Chỉ số chứng khoán (CSCK) là số bình quân giá của các loại chứng khoán (cổ phiếu - CP) giao dịch trên thị trường tại một thời điểm. Các loại chứng khoán được chọn để tính chỉ số, tùy thuộc mỗi loại chỉ số có cách lựa chọn khác nhau. Ví dụ tại Mỹ có ba loại chỉ số: chỉ số Dow Jones là chỉ số bình quân của 65 loại CP tiêu biểu (30 CP của ngành công nghiệp, 20 CP ngành vận tải và 15 CP ngành dịch vụ); chỉ số S/P 500 là chỉ số giá bình quân của 500 CP tiêu biểu; chỉ số AMEX là chỉ số giá bình quân của toàn bộ CP trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hoặc chỉ số Hang seng của Hồng Kông, chỉ số Nikkey của Nhật..., tất cả đều là chỉ số giá bình quân của một loại CP tiêu biểu.
CSCK của Việt Nam hiện nay là chỉ số giá bình quân của tất cả các loại CP vì CP được cấp phép mua bán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán của ta còn quá ít.
Có hai cách tính CSCK: một cách tính đơn giản nhưng khi so sánh thì phức tạp, và một cách tính phức tạp nhưng khi so sánh lại đơn giản.
Cách tính đơn giản: là bình quân gia quyền các CP được chọn tại một thời điểm. Ví dụ thị trường chứng khoán có ba loại CP được chọn, vào lúc thị trường đóng cửa giá của các CP như sau: CP A là 140 (với số lượng lưu hành 10.000 CP); CP B là 150 (với số lượng lưu hành 7.000 CP); CP C là 135 (với số lượng lưu hành là 6.000 CP). Ta tính như sau: 140 x 10.000 + 150 x 7.000 + 135 x 6.000, tất cả chia cho 10.000 + 7.000 + 6.000 sẽ được chỉ sốlà 141,7.
Cách tính phức tạp: vì CSCK ở thời điểm hiện tại chỉ có ý nghĩa đối với nhà đầu tư khi được đem so sánh với một thời điểm gốc nào đó, qua đó nhận định xu thế, trào lưu biến động của thị trường. Để tiện cho việc nhìn nhận, đánh giá khi so sánh, người ta thường lấy chỉ số ở thời điểm gốc (điểm ban đầu) là 100. Khi lấy chỉ số điểm đầu tiên là 100 thì cách tính chỉ số phải là:
Lấy tổng giá trị thị trường các loại CP được chọn (tức giá CP) sau đó chia cho một số cố định N. Trước hết, ta phải tính số N bằng cách lấy tổng giá trị CP của thị trường chia cho 100, như sau:
Lấy lại ví dụ trên, như vậy N = 140 x 10.000 + 150 x 7.000 + 135 x 6.000, tất cả chia 100 = 32.600.
Giả sử giá CP ngày hôm nay thay đổi như sau: CP A là 142, CP B là 150 và CP C là 140, sẽ có chỉ số như sau:
142 x 10.000 + 150 x 7.000 + 140 x 6.000, tất cả chia cho 32.600 (số N) = 101,5.
CSCK là 101,5, so sánh với điểm gốc là 100 ta biết ngay CSCK tăng 1,5 điểm hay tăng 1,5%.
Số cố định N sẽ phải thay đổi khi số lượng CP mỗi loại trong số được chọn để tính chỉ số có thay đổi do phát hành thêm hoặc do tách, nhập CP.
CSCK chỉ có ý nghĩa khi có sự so sánh. So sánh chỉ số hiện tại với một thời điểm gốc. Ví dụ so sánh chỉ số của các ngày trong tháng với đầu tháng, so sánh chỉ số của các ngày trong năm với đầu năm, so sánh chỉ số ngày hôm nay với ngày hôm qua... để qua đó thấy được diễn biến giá chứng khoán của thị trường thời gian đã qua, từ đó nhận định trào lưu, xu thế của thị trường trong tương lai. Khi chỉ số tăng cả một giai đoạn, tức là thị trường đang xu thế đi lên, người đầu tư sẽ tính mua vào. Ngược lại, người đầu tư sẽ thích bán ra.
Tuy nhiên CSCK chỉ nói lên cho nhà đầu tư thấy nên mua vào lúc nào, nên bán vào lúc nào, không nói lên được là nên mua loại nào hoặc bán loại nào. Câu hỏi thứ hai này người đầu tư phải tìm ở các báo cáo tài chính của các công ty có CP đang mua bán tại thị trường chứng khoán được các công ty chứng khoán cung cấp. Và CSCK chỉ nói lên xu thế thị trường và tình hình kinh tế khi có được một lượng CP có ý nghĩa và tiêu biểu cho nền kinh tế để tính chỉ số. Ví dụ, với chỉ số Dow Jones, gần đây người ta đã bỏ ra những C.P của các ngành khai khoáng mà đưa vào đó CP của các công ty thuộc ngành tin học và truyền thông, vì ngành này đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và tiêu biểu cho nền kinh tế của nước đó.
Ở ta do số CP được mua bán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán còn quá ít nên chỉ số trong giai đoạn đầu chỉ nói lên được xu thế của thị trường chứng khoán, chưa thể nói lên thông tin về nền kinh tế.