hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1342.htm

Không rõ

Thành nhà Mạc

Thành Nhà Mạc

Tình hình chiến tranh thời mạc và việc xây dựng thành của quân Mạc

Năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, phế truất triều Lê, lập ra triều Mạc. Tuy thắng thế nhưng họ Mạc cũng chỉ là một tập đoàn phong kiến quân phiệt, vì lợi ích của dòng họ mà cướp quyền trị nước. Chính vì vậy họ Mạc vừa mới nắm quyền, các phe phái phong kiến đối lập đã nổi lên khắp nơi. Cuối cùng Nguyễn Kim tập hợp được lực lượng, chiếm lĩnh vùng Thanh - Nghệ; mang danh nghĩa "triều Lê Trung hưng", lập chính quyền chống lại nhà Mạc.

Nhà Mạc nắm quyền vùng Bắc Bộ, đóng đô tại Đông Kinh gọi là Bắc triều. Họ Trịnh nắm quyền từ Thanh Hóa trở vào gọi là Nam triều.

Trong những năm Bắc triều đóng đô tại Đông Kinh, quân Mạc đã phải chống đỡ với những thế lực chống đối khắp nơi. Từ khi mất Đông Kinh năm 1592, thế lực tuy yếu nhiều, họ Mạc vẫn chiếm cứ nhiều nơi, tiếp tục chống lại họ Trịnh trong một thời gian. Thời gian này quân Mạc cùng xây dựng nhiều thành lũy tại các tỉnh phía bắc.

Cuối cùng họ Mạc rút lên cố thủ ở Cao Bằng, cũng vẫn xây thành đắp lũy, thiết lập triều đình, và xưng niên hiệu.

Từ ngày bắt đầu cho tới khi mất hẳn, họ Mạc đã có 10 đời vua với 150 năm thống trị. Do chính sách đối nội phản động, chính sách đối ngoại đầu hàng (dâng một phần đất nước cho nhà Minh để mong được kẻ thù che chở) đã làm cho nhân dân oán ghét. Sự sống còn của triều đình Mạc phải dựa vào quân đội và quân đội trong chiến đấu lại phải dựa vào sự che chở của công sự.

Những lẽ trên xui nên việc xây dựng rầt nhiều công sự phòng thủ, và nhiều đến nỗi tên gọi "Thành nhà Mạc" được nhân dân các địa phương gán cho hầu hết những di tích thành cổ trong vùng.

Về kỹ thuật xây dựng, những tòa thành nhà Mạc không có gì đặc biệt so với những tòa thành khác đương thời. Một điểm nổi bật là hầu như tất cả mọi tòa thành đều nhỏ, giản đơn và đơn thuần mang tính chất một công trình quân sự.

Thành Xích Thổ

Vị trí địa lý

Thôn Một, xã Xích Thổ, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) ngày nay, vốn có tên nôm là làng Thành. Không ai còn hiểu "Làng Thành" là gì, nếu không biết tới một di tích thành cổ khá lớn, xây dựng vững chắc ngay trên đất làng này.

Vịnh Cửa Lục mênh mông nhưng kín đáo, có dáng như một cái túi lớn mà miệng túi chính là Cửa Lục. Bên này Bãi Cháy, bên kia Hồng Gai khép miệng túi lại, chắn sóng gió bên ngoài làm cho vịnh yên lặng, an toàn trong bất cứ hoàn cảnh sóng xô biển động nào.

Đứng ở Cửa Lục nhìn qua vịnh về phía bên kia bờ là đồi núi chập chùng, thuộc đất huyện Hoành Bồ. vịnh không những là cứ điểm an toàn của binh thuyền, mà còn là nơi án ngữ cho cả vùng căn cứ địa Hoành Bồ hiểm trở.

Thành cổ Xích Thổ được xây dựng ngay sát bên bờ vịnh phía Hoành Bồ, đối diện với Cửa Lục.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép : "Thành cổ ... ở xã Xích Thổ, huyện Hoành Bồ, đắp bằng đất, bốn mặt đều 25 trượng, cao 1 trượng 1 thước, sâu 2 trượng ... Có thuyết nói do nhà Mạc đắp" [1] <00000006.HTM>.

Nhân dân địa phương cũng kể rằng đây là thành nhà Mạc với nhiều điều thêu dệt hấp dẫn [2] <00000006.HTM>.

Những hiện vật khảo cổ tìm thấy trong thành như gạch vồ kích thước 27x28x14cm, gạch in hoa nổi hình vuông mỗi cạnh 60cm, những mảnh bát đĩa sứ trang trí men màu xanh chàm và vô số những mảnh lon sành, hũ sành các cỡ, đều mang đặc điểm của các di vật thời Lê - Mạc, chứng minh rằng niên đại và chủ nhân của tòa thành đúng như điều sách đã chép và nhân dân truyền tụng.

Cấu trúc

Về cơ bản, thành hình tứ diện, song do phải thuận với địa hình tự nhiên nên mặt đông bắc và tây nam phải làm đôi đoạn gấp khúc, làm cho bình đồ có dạng không quy chỉnh.

Tường thành bốn mặt nói chung được đắp bằng đất cao từ 3 đến 4 mét. Mặt tường thành rộng từ 4 đến 5 mét. Chân thành rộng từ 10 đến 12 mét.

Mặt ngoài tường thành đều được xây kè đá, có dùng vôi vữa làm chất kết dính. Đá xây kè là đá tảng đánh từ các núi đá vôi gần đó, hoặc là những hòn cuội có sẵn, khá nhiều ở ven vịnh. Đá cuội thường to bằng cái mũ hoặc lớn hơn. Nhiều hòn hãy còn giữ được từng mảng vỏ hà bám chắc bên ngoài, chứng tỏ đá được lấy từ bờ vịnh nước mặc ngay gần đó.

Nhìn chung toàn bộ tòa thành có thế dốc ra từ phía bờ vịnh. Tường thành góc đông là đoạn cao nhất, ở nơi định gò. Từ đây tường thành theo dốc núi xuống thấp dần cho tới góc nam thì được đắp ngay trên mặt bãi cát biển. Tường thành mặt tây nam hoàn toàn đắp trên bãi cát ven vịnh.

Tương tự như mặt đối diện đông nam, tường thành mặt tây bắc cũng chạy từ góc tây lên góc bắc theo thế dốc của sườn đồi.

Từ góc bắc tường thành chạy lên đỉnh cao nhất của gò. Nơi đây có một vòng thành nhỏ đắp làm chuồng nhốt voi.

Đoạn tường đông bắc từ chuồng voi tới góc đông võng từ hai đầu xuống giữa, đoạn này là đoạn nối ngang hai ngọn đồi cao.

Toàn bộ vòng tường có chu vi khá rộng là 1.220 mét, trung bình mỗi mặt tường dài khoảng 300 mét (kích thước chép trong Đại Nam nhất thống chí không đúng : 25 trượng = 100 mét).

Thành mở năm cửa : cửa Nam, cửa Đông, cửa Chuồng Voi, cửa Bắc và cửa Tây.

Cửa Nam là cửa chính (cửa Tiền) của thành. Từ cửa này nhìn thẳng ra vịnh chiếu đúng tới Cửa Lục phía xa. Cửa được xây dựng theo kiểu thành bao (chữ Hán gọi là ủng thành), nhưng ở đây ta gặp một cửa thành bao khác. Đoạn thành bao vốn thường được xây vòng ra ngoài thì ở đây, ngược lại, lại xây lùi vào phía trong. Tường của thành không lệ thuộc vào hướng của tường thành mặt tây nam này, mà đắp theo đúng hướng nam. Chính vì vậy tường thành chỗ này, trong tổng thể của cả tòa thành, nom tựa như một bộ phận không quy cách, tùy tiện. Đoạn tường cửa vào trong thành là đoạn đắp dày nhất. Thực chất đây là hai nền đất vuông, mội cạnh 15 mét. Trên đó xưa kia có làm hai lầu cửa (cũng có thể chỉ là một lầu vắt ngang qua cả hai bên). Cửa vào chỉ mở rộng 1,5 mét. Cửa ra ngoài không mở thẳng với cửa vào mà mở ở nách bên phải, rộng 2 mét. Làm theo cách này cửa thành như được che chắn bằng một bình phong kín đáo. Khi có sự, quân địch không thể xông thẳng được vào trong thành.

Tường thành ở khu vực cửa Nam được xây kè đá rất vững chắc, có thể nói là vững chắc nhất trong toàn bộ vòng thành.

Cửa Đông mở đúng vào chỗ vòng thấp nhất của mặt tường đông bắc. Đây là khe giữa hai quả đồi. Cửa rộng 2,5 mét. Từ cửa này ra, theo đường khe núi đi vào làng Xích Thổ. Đường vào làng Xích Thổ chắc chắn vẫn là con đường đi cũ từ trước khi xây thành. Cũng có thể nói đây là con đường rút lui của căn cứ quân sự này. Vậy có thể coi cửa Đông như cửa Hậu của tòa thành.

Chuồng Voi có cửa vào thành và cửa ra ngoài. Chỗ này tường đắp thành một vòng lồi hẳn ra ngoài và hơi lồi vào phía trong, tạo nên một vòng tường gần tròn. Lòng của vòng tường là một hình bán nguyệt, đáy thẳng đo được 15 mét. Chính giữa đường đáy mở một cửa thành rộng 2 mét. Chếch về phía đông của vòng ngoài, mở một cửa ra, rộng 3,5 mét. Có thể nghĩ rằng cửa vào nhỏ chỉ vì để người đi, còn cửa ra mở rộng vì để cho voi có thể ra vào dễ dàng. Tất cả vòng tường Chuồng voi đều được làm rất kiên cố, tường dày hơn nơi khác và kè đá cả trong ngoài.

Cửa Bắc ở ngay cạnh góc bắc rộng 1,5 mét. Ra khỏi cửa, không có lối qua hào mà phải men đường chân thành đi tới tận góc bắc mới có một chỗ không đào hào để làm lối qua. Xây dựng theo cách này làm tăng thêm mức độ hiểm trở cho công sự, và có thể coi như một hình thức sáng tạo của kỹ thuật kiến trúc.

Cửa Tây cũng vậy, ở góc tây của tường thành. Không có lối qua hào để vào thẳng mà phải men theo chân thành từ góc tây, đi một quãng mới vào được cửa. Cửa rộng 2 mét được làm qui mô hơn các cửa Đông và cửa Bắc, lối đi lát đá phiến, bậc lên xuống cũng lát bằng đá tảng lớn.

Cả một vùng bên ngoài thành từ góc nam vòng qua góc tây tới góc bắc, bãi cát bằng phẳng, sườn núi thoai thoải là mặt yếu của địa thế. Chính bởi lẽ đó mà cửa Nam, cửa Tây và cửa Bắc đều được bố trí hiểm trở hơn.

Chỉ có hai lần canh đặt ở góc tây và góc bắc của tường thành. Ơở những góc này người ta đã đắp tường thành dày thêm vào phíc trong, tạo thành nền đất vuông, cao ngang với mặt tường thành, có kè đá trong ngoài vững chắc. Trên nền đất này xưa kia chắc có làm lầu canh bằng nguyên vật liệu nhẹ như tre, gỗ, lợp tranh hoặc cũng có thể lợp ngói.

Như đã nói ở phần cửa thành, mặt bắc, tây và nam là mặt yếu và cũng là mặt trước của tòa thành, người xây dựng đã đặc biệt chú ý gia cố cho những nơi này. Ngoài việc xây dựng các cửa ra vào vừa vững chắc, vừa hiểm trở còn được bố trí tăng cường hai chòi canh để bảo đảm sự an toàn cho căn cứ.

Bốn mặt ngoài đều có hào, đào cách chân thành khoảng từ 10 mét trở lên, rộng khoảng 9 mét. Nơi sâu nhất hiện nay còn đo được 2,5 mét. Bốn mặt không đào thông nhau hoàn toàn. Ơở cửa Đông chừa một lối đi qua hào để vào làng, rộng tương đương với cửa thành, hai bên kè đá chống lở.

Quanh tường Chuồng Voi, hào ngoài chỉ đào cách chân thành 3 mét và cũng chừa một lối đi rộng 3,5 mét, hai bên kè đá. Ơở góc bắc cũng chừa một lối ra cho cửa Bắc.

Mặt tây nam rộng nhất, đào cách chân thành 12 mét, rộng 12 mét. Hiện nay chỉ còn sâu chừng 3,3 mét. Đoạn này có tên gọi là "Tấm Chạy Tàu" xưa kia rất sâu ăn thông với vịnh. Thuyền bè có thể ra vào tới cửa Nam.

Từ đoạn hào này có thể nghĩ rằng tòa thành Xích Thổ có quan hệ mật thiết với vịnh Cửa Lục, với bộ phận binh thuyền đóng trong vịnh, là vị trí tiền tiêu bảo vệ vùng hậu phương Hoành Bồ rộng lớn.

Giá trị kiến trúc của tòa thành

Trên một địa hình đồi núi gồ ghề, người xưa đã khéo lựa theo thế đất tự nhiên nối các đỉnh gò cao làm tường thành, lợi dụng khe núi để mở cửa, đào ngòi thông với vịnh để vừa làm hào ngoài vừa làm đường giao thông. Việc tận dụng và uốn nắn địa hình tự nhiên như vậy quả thật là tài giỏi.

Do lợi dụng tốt địa hình nên tòa thành có thể đẹp và vững chãi phía ngoài tường cao hào sâu nhưng phía trong nhiều chỗ gần như đất bằng. Như vậy quân sĩ trong thành đi lại trên mặt thành thuận lợi, đã tạo được một "thế nhà" cho quân sĩ.

Xây dựng tòa thành, người xưa đã tính toán chu đáo, phân biệt mặt mạnh mặt yếu. Ơở mặt yếu có tăng cường công sự, gia cố thân tường, tạo thêm mức độ quanh co hiểm trở.

Vị trí tòa thành được cắm tại đây lại là điều đáng nghiên cứu. Vịnh Cửa Lục là địa bàn rất tốt của thủy quân. Giữ được vịnh cũng tức là giữ được cả một vùng Yên Quảng mênh mông phía sau. Thành Xích Thổ chính là một công sự tiền tiêu quan trọng.

Thành Xích Thổ là một căn cứ lớn. Diện tích thành rộng chứng tỏ quân đóng ở đây đông. Di tích Chuồng Voi cũng chứng minh đơn vị đóng quân ở đây lớn. Một đơn vị có được trang bị voi chiến tất phải là đơn vị nhỏ, bình thường. Những di tích gạch hoa chứng minh sự có mặt của một kiến trúc sang trọng trong thành. Cũng có thể từ đây mà đoán rằng người chỉ huy đơn vị đóng trong thành tất có quan tước không thấp.

Thành nhà Mạc dễ gặp ở nhiều nơi, song tòa thành nhà Mạc xây dựng được như thành Xích Thổ không nhiều. Có thể coi thành Xích Thổ như một tòa thành điển hình về mặt kỹ thuật kiến trúc của quân đội nhà Mạc.

Thành Cẩm Phả

a) Ơở quãng cây số 4 đường quốc lộ số 18 từ thị xã Cẩm Phả đi về Hồng Gai, có một di tích thành cổ mà lâu nay nhân dân quen gọi là "Thành nhà Mạc". Để phân biệt với những tòa thành nhà Mạc khác, người ta gọi cụ thể hơn là "Thành nhà Mạc Cẩm Phả". Từ tên này người ta gọi tắt là "Thành Cẩm Phả".

Hồi thuộc Pháp, thành này là bãi rác của thị xã Cẩm Phả. Cây cối mọc um tùm che lấp hết tường thành. Cỏ tranh mọc rậm rạp phủ kín khắp lòng thành.

Năm 1964, Nhà máy cơ khí Cẩm Phả chọn khu vực này để xây dựng. Nhà máy đã san gạt mặt bằng dựng một số nhà cửa tạm thời để ở và làm kho. Một phần lớn tường thành mặt bắc và mặt tây đã bị san bằng. Mặt tường phía nam bị cắt đứt nhiều đoạn làm đường đi ra biển.

Ngày 15-1-1967, một số công nhân thu dọn quanh nhà kho đã đào chạm phải một số hiện vật bằng vàng, đá quý, bạc, trang sức, tiền v.v... Đáng lưu ý là hiện vật bằng vàng hình tròn, nặng 5 lạng 5 đồng cân 2, có đúc bốn chữ "Đoan Khánh bảo giám", khoảng năm 1505 - 1509.

Những hiện vật sành sứ trong lòng thành như bát cao chân tráng men trắng đục, trang trí văn cánh sen xoáy ruột ốc màu chàm đen, những lon sành, hũ sành các cỡ, gạch vồ v.v... chỉ định một niên đại rõ ràng thời Lê - Mạc về sau.

Tư liệu thư tịch cũng có những điều ghi chép về di tích này.

Sách Đại Nam nhất thống chí có hai đoạn chép:

1. "Thành cổ... một ở núi Thủ Cung, xã Cẩm Phả, châu Tiên Yên. Xây bằng đá, bốn mặt đều 50 trượng, cao 1 thước, không có hào. Có thuyết nói... do nhà Mạc đắp" [3] <00000006.HTM>.

2. "Bảo Cẩm Phả: ở cách châu Tiên Yên 61 dặm về phía tây nam, bảo này sát núi, liền biển, có 30 lính, 1 suất đội" [4] <00000006.HTM>. Điều ghi chép "sát núi, liền biển" phù hợp với vị trí của di tích giới thiệu ở đây song thật quá giản đơn.

Tóm lại, về thư tịch, hiện vật cũng như vị trí di tích đều thống nhất cho phép ta yên tâm rằng thành cổ Cẩm Phả đúng là một sản phẩm của quân đội nhà Mạc.

Thành Cẩm Phả là một tòa thành khá lớn, hình chữ nhật. Chiều dài đo được 366 mét, chiều rộng 260 mét. Thành xây dựng rất vuông vức, đúng hướng bắc nam (tường dài theo hướng tây đông, tường ngắn theo hướng bắc nam). Tường thành phía bắc sát núi và phía nam liền biển.

Đường quốc lộ số 18 chạy xuyên suốt giữa thành theo chiều dài. Tòa thành xây dựng trên một mặt phẳng, hơi dốc nghiêng về phía biển. Ơở vị trí này thành đã án ngữ con đường ven biển đi từ Quảng Yên lên phía bắc. Con đường cổ có thể chính là con đường số 18 hiện nay, nếu không thì cũng chạy song song với đường số 18 gần đó, vì xa một chút về phía bắc đã là núi cao và xa một chút về phía nam lại đã là biển sâu.

b) Cả bốn mặt tường thành đều đắp bằng đất. Tường thành có từng chỗ rộng hẹp hơn nhau chút ít nhưng nói chung có kích thước như sau: mặt thành rộng 3 mét, chân thành rộng 10 mét, tường thành cao 2,5 mét. Khắp bốn mặt tường không có hỏa hồi, cũng không có chòi canh gác.

Riêng phía nam, ở chính giữa, tường thành có mở một cửa rộng 4 mét. Cửa làm rất giản đơn, chỉ là một rãnh cắt ngang từ mặt thành tới chân thành. Hai bên vách dùng gạch vồ xây ốp chống lở. Lối đi lát đá cuội. Điều đáng chú ý là lối đi lại thấp hơn đường chân thành [5] <00000006.HTM>. Từ cửa thành, một con đường thẳng đi xuyên qua hào ngoài, ở quãng hào ngoài không làm cống thông nước. Tường mặt đông và mặt tây không mở cửa.

Tường mặt bắc đã bị san bằng hết, không thể quan sát được, song căn cứ vào hình dáng và quy mô cửa thành, có thể nghĩ thành mở hai cửa Nam và Bắc (đều ở chính giữa tường thành). Cửa Nam (nhìn xuống biển) là cửa Tiền, bởi vì địa thế phía nam rộng rãi và còn là hướng ra biển và từ biển vào.

Địa thế phía bắc chật hẹp sát núi cao. Cửa Bắc nên là cửa Hậu.

Cả bốn phía ngoài tường thành đều có hào ngoài bao quanh. Căn cứ dấu vết còn lại thì đường chân thành rộng hẹp khác nhau, chiều rộng và chiều sâu của hào ngoài cũng không cùng kích thước. Ơở điểm 1 nơi nhà máy cắt ngang, đường chân thành rộng 19 mét, hào rộng 7 mét và sâu 1 mét. Ơở điểm 2 quãng góc đông nam, đường chân thành rộng 16 mét, hào rộng 4 mét, sâu 2,5 mét. Ơở điểm 3 đường chân thành chỉ rộng 4 mét, hào rộng tới 10 mét và sâu 1 mét. Suốt mặt phía tây, đường chân thành rộng 16 mét, hào rộng 7 mét, sâu 0,5 mét. Rất khó giải thích hiện tượng không thống nhất về kích thước hào ngoài, bởi vì địa thế xung quanh còn dư thừa để có thể đào theo một hình vuông vắn.

Nhìn chung về mặt cấu trúc, thành Cẩm Phả chỉ là một công trình quân sự bình thường, không hiểm trở và kiên cố lắm, dù rằng có quy mô tương đối rộng.

Xét chung địa thế toàn vùng, nếu có một lực lượng quân đội mạnh ở công trình này có thể chặn được đường tiến của địch từ phía nam lên, cũng tức là từ nội địa ra. Công trình trở thành một tiền đồn bảo vệ cho cả vùng Đông Bắc rộng lớn của đất nước.

(1) Đại Nam nhất thống chí. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, T. V, tr. 37.

(2) Nhân dân kể rằng quân nhà Mạc đông vô kể. Mỗi người lính chỉ cần vác một hòn đá về đã đủ xây nên tòa nhà này. Thành chỉ xây có một đêm đã xong. Mới chiều hôm trước chưa thấy mà sáng hôm sau dân làng đi biển qua đã thấy thành xây xong.

(3) Đại Nam nhất thống chí, T. IV, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr. 37. Đoạn tư liệu này chắc chắn phải có sai lầm. Ngôi thành chúng tôi giới thiệu trước hết không phải là hình vuông, không xây đá, mà lại có hào cả bốn mặt. Vả lại sách chép tường thành cao 1 thước (bằng 0,4 mét) thì chắc không đúng.

(4) Đại Nam nhất thống chí: Đã dẫn, tr. 42.

(5) Đường chân thành chữ Pháp viết là "borne" có nghĩa là phần đất viền quanh phía ngoài tường thành tính từ mép chân thành tới mép trong của hào ngoài.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com