Sử chép rằng: "Mậu thìn năm thứ 1 (968), Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi" [1]. Đây là chép về vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp xong các sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi vua và xây dựng kinh đô.
Sử lại chép "Giáp thân năm thứ 5 (984)... Dựng nhiều cung điện, làm điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, có cột điện dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Từ Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc" [2]. Đây là chép về vua Lê Đại Hành, sau khi lên ngôi đã tiếp tục xây dựng kinh đô Hoa Lư thành một thủ đô tráng lệ.
Sử chép tiếp: "Canh tuất, Thuận Thiên năm thứ 1 (1010)... Mùa thu tháng 7, Vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi là thành Thăng Long. Đồi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên..." [3].
Cứ theo sử sách thì Hoa Lư đã đóng vai trò thủ đô 42 năm. Trong 42 năm đó, trải ba triều: Đinh - Lê - Lý, Hoa Lư đã được tu bổ xây dựng khá nhiều. Iít nhất nơi đây đã là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế và quân sự của hai triều Đinh và Tiền Lê [4].
Thành Hoa Lư thuộc đất xã Trường Yên, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình cũ (hay là Hà Nam Ninh); cách Hà Nội khoảng 10 km về phía tây bắc.
Hệ thống núi đá vôi của huyện Gia Khánh phát triển thành những dải núi hiểm trở bao bọc xung quanh một vùng đất bằng, rộng lớn, ngay bên bờ phía đông nam sông Hoàng Long. Vùng đất này đã được chọn làm khu vực kinh thành Hoa Lư.
Thế đất Hoa Lư tuyệt đẹp. Núi cao bao quanh gần như kín ba mặt tây, nam và đông, tạo nên những bức tường cao vô cùng kiên cố. Phía bắc và phía đông bắc ít núi, lại có con sông Hoàng Long án ngữ như một hào ngoài. Sông Hoàng Long là con sông lớn bắt nguồn từ vùng rừng núi Hòa Bình, Nho Quan chảy ra sông Đáy, lại là con đường giao thông thuận tiện từ kinh thành ra bắc vào nam. Từ Hoa Lư còn có nhiều con đường len lỏi trong vùng, qua những ngách núi cheo leo để đi sâu vào vùng núi hoặc vào phía nam.
Chọn Hoa Lư làm kinh thành, người xưa chỉ cần xây nối một số đoạn ngắn các khoảng trống giữa hai quả núi là có một công sự khép kín vô cùng kiên cố mà không phải tốn nhiều công sức.
Tiếp sau Cổ Loa, Hoa Lư là một tòa nhà điển hình cho phương pháp xây dựng lợi dụng địa thế tự nhiên. Cũng bởi lẽ đó mà thành Hoa Lư có dáng hình độc đáo, có đầy đủ tính chất kiên cố, hiểm trở của một công trình quân sự, lại thêm tính kỳ vĩ, hữu tình của một thắng cảnh.
Mười đoạn tường thành nhân tạo đã nối những ngọn núi, dải núi đá vôi tạo nên hai vòng thành khép kín sát cạnh nhau, được gọi là thành ngoài và thành trong, với diện tích chừng 300 hécta có dư.
Đoạn thứ nhất "Nối từ núi Đầm sang núi Thanh Lâu. Nnân dân gọi đoạn này là Tường Đông.
Đoạn thứ hai: Nối từ núi Thanh Lâu sang núi Cột Cờ.
Đoạn thứ ba: Nối từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ.
Đoạn thứ tư: Nối từ núi Chẽ sang núi Chợ.
Đoạn thứ năm: Nối từ núi Mã Yên sang một dải núi khác. Nhân dân quen gọi là Tường Vầu.
Đoạn thứ nhất: Nối từ núi Hàm Sá sang núi Cánh Hàn. Nhân dân quen gọi là Tường Dền.
Đoạn thứ hai: Nối từ núi Cánh Hàn sang núi Hang Tó. (Cũng là đoạn phụ cùng tuyến với Tường Dền).
Đoạn thứ ba: Nối từ núi Quèn Dót sang núi Mồng Mang. Nhân dân quen gọi là Tường Bồ.
Đoạn thứ tư: Nối từ núi Mồng Mang tới núi Cổ Giải. Nhân dân quen gọi là Tường Bìm.
Đoạn thứ năm: Đắp ngang giữa thành trong. Nhân dân cũng gọi là Tường Vầu như đoạn đắp ngang giữa thành ngoài [5].
a) Đoạn tường từ núi Chẽ sang núi Cột Cờ dài 300 mét, có một con ngòi chảy từ trong thành ra sông Hoàng Long và chảy qua đoạn tường này ở chỗ chân núi Chẽ. Từ chân núi ra bờ ngòi khoảng 30 mét còn thấy vết tích của tường thành. Ngòi rộng chừng 40 mét. Ngay sát bờ ngòi bên kia là tường thành đắp thẳng, nối với núi Cột Cờ.
Tường thành hiện bị phá hoại nên từng chỗ cao thấp có khác nhau, nơi cao nhất là 5 mét so với mặt vuông, nơi thấp từ 2 đến 3 mét. Tường thành đắp ngang qua một vùng lầy lội nên cấu trúc có những điểm đáng chú ý.
Vì vốn là chỗ đất lầy dễ lún nên móng đã được xử lý tốt. So với mặt ruộng hiện nay, móng tường sâu chừng 2 mét, được làm bằng cách trải lót cành cây lẫn với đất đắp nhiều lớp. Còn có những cọc đóng sâu xuống giữ cho móng không trôi. Có cọc đơn và cọc kép. Cọc kép gồm hai cọc nối nhau bằng đà ngang có lỗ mộng. Trên đà ngang lại xếp nhiều cây gỗ dài.
Đây là cách xử lý truyền thống trong việc chống lún ở những vùng lầy lội. Cách này rõ ràng có hiệu quả tốt, tường thành xây đắp bên trên đã tồn tại vững vàng cho tới ngày nay.
Thân tường cũng được làm khá đặc biệt. Mặt trong của tường xây gạch dày khoảng 0,45 m rất cẩn thận, thẳng và vững chắc. Chân tường có kè đá tảng và đóng cọc gỗ lớn, chồng chéo.
Phía ngoài của tường gạch là phần tường đắp rất dày đất ốp vào tường gạch.
Thông thường ở những tòa thành sau này thì phần xây gạch hoặc đá phải là ở mặt ngoài của tường thành. Ơở đây, thì ngược lại. Như vậy có thể nghĩ rằng phần xây gạch chỉ là tường ốp chống lở sụt mà thôi chứ không có ý đồ gây khó khăn cho việc vượt tường (vì không có ai lại có ý đồ gây khó khăn cho chính mình). Vả lại nền gạch hoa lát tìm thấy ngay trên tường thành sát chân núi Cột Cờ cho hay rằng có những kiến trúc trên mặt tường thành và tất nhiên phải có hoạt động ở đó, tối thiểu cũng là hoạt động canh phòng những nơi xây đắp nhân tạo kém hiểm trở so với những dãy núi đá thiên nhiên [6].
Gạch xây tường thành là những viên gạch chữ nhật cỡ lớn 30 x 16 x 4 cm. Trên mặt gạch có văn chải. Có viên được in chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên". Một số viên in chữ "Giang Tây quân" kích thước và màu sắc khác hẳn với loại gạch trên. Mới đây khảo cổ học lại phát hiện thêm loại gạch in chữ "Giang Tây chuyên" tương tự gạch "Giang Tây quân".
b) Đoạn tường thành từ núi Cột Cờ đền núi Thanh Lâu dài 233 mét, hiện còn cao 2,75 mét so với mặt ruộng. Mặt thành rộng 4 mét, chân thành rộng 20 mét.
Đây cũng là một đoạn đắp qua vùng lầy lội nên có lót cành cây, gia cố móng. Thân tường thành cũng có xây gạch ốp, đắp tường đất không khác gì ở đoạn tường thành đã nói trên.
Hai đoạn tường đều có cùng kỹ thuật, cùng nguyên vật liệu, đắp cùng thời, vấn đề đã rõ ràng chắc không còn gì phải bàn cãi.
Cả thành ngoài, thành trong đều lợi dụng được một nhánh sông Hoàng Long chảy dọc thành làm một đường giao thông dưới nước. Việc vận chuyển vào thành hay ra ngoài đều dễ dàng.
Một tổng thể kinh thành gồm hai tòa thành riêng biệt, rất thuận tiện cho việc bố trí từng khu triều đình, quan lại hay quân sĩ. Việc qua lại giữa hai thành không vì vậy mà trở ngại. Thiên nhiên đã khéo bố trí cho một con đường kín đáo mà thuận tiện, đó là Quèn Vông, quãng tiếp giáp giữa núi Hang Sung và núi Quèn Dót.
Ơở mỗi tòa thành ngoài cũng như thành trong, chỉ bằng một đoạn tường thành ngắn có thể chia làm hai phần, tăng thêm mức độ quanh co hiểm hóc cho công trình.
Triều Đinh thành lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi mà những mô hình thành lũy kiểu Hán ngang bằng sổ ngay, phương hướng tề chỉnh, quy cách xây dựng trở thành công thức, đã mọc lên không ít ở nhiều nơi. Nhưng thành Hoa Lư độc đáo được xây dựng lại không theo một khuôn mẫu Trung Quốc của bất cứ thời nào.
Hoàng tộc, triều đình, quân sĩ phân đẳng cấp đã rất rõ ràng, nhưng Hoa Lư không hề có "Thành quách trùng trùng", không câu nệ công thức, chỉ cốt saso kiên cố, lợi hại.
Là một căn cứ quân sự, Hoa Lư quả đã đạt tới đỉnh cao về mức độ kiên cố, hiểm trở của một công trình phòng thủ. Có thể nói Hoa Lư là một công trình kiến trúc quân sự hiếm có trong lịch sử nước ta và cả trong lịch sử các nước khác đương thời.
(1) Đại Việt sử ký toàn thư: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, T. I., tr. 154.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư: Đã dẫn, tr. 169.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư: Đã dẫn, tr. 191.
(4) Các nhà khảo cổ Việt Nam đã mất nhiều công sức và thời gian điều tra nghiên cứu mới hiểu được, chắc chắn là chưa kỹ, về tòa thành cổ độc đáo này.
Chúng ta cũng không nên trách nhà nghiên cứu người Pháp, L. Bơdaxiê do thiếu tư liệu điền dã nên đã viết về tòa thành này chỉ bằng mấy câu mượn của sứ giả Trung Quốc đời Tống là Tống Cảo đã tới Hoa Lư khoảng năm 988 và mô tả đô thành này như sau:
"Trong thành lũy có phòng vệ không có dân cư, chỉ có mấy nghìn túp lều bằng tre, lợp tranh dùng làm trại lính... Cung điện nhà vua nhỏ bé, ở lối vào ghi hai chữ "trí môn"... Người ta đưa chúng tôi đi xem những tháp canh bằng gỗ dựng lên để phòng vệ cho thị trấn này. Cách xây dựng thì đơn sơ mà hình thù thì xấu xí". Xem L. Bơdaxiê: Nghệ thuật Việt Nam, Paris, 1954.
(5) Tên Vầu được đặt chung cho cả hai đoạn đắp ngang thành ngoài và thành trong chia mỗi thành làm hai phần, chắc là một từ cổ có ý nghĩa như: giữa, phân đôi... Chúng tôi chưa tìm hiểu được.
(6) Nền gạch đã phát hiện hình chữ nhật 4,5 x 8,6 mét. Gạch lát nền là gạch in hoa sen hoặc in hình đôi chim phượng, xung quanh đều viền một đường văn triện.
Quanh nền gạch còn tìm thấy những viên gạch hình chữ nhật có in chữ "Giang Tây quân" hoặc "Đại Việt quốc quân thành chuyên". Gạch "Giang Tây quân" đã được Trần Quốc Vượng nghiên cứu và kết luận đó là gạch do quân sĩ Giang Tây, Trung Quốc đóng ở nước ta mang vào thời thuộc Đường hồi thế kỷ VIII, sau này các đời Đinh, Lê, Lý dùng lại (xem Nghiên cứu lịch sử, số 83, tr. 49 - 64). Gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" là gạch xây thành do quân sĩ nước Đại Việt làm thời Đinh, thời Tiền Lê và có thể cả vào thời Lý.
Còn tìm thấy mảnh gạch vỡ có in chữ "Bình" và được đoán rằng gạch vốn in chữ "Thái Bình" niên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng.