Nhân Tết Mậu Dần (1998), chúng tôi xin giới thiệu một số danh nhân trong nước và thế giới sinh năm Dần (theo thứ tự thời gian), thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Trần Thái Tông (Mậu Dần, 1218 - 1277): tên thật là Trần Cảnh. Năm ông lên 8, do chú là Trần Thủ Độ bố trí, Trần Cảnh được Lý Chiêu Hoàng - vị vua cuối của triều Lý, chọn làm chồng và nhường ngôi cho (1226), mở đầu triều đại nhà Trần ở nước ta. Trần Thái Tông là một ông vua giỏi và là một trong những người lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ I (1257).
Tôn Trung Sơn (Bính Dần, 1866 - 1925): tên thật là Văn, tự Đức Minh, hiệu Nhật Tân - sau đổi là Dật Tiên, sinh ngày 22-11-1866, người huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.
Là một bác sĩ y khoa, nhưng ông hoạt động chính trị là chính, với chủ trương lật đổ triều Mãn Thanh, thành lập Trung Hoa Dân quốc theo chủ nghĩa Tam dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc). Nhờ những chính sách tiến bộ do ông đề xướng, Cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tôn Trung Sơn mất ngày 12-3-1925.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Canh Dần, 1890 - 1969): sinh ngày 19-5-1890 tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình khoa bảng yêu nước, ở một địa phương giàu truyền thống đấu tranh gian khổ chống thiên nhiên khắc nghiệt và chống áp bức, bất công.
Năm 1911, Người sang Pháp tìm đường cứu nước, đưa "Yêu sách của nhân dân Việt Nam" đến Hội nghị Versailles. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người tán thành Đệ Tam quốc tế và trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Do sự sáng lập của Người, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một giai đoạn mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tháng 8-1945, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, và ngày 2-9-1945, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của nhân dân ta: kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Thế giới tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Người đã trở thành chân lý của thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969.
Tướng De Gaulle (Canh Dần, 1890 - 1970): Charles De Gaulle sinh ngày 22-11-1890 tại thị trấn Lille miền Đông bắc nước Pháp. Năm 1940, khi phát xít Đức tấn công nước Pháp, ông là thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp. Ông không chấp nhận đầu hàng nên chạy sang London (Anh), kêu gọi nhân dân Pháp tiếp tục kháng chiến. Uy tín của ông ngày một lên cao và trở thành người đứng đầu phong trào kháng chiến chống phát xít của nhân dân Pháp ở nước ngoài.
Năm 1944, nước Pháp được giải phóng, De Gaulle thành lập chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp ở Paris. Tháng 1-1946, ông từ chức Tổng thống và thành lập Uủy ban tập hợp nhân dân Pháp (RPF).
Ngày 13-5-1958, ông được Uủy ban Cứu quốc Pháp đề nghị trở lại nắm chính quyền. Cuối năm đó, ông lại được bầu làm Tổng thống nước Pháp. De Gaulle mất ngày 9-11-1970.
Tướng Tokugawa Ieyasu (Nhâm Dần, 1542 - 1616). Ông sinh tại miền Tây Mikilu (nay là tỉnh Aichi), là vị tướng đầu tiên của Mạc phủ Edo, người khai sáng thành phố Tokyo ngày nay, đồng thời là người khởi lập chính quyền Tokugawa (một tập đoàn phong kiến cát cứ Nhật Bản) kéo dài gần 300 năm, tạo tiền đề thuận lợi cho cuộc duy tân nước Nhật của Minh Trị Thiên hoàng năm 1868.
Hegel Goerg Wilhelm Friedric (Canh Dần, 1770 - 1831) sinh ngày 27-8-1770 tại thành phố Stuttgart Đức. Hegel là triết gia nổi tiếng nhất ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, tác giả của nhiều tác phẩm triết học (Khoa học của logic: Cơ sở triết học, Từ điển bách khoa các khoa học về triết học, Nguyên lý triết học của luật pháp, Bài giảng về triết học của lịch sử,...). Ông là giáo sư triết học của Trường đại học Berlin.
Sau khi qua đời, môn đồ của ông chia làm 2 phái: cánh hữu và cánh tả của trường phái Hegel. Phái cánh tả chủ trương thuyết vô thần mà các đại biểu xuất sắc nhất là Strauss, Feuerbach và nhất là Karl Mark.
Karl Mark (Mậu Dần, 1818 - 1883) sinh ngày 5-5-1918 ở thành Trier, phía Tây nước Đức, là một trong những vĩ nhân của lịch sử. Ông đỗ tiến sĩ triết học, viết rất nhiều tác phẩm triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đặc biệt là bộ Tư bản, trong đó Mark nêu rõ quy luật giá trị thặng dư và bản chất của chủ nghĩa tư bản, từ đó nêu lên sự tất yếu phải thủ tiêu nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và thay thế nó bằng một hình thái tổ chức cao hơn của xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Tên tuổi của Karl Mark cùng với Friedrich Engels mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Francois Reblais (Giáp Dần, 1494 - 1553): nhà văn khởi đầu thời đại Phục hưng Pháp, một tiểu thuyết gia lừng danh, đồng thời là một nhà bác học về nhân văn, sinh học, một bác sĩ y khoa, một luật gia và một nhà thiên văn. Tác phẩm nổi tiếng là bộ Gargantua et Pantagreul (5 quyển) nhằm đả phá thần quyền và bạo lực, truyền bá những tư tưởng nhân văn.
Ivan Sergeevits Turgenev (Mậu Dần, 1818 - 1883) là một nhà văn hiện thực nổi tiếng nước Nga. Turgenev đã phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần của xã hội Nga vào những năm 1840 - 1870. Ông đã chiến đấu quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nước Nga khỏi chế độ độc tài.
Romain Rolland (Bính Dần, sinh năm 1866) là nhà văn hiện thực lớn của nền văn học Pháp hiện đại. Tác giả của các tác phẩm: kịch về cách mạng (1903), tiểu thuyết Giăng Cristov (10 tập), Tâm hồn đắm say (1926).
Pasternak Bois Lionidovisch (Canh Dần, 1890 - 1960) là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở Nga, giải thưởng Nobel về văn chương năm 1958.
Euclide (Canh Dần, 330 - 257 tr. CN) là nhà toán học vĩ đại, người sáng lập ra môn hình học cổ điển được gọi là Hình học Euclide. Tác phẩm chủ yếu Cơ sở của các yếu tố là quyển sách giáo khoa cơ bản về hình học từ 2000 năm nay.
Lý Thời Trân (Mậu Dần, 1578 - 1657) là nhà y dược học vĩ đại của Trung Quốc, sinh tại huyện Tiên Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Tác phẩm y học nổi tiếng thế giới: Bản thảo cương mục viết về 1892 vị thuốc, Tần Hồ mạch học và Kỳ kinh bát mạch viết về cách xem mạch chẩn bệnh của y học phương Đông.
William Harvey (Mậu Dần, 1518 - 1593): là một bác sĩ lỗi lạc người Anh, giáo sư Trường Đại học Y ở London, người đã phát hiện một trong những chức năng quan trọng nhất của cơ thể: sự tuần hoàn máu. Harvey đã đặt nền móng vững chắc cho một ngành khoa học mới: ngành sinh lý học động vật. Tác phẩm: Hoạt động của tim và máu động vật (1628), Về sự hình thành của động vật (1651).
Phan Huy Chú (Nhâm Dần, 1782 - 1840): Ông sinh tại làng Thầy, phủ Quốc Oai (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây), tên cũ là Hạo, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong. Cha ông là Phan Huy Iích (1750 - 1822) đỗ tiến sĩ, nhà văn và làm quan dưới 2 triều Lê - Trịnh và Tây Sơn. Mẹ là Ngô Thị Thục, con gái nhà thơ, nhà sử học Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) và là em gái nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng và nhà ngoại giao lớn Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803).
Phan Huy Chú chỉ đỗ tú tài, nhưng là một người có tài, một nhà bác học về nhiều lĩnh vực: y học, sử học và là một nhà thơ. Ngoài những tác phẩm thơ như "Nam trình tạp ngâm", "Hoa trình tục ngâm" (ông được cử đi sứ nhà Thanh 2 lần)..., tác phẩm nổi tiếng của ông là "Lịch triều hiến chương loại chí", một bộ bách khoa thư của Việt Nam gồm 49 quyển.
Thomas Hunt Morgan (Bính Dần, 1866 - 1945): nhà sinh lý học và di truyền học nổi tiếng của Mỹ, tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Mỹ (1927 - 1931), Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga (1924), Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ (1932), giải thưởng Nobel về sinh lý học năm 1933.
Tác phẩm: Di truyền liên kết với giới tính ở ruồi dấm (1910), Cơ chế của di truyền học Mendel (1915), Học thuyết về gen (1926).