hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-945.htm

Không rõ

Thương lắm một quán trà câm!

Giống như những nghệ sĩ múa thiên tài, họ nói chuyện bằng tay, khóc cười bằng tay. Bàn tay họ không chỉ là “ngôn ngữ” hình tượng mà còn là “tiếng nói” thực sự hàng ngày của họ. Nhưng thay vì những sàn diễn huy hoàng, đêm đêm họ tụ tập nhau ở vỉa hè phố Tôn Đức Thắng (đoạn rẽ vào chợ Đoàn Thị Điểm - Hà Nội) để bán nước trà. Hơn hai mươi người ấy, toàn là những người bị câm điếc bẩm sinh!

Tất cả đều là những người câm điếc bẩm sinh

8 giờ tối ngày 16/1, tôi cùng một anh bạn vòng đi vòng lại đoạn phố Tôn Đức Thắng để tìm quán trà câm điếc như lời đồn. Dọc dẫy phố có nhiều quán nước trà giống y hệt nhau và giống như mọi quán trà vỉa hè ở Hà Nội vậy.

Đến một quán rất đông người, thấy năm sáu người đang giơ tay khua khua, chúng tôi dừng lại. Vào quán anh bạn lấy tay chỉ vào bao thuốc lá và nước trà. Tôi loay hoay không biết làm cách nào để trò chuyện cùng họ thì thấy một cô gái còn trẻ cầm cuốn sổ nhỏ đi ra. Cô ngồi xuống và bắt đầu bút đàm với một người phụ nữ đứng tuổi khác. Khi đó một cô gái khác chạy tới. Cô nắm tay hai người kia rồi giang hai tay ra. Hai người kia liền chụp mười ngón tay lại với nhau như cầu khấn một điều gì rồi lồng các ngón tay vào nhau. Cô gái mới đến lắc đầu, tay trái vòng một vòng rộng, tay phải giấu về đằng sau. Hai người kia lắc đầu, cùng giấu tay ra đằng sau

Tôi lấy sổ viết cho cô gái trẻ ngồi bên cạnh”Xin lỗi chị, chị có viết được không”. Cô gái giằng lấy bút: “Có, Kim Loan Thị Nguyễn, học em hết tám lớp ở trường câm điếc Xã Đàn”. Loan cũng là một cô gái câm điếc nhưng biết viết. Tôi không thể nào hiểu được một cách chính xác câu trả lời của chị. Chị giơ tay hua hua trước mặt tôi tưởng như tôi có thể hiểu được “lời nói” trong bàn tay giơ lên kia. Tôi không hiểu. Bỗng nhiên, chị bán bỏng ngô gần đó bỏ xe bỏng của mình lại, đi vào nói” Để chị đọc cho”. Chị tên là Mai, đọc hộ như sau: “Em là Nguyễn Thị Kim Loan, học hết lớp tám ở trường câm điếc Xã đàn”. Qua chị Mai và chị Loan tôi biết được câu chuyện của ba người kia là: Cô gái tên là Lan đến rủ hai cô kia đến góc phố có ngô nướng nhưng Lan không có tiền. Hai người kia cũng không có tiền. Cả ba rất thích ăn ngô nướng nên bảo đến mai có tiền sẽ đi ăn...

Càng về khuya, những người câm ở đâu đó càng đến quán nhiều. Họ không uống gì hết mà chỉ giơ tay “nói chuyện” với nhau. Chủ quán trà là một đôi vợ chồng câm điếc. Nhà chồng có ba anh em câm điếc hết. Ngoài ra còn có một người đàn ông đứng tuổi câm điếc ở đó bơm xe đạp. Hơn hai mươi người câm điếc đêm đêm họ tụ tập ở đây, họ nói với nhau mọi thứ chuyện trên đời. Người từ làng An Trạch gần đó, người từ ngõ Thông Phong bên kia đường, người từ ngõ chợ Khâm Thiên... và có cả những người câm điếc ở các tỉnh xa không hiểu do một điều kiện kỳ lạ nào đã đưa họ đến được đây.

Tôi viết hỏi thăm một chị ở Hải Dương do chị Loan mách. Chị ấy ngơ ngác vì không biết viết. Loan lại giằng lấy bút viết một dòng chữ nghệch ngoạc khó hiểu “Chị biết rồi viết nhiều bạn viết không biết chị một mình biết chị làm máy khẩu bông bông chẫn chằn”. Tôi đành mang sổ ra nhờ chị bán hàng dịch tiếp “Ở đây chỉ một mình chị (Loan) biết viết chữ còn các bạn khác không biết viết. Chị làm khẩu trang”. Tôi không định nhắc tới chị bán hàng trong bài viết này nhưng tất cả những gì tôi biết được về quán trà câm điếc đều qua chị. Chị là Đỗ Thị Mai ở thôn Tuấn Bắc, xã Hoàng Thắng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Chị bị tai nạn máy xát gạo, gia đình khó khăn nên phải ra Hà Nội ở trọ để ngày ngày, đêm đêm đi bán bỏng ngô. Nhưng ngay trong hoàn cảnh ấy, chị cũng ngợp lòng vì hoàn cảnh của những người câm.

Lan, cô gái câm điếc muốn ăn ngô nướng sống bên ngõ Thông Phong cùng với người mẹ già trong một căn nhà dột nát có 6 m2 . Cha cô, như lời mẹ cô kể, là bộ đội tập kết, sau đó do bệnh nặng được viện Quân Y 103 chữa trị nhưng không sống được. Từ đó đến nay, hai mẹ con cô không được nhận bất cứ một khoản tiền trợ cấp nào. Người mẹ già muốn đi bán nem cuốn dạo để có mươi ngàn một ngày nuôi sống hai mẹ con nhưng không có vốn. Chính chị Mai, người phụ nữ bán bỏng ngô ấy đã đứng ra gom góp các bạn đi bán bỏng ngô cùng (cũng khó khăn như mình), có được 150.000 đồng cho người mẹ vay. Nhưng mùa đông quá dài, bà mẹ đẩy thùng xe bán nem cuốn dọc cả dẫy phố dài cũng không có cô cậu học sinh nào hỏi mua. Số tiền ấy, là số tiền các chị dành dụm về ăn Tết nhưng không biết người mẹ kia có gom đủ trước Tết không! Lan sinh năm 1970, nhưng cô gái câm điếc luôn này có một vẻ mặt trong sáng, ngây thơ và trẻ trung kỳ lạ. Cô không biết làm gì và ngày nào cũng chỉ mong trời tối sớm để ra quán trà cùng với các bạn câm điếc như mình. Trong số hơn hai mươi người đó có khoảng mười người học ở trường câm điếc Xã Đàn. Nhà trường cũng cố gắng thu xếp công việc khi họ đến tuổi trưởng thành phải dời khỏi trường nhưng với những người như họ, cuộc sống không dễ dàng bao giờ. Chị Loan lần lượt giới thiệu tên từng người và công việc của họ. “Chị tên Hằng Làm chữ phim” - tôi không dịch được. Các chị đập vào tay tôi và chỉ tay lên những tấm biển của các cửa hàng. Nghĩa là “Chị Hằng dọn dẹp trong một hiệu làm biển quảng cáo”. “Chị Thanh bán hàng quả cảm” - tức là “chị Thanh bán hàng hoa quả”. “Anh Hà, bán thơ”. Tôi lặng đi. Anh Hà, một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi lấy tay thu vào rồi lai kéo ra như mở một cái gì đó rồi lại dùng tay thấm nước bọt hất hất. À, tức “Anh Hà bán báo dạo”. Tôi viết hỏi chị bên cạnh “Chị ngủ ở đâu vào buổi tối?”

Các chị chen nhau đọc quyển sổ tôi vừa đẩy sang.Tôi thoáng thấy những khuôn mặt bừng lên một ánh sáng thân thuộc nào đó. Ánh sáng của con người khi nhìn thấy “tiếng nói” của mình. Họ đang cố gắng tìm lại ý nghĩa của các con chữ. Chị ấy trả lời “Ở đây vẫn còn có tôi”. Có nghĩa là, “Chị ở đây, ngủ trên vỉa hè này”.

Trong số hai mươi người câm điếc, có đến sáu cô gái trông còn rất trẻ và khuôn mặt xinh xắn, ưa nhìn. Nhiều người câm điếc nhưng vẫn có thể tìm được một mái ấm gia đình con con nếu cuộc đời đưa họ đến với những người đàn ông giầu lòng trắc ẩn.

Tôi hỏi chị Loan: “Chị đã lấy chồng chưa”. Chị đọc và đỏ mặt. Thiên nhiên vô tình đã không ban cho họ hai giác quan quan trọng nên những bộ phận còn lại phải “gánh lấy” trách nhiệm của hai giác quan đó. Có những người mù thì thính giác phát triển rất mạnh. Vậy nên, khuôn mặt của những người câm điếc có những biểu hiện đặc biệt tinh tế rất dễ làm lay động đáy tim chúng ta. Chị ngần ngừ rồi viết “Đi nhiều không ban gặp mang đến thì tại sao nào”. Chị Loan đã từng học hết lớp tám nên không thể viết sai chính tả một cách như thế được. Phải có điều gì đó đặc biệt diễn ra trong tâm hồn chị nên “tiếng nói” mới “ấp úng”, “bí ẩn” và “khó hiểu” đến thế. Chị Mai dịch “Chị không đi nhiều nên chưa tìm được bạn”. Tôi rất cám ơn và phục chị Mai khi chị có thể hiểu được ngôn ngữ của những người câm điếc. Nhưng trong câu trả lời trên của chị Loan thì xin lỗi chị, tôi nghĩ rằng nó phải có một nghĩa nào đó kỳ diệu hơn kia. “Chị cần một người thế nào”. Tôi hỏi tiếp. Chị Loan không ngần ngại viết ngay và viết rất đúng “Yêu chị thôi”.

Suốt cả cuộc “nói chuyện”, chỉ có các chị là tranh nhau “nói”, còn các anh ngồi dịch xa ra. Tôi nhờ chị Mai đến gần một anh khoảng bốn mươi tuổi để cùng “nói chuyện”. Chị Mai bảo không cần đâu vì anh ấy viết chữ “phổ thông” rất đúng. Quả vậy, anh viết không hề sai một ''nỗi chính tả'' nào. Anh ở Hà Tây, nhà có một mình anh. Cha mẹ trước khi chết đã cưới cho anh một cô vợ khoẻ mạnh. Chị chịu lấy anh vì khi ấy chị đã ba mươi hai từng có hai đời chồng. Anh rất yêu vợ. Do có sức khoẻ nên anh thường xuyên vắng nhà đi làm phụ hồ. Kiếm được đồng tiền nào là anh mang về đưa cho vợ giữ hết. Cho đến một lần đi phụ hồ xa trở về nhà. Nhà vắng vẻ, im ắng. Anh đi vào bếp và bắt gặp vợ mình đang ôm một người đàn ông lạ. Hai người kia thấy anh về thì sợ hãi bỏ chạy. Anh bảo rất hối hận vì đã không kịp viết giấy bảo chị rằng anh không nghĩ gì hết. Chị vợ bỏ nhà ra đi. Sau đó ít lâu, có một cậu học sinh viết bảo anh nhìn thấy vợ anh ở Hà Nội. Anh liền ra Hà Nội làm cửu vạn thuê, tối ngủ ở hè phố. Anh chỉ mong tìm được chị để viết cho chị một câu rằng chị về với anh đi, anh không nghĩ ngợi gì về chuyện trước đây. Anh giơ cây bút bi và tờ giấy nhầu nát ra cho tôi xem rồi “nói” rằng lúc nào anh cũng mang theo bên mình để có gặp chị thì sẽ”nói” ngay với chị. Có một tâm hồn thuần hậu và rộng lượng như anh thật quý giá. Và có lẽ chính vì vậy mà anh vẫn sống, vẫn tin rằng một ngày nào đó người vợ sẽ trở về với mình...

Chị Loan viết (và chị Mai lại dịch) rằng các cô gái trẻ câm điếc cùng hay ngồi trên vỉa hè để “ngắm” các chàng trai đi trên phố. Mỗi khi có chàng nào trông đẹp trai họ lại lấy tay chỉ cho nhau nhìn và gán chàng ta cho một ai đó. Đó, thiên nhiên có thể lấy đi hai giác quan của họ nhưng thiên chức của người phụ nữ thì thiên nhiên không thể nào lấy nổi. Điều đó chứng tỏ rằng tình yêu của con người vượt khỏi ra khỏi vòng chế ngự của thiên nhiên, của thời gian.

Vợ chồng chị Lâm chủ quán trà đều bị câm điếc bẩm sinh. Hai người, bằng một con đường riêng bí ẩn nào đó đã tìm thấy nhau, yêu nhau và trở nên vợ nên chồng. Một người khách lấy một tờ một trăm ngàn ra trả. Không có tiền trả lại, chị Lâm cầm tiền quay sang chồng, hai ngón tay vung lên. Anh chồng vỗ vỗ tay xuống. Chị Lâm lắc đầu nắm tay lại. Anh chồng giơ tay trái bịt tai, chị bẻ ngón tay cái rồi lắc lắc ngón tay... Sau một chuỗi động tác chỉ có hai người mới hiểu nổi đó, chúng cũng đem lại một “kết quả” mà tất cả mọi người hiểu được: đó là chị muốn đổi một tờ năm mươi ngàn và hai tờ hai mươi ngàn cùng tiền lẻ. Anh chị đã lấy nhau được vài năm. Họ có một đứa con ba tuổi. Và đứa trẻ của tình yêu kỳ diệu ấy hoàn toàn khoả mạnh, đầy đủ các giác quan, đang tập nói bi bô: mẹ, mẹ

Đó chính là Tình yêu muôn đời cất tiếng.

N.Q - tháng Chạp năm Nhâm Ngọ


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com