hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1206.htm

Không rõ

Làn điệu dân ca trong ca khúc mới

Xin dẫn một vài ví dụ trong số hàng trăm ca khúc nổi tiếng: Hò huê tình trong Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Lý bình vôi trong Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Lý con sáo Bạc Liêu trong Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long (Huỳnh Thơ), Lý giao duyên với Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý), Hò và hát ví dặm với Trông cây lại nhớ đến Người (Đỗ Nhuận), Ca trù trong Đợi (Huy Thục)...

Các nhạc sĩ chỉ vận dụng một ý tưởng hoặc một tứ nhạc dân gian "điểm xuyết" cho bài ca, sau đó phát triển giai điệu, chọn lọc ca từ, người nghe phải thật tinh tường mới tìm ra gốc gác dân ca. Đó là "kiểu chơi trí tuệ" (chữ dùng của cố nhạc sĩ Xuân Hồng).

Tiếp bước cha ông, lớp nhạc sĩ đàn anh hôm nay đã có những bậc thầy về âm hưởng dân ca như Phó Đức Phương với ca trù và quan họ; Nguyễn Cường với dân ca đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nguyên; Trần Tiến với giai điệu "rock rừng" cao nguyên; An Thuyên với chất ví dặm xứ Nghệ và dân ca Bình Trị Thiên...Riêng các nhạc sĩ trẻ đến với sân chơi này dường như khó khăn hơn. Tuy vậy, cũng có một số gương mặt đã tự khẳng định mình. Nhất Sinh thủy chung với dòng nhạc đượm chất dân ca ba miền, có nhiều bài hay như Chim sáo ngày xưa, Tơ hồng, mới đây có Đêm phương Nam. Thập Nhất luôn đậm đà chất dân ca lưu vực sông Hồng với Cánh cò và câu hát mẹ ru, Bến quê, Eo nắng vừa ra mắt với nhạc và lời duyên dáng, yểu điệu như làn hơi chầu văn. Ngọc Châu từng mang làn điệu sa mạc và bồng mạc - hơi khách để "thổi" vào chùm ca khúc của mình, nổi nhất là Chiều xuân và Cô Tấm ngày nay. Trương Quang Tuấn với bản Mưa trên phố Huế "gò" theo điệu Nam ai và tiếng hưởng cùng giọng mũi (rất khó) của hò Huế. Lê Quốc Thắng xuất thần với Em tôi, một dạng thức ngũ cung vùng Đồng Tháp Mười... Ngoài ra, còn khá nhiều ca khúc dựa trên tiết tấu bolero. Hình ảnh con đa đa, con chuồn chuồn, dòng sông khoác vào ngôn ngữ rumba xa nay, có người gọi đó là nhạc giao duyên đồng quê. Tuy nhiên, nhóm bài hát dạng baiao buồn thương ấy xem ra vẫn được bà con chiếu cố.

Ở khía cạnh khác, nhóm nhạc sĩ đảm nhiệm việc hòa âm phối khí đã tìm tòi sáng tạo, ứng dụng nhiều nhạc cụ dân tộc vào việc hoàn thành tác phẩm. Tất nhiên, những phương pháp cách tân chỉ là thể nghiệm để chứng minh sự hòa quyện những luồng cảm xúc và ứng tác giữa nhã nhạc, dân nhạc và hiện đại. Nhạc sĩ Vũ Văn Tuyên, cây guitar bass nổi danh của làng nhạc trẻ, từng thổi sáo trúc điệu ngũ cung hoặc dùng độc huyền cầm để "làm đẹp" nhiều ca khúc. Quốc Trung thích dùng những âm thanh réo rắt của đờn cò, tiêu, mỏ chùa, trống nước hoặc sáo Mèo để phối cho một số tác phẩm của Thuận Yến. Đức Trí, tay hòa âm trẻ tài năng (vừa đi du học) từng "liều lĩnh" hóa giải những tiếng đàn đáy, đàn kìm và tiếng mõ tre (thật) cùng với dàn keyboard trong bài Trên đỉnh Phù Vân của Phó Đức Phương hoặc Chị tôi của Trọng Đài rất thành công qua tiếng hát Mỹ Linh...

Còn nhiều bài hát thuộc thể loại này đang được "làm mới" bằng các kỹ thuật phòng thu. Nhạc sĩ sẽ ghi âm tiếng "mộc" (thật 100%) phần phối khí hòa vào âm thanh hoàn chỉnh của studio. Những track (đường tiếng) đã thu từ nhạc cụ dân tộc sẽ được tinh lọc hòa trộn (mix) cho đạt độ chuẩn và chuyển tải vào hai đường stereo, sau đó đa vào băng gốc (master) để đúc khuôn và in thành CD. Cách thức này đã nâng những ca khúc mang màu sắc dân gian lên tầm cao hơn bởi chất nhạc gần với thính phòng, những âm thanh thật sẽ được thưởng thức đến tận cùng, tiết chế sự ồn ào khuyếch đại của synthetizer.Nếu có dịp, xin hãy nghe lại bản gốc những CD chọn lọc, đơn cử như Điệu buồn phơng Nam của Vũ Đức, Sao Biển (ca sĩ Thùy Trang), Còn thương rau đắng mọc sau hè của Bắc Sơn (Bích Phượng), Mái đình làng biển của Nguyễn Cường (Mỹ Linh), Ngẫu hứng sông Hồng của Trần Tiến (Tam ca 3A), Em chọn lối này của An Thuyên (NSƯT Thanh Hoa), Đất nước lời ru của Văn Thành Nho (NSND Thu Hiền) hoặc Chiều tàn thu muộn mới toanh của Vũ Thảo trong bộ phim cùng tên vừa phát trên VTV cuối tháng 5/2001 (NSƯT Trung Đức hát)...

Người nghe chắc hẳn sẽ rất hạnh phúc khi được thưởng thức vẻ đẹp tinh tế của dân ca trong tiết tấu nhạc hiện đại. Ca từ mới đã hòa nhập vào âm hình nguyên gốc của phần phối khí (như trống cơm, mõ, chiêng, xúc xắc gỗ hoặc dầm chèo khua nớc...) trên nền âm sắc chuẩn mực của đàn bầu, đàn tính, đàn tranh, sáo, kèn lá. Những âm thanh mộc mạc của nhạc cụ dân tộc cộng hưởng cùng những bè phối đầy đặn và chừng mực của bàn phím điện tử, tạo cảm xúc mới lạ, hấp dẫn.

Hy vọng sẽ có thêm nhiều ca khúc mới mang âm hưởng dân ca được chọn lọc và phổ cập.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com