàn bộ thì tuỳ thuộc vào loại CPU bạn chọn và trong khoảng 300-600 USD.
Trừ khi đang có một hệ thống mới với nhiều RAM và đĩa cứng lớn hơn mức bạn cần thì đây có lẽ là những thứ bạn cần nâng cấp trước tiên.
Bạn cần có những công cụ thích hợp cho mỗi công việc. Trước hết là tuốc nơ vit chữ thập, và kìm mũi nhọn. Bạn cũng cần phải tránh tĩnh điện vì nó có thể làm hỏng linh kiện. Không được để PC cắm vào ổ điện khi bạn thao tác với máy, thậm chí khi tắt công tắc nguồn. Trên mainboard có thể vẫn còn điện áp thấp, tuy không gây tổn thương cho bạn nhưng nó có thể hại đến máy tính. Giải pháp là đeo vòng chống tĩnh điện, thứ mà bạn dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng bán linh kiện điện tử hay máy tính.
Mở hộp máy là công việc dễ dàng nhưng bạn cũng nên cẩn thận, nhất là đối với các máy hiệu. Tốt nhất là bạn cần đọc kỹ tài liệu hướng dẫn cách mở.
Lắp thêm RAM là nâng cấp thông dụng nhất, và nói chung cũng dễ dàng thực hiện. Nếu máy tính của bạn được sản xuất trong vòng 3-4 năm trở lại đây thì RAM có lẽ là loại DIMM (dual-in-line memory module). Còn các PC cũ hơn thì sử dụng SIMM (single-in-line memory module). Cách thức nâng cấp là giống nhau với cả hai loại, mặc dù RAM gắn vào các khe cắm khác nhau. Cần lưu ý là trong khi phần lớn PC sử dụng DIMM chuẩn, một số lại đòi hỏi RAM đặc biệt, chẳng hạn như của Crucial Technology ( www.crucial.com) hay Kingston Technology ( www.kingston.com).
1. Tắt máy và rút dây nguồn khỏi ổ cắm điện, tháo vỏ máy và tìm khe cắm RAM. Nếu phải tháo cáp để tiện lắp RAM thì bạn nên đánh dấu các đầu nối cẩn thận để tránh nhầm lẫn khi lắp ngược trở lại.
2. Để gỡ RAM cũ, cẩn thận và nhẹ nhàng đẩy hai cái chốt giữ ở hai đầu thanh RAM, sau đó kéo thanh RAM ra khỏi khe cắm. Nếu khó lấy, đẩy nhẹ thanh RAM qua lại để dễ lấy hơn.
3. Cẩn thận cắm thanh RAM mới vào khe cắm và đảm bảo là nó được gắn chắc chắn tại vị trí cần thiết (lưu ý là thanh DIMM có hai khe để nó chỉ có thể cắm vào từ một phía). Các chốt ở hai đầu thanh RAM sẽ tự động bật vào vị trí của nó, cho biết RAM được lắp đúng.
4. Cắm dây nguồn vào ổ điện và bật máy tính. Bạn sẽ nhìn thấy kích thước mới của bộ nhớ hiển thị trên màn hình khi PC khởi động. Nếu không thấy thông báo, bạn nên kiểm tra xem RAM có được cắm đúng và chắc chắn hay không. Khả năng RAM hỏng là rất nhỏ, bởi chúng được kiểm tra kỹ khi xuất xưởng.
Những ổ cứng cả chục gigabyte giờ đây đã rẻ đi nhiều, và bổ sung thêm ổ cứng mới để tăng cường dung lượng nhớ của PC là việc cần thiết. Mặc dù lắp đĩa cứng có thể khó khăn đối với bạn, nhưng nếu được chỉ dẫn và cẩn thận một chút, bạn vẫn có thể tự làm được. Sau đây là cách thức thực hiện, áp dụng trong phần lớn các trường hợp thông dụng, tức là ổ chỉ có một ổ đĩa cứng được nối vào kênh IDE thứ nhất (primary) của hệ thống. Nếu khi mở hộp máy, bạn nhận thấy ổ CD-ROM hay một ổ cứng khác đang nối vào cùng một dây cáp với ổ cứng chính thì phải thực hiện theo một cách hơi khác. Các bước cụ thể thường được chỉ ra trong hướng dẫn kèm với ổ cứng mới.
1. Tắt nguồn máy tính, rút dây cắm ra khỏi ổ điện, mở hộp máy và tìm ổ cứng hiện hành.
2. Nếu bạn thấy còn đầu nối trống trên dây cáp mềm nối với ổ đĩa cứng thì ổ cứng mới sẽ cắm vào đó. Nếu không có, đừng quá lo lắng, ổ cứng mới thường kèm theo cáp hoặc cùng lắm bạn có thể tìm mua ở cửa hàng máy tính.
3. Thiết lập lại jumper trên đĩa cứng cũ thành Slave, trên ổ cứng mới thành Master. Phần lớn các ổ cứng đều in vị trí jumper trên vỏ đĩa. Cũng có thể bạn phải tháo hẳn ổ đĩa cũ ra để xem những thông tin này hay để thiết lập lại jumper
4. Đưa ổ cứng mới vào và cắm đầu nối trống của cáp mềm vào khe cắm trên ổ cứng. Phải kiểm tra kỹ kết nối có đúng hay không. Cạnh màu (thường là đỏ) của dây cáp phải đi đến chân 1 trên ổ cứng (có đánh dấu). Không quan trọng là ổ cứng nào nối với đầu cắm nào. Nếu không còn đầu nối nguồn nào, bạn phải mua thêm đầu nối chữ Y, cho phép tạo hai đầu nối từ một. Nối dây nguồn với ổ cứng mới.
5. Cắm dây nguồn vào ổ điện và khởi động máy tính. Vào chương trình setup bằng cách nhấn nút khi máy đang khởi động (nhưng tuỳ nhà sản xuất mà có thể khác, bạn sẽ được thông báo trên màn hình là phải nhấn nút nào). Phải chắc chắn là tất cả ổ cứng được thiết lập thành Auto trong BIOS.
6. Dùng phần mềm kèm theo ổ cứng mới để format và phân vùng (trong nhiều trường hợp không nên dùng Fdisk và Format của Windows). Sau đó chép các tập tin từ ổ cũ sang ổ mới.
7. Một khi đã chắc chắn rằng mọi thứ đều làm việc bình thường, bạn có thể format lại ổ cứng cũ để sử dụng mới.
Quy trình cài đặt các ổ lưu trữ tháo lắp như CD-RW, DVD-ROM hay DVD-RAM cũng tương tự như cài đặt ổ cứng, nhưng có phần đơn giản hơn. Bạn có thể giữ lại ổ CD-ROM cũ bởi nó có thể giúp bạn sao chép CD dễ dàng hơn trong trường hợp bạn lắp thêm một ổ CD-RW (ổ ghi CD).
1. Tắt máy tính và rút dây nguồn máy tính ra khỏi ổ điện, mở vỏ máy
2. Xác định vị trí của ổ CD-ROM đang dùng. Bạn sẽ tìm thấy đầu nối trống trên dây cáp dữ liệu của nó. Nếu không có, hãy sử dụng dây cáp kèm theo ổ mới (các ổ DVD- ROM sử dụng dây cáp đặc biệt nối với bo mạch giải mã).
3. Nếu ổ đĩa mới của bạn là CD-RW, thiết lập jumper thành Slaver. Đối với DVD- ROM, hãy đọc tài liệu hướng dẫn.
4. Tháo miếng dậy mặt trước của khoang đĩa loại 5,25" trên máy tính. Cẩn thận đẩy ổ đĩa vào khoang và gắn chặt nó lại bằng vít chữ thập (một số máy tính đòi hỏi bộ gá đặc biệt và thường kèm theo khi bạn mua máy).
5. Cắm đầu nối của cáp dữ liệu và cáp nguồn vào ổ đĩa mới.
6. Nếu cài đặt ổ DVD-ROM, bạn phải cắm thêm card giải mã MPEG và thực hiện một số kết nối bổ sung theo hướng dẫn của nhà sản xuất ổ đĩa.
7. Vào trình Setup của PC khi khởi động máy và kiểm tra để bảo đảm rằng tất cả ổ đĩa được thiết lập về Auto.
8. Cài phần mềm kèm theo ổ đĩa và thử chạy để kiểm tra. Nếu gắp vấn đề, kiểm tra lại các kết nối. Trong trường hợp không khắc phục được, bạn phải yêu cầu trợ giúp kỹ thuật của nơi cung cấp thiết bị.
Có nhiều nâng cấp đòi hỏi phải cắm thêm card bổ sung (bo mạch). Hai loại bo mạch chính là APG (đối với card đồ hoạ) và PCI (đối với card khác, chẳng hạn card âm thanh). Bạn cũng có tể tìm thấy loại card ISA ở đâu đó, nhưng chúng sẽ nhanh chóng lỗi thời. Bất kỳ thao tác nào đòi hỏi phải tháo vỏ máy PC đều cần đến trình độ chuyên môn mức trung bình. Nhưng lắp card lại không khó, chỉ cần bạn cẩn thận. Nhờ đặc tính Plug-and-Play của các loại card hiện nay nên bạn sẽ không khó chịu khi phải thiết lập jumper và switch. Hầu hết các loại card làm việc ngay sau khi bạn lắp chúng vào máy và cài đặt phần mềm.
1. Nếu bạn muốn thay card đang dùng, trước tiên hãy gỡ bỏ (uninstall) những phần mềm dùng riêng cho card đó. Vào Start. Settings. Control Panel và chọn Add/Remove Programs. Bạn cũng có thể kiểm tra phần mềm kèm theo card. Những phần mềm kèm theo một số card, đặc biệt là card đồ hoạ thường có trình uninstall riêng. Hãy kiểm tra trong Start.Programs.
2. Tắt máy và rút dây nguồn máy tính ra khỏi ổ điện. Gỡ vỏ máy. Tìm card bạn muốn thay, học tìm khe cắm trống nếu không có card trước đó.
3. Nếu phải gỡ card, tháo ốc giữ card khỏi khung máy PC và cẩn thận kéo card khỏi khe cắm.
4. Nếu cài card mới, tháo ốc giữ miếng kim loại che nằm sau khe cắm trống. Gỡ bỏ miếng kim loại.
5. Cẩn thận cắm card mới vào khe cắm. Phải chắc chắn là card nằm đúng vị trí và sau đó vặn ốc giữ lại.
6. Chuẩn bị sẵn phần mềm kèm theo card mới. Cắm điện và khởi động Windows. HĐH sẽ tự nhận ra card mới và tự động chạy chương trình Add New Hardware Wizard. Đánh dấu ô Search for The Best Driver, đưa đĩa phần mềm vào ổ và thực hiện các chỉ dẫn để cài đặt.
7. Nếu sau khi cài đặt, máy PC của bạn không khởi động hoặc chạy bất bình thường, hãy kiểm tra lại toàn bộ, đặc biệt là xem card có được cắm đúng và chắc chắn vào khe hay không.