Cho đến nay, những gì mà chúng ta biết về Hippocrates thật quá ít. Ông là một thầy thuốc nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, sinh năm 460 ở đảo Cos, mất năm 370? trước Công nguyên tại Larissa (Thessalie). ở Hy Lạp thời cổ đại, việc ốm đau hay bệnh tật đều được quan niệm chung chung: đó là do ăn những loại đồ ăn có hại đối với cơ thể; hoặc do sống trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn... mà thôi! Trong thời gian giảng dạy ở nhiều trường, những điều mà Hippocrates truyền lại cho môn đồ phần nào dựa trên các quan niệm đó; được khái quát thành mấy điểm trọng yếu:
- Người thầy thuốc hãy quan sát, theo dõi tình trạng của bệnh nhân để chiêm nghiệm cho giai đoạn tiếp sau hoặc ở các trường hợp khác.
- Chữa bệnh theo một phương cách, sao cho những yếu tố mang tính tự nhiên cũng tham gia giúp sức trong công việc chữa trị. (có tính đến yếu tố buộc người bệnh phải kiêng khem).
- Bệnh tật phát sinh là do có sự hoạt động yếu của các thể dịch trong cơ thể người bệnh.
Bản thân Hippocrates cũng ghi chép cẩn thận tình trạng bệnh và các dấu hiệu phản ứng của bệnh nhân với việc chữa trị. ở vào thời điểm đó, những điều mà Hippocrates đưa ra được xem như phát kiến chưa từng có và được các thầy thuốc nghiên cứu, tìm tòi qua nhiều thế hệ.
Danh tiếng của Hippocrates được Hoàng đế Ba Tư Artaxerexès biết tới và vời ông đến để tìm cách chế ngự bệnh dịch tả đang hoành hành trong quân đội. Nhà vua đã tặng Hippocrates rất nhiều châu báu, song ông khước từ. Nhân chuyện ấy mà sau này trong y giới đã lập lời tuyên thệ rằng:
- Đặt quyền lợi người bệnh lên trên.
- Đem hết năng lực để chữa trị cho bệnh nhân.
- Tránh làm thiệt hại và gây bất công cho bệnh nhân.
- Giữ bí mật nghề nghiệp.
- Hành nghề một cách vô tư và trong sạch.
- Không được coi trọng vấn đề tiền bạc.
Ngày nay, lời tuyên thệ ấy mặc dù đã sửa đổi ít nhiều, nhưng về giá trị tinh thần vẫn được giữ nguyên và được xem là đạo đức nghề nghiệp mà mỗi thầy thuốc phải ghi nhớ khi hành nghề.
Hippocrates đã để lại khoảng chừng 70 cuốn sách về chữa bệnh, trong đó một số tác phẩm có giá trị như: Khái luận về thủy thổ; Khái luận về triệu chứng các bệnh, về sự gãy xương và trật khớp xương... Và trong việc ghép, nắn thẳng lại các xương bị gãy, ông tỏ ra là một nhà phẫu thuật tài ba. Có thể nói, ngài Galen (người Hy Lạp, 130-200?) thì không một ai có ảnh hưởng tới nền y học thế giới như Hippocrates và ông còn được suy tôn như ông tổ nghề y.