Vào dịp đầu xuân hay hội hè, có dịp ngược sông Đà lên Tây Bắc, chúng ta sẽ nghe những âm thanh vang vọng khi trầm khi bổng, lúc gần lúc xa, có khi dồn dập ào ào như cơn xoáy lốc, tự nhiên lại im bặt, rồi bật lên thánh thót như tiếng chim vẳng trên cây... Tiếng cồng đấy. Tiếng cồng báo tin vui mời bạn vào chơi cùng nhân dân địa phương bên vò rượu cần.
Cồng - một nhạc cụ thường được nhắc trong các trường ca của nhiều dân tộc thiểu số anh em: Đam Sam, Xinh Nhã của người Tây Nguyên; Xống chụ xôn xao của người Thái; Đẻ đất đẻ nước của người Mường, v.v...
Có thể nói, cồng ra đời từ khi con người còn ở thời kỳ các bộ lạc, và phát triển rực rỡ ở giai đoạn đồ đồng. Chúng tôi xin giới thiệu cồng và bộ cồng của người Mường ở Hòa Bình.
Cồng, còn có tên gọi khác là chiêng. Đánh cồng hay đánh chiêng đều là một.
Cồng có nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào cách chế tạo, người ta phân biệt thành ba loại chính: cồng đúc, cồng thau, cồng gò.
Cồng đúc là những chiếc cồng có mặt nhẵn, thành dày. Cồng thau là những chiếc cồng có vành tròn hoặc vảy cá nổi trên mặt. Cồng gò là những chiếc cồng bằng những tấm đồng mảnh.
Ngoài ra, người ta còn dựa vào kích thước và vị trí của mỗi chiếc cồng để xếp thành bộ. Bộ cồng, số lượng không quy định cụ thể, có khi là 6, 7 chiếc một bộ, hoặc 10, 12 chiếc một bộ. Nhưng thường là 8 chiếc một bộ.
Bộ cồng người Mường thường gồm một chiếc cồng dàm, một đôi cồng đủm, một đôi cồng boong beng, một số cồng khôớ và cồng chót (có khi không dùng cồng chót). Số lượng cồng khổ và cồng chót không nhất định.
Cồng dàm còn gọi là cồng cái hay cồng khầm, có kích thước lớn với âm trầm nhất. Cồng đủm còn gọi là cồng lộn to hay cồng voòng, bao giờ cũng đi thành đôi có âm thanh tương xứng nhau, và thường cao hơn âm thanh cồng dàm. Cồng boòng beng còn gọi là cồng lộn nhỏ đi thành đôi như cồng đủm, nhưng âm thanh cao. Cồng khôớ, âm thanh không nhất định, thường dùng để đánh đệm. Cồng chót, còn gọi là cồng sói là những chiếc cồng gò, có âm thanh cao nhất trong các loại cồng, dùng để chỉnh âm cho phù hợp với âm thanh của từng cặp cồng boòng beng và cồng đủm.
Căn cứ tính chất từng loại cồng mà mỗi loại có vai trò khác nhau trong bộ cồng.
Cồng dàm giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ cồng. Nó do một người phụ trách làm nhiệm vụ lên cồng (cồng gọi) để mở đầu bài cồng, sau đó giữ nhịp cho cả bài cồng, làm chỗ dựa cho sự chuyển đoạn và kếởt thúc bài cồng. Ngoài ra, nó dùng để đánh giai điệu. Có thể nói: những âm thanh trầm vang phát ra từ cồng dàm làm nền cho bài cồng và gây sức nặng cho bài bản và hòa hợp các âm thanh khác nhau của cả bộ cồng.
Cồng đủm giữ vị trí tiến hành giai điệu cho bài cồng. Người phụ trách cồng đủm đòi hỏi phải rất thuộc bài bản, nhịp điệu; ngoài ra còn phải biết sáng tạo, biến hóa làm cho bài cồng luôn thay đổi nhịp điệu phong phú. Đủm là sợi dây buộc chặt chẽ giữa các thành phần của bộ cồng.
Cồng boòng beng có vai trò gần như cồng đủm, do một người phụ trách. Âm thanh của boòng beng thường cao và nhanh.
Cồng chót, sử dụng phụ thuộc vào cồng đủm hay cồng boòng beng. Cồng chót có âm thanh cao nhất bộ cồng để gây sự rộn rã và làm thay đổi màu sắc của bài cồng. Người sử dụng cồng chót thường dùng hình thức biến phách, đảo phách; nên người sử dụng phải nắm rất vững nhịp.
Cồng khổ chuyên dùng để giữ nhịp trong quá trình tiến hành bài cồng. Âm thanh thường trầm, ít thấy có âm cao. Cồng khổ thường để gây màu sắc, kết hợp với cồng dàm tạo nền cho bài cồng. Khi biểu diễn, tất cả cồng khổ cùng đánh một lúc từng miếng một theo nhịp bài do người phụ trách điều khiển.
Bộ cồng, nhìn chung thường đánh các bài cổ truyền: Bông trắng bông vàng, Cá rồng, Đi đường, Leo dốc v.v... Trong những bữa rượu cần, cồng còn đệm cho câu hát của mọi người bên vò rượu, và làm đà cho những quả còn bay bổng trên bãi. Ngoài ra, cồng còn dùng trong tục hát sắc bùa của các phường bùa chúc tụng nhau. Những bài cồng sử dụng trong lúc hát sắc bùa gọi là cồng sắc bùa.
Cồng có cấu tạo công phu và hoàn mỹ về hình thức, thể hiện được đầy đủ các nốt thấp cao, cùng mọi giai điệu trong âm nhạc, nên được mọi người rất quý. Cồng được người ta coi như một gia bảo trong nhà và được giữ gìn, bảo quản chu đáo. Ngày xưa ở mỗi buôn, mỗi bản làng đều có bộ cồng. Buôn, bản nào giàu thì có nhiều bộ cồng, nghèo là một bộ. Rất hiếm các buôn làng không có. Những nhà giàu thường là các quan lang cũng có một bộ cồng.
Cồng còn là yếu tố hàng đầu để đánh giá sự thịnh vượng, giàu có của mỗi buôn làng, của mỗi lang đạo hùng mạnh khác nhau. Không những dựa vào số lượng để đánh giá, mà còn căn cứ vào tính chất mỗi chiếc cồng lớn, nhỏ, đẹp hay không đẹp, vang hay không vang... Có những chiếc cồng rất quí phải đổi hai, ba trâu mới được. Chính vì thế, cồng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự xung đột giữa các buôn làng, giữa những người cầm đầu có thế lực ngày xưa.
Theo các truyền thuyết còn để lại cách cấu tạo của cồng, cồng là nhạc cụ xa xưa của dân tộc, nó xuất hiện trước trống đồng. Vì cấu tạo trống đồng và hình thức mà nói nó phức tạp hơn cồng nhiều, nhất là về phương diện hoa văn trang trí. Chỉ xét riêng về mặt kích thước và hình khối cũng có thể khẳng định điều ấy.
Cồng - một nhạc cụ lâu đời không những chỉ tiêu biểu cho nền âm nhạc của các dân tộc thiểu số anh em mà còn là một trong những nhạc cụ tiêu biểu của Việt Nam.