Vũ Năng An sinh năm 1916, tại thành phố Nam Định. Năm 20 tuổi ông vào Sài Gòn tìm cách lập thân. Nhiếp ảnh là nghề đầu tiên Vũ Năng An lựa chọn theo đuổi. So với nhiều đồng nghiệp khác ông may mắn hơn ở chỗ có khoảng thời gian được theo Bác Hồ đi công tác và chụp ảnh người.
Mùa thu năm 1945, sau ngày Tuyên ngôn độc lập, Vũ Năng An cùng với 32 ông chủ hiệu ảnh của Hà Nội họp lại, cử ra 6 người có tay nghề cao và nhiệt tình với cách mạng tới Phủ Chủ tịch xin phép chụp ảnh Bác để tuyên truyền cho cả nước. Buổi chụp đầu tiên đó, Vũ Năng An là người đến sớm nhất. Đúng giờ, Bác bước ra chào hỏi anh em nhiếp ảnh và nói: "Sáu lần chụp, mỗi lần năm phút là tròn nửa giờ. Vũ Năng An được xếp chụp ảnh cuối cùng. Ánh sáng vừa bật lên, các nhà nhiếp ảnh xô đẩy nhau chụp Bác khiến cú bấm máy đầu tiên của Vũ Năng An bị hỏng. Anh có phần lúng túng nhưng sau đó đã kịp trấn tĩnh để bấm tiếp hai kiểu ảnh nữa. Bỗng nhiên Bác cười mỉm hỏi Vũ Năng An: "Chú chụp thế đã thấy yên tâm chưa?" - Vì tôn trọng thời gian của Bác, Vũ Năng An không bấm máy tiếp, dù được Bác cho phép. Hai bức ảnh chụp Bác năm đó là thành công lớn của Vũ Năng An. Bức đầu tiên được nhân dân chấp nhận như hình ảnh mong ước. Đây là hình ảnh lãnh tụ của những người cần lao, với đôi mắt sáng như sao. Bức ảnh thứ hai từng được họa sĩ Tô Ngọc Vân bình luận: "Tôi thích bức ảnh nhìn nghiêng... vì nó mang vẻ thanh thản, ánh sáng và bố cục giản dị hơn. Nó gần gũi với phong thái của Cụ".
Bắt đầu từ năm 1947 đến hết kháng chiến chống thực dân Pháp, Vũ Năng An phụ trách Ban nhiếp ảnh tại Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và Cục tuyên huấn tổng cục Chính trị. Thời gian này, ông chụp bức ảnh nổi tiếng "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê năm 1950". Lúc đó, Vũ Năng An được phân công là nhà nhiếp ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch biên giới năm 1950. Bức ảnh chụp tại Đài quan sát của chiến dịch Biên giới, Bác dùng ống viễn kính để quan sát cứ điểm, Vũ Năng An đã chụp hai kiểu ảnh bằng máy Rolleiflex dùng phim lớn 6x6cm khi dựa lưng vào vách núi ngắm hình ảnh Bác. Gắn với tên tuổi nổi tiếng của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, bức ảnh đã đi vào lịch sử cách mạng và lịch sử thế giới. Năm 1996 bức ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh....
Ngoài mảng ảnh thành công về đề tài Bác Hồ, Vũ Năng An còn có những bức ảnh đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như "Đánh chiếm phủ Khâm Sai", "Mít-tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn 19/8/1945", "Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt nhân dân", "Quốc hội họp lần đầu tiên"... Bộ ảnh về Cách mạng Tháng Tám 1945 của Vũ Năng An phong phú về đề tài và có chất lượng thể hiện cao. Hiện phần lớn số phim của ông được lưu giữ trong các bảo tàng, các cơ quan ảnh. Những bức ảnh thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ảnh về Đoàn đại biểu ta dự hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ ký hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954... là những dữ liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử quan trọng.
Từ giã nghề ảnh, cuối năm 1954, Vũ Năng An chuyển sang hoạt động điện ảnh. Ông theo đoàn làm phim nước ngoài của đạo diễn Roman Karmen làm bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi. Thực hiện xong bộ phim này Vũ Năng An cùng hợp tác với nữ đạo diễn Ba Lan Hê-lê-na Lê-man-xca thực hiện bộ phim ''Cây tre Việt Nam''. Năm 1960, ông làm chủ nhiệm phim Lửa trung tuyến. Sau đó, ông được cử làm Phó giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam. Từ năm 1972 đến 1979, ông làm GĐ Xưởng phim truyện Việt Nam. Khoảng thời gian với cương vị lãnh đạo, Võ Năng An thật hạnh phúc khi Thành phố lúc rạng đông - bộ phim màu màn ảnh rộng được giải thưởng cao nhất tại Hội thi phim quốc tế Lai-xích tháng 11/1975 (CHDC Đức).
Lễ tang viếng NSND Vũ Năng An sẽ được tổ chức vào sáng thứ 2 (12/7) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu Nghị.