hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1168.htm

Dân gian

Truyện người lấy vợ cóc

Ngày xửa ngày xưa có một gia đình hiếm hoi, vợ chồng đã đến tuổi già mà vẫn chưa có con. Chạy chữa mãi người vợ mới có mang, người chồng mừng lắm. Nhưng thật là tai hoạ, người vợ không đẻ ra người mà lại đẻ ra một con cóc. Nhiều người khuyên nên vứt cóc đi, vì cho là quái thai, nhưng hai vợ chồng vẫn nuôi nấng chăm sóc tử tế. Cóc lớn lên nhưng chẳng đỡ đần cha mẹ được việc gì. Đến mùa lúa chín, vợ chồng nhà kia than phiền với nhau rằng:

- Lúa nhà đang vào mẩy, người qua đường cứ bứt bứt mãi tiếc đứt ruột mà chẳng biết làm sao. Phải chi vợ chồng mình sinh ra người thì đã nhờ cậy được rồi không.

Cóc nghe cha mẹ than phiền, nằng nặc xin đi coi lúa. Cha mẹ không tin nhưng vì cóc nài nỉ quá nên cũng đành phải cho đi. Từ đó, hễ ai bước xuống ruộng tiện tay ngắt lúa non cắn chắt là có tiếng người khuyên nhủ nhiều điều hơn lẽ thiệt dịu dàng làm họ phải ngừng tay. Cha mẹ mừng lắm. Nhưng một hôm có một anh học trò nghèo đi qua, xuống ruộng hái một bó lúa để cắn chắt. Cóc để anh học trò khôi ngô tuấn tú hái xong mới nhẩy ra chặn đượng mà nhẹ nhàng hỏi rằng:

- Anh đồ ơi, anh đồ, sao anh lại hái lúa non nhà tôi thế này. Người học trò nghe có tiếng gọi mình thì ngạc nhiên lắm nhưng nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người, chỉ thấy một con cóc chặn ngang trước lối đi. Anh ngạc nhiên hỏi:

- Thế Cóc cũng biết nói tiếng người ư, mà lúa này là lúa của Cóc à, hay là Cóc giữ thuê cho ai?

Cóc lắc đầu:

- Em coi lúa nhà em, em vốn là con một nhà khá giả, nhưng trời bắt em phải mang lốt cóc đến bao giờ có người thực sự thương yêu em, lấy em làm vợ.

Anh học trò mới thực tình than thở rằng vì nhà mình nghèo quá, cơm không đủ ăn, nên đi qua đây phải ngắt trộm ít bông lúa để cắn chắt cho đỡ đói lòng. Thương anh học trò nghèo chăm học có chí, Cóc không những không đòi lại thóc mà còn tìm cách mang của nhà mình ra giúp đỡ anh. Từ đó hai người thường gặp nhau ở ruộng lúa trò chuyện tâm đắc. Vụ gặt xong, Cóc không còn việc gì ở ngoài ruộng, anh học trò đi học qua không được gặp Cóc nên rất nhớ và sinh ra ốm tương tư. Cha mẹ anh gạn hỏi mãi, anh trả lời, chỉ có hỏi Cóc về làm vợ cho anh là bệnh anh tự khắc khỏi, nếu không thì e chết mất. Vì quá thương và quá lo cho con, bố mẹ anh học trò đành phải sắm sanh quả cau miếng trầu sang dạm hỏi. Bố mẹ Cóc chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, nên vô cùng bối rối và chối đây đẩy:

- Tôi xấu số chỉ đẻ được một con Cóc, bà hỏi làm gì cho vợ chồng tôi thêm tủi thân.

Cóc ngồi trong buồng thưa vọng ra:

- Họ nhà trai đã đến hỏi, thì bố mẹ cứ nhận lời đi. Về làm dâu nhà người ta, trước hết con cứu cho chồng con khỏi bệnh, sau rồi con sẽ làm được đủ mọi việc quán xuyến trong gia đình.

Thấy vậy cha mẹ Cóc bèn nhận lời . Đến ngày cưới, hai họ đưa đón dâu nhưng cô dâu vẫn nhẩy từng bước một theo sau, và khi đến nhà chú rể cô dâu nhẩy tọt ngay vào buồng. Từ đó, vì đã có người yêu thương nên Cóc có thể tự trút được lốt Cóc để trở thành một cô gái xinh đẹp trước mặt người mình yêu, vào những lúc không ai hay biết. Vì thế mà nhà chồng đi học vắng, Cóc bí mật trút lốt thành một người con gái đẹp và khéo tay đảm đang mọi việc nội trợ trong nhà, cơm dẻo canh ngọt, gia đình đầm ấm.

Các bạn cùng trường thấy anh học trò lấy vợ Cóc thì chê cười khinh bỉ, họ quyết làm cho anh bẽ mặt vì vợ một phen. Ngày xưa có tục lệ học trò coi thày như cha, nên sắp đến ngày giỗ mẹ thầy, họ đề ra cái lệ tất cả học trò đã có vợ phải hiến mỗi người một mâm cỗ do chính tay vợ mình nấu nướng. Họ nghĩ rằng phen này anh chàng lấy vợ cóc sẽ phải bẽ mặt. Chính anh học trò nghèo cũng sợ mình sẽ xấu hổ với bạn bè nên lo lắng vô cùng. Nhưng Cóc đã bảo chàng rằng:

- Chàng chẳng việc gì phải bận tâm. Cứ để em lo. Giờ chàng cứ đi học đi, đến giờ phải bưng cỗ đến nhà thầy, chàng về nhà sẽ có đầy đủ, cỗ ngon cỗ khéo cho chàng đem thi.

Đến ngày giỗ, các mâm cỗ mang đến thầy đều không ưng, duy có mâm cỗ của Cóc là thầy khen lấy khen để. Mâm cỗ ấy được chấm giải nhất.

Đám học trò thua cuộc tức lắm. Nhưng thua keo này họ bầy keo khác, quyết làm cho vợ chồng Cóc phải xấu hổ mới thôi. Họ nghĩ rằng may áo là việc khó nhất, Cóc có thể nấu cơm được chứ làm sao may áo được. Vì thế họ xin với thầy cho các học trò đã có vợ mỗi người may biếu thầy một cái áo. áo nào thầy mặc vừa vặn lại may khéo thì người may áo sẽ được giải. Biết được mưu mô của đám học trò nghịch ngợm nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò, nên anh chồng Cóc vừa lo lại vừa buồn. Anh kể rõ sự tình với vợ. Cóc cười bảo chồng rằng: Anh cứ chuyên tâm vào chuyện đèn sách, lúc nào người ta mang quần áo đến nhà thầy, anh về nhà sẽ có áo vừa đẹp cho anh mang đi thi.

Đến ngày thi, quần áo các anh học trò khác mang đến, cái thì rộng, cái thì chật, cái thì dài quá, cái lại ngắn quá. Duy nhất có cái áo Cóc may là thầy mặc vừa nhất, đẹp nhất, đường kim mũi chỉ khéo nhất.

Vợ Cóc lại được giải thưởng lần nữa làm cho các anh học trò kia bực lắm. Họ bàn với nhau rằng: Thôi không thi thố gì nữa. Sắp đến Tết rồi ta cứ đưa việc học trò phải đưa cả vợ con đến mừng tuổi thầy. Vợ chúng mình dù xấu dù đẹp vẫn là người, còn vợ nó là cóc, nó không thể không mang đến, mà mang đến thì ê mặt lắm. Như thế là thoả chí chúng ta rồi. Chứ việc gì phải bày trò ra thi thố cho mệt.

Biết được mưu mô của các bạn, anh học trò nghèo lấy vợ

Cóc quả quyết là năm nay mình sẽ cáo ốm khất lần không lên chúc thọ thầy như mọi năm. Nàng Cóc mới hỏi chồng rằng:

- Thế anh ngượng là lấy vợ Cóc như em à.

Anh học trò lắc đầu thề thốt:

- Anh đâu có ngượng, nếu ngượng anh đã không xin cưới hỏi em làm vợ anh. Nhưng anh không chịu được đám học trò tinh nghịch mang em ra làm trò cười trước mặt mọi người, trước mặt thầy thôi.

Nàng Cóc nghe vậy mới thỏ thẻ:

- Em chỉ sợ anh ngượng thôi, chứ thiên hạ em không sợ... Anh cứ yên tâm đèn sách học hành, đừng nên lo nghĩ gì cả... Em sẽ tự mình lo liệu.

Đúng ngày mùng một Tết, tất cả học trò đều đưa vợ ăn mặc cực kỳ lộng lẫy lũ lượt kéo đến nhà thầy. Họ thấy anh học trò kia đi trước và nàng Cóc lọc cọc nhẩy từng bước theo sau họ hả hê lắm. Họ bấm nhau cười, làm anh học trò kia dùng dằng nửa muốn đi nửa muốn quay về trốn biệt trong nhà. Nhưng Cóc giục: Ta cứ đi rồi đâu sẽ có đó. Đến trước sân nhà thầy khi tất cả học trò là những anh khoá, anh đồ dẫn các thím đồ, cô khoá đã tề tựu đông đủ, các cô đầu tóc bỏ đuôi gà, áo mớ ba mớ bẩy, dép quai cong, váy lĩnh sột soạt. Tất cả vừa định quay lại nhìn nàng Cóc để chế diễu chê cười, thì nàng Cóc bỗng rùng mình lột tấm da Cóc xấu xí hiện thân thành một người con gái vô cùng xinh đẹp trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người... Nàng tiên Cóc mới nhẹ nhàng nói với các anh khoá chị khoá rằng:

- Vì các anh các chị em phải thay lốt đổi hình để chồng em đỡ tủi, xin các anh các chị chớ chê cười...

Đến lúc bấy giờ tất cả các bạn học của anh khoá mới chịu thua và đồng thanh yêu cầu nàng Cóc bỏ cái lốt cóc để mọi người đẹp lây. Nàng tiên Cóc bằng lòng và chiếc lốt da cóc được mang đốt cháy. Từ đó nàng trở thành một người vợ đẹp nổi tiếng, đảm đương quán xuyến công việc nội trợ, xa gần đều nức lời khen.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com