hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article1200.htm

Lê Thị Lượt

Đào Thục - phường rối cổ truyền

Men theo triền đê của sông Cà Lồ từ đường quốc lộ vào làng Đào Thục (huyện Đông Anh - HN) khoảng 10km. Làng hình thành trên vùng đất kinh bắc cổ xưa; nơi đây sản sinh nhiều võ tướng lừng lẫy chiến công và các văn quan mà tên tuổi đã được khắc vào bảng vàng bia đá - trong số đó cụ Đào Đặng Khiêm, ông nghè cuối cùng của triều Lê. Khi làm quan "nội giám" trong triều, ông đã tiếp thu được nghệ thuật rối nước của các phường rối biểu diễn phục vụ vua và quan thần trong triều. Trở về làng, ông thành lập và trực tiếp dạy cho những người trong làng nghệ thuật biểu diễn múa rối nước làm cho cuộc sống của dân làng thêm vui tươi lành mạnh. Hàng năm, để tưởng nhớ công đức của ông dân làng cứ đến ngày 24-2 âm lịch (ngày mất của ông) là làm lễ dâng hương cúng ông.

Cho đến nay, phường rối Đào Thục đã có bề dày gần 300 năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử cũng có thời gian dài ngừng hoạt động, nhưng nghệ thuật rối cổ truyền vẫn không mai một.

Đến năm 1984 - Đào Thục - Thục Lâm thuộc về Đông Anh - Hà Nội. Được sự quan tâm trực tiếp của sở VH-TT và nhà hát múa rối Trung ương cùng với sự say mê nhiệt tình - trưởng phường hội - ông Đinh Như Sinh cùng các nghệ nhân và anh chị em diễn viên từng bước tìm tòi học hỏi và sáng tạo, hoàn chỉnh các tích trò cũ, phường còn xây dựng một số tích trò mới, như "tặng hoa ngày hội", "Rước ảnh Bác Hồ", "Hà Nội 12 ngày đêm"... vào ngày hội các văn hóa dân tộc năm 1989, phường đã đoạt huy chường vàng toàn đoàn. Tháng 8-1994 - tham gia liên hoan múa rối nước toàn quốc lần thứ nhất - phường rối Đào Thục lại giành huy chương bạc và giải thưởng cho những tích trò đặc sắc.

Mỗi phường rối đều có cách lắp máy và điều khiển riêng. Đào thục sử dụng loại máy sào dây làm cho con rối lắc đều vung vẩy được cả hai tay. Cái độc đáo ở đây là các nghệ nhân điều khiển dễ dàng sang trái; sang phải và đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại - không giống như các phường rối khác, chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo. Trong số các tiết mục - phải kể đến một số trò và tích trò diễn lại cuộc sống sinh hoạt của người nông dân được công chúng, nhất là khách nước ngoài rất hoan nghênh: "Ba khi giáo trò", Lên võng xuốngnước", "Trâu chui ống", "Phùng đánh hổ", "Dệt cửi con". Từ con rối vô tri vô giác, bằng tài năng và nhiệt huyết, các nghệ nhân phường rối Đào Thục thổi vào đó thành những nhân vật sinh động có hồn, rất đáng yêu.

Là một phường rối nước không chuyên - các diễn viên hầu hết là nông dân - thời gian biểu diễn chủ yếu vào những ngày nông nhàn. Được coi là phường rối độc đáo đầy triển vọng, song phường rối Đào Thục đã và đang gặp không ít khó khăn.

Hiện nay phường chỉ còn hơn 100 con rối và máy móc đã hỏng gần hết, các trang thiết bị xuống cấp, nhất là các đạo cụ để dựng Thủy đình. Các buổi diễn hầu như về mùa lạnh - diễn viên phải ngâm mình trong bùn, nước. Là những tay cày cuốc đã quen với ruộng đất, song nhiều lần quá lạnh, anh chị em phải cùng nhau uống nước mắm để cơ thể ấm lên chống chọi lại với cái lạnh cắt da. Cuộc sống khó khăn là vậy song với tình yêu nghề nghiệp và tài năng, họ đã đem đến cho người xem những tác phẩm có giá trị.

Là một phường rối cổ truyền - các nghệ nhân nổi tiếng cũng như người dân Đào Thục nói chung đã và đang mong mỏi sự quan tâm trợ giúp hơn nữa của các ngành các cấp, để phường rối cổ truyền của đất Kinh Bắc xưa phát huy được giá trị độc đáo của riêng mình; bảo tồn được di sản văn hóa dân gian quí báu của quê hương ngàn năm văn vật.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com