Tình khúc viết xong đã được tài tử Ngọc Bảo thu thanh rồi phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh thống nhất.
Đương nhiên sau khi xuất hiện, tình khúc được một số nhà phê bình "chăm sóc" khá chu đáo. Và bản "luận tội" để khiến cho tình khúc này chìm vào im lặng mấy chục năm ở miền Bắc rất ngắn gọn: "Tại sao lại viết "rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ"? Thế là lạc quan tếu. Tư tưởng ấy thật không ổn cho cuộc đấu tranh của chúng ta đang rất khó khăn, cam go". Hơn nữa có lẽ cũng không ít người nghĩ rằng tình khúc được Đoàn Chuẩn gửi tới người tình đã biệt xa miền Bắc vô Nam. Bởi vậy, nó mới có tên ban đầu nguyên vẹn là "Gửi người em gái miền Nam". Chỉ đến khi Khánh Ly hát lại ở Sài Gòn, nó mới được đặt lại là "Gửi người em gái" với nhiều đoạn ca từ không phải của Đoàn Chuẩn.
Thật ra "Gửi người em gái" chỉ là tựa đề mà Đoàn Chuẩn mượn cái cớ thật của thời cuộc để gửi gắm cái tình ý khôn nguôi tới người mến thương mà mình đành phải dằn lòng chia biệt. Đấy là điều bí ẩn trong tình khúc mùa xuân duy nhất của ông. Vậy nàng là ai, từ đâu tới để cho chàng chết lặng trong "ngày cũng quên xanh"?
Sau vài cuộc tình để có những "Thu quyến rũ", "Gửi gió cho mây ngàn bay", "Cánh hoa duyên kiếp", v.v... Đoàn Chuẩn tưởng đã nguôi ngoai cơn tình ái nhưng hình ảnh người thiếu nữ đăng quang trong cuộc thi hát do Đài Pháp-Á đã làm lung lay chỗ chàng định ngồi thiền ở tuổi gần tam tuần. Hoá ra nàng là con gái đầu lòng của một viên chức hoả xa. Kháng chiến, cha nàng là tự vệ chiến đấu nội thành. Rút ra chợ Đại, cha mang theo nàng lúc ấy mới 12 tuổi. Ở chợ Đại ít lâu, nàng về lại Hà Nội với mẹ để cùng mẹ chăm sóc 5 em nhỏ, đánh máy chữ, đan áo len, làm thuê, v.v... Nàng đẹp, kiêu sa và có giọng hát mê hồn. Một nhạc công của Đài Pháp-Á tình cờ phát hiện ra nàng và "lăng xê" nàng lên cuộc thi. Chàng đã gặp được nàng và nghe nàng hát rất hay những "Lá thư", "Đường về Việt Bắc", "Chuyển bến", v.v...Chàng còn giúp nàng học nhạc, tham gia những show hát ở rạp chiếu bóng Hà Nội trước lúc chiếu phim với thù lao đặc biệt. Có show chàng để mình nàng hát. Nhiều thanh niên Hà Thành sẵn sàng mua 2 vé để chuyển dịch theo nàng từ rạp này sang rạp kia. Có lần chàng mời nàng đi Đồ Sơn, nàng đã nhận lời đi với người khác. Chàng nổi máu thuê ngay hai chiếc cam nhông to đùng tới đỗ trớc và sau chiếc xe của "người khác" ấy.
Cha nàng mất ở vùng tự do, chú ruột là bộ đội cử liên lạc vào thành đón nàng ra chiến khu vào cuối mùa xuân 1954. Đoàn Chuẩn bất ngờ chống chếnh. Tuy nhiên, Thủ đô giải phóng họ lại gặp nhau. Những ngày tháng ấy đôi lúc nghe phong thanh nàng đã có người dạm hỏi, chàng lại như phát điên, như bất lực.
Những giai điệu cứ trải theo diễn biến từng ngày mà chảy ra mê mải với những "Tà áo xanh", "Lá đổ muôn chiều", "Vàng phai mấy lá", "Chiếc lá cuối cùng", v.v... trong tập "Bài hát bị xé". Và sự ra đi của "Tà áo xanh" ấy được Đoàn Chuẩn tả: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng, rừng đào phong tím cánh mong manh hé hoa lòng, Hà Nội chờ đón Tết hoa chen người đi, liễu rủ mà chi,..." Bài hát viết theo khúc thức 3 đoạn A-B-A, khúc thức mà Cung Tiến và sau này Trịnh Công Sơn thường sử dụng viết tình khúc. Trước "Gửi người em gái", Văn Cao đã viết "Suối Mơ" với khúc thức ấy. Cái lạ là Đoàn Chuẩn viết nhạc mang hơi hướng Tây. Vậy mà ở đoạn B của "Gửi người em gái", chàng lại thả đôi câu lục bát: "Người đi trong dạ sao đành, đường quên lối cũ ân tình nghĩa xa". Nàng còn được đặt ở một góc nhìn tình tứ hơn: "Em tôi đi màu son lên đôi môi, khăn sam bay lả lơi bên vai ai, trời thăm gió trăng hiền, Hà Nội thêm dáng những nàng tiên".
Chiến tranh. Miền Nam, Khánh Ly hát lại đã đổi lời "Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi dòng..." thật không đúng với văn phong của Đoàn Chuẩn.
Song đáng buồn cho tình khúc mùa xuân này là tới hôm nay khi nó đã được hát trở lại như một trong những tình khúc hay nhất của Việt Nam thế kỷ 20, nhiều nghệ sỹ "nhớn" vẫn "hoài niệm" theo cái lời bịa nói trên mà không chịu lấy một lần học thuộc những ca từ đầy gan ruột của chàng công tử Hà Nội.
Gắng hiểu và gắng sửa cho tình khúc trở về vẻ đẹp nguyên vẹn của nó, chỉ cần một trái tim chân thành.