hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-751.htm

Không rõ

Ỷ Thổi đón quan

Ngày xửa ngày xưa, những bộ tộc người Nùng ở dãy núi Hoàng Liên Sơn thường kể về một chàng trai tên là Ỷ Thổi. Chàng Ỷ Thổi tài chí hơn người, chuyên giúp người nghèo chống lại những kẻ giàu có tàn ác, lợi dụng quyền hành sách nhiễu dân lành. Mỗi chiến công của chàng Ỷ Thổi đều thành một câu chuyện cổ tích thú vị. Người ta truyền rằng, có hơn một trăm câu chuyện về chàng Ỷ Thổi. Nhưng thời gian trôi qua, đến nay ta mới sưu tầm được hai mươi chuyện. Câu chuyện Ỷ Thổi đón quan là câu chuyện đặc sắc nhất.

Từ ngày xưa người Nùng vẫn có câu tục ngữ: "Gần quan mất nhà, gần nha mất trâu". Bởi vì bọn quan nha là bọn sâu mọt chuyên mượn cớ sách nhiễu dân lành. Mỗi năm bọn chúng đều bầy trò đi kinh lý khắp các bản làng trong vùng, lấy cớ để bắt dân chúng phải góp tiền, giết lợn, mổ bò để khao chúng. Lệnh quan đưa đến vùng quê hương Ỷ Thổi phải dựng cổng chào, lo đủ "Pạc các" "Pạc Chẩy" nghĩa là góp đủ trăm con vịt, trăm con gà để quan ăn uống. Làm cổng chào thì còn được chứ một lúc đào đâu ra trăm con gà bây giờ?

Dân làng nghĩ mãi, cuối cùng đành cử Ỷ Thổi thay mặt mọi người ra đối phó. Ỷ Thổi bảo dân làng:

- Mọi người đã cử tôi thì phải nhất nhất nghe lời tôi, trước hết tất cả về nhà, không kể già trẻ, trai gái, người đẹp người xấu, ai ai cũng phải lấy nhọ nồi bôi đen xì xung quanh mồm. Dân chúng không hiểu nhưng cũng gật đầu nghe theo. Ỷ Thổi lại bảo:

- Xong rồi nhà ai nhà nấy đều mổ vịt mổ gà. Mỗi nhà mổ một gà một vịt nhưng nhớ ăn hết, chỉ để lại cái mỏ thôi. Nhà nhà nhớ đóng cửa cài then cẩn thận, chỉ được phép tháo gỡ đầu hồi làm lối ra vào... Và khi quan đến hỏi thì ai cũng phải trả lời như thế... như thế... đúng lời tôi dặn nghe chưa... Lời dặn của Ỷ Thổi lập tức được dân làng làm đúng y như rập khuôn. Khi quan quân chiêng trống rầm trời kéo đến thì chẳng thấy cổng chào nguy nga đâu cả, chỉ thấy dân chúng đổ xô ra xem quan về làng. Mà lạ quá mồm người nào người nấy đều đen sì nhọ nồi. Quan đang tức điên ruột trông thấy vậy cũng phải ôm bụng mà cười. Cười xong quan mới quát hỏi:

- Chúng mày có nhận được lệnh của ta không?

Ỷ Thổi thay mặt dân làng chắp tay kính cẩn thưa rằng:

- Dạ có ạ.

Quan lại quát:

- Cớ sao không dựng cổng chào thật to để đón quan. Cớ sao không rửa mặt mày sạch sẽ, mặc áo mới đón quan, mà lại vẽ mồm hề cả lũ thế kia?

Một cụ già được Ỷ Thổi sắp sẵn kính cẩn bước ra, nói đúng lời Ỷ Thổi dặn trước:

- Bẩm quan, lệnh quan chúng con làm đúng lắm ạ. Đúng theo từng chữ một chứ không dám lơ mơ đâu ạ.

Quan quát lên:

- Đúng từng chữ mà thế này à?

- Thưa, quan lệnh là phải làm "Pạc trọc" chúng con phải tra nghĩa từng chữ để hiểu mà làm. Thì pạc là mồm, trọc là đen. Làm mồm đen thì đúng như hề, nhưng lệnh quan là lệnh trời, chúng con vẫn cứ phải bôi mồm đen cả làng kẻo quan mắng là không biết nghe lời quan.

Quan ngã ngửa người ra. Đúng là trong tiếng Tày, "pạc trọc" vừa có nghĩa là mồm đen. Quan đành bấm bụng bỏ qua không hạch sách về chuyện cổng chào nữa. Quan vào làng, thấy tất cả các nhà đều đóng cửa, then cài. Quan lạ bắt các cụ già ra hỏi:

- Sao các người lại dám khinh quan, đóng cửa không mời quan vào nhà hả?

Một cụ già khác theo lời dặn của Ỷ Thổi kính cẩn thưa:

- Chúng con đâu dám thế ạ... Chúng con nghĩ rằng các quan đi bằng cửa của dân thường không thể nào lọt được vì các quan ăn nhiều quá. Vì thế chúng con phải phá đầu hồi để ngộ nhỡ các quan có vào chơi. Nào ngờ các quan lại bắt bẻ, lại đòi đi bằng cửa của "chú em ở dưới" của chúng con.

Quan vừa bực vừa chán. Lũ dân này đã ngu lại láo, chúng nó dám bảo quan như "chú em ở dưới" của nó. Tức thì tức quan vẫn phải cho qua vì nói ra chỉ thêm dại mặt. Hơn nữa, hò hét nhiều lại đi đường xa, bây giờ đói lắm rồi, chúng nó bảo đi lối nào cũng đi để mà còn ăn cái cỗ trăm vịt trăm gà chứ.

Quan bước vào nhà, thấy nhà nào nhà ấy cũng có chảo đầy mỡ nhưng trong chảo chỉ có gang và sắt. Quan hạch hỏi tại sao thì dân chúng kính cẩn thưa:

- Dân làng tôi nghe nói ngựa dân thường ăn cỏ, ngựa nhà vua giầu ăn thóc, ngựa quý nhà quan phải ăn gang ăn sắt, vì thế chúng tôi phải xào nấu sẵn gang sắt hầu ngựa nhà quan.

Nghe dân nói quan nản quá, nhưng cũng chẳng biết bắt bẻ ra sao, đành mắng cho qua chuyện:

- Chúng mày ngu quá, ngựa vua ngựa chúa thì cũng phải ăn thóc ăn cỏ như ngựa dân đen thì mới sống nổi, chứ nói gì ngựa quan. Lần sau không được ngu như thế, nghe không.

Dân chúng vâng vâng dạ dạ. Quan yên trí ngồi chờ dâng cỗ trăm vịt trăm gà lên. Đến lúc ấy, mỗi nhà mang lên một cái mâm rõ to nhưng trong lòng mâm chẳng có gì ngoài một cái mỏ gà và một cái mỏ vịt. Quan tức điên lên, hô lính bắt cả làng ra trị tội. Quan lớn tiếng quát:

- Lệnh quan là mỗi nhà phải dâng quan một cỗ "pạc các" "pạc chẩy" cơ mà, sao lại dọn lên cho quan những cỗ không ăn được như thế này. Bọn chúng mày muốn chết cả lũ phải không?

Lúc bấy giờ Ỷ Thổi mới đứng ra lễ phép thưa:

- Dạ bẩm quan lớn dân chúng đã bầy lên mời đúng những thứ quan đòi rồi đấy ạ.

Quan lại hét:

- Chúng bay bầy mấy cái mỏ gà, mấy cái mỏ vịt mà bảo là đúng như lệnh quan hả?

Ỷ Thổi vẫn mềm mỏng:

- Quả đúng như thế đấy ạ. Quan bảo làm cỗ "pạc các pạc chẩy", cả làng chúng con họp nhau bàn để làm đúng ý quan. Pạc nghĩa đen là mồm, đến đứa trẻ con cũng biết pạc chẩy là mồm gà, pạc các là mồm vịt. Mồm là mỏ. Đầu tiên chúng con cũng chẳng hiểu sao quan lạ đòi ăn mỏ gà, mỏ vịt. Nhưng chúng con nghĩ, chắn hẳn là quan thì thiếu gì gà vịt mà phải đến tận đây ăn của dân. Các quan đâu có ăn như dân đen. Các quan ăn theo kiểu các quan, có khi ăn toàn mỏ gà, mỏ vịt, chi bằng cứ đúng như ý quan đã ra lệnh mà làm. Thế là nhà nào cũng giết gà, giết vịt cộng đúng trăm con, thịt thì ăn hết còn lại là pạc các, pạc chẩy thì dâng lên quan theo lệnh đúng từng chữ một đấy ạ.

Lão quan lúc này tức ứ họng. Tức mà không nói được ra lời, không bắt bẻ được, chẳng có lý nào để vặn vẹo. Biết là bị Ỷ Thổi chơi khăm, lão đành vờ vịt mắng chửi bâng quơ rồi thầy trò ôm bụng đói nhẩy lên lưng ngựa đói dẫn lũ quân đói chuồn thẳng...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com