Người Mơ Nông có tục lệ đâm trâu để cúng thần - đồng bào gọi là lễ "Ăn trâu". Có nhiều lễ đâm trâu song lớn nhất là lễ cúng Giàng, tức là lễ cúng trời (người Mơ-nông còn gọi là Giêng Tơ Nghe).
Xưa kia trâu cúng Giàng phải là trâu đực tơ. Một tuần trước lễ cúng, người tộc trưởng có vai vế nhất làng phải nhốt riêng trâu tế, không được thả rông vô rừng như thường lệ, cho trâu ăn cỏ non lúa mới. Buổi tối còn cho trâu ăn cơm rượu khô ủ trong ché... Ngày nay các nghi thức này đơn giản hơn, miễn đúng... trâu là được. Lễ "Ăn trâu" hay tiến hành vào các buổi sáng, để cuộc vui còn được kéo dài "thâu đêm suốt sáng". Trâu tế được buộc vào cột ở bãi trống có trang trí các cây nêu. Trai gái mặc đẹp đánh cồng để mời Giàng, ông thầy cúng ê a đọc bài văn tế cố định "Mời lễ ăn trâu" để mời Giàng về dự.
Lễ Ăn trâu đã dọn
Lễ cúng trâu đã dâng
Gan trâu trên mâm
Đầu trâu trên cột
Cồng lớn đã thưa
Cồng nhỏ đã gọi
Cồng Dơn như chàng trai chưa vợ vạm vỡ
Cồng Thy như cô gái út kén chồng lẳng lơ
Tiếng cồng sầm sập gọi mưa
Tiếng cồng vang xa gọi gió
Đến người Ê Đê cũng phải ngó
Đến người S'tiêng cũng muốn nhòm
Lễ Ăn trâu đã dâng
Mời Giêng T'nghe về dự
Mời K'ran T'nai đến vui
Cồng cũng được chế tác bằng đồng, khác chiêng là cồng có núm ở giữa còn chiêng thì là một mặt phẳng. Cồng có khối lượng đồ sộ hơn chiêng do đó âm lượng rất lớn. Nghệ nhân không đánh cồng bằng nắm tay trực tiếp mà phải dùng dùi. Bộ cồng trước đây cũng có 6 chiếc với các tên gọi như người: Me, Grâm, Dơn, Tru, Trơ, Thy, nay chỉ phổ biến dùng 4 chiếc (bỏ 2 chiếc cuối).
Cồng được dùng trong âm nhạc nghi lễ, không dùng vui chơi. Ngày nay cồng cũng như chiêng được dùng trong mọi cuộc vui, liên hoan văn nghệ các nơi các cấp.
Mùa xuân đến tiếng cồng lại vang lên ca ngợi cuộc sống làng buôn, ca ngợi cuộc sống của những người Mơ-nông đang ngày một đổi mới.