hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-770.htm

Dân gian

Nguyễn Trãi

Ngày xưa, vào thời Trần mạt, Nguyễn Trãi lớn lên gặp lúc nước nhà bị quân Minh đô hộ, cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đem về Tàu. Ông đưa cha đến biên giới rồi trở về tính chuyện trả thù cha, đền nợ nước.

Nghe tiếng Lê Lợi ở Lam Sơn có chí mưu đồ việc lớn, ông bèn đến kết làm bạn, cùng lo toan khởi nghĩa. Nguyễn Trãi lấy mỡ viết vào lá cây tám chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" để cho kiến ăn chỗ mỡ bày chữ ra, đem thả xuống giòng sông trôi đi. Dân chúng lượm xem cho là điềm trời định, đồn đãi rộng ra, người ở các nơi rủ nhau về với Lê Lợi, quân sĩ mỗi ngày mỗi đông.

Đến năm Mậu Tuất, thảo hịch Bình Ngô, bắt đầu đánh nhau với quân nhà Minh, Nguyễn Trãi bàn mưu lập kế giúp Lê Lợi đánh hơn hai mươi trận. Mười năm kháng chiến, Nguyễn Trãi đem hết tài sức ra phục vụ, đến khi thành công, dược phong làm Tế Văn Hầu, đuổi quốc tính gọi là họ Lê.

Tục truyền khi Nguyễn Trãi còn dạy học ở quê làng Nhị Khê, một hôm ông sai học trò dọn cỏ một cái gò để làm chỗ dạy. Đêm trước ông mơ thấy một người đàn bà hiện đến nói: "Tôi mẹ yếu con thơ xin ông khoan cho ba ngày để tôi đem con tôi đi chỗ khác rồi ông hãy sai dọn cỏ". Sáng sớm ông thức dậy ra gò, thì học trò đã dọn sạch rồi và bắt được hai cái trứng rắn.

Nguyễn Trãi hỏi, học trò thưa: "Ban nãy chúng con thấy có con rắn ở trong bụi rậm, đánh nó đứt đuôi bò đi mất, chỉ bắt được hai cái trứng ở đấy". Nghĩ con rắn hẳn là người đàn bà báo mộng hôm qua, Nguyễn Trãi thắc mắc trong lòng, đem hai trứng rắn về nhà đợi cho nở. Đêm hôm ấy, ông đang ngồi xem sách, có con rắn leo lên sà nhà, nhỏ máu ngay xuống trang sách, thấm xuống ba tờ giấy. Đến khi hai trứng rắn nở ra, một con dài một con ngắn, Nguyễn Trãi sai đem thả xuống sông.

Về sau, lúc Nguyễn Trãi đã thành đạt, trở nên một vị công thần nhà Lê, tóc đã bắt đầu bạc, một hôm dạo chơi bỗng gặp một người con gái bán chiếu rất đẹp. Ông ứng khẩu đọc bốn câu thơ để hỏi đùa:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh phỏng độ chừng bao nhỉ?

Đã có chồng chưa, được mấy con?

Người con gái họa vần đáp lại:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,

Can chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân mới độ trăng tròn lẻ,

Chồng còn chưa có, có chi con?

Nguyễn Trãi thấy người đẹp đối đáp tài tình, lấy làm ưng thích, hỏi tên thì xưng là Thị Lộ. Một tháng sau người con gái bán chiếu ở Tây Hồ là Nguyễn Thị Lộ đã vào ở phủ đệ quan Phục hầu, sớm khuya bên mình Nguyễn Trãi.

Bấy giờ vào đời vua Lê Thái Tông, nghe tiếng nàng hầu quốc lão Nguyễn Trãi đẹp và hay chữ, phong cho làm Lễ Nghi Nữ học sĩ, được ra vào trong cung. Nguyễn Trãi có một trại riêng ở Côn Sơn, về trí sĩ tại đây. Một hôm vua Thái Tông đi duyệt binh ở Bạch Đằng Giang, khi về qua hạt Chí Linh bèn ghé lại Côn Sơn chơi thăm Nguyễn Trãi, rồi về nghỉ tại Lệ Chi Viên. Thị Lộ được đòi đến để xướng họa thơ cùng vua Thái Tông. Rồi đêm hôm ấy, vua bỗng bị bạo bệnh mà qua đời. Đình thần cho là Thị Lộ giết vua, bởi thế, cả ba dòng họ của Nguyễn Trãi đều bị tru di.

Tục truyền rằng Thị Lộ là con rắn hiện thành người để báo thù Nguyễn Trãi. Các quan bắt Thị Lộ bỏ vào cũi quẳng xuống sông Nhị Hà thì hóa ra con rắn mà bơi đi mất.

Đến đời Quang Thuận, vua Lê Thánh Tôn xét ra Nguyễn Trãi đã mắc phải tội oan, liền ban chiếu giải oan và phong làm Thái Sư Trụ quốc công. Giòng họ Nguyễn Trãi còn được một người con trai của vợ lẽ, có mang lúc ông đang phải nạn, chạy trốn xuống tỉnh Nam rồi sinh tại đây, lấy họ mẹ, đặt tên là Anh Võ. Sau khi Nguyễn Trãi được minh oan, vua sai đi tìm dòng dõi nhà ông, Anh Võ mới dám ra mặt, được phong quan chức để nối dõi.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com