hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-948.htm

Không rõ

Sài Gòn lặng lẽ

Đằng sau một Sài Gòn phồn hoa, náo động là sự lặng lẽ của cái đẹp. Cái đẹp ấy lặn vào trong, như duyên ngầm của một người con gái, càng chịu khó nhìn, càng thêm thấy tin yêu...

Cái chân chống: Tôi là người hay lơ đễnh nên thường khi ra đường với chiếc xe máy quên gạt chân chống. Hẳn các bạn đều biết đến tác hại của cái chân chống khi đặt nó vào thời điểm không thích hợp. Nó từng gây ra những tai nạn trầm trọng. Chỉ cần nghiêng xe quẹo cua một chút, tức thì cái chân chống sẽ phản bội lại bạn ngay. Có lẽ chứng kiến quá nhiều tai nạn giao thông xảy ra từ “cái chân chống” mà nhân dân Sài Gòn rất quan tâm đến nhau. Tôi còn đang vô tư phăng phăng trên đại lộ thì một xe hộc tốc vượt lên, nhấn còi ầm ĩ. Liếc nhìn qua kiếng chiếu hậu, tôi thấy thằng cha rậm râu, vận đồ rất bụi lấn đường một cách thô bạo. Bất bình nhưng ngó bộ dạng thằng cha hầm hố quá, tôi đâm hoảng. Thôi thì “tránh xe chẳng xấu mặt nào”, tôi lách xe vào trong, lòng đầy ấm ức. Nhưng gã vẫn chưa chịu buông tha tôi, cho áp chiếc xe kềnh càng như một con quái vật kệch cỡm sát vào tôi, bóp còi ầm ĩ rồi gào tướng lên: “Em ơi, chân chống kìa!”. Chỉ cốt nói xong lời nhắc nhở ấy, gã rậm râu “thấy ghét, bất lịch sự” kia vọt lên, mất hút vào dòng xe cộ cuồn cuộn chảy. Tôi gạt cái chân chống, thở phào nhẹ nhõm vì thoát khỏi sự hiểm nguy luôn như cái bẫy giăng sẵn... Lần khác, một cô gái lòe loẹt son phấn, ăn mặc theo kiểu “con nhà nghèo”, áo dây hở ngực, hở rún, quần lửng, chân tay sơn tím rịm, cỡi trên chiếc xe Wave xanh lè bám riết lấy tôi. “Cái ngữ này, coi chừng giựt dây chuyền, túi xách!”. Tôi cảnh giác, sờ tay lên cổ, thấy chiếc dây chuyền còn nguyên, có phần yên tâm. Cô gái “con nhà nghèo” kia bấm còi, vượt qua tôi, gào lớn: “Chị ơi, coi chừng cái chân chống!”. “À, cám ơn”. Tôi lí nhí nói, lòng thầm hổ thẹn vì những ý nghĩ đầy “cảnh giác” của mình. Lần nữa, hộc tốc chạy theo tôi là một nữ sinh trong bộ quần áo dài trắng, đạp chiếc xe đạp. Em hào hển nhắc tôi: “Chị ơi, cái chân chống!”. Tôi vừa hổ thẹn vì sự lơ đễnh của mình vừa tràn ngập hạnh phúc vì “cái chân chống” đã giúp tôi lấy lại lòng tin về con người. Gã rậm râu hầm hố, cô gái giang hồ bụi đời hay một nữ sinh trong trắng..., tất cả đều có chung một ý muốn đẹp, không muốn bất hạnh xảy ra cho một người xa lạ trên đường. “Cái chân chống” giúp tôi nhìn thấy người Sài Gòn thật thân thiện, thật đáng tin yêu...

Nhặt của rơi: Cũng tại tôi là một người đãng trí nên mới sinh nhiều chuyện làm phiền lòng khách đi đường. Túi đồ nghề của một nhà văn quèn chỉ vài ba quyển sách, vài cây viết, xấp giấy, xâu chìa khóa, bóp tiền nho nhỏ. Đêm ấy tôi thức rất khuya, ráng cày cho xong bài báo để kịp hạn nộp bài. Sáng thức dậy vội vã, khoác chiếc túi đồ nghề lên vai, chạy nháo nhào ra cơ quan. Tôi máng chiếc túi vải trước giỏ xe. Chiếc túi có móc gài hẳn hoi nhưng chưa bao giờ tôi sử dụng đến chiếc móc ấy. Tôi phóng xe vun vút, miệng gào lên một bài hát quen thuộc, lòng vui sướng khấp khởi vì mới nghĩ ra một tứ thơ. Tôi phóng nhanh hơn dự định đến cơ quan, sẽ ghi lại bài thơ trong trí tưởng tượng ra giấy. Từ suy nghĩ đến hành động, biến ý tưởng trong đầu ra chữ nghĩa cụ thể trên giấy còn một khoảng cách xa lắm, có khi đi hoài chẳng tới. Tôi mỉm cười tự khen mình một chút, dù trong túi không nhiều tiền nhưng đời vui biết mấy khi ta còn sáng tạo. Lòng đầy hân hoan, tôi phóng xe càng nhanh... Chợt phía sau tôi có tiếng xe đạp lanh canh đuổi theo. Tôi đoán chắc chủ nhân của nó phải gắng sức gấp mấy lần mới đuổi kịp chiếc Angel của tôi. Vậy mà cô nữ sinh trong bộ đồng phục thể dục chạy đuổi kịp tôi. Cô bé trạc mười bốn tuổi, người như cây sào ốm nhom, một tay cầm lấy ghi đông xe, một tay giơ cao chiếc bóp lên: “Chị ơi, chị làm rơi dọc đường nè...”. Tôi giật mình bừng tỉnh. Thì ra, vì lơ đãng không cài móc túi xách, xe nhảy cà tưng mà xâu chìa khóa, bút, xấp bản thảo... rơi dọc dài trên con đường thiên lý. Tôi cho xe lên lề, dừng lại. Cô bé cũng dừng lại, thở hổn hển: “Nãy giờ em chạy theo chị quá chừng. May mà em đang tập để đua xe đạp. Thấy mặt tôi ngẩn ngơ, cô bé nói thêm: “Chị còn làm rơi mấy thứ, nhưng thấy không quan trọng, mấy bạn em lượm bỏ vô túi, chạy đằng sau kìa, chị chờ chút nghen”. Đằng sau tay chỉ của em là một cặp nữ sinh chở nhau bằng xe đạp. Các em mở to mắt nhìn tôi, đoán ngay ra được tôi là chủ nhân của những thứ rơi rớt dọc đường. Tôi vui mừng nhận lại từ tay các em. Cái bóp tiền giúp tôi có thêm niềm tin vào thế hệ tương lai đầy trong sáng, tự tin và hướng thiện. Nhìn những gương mặt sáng ngời, nụ cười trong trẻo của các em, tôi thấy mình được quyền lạc quan lắm!

Địu con về khuya: Xong việc đã hơn 10 giờ đêm. Tôi nháo nhào phóng xe đến chỗ đón con. Đêm khuya, gió lạnh, mẹ địu con trong lòng. Bé ngủ vùi trong lòng mẹ. Vậy là mẹ một tay lái xe, tay còn lại ôm con chặt vào lòng, vừa căng thần kinh tránh những ổ gà trước mặt, những chiếc xe ngược chiều chạy ẩu, tránh những “cơn bão” đua xe về đêm. Qua tấm kiếng chiếu hậu, tôi chợt phát hiện có một chiếc xe bám riết mình. Người ngồi trên xe là một bà sồn sồn ăn mặc diêm dúa, mặt đầy son phấn. Màu son tím rịm trên đôi môi bà ta khiến tôi càng thấy sợ. Tim đập thình thình, tôi không khỏi lái xe cảnh giác hơn, vừa ôm chặt con vào lòng trong tư thế sẵn sàng đương đầu. Tôi chạy nhanh, bà ta cũng chạy nhanh. Tôi chậm, bà ta cũng chậm. Tôi rẽ vào con hẻm, mụ cũng rẽ theo... Tôi cơ hồ gục xuống vì mệt, vì căng thẳng khi về được đến nhà. Đến lúc ấy, tôi đành phó mặc cho số mệnh, chấp nhận sự giúp đỡ của “nữ quái”. Bà ta vội dựng xe, đỡ lấy mẹ con tôi. Khi tôi đã đưa được xe, được con vào nhà an toàn, bà ta từ biệt tôi. Tôi cám ơn bà ta, mời vào nhà, hỏi tên tuổi. Bà ta mỉm cười nói: “Chị đừng bận tâm. Nhìn thấy chị một tay lái xe, một tay ôm bé... tôi cảm thấy thật không yên lòng nên mới bám theo xe chị, phòng khi có gì bất trắc cần tôi giúp đỡ. Giờ chị đưa bé về nhà an toàn là mừng rồi. Thôi tôi phải đi”. “Nữ quái” quay xe, đi ngược con đường về nhà tôi. Tôi ôm chặt con thơ vào lòng, nước mắt trào ra, thì thầm: “Con yêu, người Sài Gòn là như vậy đó!”.

Nghĩa khí Sài Gòn: Đang chạy xe chầm chậm trên vỉa hè, chợt có tiếng xe máy phân khối lớn rú lên, ép chặt hai công nhân trẻ, độ 18, 20 chở nhau trên một chiếc xe đạp vào lề đường rồi vọt lên, mất hút. Hai người thợ gào lên: “Cướp, cướp!”. Tôi ngạc nhiên thầm hỏi: Thường bọn cướp phải nhằm vào những người đeo nữ trang, sang trọng, bóng bẩy. Đằng này...”. Người Sài Gòn vốn hiếu kỳ, trong phút chốc đã vây quanh hai công nhân trẻ. Một cậu mếu máo: “Bọn cướp giật cái máy khoan em để trong giỏ xe rồi!”. À, thì ra vậy. Cái máy khoan là thứ đắt tiền, đem bán, có khi hơn cả sợi dây chuyền trên cổ các mỹ nhân. Bọn cướp này đúng là hàng cao thủ, chỉ cần loáng cái, đã phân định được đâu là hàng có chất lượng cao. Hai cậu công nhân vẫn còn ngơ ngác trước biến cố xảy ra. Chừng tỉnh lại, một cậu thảng thốt kêu lên: “Thôi chết rồi, mất máy khoan, tụi con phải đền cho ông chủ. Vậy là phải bị trừ lương cả năm...”. Cậu công nhân nghẹn ngào, không thốt nên lời... Một bà cụ móc túi, lấy ra 20.000 đồng, kêu gọi: “Bà con ơi, tội nghiệp quá, mình góp kẻ ít người nhiều cho hai cậu mua cái máy khoan trả ông chủ...”. Trong phút chốc, người đi đường “kẻ ít người nhiều” quyên góp được món tiền kha khá. Cậu công nhân cầm xấp giấy bạc trong tay mà như đang cầm vật gì nặng lắm. Gương mặt tràn ngập nỗi xúc động, cậu vòng tay lễ phép nói: “Thưa bà con, hai cháu rất cám ơn tấm lòng của bà con dành cho tụi cháu. Nhưng tụi cháu xin trả lại số tiền này. Việc rủi ro này là do lỗi của tụi cháu. Vì vậy, tụi cháu càng thấy có lỗi khi sự bất cẩn của mình trở thành gánh nặng, nỗi bận tâm của những người tốt bụng. Cháu thiết nghĩ, bà con dùng số tiền này cho những trường hợp thật sự bất hạnh sẽ có ý nghĩa hơn. Tụi cháu chịu bị trừ lương, xem như bài học cần phải nhớ”. Từ đám đông, có ai đó thốt lên: “Thằng nhỏ nói như vậy cũng phải. Công nhân Sài Gòn thiệt là nghĩa khí”...

(Trầm Hương - Báo Người Lao động TP.HCM)


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com