Năm thứ 12 niên hiệu Minh Mạng (1831), triều Nguyễn bãi bỏ các tổng trấn, chia cả nước làm 29 tỉnh.
Thống kê theo sách Đại Nam nhất thống chí, ngoài Kinh sư và phủ Thừa Thiên, ta có các tỉnh như sau:
1. Tỉnh Quảng Bình
2. Đạo Hà Tĩnh
3. Tỉnh Nghệ An
4. Tỉnh Thanh Hóa
5. Tỉnh Quảng Nam
6. Tỉnh Quảng Ngãi
7. Tỉnh Bình Định
8. Đạo Phú Yên
9. Tỉnh Khánh Hòa
10. Tỉnh Bình Thuận
11. Tỉnh Hà Nội
12. Tỉnh Ninh Bình
13. Tỉnh Hưng Yên
14. Tỉnh Nam Định
15. Tỉnh Hải Dương
16. Tỉnh Quảng Yên
17. Tỉnh Bắc Ninh
18. Tỉnh Thái Nguyên
19. Tỉnh Sơn Tây
20. Tỉnh Hưng Hóa
21. Tỉnh Tuyên Quang
22. Tỉnh Lạng Sơn
23. Tỉnh Cao Bằng
24. Tỉnh Hà Tiên
25. Tỉnh Biên Hòa
26. Tỉnh Định Tường
27. Tỉnh Vĩnh Long
28. Tỉnh An Giang
29. Tỉnh Gia Định
Trong 29 đơn vị hành chính này, Hà Tĩnh và Phú Yên được chép là đạo. Ngoài ra còn có quần đảo Côn Lôn.
Mỗi tỉnh đều được xây dựng một tòa thành làm nơi đóng quân thường trực của tỉnh, đồng thời cũng là lỵ sở hành chính của tỉnh.
Các thành tỉnh xây dựng theo những đồ án khác nhau, song nói chung đều dựa theo kiểu thành Vôbăng. Thành nào cũng vậy, ban đầu đắp tường đất, sau đó xây ốp tường gạch, đá hoặc đá ong, tùy theo tình hình nguyên vật liệu của địa phương. Tuy nhiên cũng vẫn còn một số thành tường đất.
Về diện tích, nói chung đều có chu vi khoảng từ 300 - 400 trượng. Thành Nam Định là thành lớn nhất, có chu vi 830 trượng 7 thước 3 tấc. Cá biệt có thành Hà Tiên nhỏ nhất, chu vi chỉ có 96 trượng 2 thước.
Thời Minh Mạng bãi bỏ tổng trấn, chia đặt các tỉnh, xây dựng thành tỉnh và thi hành chế độ lưu quan, nhằm mục đích hạn chế quyền hạn của địa phương, tăng thêm mức độ tập quyền chuyên chế. Việc xây dựng các thành tỉnh rõ ràng bộc lộ mưu đồ đối nội, bảo vệ quyền tối cao của nhà vua là chính.