hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-766.htm

Không rõ

Đối đáp sứ Nguyên

Mạc Đĩnh Chi đi sứ triều Nguyên, lúc vào bệ kiến, vua Nguyên muốn thử tài sứ thần nước Nam, đồng thời cũng muốn dò khí tiết của Mạc Đĩnh Chi, bèn ra một vế đối:

Nhật hoả Vân Yên, bạc đán thiêu tàn ngọc thỏ

Nghĩa là:

Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng

Mạc Đĩnh Chi biết là vua Nguyên kiêu căng tự cho mình là mặt trời, coi nước Nam như mặt trăng ban ngày nhất thiết bị mặt trời thôn tính, ông bèn ứng khẩu đối ngay:

Nguyệt cung linh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô

Nghĩa là:

Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời.

Vua Nguyên nghe đối giật mình, biết là bị trả miếng rất đau, nhưng cũng rất kính phục Mạc Đĩnh Chi, bèn thưởng rất hậu cho Trạng nước Nam.

Một lần khác, người Nguyên lại giở trò đánh đố chữ. Họ viết bốn câu thơ sau và thách Mạc Đĩnh Chi giải nghĩa:

Nhất diện lưỡng mi

Nhất sấu nhất phì

Nhất niên nhất nguyệt

Nhất nhật tam kỳ

Nghĩa là:

Một mặt đôi mày,

một gầy một béo,

một năm một tháng,

một ngày ba lần.

Thật là ngô nghê, khó hiểu. Vậy mà Mạc Đĩnh Chi chỉ đưa mắt đã giảng rằng đó là chữ bát. Vì chữ bát tựa như đôi lông mày lại gồm một nét to, nét nhỏ, vả lại mỗi năm có một tháng tám chữ bát còn đồng âm với chữ bát đựng đồ ăn, vì đó mà mỗi ngày phải dùng bát để ăn đến ba lần.

Thế là, một lần chơi chữ, một lần đố chữ đều bị Mạc Đĩnh Chi đối đáp trôi chảy và sắc sảo, người Nguyên rất kính nể thường ví ông với An Tử đời Xuân Thu, vì hai người tuy tướng mạo xấu xí nhưng tài  trí thì chẳng ai bằng.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com