hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/r/article16.htm

Hải Nam

Acsimet

Acsimet (Archimedes) sinh năm 287 TCN tại thành bang Xyraquydơ trên đảo Xixilia (Sicily). Ông mất năm 216 (212 theo Bookshelf) TCN. Cha ông là nhà thiên văn Phiđi. Ngày từ nhỏ, cậu con trai đã được người cha truyền cho lòng say mê khoa học. Theo lời kể của Plutac, nhà văn kiêm nhà sử học Cổ Hy Lạp, Acsimet rất say mê toán học. Các công trình toán học của ông bao trùm khắp mọi lĩnh vực toán học đương thời: hình học, số học, đại số. Cho đến nay, mặc dù đã trải qua biết bao năm tháng, nhiều tác phẩm của ông đã bị thất truyền, vậy mà chúng ta vần còn giữ lại được một di sản toán học khá phong phú.

Acsimet còn là một kỹ sư tài ba. Chính ông đã xây dựng đài thiên văn hay "Vòm cầu vũ trụ" nhờ đó người ta có thể quan sát được sự chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và năm hành tinh.

Tương truyền, có lần ở Xyraquydơ người ta đóng một con thuyền ba tầng rất to và rất nặng đến nỗi không sao "hạ thuỷ" nó được. Toàn thể cư dân Xyraquydơ đều được huy động ra kéo con thuyền, nhưng nó không hề nhúc nhích. Họ bèn mời Acsimet đến. Ông nhìn địa thế rồi cho dựng quanh con thuyền đồ sộ này một hệ thống đòn bẩy và ròng rọc phức tạp. Hàng trăm bàn tay nắm chặt vào dây chão. Thế là con vật khổng lồ ngoan ngoãn bò xuống nước.

Khi đại quân La Mã do danh tướng Macxenluyxơ chỉ huy đến xâm lăng Xyraquydơ, Acsimet đã cho các máy phóng đá bí mật của mình xuất trận. Các loại tên đạn độc đáo ấy lao vun vút về phía quân thù làm hàng ngũ quân địch hỗn loạn. Trong khi đó trên mặt biển bất thần có vô vàn phiến gỗ từ mặt thành văng ra trúng vào thuyền địch với một sức mạnh như trời giáng...

"Quân La Mã hoảng sợ, đến nỗi chỉ cần nhìn thấy một sợi dây thừng hay một chiếc gậy gỗ ở trên tường là đã la hét thất thanh, cho là Acsimet đang quay những cố máy về phía mình và chạy thục mạng". Plutac đã viết những dòng như thế và còn viết thêm câu chuyện mang màu sắc huyền thoại sau đây: "Khi những chiếc thuyền của Macxenluyxơ lọt vào khoảng tầm tên bắn thì ông già Acsimet ra lệnh đưa đến một chiếc gương sáu mặt do chính ông làm ra. Ông còn cho đặt một loạt gương giống như vậy, nhưng nhỏ hơn, ở những vị trí đã tính trước. Những chiếc gương đó tự quay được trên các bản lề và được đặt dưới ánh nắng mùa hè cũng như mùa đông. Tia sáng phản chiếu từ những chiếc gương đó đã gây ra những đám cháy rất lớn thiêu đốt chiến thuyền địch từ khi chúng còn ở một tầm tên bắn..."

Thất bại chua cay, Macxenluyxơ than thở: Thế là chúng ta đã phải ngừng chiến với nhà toán học đó rồi. Ông ta ngồi yên trên bờ biển, đánh đắm chiến thuyền của chúng ta, bắn chúng ta mỗi loạt không biết cơ man nào là tên đạn. Ông ta quả đã vượt xa những người khổng lồ trong các câu chuyện thần thoại...

Acsimet: "Ơrêka - Ta tìm ra rồi"

Ngày nay không ai không biết định luật Acsimet? Định luật này không những đúng với chất lỏng, mà còn đúng với cả các chất khí. Các kỹ sư khi chế tạo tàu thuyền, khí cầu... đều phải ứng dụng định luật Acsimet.

Cách đây ba bốn nghìn năm, các thuyền buôn Ai Cập, Phênixi, sau đó là các thuyền buôn Hi Lạp, La Mã, đã chở hàng hoá đủ loại, đi lại trên Đại Trung Hải. Đã có bao lần, khi chất hàng lên thuyền, các thủy thủ nhìn thấy thuyền lún dần xuống nước do sức nặng của hàng hoá. Nhưng vì sao chiếc thuyền nổi trên mặt nước?

Đã có bao nhiêu người, trước Acsimet, cố công tìm kiếm định luật về sự nổi của các vật nhưng không thành công. Chỉ đến Acsimet, với óc quan sát tinh tế của nhà bác học thiên tài, định luật đó mới được tìm ra.

Một huyền thoại kể rằng có lần đức vua Hiêrôn sai một người thợ kim hoàn chế tạo một chiếc mũ miện bằng vàng. Ngờ rằng người thợ kim hoàn kia đã biển thủ một số vàng và thay vào đó bằng một số bạc, nhà vua cho gọi Acsimet đến và phán:

- Đây là chiếc vương miện của trẫm. Không được làm hỏng mũ, người phải tìm cho ra trong này có pha bạc không!

Acsimet lo lắng, ngày đêm suy nghĩ tìm cách giải bài toán hóc hiểm này. Lúc ăn, ông cũng nghĩ đến nó, lúc đi dạo ông cũng nghĩ đến nó, thậm chí lúc tắm ông cũng nghĩ đến nó.

Một hôm, Acsimet vào tắm trong nhà tắm công cộng, mà đầu óc vẫn đang bị chiếc vương miện ám ảnh. Khi thả mình vào bồn tắm, bỗng ông nhận xét thấy một điều mà lâu nay không ai để ý đến. Ông cảm thấy khi dìm mình trong nước, thân thể mình có vẻ nhẹ nhõm hơn, tựa như có cái gì đẩy nó từ dưới, nâng nó lên cao. Một ý nghĩ mới mẻ loá sáng trong đầu ông. Quên cả mặc quần áo, ông phấn khởi nhảy ra khỏi bồn tắm, chạy thẳng ra ngoài phố và mừng rỡ reo vang: "Ơrêka, Ơrêka!" (nghĩa là: Ta tìm ra rồi, ta tìm ra rồi!)

Ông đã tìm ra một định luật mới cho phép giải bài toán của Hiêrôn. Đó là định luật về sức đẩy của một chất lỏng lên một vật nhúng vào chất đó. Sau này, định luật đó được gọi là định luật Acsimet.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com