hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1341.htm

Không rõ

Thành Đông Kinh thời Đại Việt

"Canh Tuất [1430], tháng 6, Đổi Đông Đô làm Đông Kinh, Tây Đô làm Tây Kinh" [1] <00000001.HTM>.

Tên Thăng Long được giữ gần suốt thời Trần tới khi Hồ Quý Ly xây thành Tây Đô ở Thanh Hóa, Thăng Long được gọi là Đông Đô và suốt gần 20 năm thuộc Minh, Đông Đô được đổi gọi là Đông Quan. Cho tới năm 1430, Lê Thái Tổ chính thức cho đổi gọi là Đông Kinh.

Đông Kinh là tên gọi chính thức do triều đình ban bố, song cái tên quen thuộc Thăng Long đã đi vào lịch sử vẫn cứ tồn tại suốt thời Lê, nhiều khi còn được sử dụng ngay cả trong các sắc chỉ của triều đình hoặc trong ghi chép của sử quan [2] <00000001.HTM>.

Cũng phải nói thêm rằng thời Lê, ngoài những tên Đông Kinh, Đông Đô, Thăng Long, còn có tên là Trung Đô [3] <00000001.HTM>. Tất cả những tên Đông Kinh, Đông Đô, Trung Đô được đặt ra đều cốt phân biệt với tòa thành Tây Đô mà triều Lê liệt vào hàng đô thành, xây dựng ở Thanh Hóa.

Cũng như thành Thăng Long thời Lý - Trần, thành Đông Kinh thời Lê chưa được khai quật hoặc thám sát để có thể định rõ vị trí của tường thành. Tuy nhiên, tư liệu về Đông Kinh còn lại nhiều hơn, di tích về Đông Kinh tìm thấy cũng nhiều hơn. Đặc biệt là tấm bản đồ vẽ thời Hồng Đức, nm 1490, trong tập Hồng Đức bản đồ, dù không đảm bảo tỷ lệ, cách vẽ còn thô thiển ước lệ, đã cho biết khá rõ về Đông Kinh thời Lê. Có thề từ tấm bản đồ suy ra rất nhiều điều bổ ích về vị trí, về cấu trúc kinh thành và nhiều cung điện, chùa miếu đương thời [4] <00000001.HTM>.

Khác với Thăng Long thời Lý - Trần, thành Đông Kinh trong quá trình tồn tại đã có nhiều đổi thay vì chiến tranh. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn không thay đổi bình đồ kiến trúc, do vậy trong cái phức tạp của lịch sử xây dựng vẫn nổi rõ một nguyên tắc chung của cấu trúc thành Đông Kinh.

La Thành

Triều Lê vẫn sử dụng, bồi đắp, mở mang vòng tường thành ngoài cùng xây dựng từ thời Bắc thuộc - Đại La Thành -, coi như một bộ phận hữu cơ của cả tòa thành Đông Kinh.

Sử chép "Đinh Dậu (1477)... Tháng 2 nhuận. Xây thành Đại La" [5] <00000001.HTM>. Thư tịch không cho biết rõ ràng lần xây này có sử dụng gạch đá hay không, phạm vi xây dựng ra sao, nhưng có thể biết rằng đây là công việc gia cố bình thường trong hoàn cảnh đất nước thái bình.

Bên ngoài vòng thành Đại La, trong thời Lê còn xuất hiện thêm những lần hào lũy khác vào những thời chiến sự xảy ra tại Đông Kinh.

Năm 1427, hồi tháng 9, Lê Thái Tổ đã "sai các tướng đắp đê Vạn Xuân (tức là đê Thanh Trì) làm lũy. Trước đây người Minh đào cừ nhỏ ở cạnh sông lơứn ngoài thành để chứa thuyền chiến và khí giới, đắp thành phụ để cố giữ, mà đê Vạn Xuân là nơi quân kỵ do thám và người chăn ngựa tất cả đi qua, ở trên cao nhòm xuống tiện lợi, quân giặc cho là kế tốt. Khi quan quân tiến đánh, quân Minh thường đặt mai phục ở đấy để tranh hơn. Vua sai các tướng sang sông, lừa lúc không ngờ, cướp lấy đê đắp làm lũy, chỉ một đêm là xong, chiếm lấy hết" [6] <00000001.HTM>. Như vậy ở mạn Thanh Trì, ngoài thành Đại La đã xuất hiện đoạn thành phụ do quân Minh đắp thêm và đoạn đất lũy trên đê Thanh Trì do quân ta đắp.

Trogn thời gian vây đánh thành Đông Quan, quân ta đắp thêm nhiều đoạn lũy khác bên ngoài thành để chuẩn bị tấn công. Năm 1427, tháng 11 "Vương Thông tuy xin giảng hòa nhưng vẫn do dự chưa quyết. Các quân ta đắp lũy, Vương Thông sợ, đem hết quân ra đánh. Quan quân đặt mai phục, giả cách chạy. người minh đuổi theo. Quân phục ra sức đánh, phá tan quân giặc. Thông ngã ngựa, suýt nữa bị bắt. Đuổi theo đến cửa Nam Thành, đắp lũy ngoài cửa thành để chặn. Vua lại thân đem các tướng đắp lũy từ phường An Hoa thẩng đến cửa Bắc Thành, chỉ một đêm là xong" [7] <00000001.HTM>.

Hồi chiến tranh Lê - Mạc năm 1588, vào tháng 2, "họ Mạc thấy quan quân một ngày một mạnh, bèn bàn định kế đánh giữ. Hạ lệnh cho binh dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lần lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu, vượt qua Tây Hồ, qua Cầu Dừa (Cương mục cho là phường Thịnh Quang) đến Cầu Giền, thấu đến Thanh Trì, giáp phía tây - bắc sông Nhị, cao hơn thành Thăng Long vài trượng, rộng 25 trượng, đào ba lần hào, đều trồng tre dài mấy mươi dặm để bọc lấy thành ngoài" [8] <00000001.HTM>.

Đoạn hào lũy ba lần lớp, lớp có trồng thêm cả tre gai này, vào ngày 15 tháng 6 năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh phá thành Thăng Long, đã "hạ lệnh cho các quân san bằng lũy đất ngoài của thành Đại La dài đến vài nghìn trượng, đẵn hết bụi rậm gai góc, cày lấp hào hố, hết thảy thành đất bằng, không mấy ngày là xong" [9] <00000001.HTM>.

Những phần công sự làm thêm ngoài thành Đại La kể trên nếu như được điểm thêm vào bình đồ Đông Kinh sẽ làm tăng thêm mức độ phức tạp cho cấu trúc kinh thành, song không làm thay đổi nguyên tắc chung của kỹ thuật xây thành. Thật vậy, tất cả đều là những bộ phận phụ và tạm thời, xây dựng với mục đích ứng phó với tình hình trước mắt. Có bộ phận đã bị thủ tiêu ngay sau một trận đánh. Không thể gọi những đoạn công sự này là vòng thành thứ tư, thứ năm, thứ sáu...của thành Đông Kinh. Cũng như ở Thăng Long thời Lý - Trần, La Thành là vòng thành thứ ba và là vòng thành ngoài cùng của Đông Kinh.

Hoàng Thành

Vòng thành thứ hai của Đông Kinh được gọi bằng tên Hoàng thành. Tên Hoàng thành cho tới nay mới xuất hiện [10] <00000001.HTM>.

Có đoạn sử chép chung chung "Giáp Ngọ (1434), tháng 10... Sửa chữa tường phía tây kinh thành" [11] <00000001.HTM>, hoặc "Canh Thân (1500), tháng 10... Xây tường phía đông" [12] <00000001.HTM>.

Những đoạn ghi chép ngắn ngủi này đều chỉ vòng thành thứ hai của Đông Kinh.

Lại có đoạn sử chép về thành Thăng Long với hàm ý là những bộ phận của tòa thành xây dựng từ thời Lý, mà vòng Hoàng thành được gọi là "tầng ngoài thành Thăng Long" [13] <00000001.HTM>.

So với Đại La Thành, vòng Hoàng thành của Đông Kinh có nhiều đổi thay hơn do tu bổ, mở rộng, xây thêm thành cao...v.v

Căn cứ bản vẽ, ta biết Hoàng thành bốn mặt đều được xây bằng đá, duy có đoạn tường từ cửa Đông tới góc đông bắc là xây bằng gạch. Cũng trừ đoạn xây gạch ra thì cả bốn phía tường thành đều có xây tường bắn (chữ Hán gọi là nữ tường) cao lên trên mặt thành. Trên tường bắn còn xây ụ bắn (chữ Hán gọi là nữ đầu). Tường và ụ bắn là bộ phận công sự che đỡ cho quân canh đi lại trên mặt thành khi canh gác cũng như để nấp bắn khi có giặc công thành.

Riêng mặt bắc là mặt xung yếu, Hoàng thành được xây hai lớp tường song song chạy men theo sông Tô Lịch. Lớp tường trong không có hào ngoài, lớp tường ngoài lấy ngay sông Tô Lịch làm hào ngoài. Sông Tô Lịch còn là hào ngoài của cả mặt tường thành phía tây. Phía nam, thành xây men bờ những hồ nước lớn nên hồ nước cũng giữ luôn vai trò của hào ngoài. Góc đông nam thành không có hào ngoài sát ngay tường thành. Như trên đã nói, mặt này thành xây bằng gạch không có tường bắn và ụ bắn. Cứ theo hình thức mà xét thì mặt này thành xây kém kiên cố nhất. Chắc rằng đây cũng là mặt an toàn hơn. Thật vậy, lỵ sở phủ Phụng Thiên và huyện Thọ Xương được đặt ngay ở phía này không xa Hoàng thành là mấy. Hai lỵ sở này cũng có thể được coi như hai tiền đồn bảo vệ cho mặt đông nam của Hoàng thành.

Hoàng thành mở ba cửa, cửa Đông, cửa Nam và cửa Bảo Khánh. Cửa Đông và cửa Nam có xây lầu cửa bên trên. Riêng cửa Bảo Khánh thì không.

Theo phương án phòng thủ thời Lê, Hoàng thành là tuyến phòng thủ chính yếu của Đông Kinh nên đã được bỏ công sức xây dựng kiên cố nhất. Vật liệu kiến trúc là loại bền chắc như gạch, đá. Việc tu bổ cũng tiến hành thường xuyên và kịp thời. Có lần việc gia công tu bổ tiến hành rất qui mô. Năm 1585 "Tháng 4, họ Mạc muốn lại về ở thành Thăng Long, bèn bàn sửa dần thành trì, làm nhiều công việc xây dựng, nung ngói gạch hàng năm mới xong" [14] <00000001.HTM>.

Có khi chỉ vì mục đích bảo vệ an toàn cho sự ăn chơi xa xỉ, vua Lê Trương Dực đã chi phí nhiều sức người sức của để mở rộng Hoàng Thành, đó là năm Giáp Tuất (1514), hồi tháng 5 "Vua đã làm nhiều việc thổ mộc, đắp thành rộng to mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Võ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp Hoàng thành, dưới làm cửa cống, lấy ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến, gạch vuông xây lên, lấy sắt xâu ngang. Lại làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử cởi truồng chèo ở Hồ Tây, vua cùng chơi lấy làm vui thích lắm" [15] <00000001.HTM>. Đoạn thành bao này vì đắp ngang sông, phải chừa lỗ cống thoát nước vì vậy phải tốn thêm động tác rào cống bằng sắt ngăn ngừa kẻ ngoài đột nhập. Công việc đã tốn bao của cải nhưng không hề làm tăng thêm mức độ kiên cố cho vòng Hoàng thành.

Việc canh gác Hoàng thành cũng được tiến hành rất nghiêm mật. Việc ra vào Hoàng thành và cung cấm từ đại thần, tổng quản, hành khiển cho tới cung nhân đều phải do người canh cửa chuyển tâu, được phép mới được vào. Người vào mà mang theo đồ sắt từ một cái kim trở lên đều phải được phép.

Việc tuần phòng trong ngoài giao cho chức quan tin cẩn là Nhập Nội tư đồ bình chương sự và Nhập Nội đô đốc bình chương sự [16] <00000001.HTM>.

Các điếm canh không những xây dựng trên mặt thành mà còn ở ngoài các "cửa Hoàng thành". "Viện nhận các huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì), Thượng Phúc, Thanh Oai, Từ Liêm mà trấn giữ cũng là thay phiên nhau giữ các điếm ngoài Hoàng thành, người nào đã có quan chức thì được tha không phải tuyển lính theo như lệ đòi bắt cũ, thay nhau 20 phiên mà giữ điếm ngoài Hoàng thành. Các nho sinh, sinh đồ thì thưởng 5 tư" [17] <00000001.HTM>.

Tóm lại, về các mặt kiến trúc cũng như bố trí phòng vệ, vòng Hoàng thành tỏ ra tường trực tiếp và quan trọng nhất trong hệ thống công sự của kinh thành thời Lê.

Cung Thành

Vòng thành trong cùng của thành Đông Kinh được gọi là Cung thành. Sử cũ cho biết năm 1447 đã "có sắc hoãn việc xây dựng Cung thành, vì lẽ nhiều lần có tin mất mùa, giá gạo cao vọt" [18] <00000001.HTM>.

Chúng ta không tìm thấy những ghi chép cụ thể khác nữa về vòng thành này trong sữ cũ. Tư liệu rõ ràng nhất vẫn là tấm bản đồ vẽ thời Hồng Đức năm 1490.

Cung thành là vòng tường thành nằm lọt giữa vòng Hoàng thành. Cung thành xây theo hình chữ nhật. Bốn mặt đều xây bằng gạch. Nếu kể cả phần hình thướỏc thợ được chú là Đông Cung thì Cung thành có một phần tường phía đông chung với tường Hoàng thành.

Tường Cung thành xây bằng gạch, trên mặt tường không có tường bắn và ụ bắn.

Cung thành chỉ mở hai cửa. Đoan Môn là cửa Nam và cũng là cửa Tiền. Đoan Môn xây cao đẹp và có lầu cửa bên trên. Cửa Tây xây ở góc tây bắc trên mặt tường phía tây. Cũng có thể gọi cửa này là cửa Hậu. Cửa này cũng được xây to, đẹp, trên có lầu cửa.

Ơở hai góc đông nam và tây nam, nói cách khác là ở hai góc của mặt trước cung thành, có xây hai lầu canh trên mặt thành.

Vòng Cung thành bao bọc những kiến trúc chủ yếu của triều đình như tòa Thị Triều, điện Chí Kính, điện Vạn Thọ... Điện Chí Kính và điện Vạn Thọ còn được xây xây tường bao riêng xung quanh.

Cung thành không có hào ngoài.

Dù không có những kích thước cụ thể về tường Cung thành, ta cũng có thể đoán biết được rằng Cung thành thấp hơn, mỏng hơn và kém vững chắc hơn Hoàng thành.

Cung thành thời Lê cũng chính là Phượng thành thời Trần. Cung thành có thời đã được mở rộng thêm hơn thời trước. Năm 1480 thời Lê Thánh Tông, "tháng 11, đắp rộng thêm Phượng thành, nhân theo quy chế của nhà Lý, nhà Trần. Vua lấy làm răn về việc Nhân Tông bị giết, nên sai quân đắp rộng thêm ra ngoài trường đấu võ, dài rộng 8 dặm, trong 8 tháng mới làm xong. Bèn dựng điện Thạch Thất (Toàn Thư chép là Danh Bảo viện). Lại lập vườn Thượng Uyển. Trong vườn có nuôi hươu và thú vật " [19] <00000001.HTM>.

Về cấu trúc Đông Kinh có thể rút ra được mấy kết luận như sau :

- Loại bình đồ kiến trúc "tam trùng thành quách", với đầy đủ tính chất của nó phải tới đời Lê, ở nước ta mới xây dựng và điển hình cho loại hình này là Đông Kinh.

Về tên gọi của ba vòng tường thành của Đông Kinh được đặt (từ ngoài vào trong) là Đại La thành, Hoàng thành, Cung thành (hay Phượng thành). Có thể nói cách gọi tên ba vòng ngoài thành là Kinh thành, Hoàng thành. Từ Cấm thành vẫn còn xa lạ đối với Kinh thành thời Lê.

- Nếu chỉ xét đơn thuần về mặt công trình kiến trúc quân sự, Đông Kinh dù có ba vòng tường phòng thủ thì cũng còn kém xa Hoa Lư về mức độ hiểm yếu, kiên cố. Tuy nhiên, cấu trúc ba vòng tường bao bọc lẫn nhau trong một tòa thành rõ ràng vẫn là một tiến bộ lớn. Kiểu kiến trúc của Hoa Lư chỉ có thể thi công được ở những vùng núi cao hẻo lánh lại không thể nào đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cho kinh đô một nước mà nền kinh tế đã phát triển cao. Hoa Lư là một công sự phòng thủ tuyệt đẹp nhưng cũng không thể là một trung tâm quân sự của cả nước chứ chưa nói gì tới trung tâm kinh tế, văn hóa.

Kinh đô một nước như Việt Nam từ thế kỷ XI không thể không chọn ở một nơi có đủ điều kiện trung tâm kinh tế, văn hóa như địa bàn Thăng Long. Trên đất Thăng Long bằng phẳng giữa vùng châu thổ trù phú đông vui, bình đồ kiến trúc kiểu Hoa Lư sẽ trở thành một công trình quá giản đơn, mong manh, yếu kém; kiểu bình đồ "tam trùng thành quách", kèm thêm với việc lợi dụng sông ngòi tại chỗ để làm hào thiên nhiên, giảm bớt sức thi công, là một đồ án kiến trúc tối ưu.

Hoàn cảnh địa hình này cho phép người xây dựng có thể dựng những bình đồ vuông vức ở ba vòng tường thành, ít nhất là ở vòng thành trong cùng để đảm bảo tính mỹ thuật của kiến trúc.

Ơở Đông Kinh chúng ta cũng gặp một vòng Cung thành vuông vức. Ơở đây người xây dựng không hề gặp gì trở ngại cho việc xếp đặt các cửa thành, các cung điện, các đường đi lại... cân đối theo quan niệm thẩm mỹ phương Đông.

Nhưng phải thấy rằng ở hai vòng Hoàng thành và Đại La thành chúng ta vẫn còn gặp nguyên vẹn cách tận dụng địa hình tự nhiêntrong xây dựng. Không kể Đại La thành vốn là tòa thành được đắp từ trước để lại, vòng Hoàng thành gần như quá nửa do con sông Tô Lịch và mấy chiếc hồ quyết định dáng hình. Người xây dựng đã bám rất sát dòng sông Tô Lịch để xây đắp tường thành.

Ba cửa thành mở ở mặt đông, đông nam và tây nam cũng nói rõ ý đồ tận dụng thế đất tự nhiên, mở cửa ở ba nơi này đã đảm bảo nguyên vẹn tác dụng bảo vệ của sông Tô Lịch, không một chiếc cầu, dù nhỏ, qua sông để phá vỡ tính hiểm trở của hào ngoài.

Không một cửa Hoàng thành nào mở thẳng tới Đoan Môn của Cung thành. Địa thế cho phép làm như vậy nhưng người xưa đã không làm. Phần đăng đối, bề thế, quan niệm đối xứng trong kiến trúc có phần nào bị hy sinh, song tác dụng bảo vệ, tính kín đáo và hiểm trở của công trình lại tăng thêm gấp bội. Tính thực dụng của kiến trúc đã bộc lộ rõ nét.

- Đông Kinh là một kinh thành rất đẹp đương thời. Có thể trích dẫn lời của một nhà buôn người Anh tên là Samiuơn Bêrơn (Samuel Baron) viết vào thế kỷ XVII sau khi đã tới Đông Kinh : "Khi đứng trước ba lớp thành cổ, người ta phải lấy làm ngạc nhiên với những di tích còn lại tỏ ra rằng thành ấy xây vững vàng, có những cửa lớn và đẹp lát bằng một thứ cẩm thạch. Cung điện có chu vi độ 6-7 dặm. Cứ xem các cửa ngõ, sân và các gian nhà còn lại cũng đủ biết lâu đài đó trước kia rất đẹp và lộng lẫy". Cũng cần phải nói rằng Samiuơn Bêrơn viết như vậy khi Đông Kinh trước mắt ông ta đã bị tàn phá rất nặng nề.

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr. 74.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, còn ghi : "Tháng 6 [1586], họ Mạc sắp đặt xa giá dời vào thành Thăng Long ở tại chính điện" (tr. 176); "Tháng giêng [1587], họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long và sửa sang đường phố" (tr. 177).

(3) Bản đồ vẽ năm 1490 trong Hồng Đức bản đồ gọi Kinh Đô là Trugn Bản đồ vẽ năm 1490 trong Hồng Đức bản đồ gọi Kinh Đô là Trung Đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV chép : "Canh Tý [1600]... Tháng 6, tiễn quân ra phủ Trường Yên. Bắt được mẹ Mậu Hợp ở thành Trung Đô"(Trung Đô tức là Thăng Long. Đ.V.N)

(4) Về tập Hồng Đức bản đồ đã có người chứng minh rằng không phải là bản chính thời Lê Thánh Tông, từ đó không tin và thậm chí không dùng. Chúng tôi cũng nghĩ rằng đây đúng không phải bản dựng vào thời Lê Thánh Tông mà chỉ là bản sao có thêm thắt của thời sau. Song riêng hình vẽ, dù có thêm thắt chút ít thì về cơ bản vẫn phản ánh đúng tình hình kinh thành thời đó. Hơn nữa, chúng tôi nghiên cứu chung về Đông Kinh thời Lê chứ không chỉ riêng thời Hồng Đức, do vậy, tư liệu này vẫn là một tư liệu quí giá.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 257.

(6) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 42.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 46.

( Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, tr. 178.

(9) Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, tr. 188.

(10) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 92.

(11) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 253.

(12) Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, tr. 26.

(13) Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, tr. 177.

(14) Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, tr. 175.

(15) Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, tr. 81.

(16) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 164.

(17) Đại Việt sử ký toàn thư, T.IV, tr. 62.

(18) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 220

(19) Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, tr. 307.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com