hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article36.htm

GS. Phan Đình Diệu

Tạ Quang Bửu

Có một thói quen, không hiểu đã có từ bao giờ nhưng tôi nhớ đã được thừa hưởng từ những ngày kháng chiến chống Pháp, là gọi thầy giáo bằng " anh ", dù thầy có khi lớn hơn mình đến vài ba chục tuổi. Gọi bằng anh, một tiếng " Anh " đầy tôn kính mà thân tình. Rồi cách gọi Anh như vậy cũng được dùng cả với những người mà mình kính trọng, ngưỡng mộ, và may mắn có được chút quan hệ thân thiết tuy không phải là thầy dạy mình. Tôi biết tiếng Giáo sư Tạ Quang Bửu, một nhà khoa học, một người hoạt động Nhà nước và xã hội nổi tiếng, từ khi mới là một học sinh trung học ở quê nhà. Mãi đến cuối những năm 50, khi đã tốt nghiệp đại học, đã đi dạy và bắt đầu tham gia chập chững vào con đường nghiên cứu khoa học, tôi mới được gặp Anh. Và, cũng như bao bạn khác, quên hết mọi xa cách về tuổi tác và cương vị công tác, chúng tôi đã gọi anh một cách hết sức tự nhiên là " Anh Bửu ".

Hồi ấy, Anh đã về làm Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà nội mới thành lập, rồi vài năm sau, làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Khoa học nhà nước. Việc nước ta có một Uỷ ban Khoa học do những vị tài cao học rộng đầy uy tín (và cũng đầy huyền thoại) đứng đầu làm cho bọn trẻ chúng tôi hết sức háo hức, hăng hái tham gia mọi hoạt động do Uỷ ban tổ chức. Tôi dạy toán ở Đại học Sư phạm, tham gia đều đặn các sinh hoạt xêmine toán ở Uỷ ban. Một điều thú vị là tuy bận nhiều việc và quán xuyến nhiều ngành, nhưng Anh Bửu vẫn dành thì giờ tham gia chủ trì và thuyết giảng tại xêmine Toán về những vấn đề mới, có tính chất định hướng. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ những buổi giảng của Anh, say sưa và sâu sắc, luôn hấp dẫn người nghe, hấp dẫn bởi cái say sưa nhiệt tình của người giảng là chính, dù người nghe chúng tôi nhiều khi chưa lĩnh hội được cái sâu sắc của bài giảng qua ngôn ngữ bác học của Anh. Đối với tôi, dù chưa hiểu bao nhiêu, nhưng tác động quan trọng của các bài giảng đó là gợi sự tò mò và lòng ham tìm hiểu ; và rồi như sau này khi đã trải qua phần lớn cuộc đời mình, tôi nghiệm ra rằng cái hấp dẫn nhất đối với mình bao giờ cũng là cái chưa hiểu.

Các bài giảng của Anh gây tác động nhiều nhất với tôi hồi đó là Về các cấu trúc Bourbaki. Sau khi tốt nghiệp rồi ra dạy học, mấy năm đầu tôi say mê học Lý thuyết số, rồi lan man từ các con số, do tò mò muốn hiểu cái gốc " tận cùng " của toán học, vào những năm 1959-60, tôi bắt đầu tìm học Lôgích toán, Lý thuyết tập hợp... Tự học trong điều kiện tài liệu thiếu thốn, nên tôi chỉ hiểu lọ mọ thôi, nhiều cái không hiểu mà cứ tưởng là hiểu, hiểu sai mà cứ tưởng là hiểu đúng. Nghe Anh Bửu giảng các cấu trúc Bourbaki, tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ, nhưng là những cái lơ mơ đầy hấp dẫn. Cho đến nay, tôi vẫn còn giữ được quyển sách nhỏ Về các cấu trúc Bourbaki của Anh. Quyển này, cũng tương tự như các quyển Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến và Sống mà Anh viết từ những năm 1947-48 trong chiến khu, có một nét chung là Anh muốn giới thiệu kịp thời, qua cách tóm lược cô đọng và súc tích của mình, những tư duy mới, những kết quả mới trong khoa học thế giới, nhằm giúp anh chị em khoa học trong nước tiếp cận nhanh với hiện đại. Không thể xem đó là những tài liệu phổ biến khoa học dễ hiểu. Với kiến thức sâu rộng của Anh, Anh có cách hiểu riêng để nắm bắt những điều cốt lõi trong các lý thuyết mới, và tôi nghĩ những điều Anh viết ra thường là những tiếp thu trí tuệ của Anh đối với các lý thuyết đó, do đó dễ hiểu với Anh mà khá khó hiểu với người khác. Nhưng tác động của những quyển sách nhỏ đó có lẽ chính là ở chỗ nó gây cho ta sự hấp dẫn say mê từ những hiểu biết lơ mơ luôn gợi trí tò mò. Từ tò mò đi đến tìm hiểu nghiêm túc, và rồi đến khi đã học tương đối thuần thục, trở lại đọc quyển sách nhỏ của Anh, ta sẽ có cái thú vị tìm được những đặc thù riêng trong cách cảm nhận của Anh mà trước đây ta chưa hiểu.

Các cấu trúc Bourbaki, được xây dựng trên cơ sở lý thuyết tập hợp và lôgích cổ điển, là nền tảng để phát triển toàn bộ toán học, đó là niềm tin toán học ban đầu mà các bài giảng của Anh đã góp phần xác lập trong nhận thức của tôi. Nhưng rồi, niềm tin đó sớm bị lung lay. Hồi đó, tuy hiếm tài liệu, nhưng ham tìm thì rồi cũng có. Tôi say mê tìm các tài liệu " phê phán " toán học cổ điển, và thích thú đọc những hướng nghiên cứu xây dựng toán học theo các quan điểm lôgích, trực giác, kiến thiết... Cũng nhờ đó, tôi đã được " hưởng " cái nhọc nhằn thú vị khi cố đọc cho hiểu định lý Gödel với đầy đủ chứng minh tinh tế của nó. Có lần tôi mang những thắc mắc về quan niệm " đúng, sai " trong toán học hỏi ý kiến Anh, thì tôi biết được là tuy Anh thuyết giảng về Bourbaki, nhưng Anh cũng biết khá rành về các khuynh hướng khác, và anh nói với tôi về " cái đúng của Toán học phải tìm ngoài Toán học ". Vâng, và ngoài Toán học, cuộc đời còn biết bao công việc cần thiết khác. Sau này tôi được biết là hồi đó trong nhiều công việc quan trọng của Anh, có việc chuẩn bị gửi cán bộ ta sang thực tập nghiên cứu về máy tính và khoa học tính toán ở Liên Xô, nòng cốt để xây dựng ngành Tin học của ta sau này.

Chưa phải ngay từ những ngày đó tôi đã có thể lĩnh hội hết những điều được nghe Anh nói, nhưng rồi nhiều năm về sau, qua thực tế, tôi hiểu ra rằng Anh học nhiều về toán với ý thức rõ rệt coi Toán học như một công cụ sắc bén của tư duy lôgích để từ đó tìm hiểu thấu đáo những vấn đề của nhiều lĩnh vực khoa học khác như vật lý, sinh học, khoa học điều khiển và quản lý, vân vân..., tức là tìm hiểu những thành tựu của khoa học hiện đại để định hướng cho việc xây dựng một nền giáo dục và nền khoa học kỹ thuật tiên tiến của đất nước. Ý thức đó, cái ý thức gắn việc tìm hiểu khoa học hiện đại với kỳ vọng phát triển một nền giáo dục và khoa học tiên tiến cho nước nhà, có lẽ đã đeo đẳng mãi cho đến tận ngày Anh ra đi.

Cuối năm 1962, tôi được sang Liên Xô, làm nghiên cứu sinh tại Khoa Toán-Cơ, Đại học Tổng hợp Mạc tư khoa. Hồi đó, tôi " mê " toán học kiến thiết, một hướng toán học theo các quan điểm phê phán của phái " trực giác " nhưng được xây dựng trên cơ sở lý thuyết hiện đại về thuật toán, đang bắt đầu phát triển khá mạnh ở Liên Xô. Mê thì học thôi, chứ cái ý thức phục vụ xem chừng còn mơ hồ lắm. Rồi một lần, tôi nhận được thư Anh. Xúc động và bất ngờ, thư Anh viết thân tình như của một người Anh lớn, chứ không như của cán bộ lãnh đạo. Tôi nhớ mãi câu " Cảm ơn các anh đang thực hiện những mơ ước của bản thân tôi... ". Tôi hiểu trong đó vừa có sự gửi gắm, vừa có sự nhắc nhở. Và tôi dần có ý thức nhiều hơn về trách nhiệm đối với nơi đã gửi mình ra đi. Cũng vào thời gian đó, thầy giáo tôi, Giáo sư Markov, trước niềm đam mê hơi thái quá của đám học trò đối với cái toán học kiến thiết của ông, đã có một lời căn dặn hóm hỉnh mà tôi còn nhớ mãi : " Chúng ta có thể để cho trí tưởng tượng bay cao bao nhiêu cũng được, nhưng bao giờ cũng cần nhớ tìm con đường từ nơi cao ấy trở về mặt đất ". " Mặt đất " ấy của tôi là ở nơi đâu, tôi cũng bắt đầu nghĩ đến, và càng nghĩ càng thêm gắn bó.

Khi bắt đầu có ý thức trách nhiệm đối với cái " mặt đất " của mình, một " mặt đất " còn lắm gian nan và nhiều thân thiết, thì cũng là lúc tôi suy nghĩ nhiều đến việc nên học cái gì. Học để thoả mãn trí tưởng tượng cũng là hay, nhưng là đâu con đường trở về " mặt đất " của mình ? Và từ đây, tôi bắt đầu học được ở Anh một bài học mới, một bài học khó, mà hình như cho đến nay tôi vẫn chưa thể nào học được thuần thục. Ấy là lần đầu tiên vào mùa thu năm 1965, sau khi làm xong cái phó tiến sĩ, tôi được bạn đề nghị cho ở lại thêm vài năm để làm tiếp luận văn tiến sĩ. Làm tiếp, thì tức là tiếp tục với toán học kiến thiết ! Mà trong những năm ấy, thế giới nở rộ bao nhiêu hướng nghiên cứu đầy hấp dẫn ngay trong lĩnh vực toán học : khoa học thông tin, khoa học hệ thống, các lý thuyết điều khiển, vân vân và vân vân... Và tôi cảm nhận được rằng các hướng khoa học này chắc là sẽ hữu ích cho cái " mặt đất " của mình hơn là toán học kiến thiết. Thế là tôi đề nghị xin không tiếp tục làm tiến sĩ, mà được dành thì giờ học thêm về các khoa học đó. Và bất ngờ thay, tôi được Sứ quán chuyển đến chỉ thị trả lời của Anh : phải tiếp tục làm xong tiến sĩ, rồi sau hãy hay. Sau là thế nào ? cuối năm 1967, bảo vệ luận văn tiến sĩ xong, tôi về nước, đến chào Anh, Anh chỉ cười, bảo : Đấy, bây giờ muốn học thêm cái gì thì học. Anh không giải thích gì thêm, mãi về sau tình cờ tôi mới hiểu được ý Anh : Anh muốn tôi có thêm chút vốn liếng để dễ được cuộc đời chấp nhận hơn, và do đó mới có cơ hội làm được việc có ích hơn.

Muốn có ích cho đời, thì ngoài năng lực ra, cần phải được đời chấp nhận, bài học đó khi ngầm khi rõ, tôi đã được tiếp thụ ở Anh, không phải bằng thuyết giảng, mà bằng cách xử sự, bằng thiện chí, và cả bằng những cảm nhận không lời trong suốt nhiều năm về sau, thời gian mà may mắn tôi có cơ hội được gần Anh hơn. Tôi nhớ một chuyện vào đầu những năm 70. Hồi đó có một học sinh trẻ, tên là N., đến tìm tôi hỏi chuyện học. Sau vài lần kiểm tra, tôi ngạc nhiên thấy do không đi sơ tán nên đang học cấp 2 phải bỏ dở rồi chủ yếu là tự học lấy, mà chỉ trong vòng 3, 4 năm, em đã học xong cấp 3, tự học nhiều môn của chương trình đại học, đặc biệt nắm khá vững về giải tích, tôpô, và có thể nói là hiểu thấu đáo về lôgích toán. Em N. ở Hà nội với bà mẹ nuôi, còn bố mẹ đẻ làm nghề y, đã đi Nam từ 1954, khi em còn bé. Tôi báo cáo với các thủ trưởng ở Uỷ ban Khoa học, nơi tôi công tác, với đề nghị được giúp đỡ. Sau vài lần đến gặp N. ở nhà tôi để cùng kiểm tra, một thủ trưởng hăng hái nói : có thể tuyển ngay vào Viện Toán rồi sẽ tạo điều kiện bồi dưỡng tiếp ; thủ trưởng kia thận trọng hơn, vài hôm sau cho chỉ thị : không phí sức đào tạo những người như vậy. Tôi thất vọng tìm đến Anh, Anh hẹn gặp N. mấy lần, và sau đó bảo tôi : cái chuyện giúp N. giỏi Toán thì anh và tôi khỏi lo, tự nó sẽ giỏi, cái mà ta cần giúp là làm sao để cuộc đời chấp nhận nó. Và theo lời khuyên của Anh, N. thi vào năm thứ nhất Đại học, thi được điểm cao nhưng không được nhận học, tiếc là lúc đó Anh đi công tác xa nên chẳng biết kêu ai, năm sau lại kiên nhẫn thi một lần nữa, và nhờ có ý kiến của Anh nên được vào học, do học vượt nên tốt nghiệp sớm, nhưng rồi lần này thì tiếc thay, không sao làm được cho " cuộc đời chấp nhận", chẳng cơ quan nào nhận N., và em phải ngậm ngùi ngơ ngẩn ra đi.

Bài học khó, tôi cố học, có thất bại và hình như cũng có lúc thành công. Và tôi hằng nghĩ trong việc thực hiện bài học này, Anh là một tấm gương lớn. Nhờ luôn tìm được lời giải đúng đắn cho bài học khó đó, mà Anh đã có những đóng góp to lớn tài năng và trí tuệ của mình vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Anh kính yêu, Anh đi xa rồi, có đôi lúc tôi muốn thầm hỏi Anh là trong suốt cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, đã có khi nào Anh có cảm giác bất lực trong việc tìm lời giải cho bài toán đó không Anh ? Tôi còn nhớ rõ, vào năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Anh làm việc hết sức hào hứng với chiến lược con người, đi Nam khảo sát nhiều ngày chuẩn bị cho kế hoạch phát triển giáo dục Đại học trong cả nước. Và rồi, trong phiên họp Quốc hội sau đó, cũng như nhiều đại biểu khác, tôi sững sờ biết tin Anh thôi làm Bộ trưởng Bộ Đại học. Vài tháng sau, trong một cuộc họp, Anh cho tôi xem một tài liệu đánh máy khá dày, là bản góp ý kiến phân tích một cách khoa học tính duy ý chí và không hiện thực của nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội trong một Dự thảo kế hoạch được trình ở một Đại hội quan trọng trước đó mấy tháng. Tôi không dám hỏi gì Anh thêm, và cũng không làm cái việc nối ghép các sự kiện.

Một buổi sáng vào đầu những năm 80, trên con tàu từ Budapest sang Paris, ngồi một mình liên tưởng làm sao tôi lại buột nghĩ được hai câu thơ mở đầu cho một bài thơ mà từ lâu tôi có ý định làm tặng Anh :

Một khối nghĩ suy, một khối tình

Nước non là đó, nọ là mình .

Rồi tắt ngấm, không thể nào nghĩ hơn được nữa, ngay lúc ấy và cả nhiều năm sau. Ngợi ca Anh ư ? có thêm tôi thì cũng là thừa và biết đâu lại là vô duyên. Cho mãi đến sau khi Anh mất, một buổi chiều chở vợ đi chơi trên chiếc xe bé tí Peugeot l02, chiếc xe mà đã có lần tôi liều mạng chở Anh từ một cuộc họp về nhà do chờ ôtô của Bộ mà mãi không thấy đến đón, tôi miên man nghĩ đến Anh, có ý định nghĩ nốt cho trọn bài thơ còn bỏ dở. Lơ đãng thế nào để bánh xe kẹt vào đường ray tàu điện quãng phố Hàng Bột, cả hai vợ chồng ngã lăn ra đường. May không việc gì, lại lên xe đi tiếp. Và may mắn thay, sáu câu thơ đang thiếu bỗng chợt đến trong chốc lát. Tôi nhẩm nhớ, dở hay tôi không biết, có ý gì sai không và có điều gì không phải với Anh không, tôi chỉ còn biết mong được hương hồn Anh lượng thứ. Về nhà, tôi chép nắn nót những lời mộc mạc đó lên giấy, không gọt rũa gì thêm, vội mang đến nhà Anh đặt lên bàn thờ, rồi kính cẩn đọc dâng Anh 2.

Thế mà đã mười mấy năm rồi. Viết mấy dòng tưởng nhớ Anh, nghĩ đến công lao to lớn của Anh, đến những săn sóc thân tình mà bình sinh Anh luôn dành cho những em út đi sau một cách ân cần, ngẫm lại mình không mấy thành công trong việc tìm lời giải cho bài học khó học được từ Anh, tôi bất giác ngậm ngùi :

Nước non là đó, nọ là mình...

Tháng 9 năm 1999

Phan Đình Diệu


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com