hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1039.htm

Dân gian

Phùng Hưng

Ngày xưa, vào thời nội thuộc nhà Đường, ở quận Đường Lâm (thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay) có ông Phùng Hưng vốn dòng dõi quan lang, làm tù trưởng tại châu này.

Phùng Hưng sức khỏe khác thường, đấm chết cọp, đẩy ngã trâu. Em ông là Phùng Hải cũng có sức mạnh mang nổi nghìn cân đi thẳng một hơi hơn mười dặm. Hai anh em lại nổi tiếng hào hiệp nên được dân chúng quanh vùng cảm phục, hào kiệt các nơi theo về, thanh thế mỗi ngày mỗi lớn.

Gặp lúc nhà Đường suy yến, sự cai trị của quân Tàu ngày càng khe khắt, anh em họ Phùng bèn cùng mưu khởi nghĩa, đem quân tràn chiếm các châu quận. Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão, tự xưng là Đô Quận, Phùng Hải đổi tên là Cự Lực, tự xưng là Đô Bảo, cầm quân tiến đánh phủ đô hộ.

Đô hộ phủ bấy giờ do Cao Chính Bình dứng đầu, dàn quân chống trả, bị binh sĩ họ Phùng đánh tan, phải rút vào cố thủ trong thành. Họ Cao lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ thành, cầm quyền được bảy năm thì mất.

Bộ hạ muốn lập Phùng Hải lên thay thế, nhưng trong các tướng có người đầu mục là Bồ Phá Lạc, sức khỏe phi thường, nhất định không nghe, lập con Phùng Hưng là Phùng An lên nối nghiệp, rồi đem quân ra đương đầu với Phùng Hải. Hải chịu thua, Bồ Phá Lạc bắt đày ra ở động Chu Nhan.

Phùng An được nối ngôi, tôn vua cha là Bố Cái Đại Vương (tục người Việt bấy giờ gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái). Được hai năm, vua Đức Tôn nhà Đường phái Triệu Xương sang nước nam làm Đô Hộ sứ. Triệu Xương sai người đến chiêu dụ, Phùng An chịu tùng phục, cơ nghiệp họ Phùng mới đổ.

Tục truyền khi Phùng Hưng mới mất, thường hiển lênh hiện về với nghìn xe, muôn ngựa, ở trên các ngọn cây cùng các mái nhà trông tựa như những đám mây ngũ sắc. Lại có tiếng đàn sáo, bát âm ở trên không cùng tiếng quát tháo, và thấp thoáng trông thấy cả cờ, tàn, võng, lọng. Phàm trong vùng có việc gì mừng hay lo, đều có báo mộng cho các hào trưởng. Dân gian thấy nhiều sự linh ứng mới lập miếu thờ ở mé tây phủ Đô Hộ.

Đến đời Ngô Quyền, có giặc ở phương bắc sang xâm phạm nước Nam, Ngô Quyền nằm mơ thấy một ông cụ tóc bạc phơ, áo mũ chỉnh tề, tự xưng là Phùng Hưng đến bảo rằng: "Tôi xin lĩnh một muôn thần binh phục sẵn ở chỗ hiểm yếu, ông nên tiến binh mà đánh giặc đi, đã có tôi cứu giúp, không phải lo"! Đến lúc Ngô Quyền đánh nhau với Hoằng Tháo ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có ngựa xe ầm ầm xông về phía quân địch. Phá được quân Nam Hán, Ngô Quyền trở về sai sửa sang miếu đình thờ Phùng Hưng rồi làm lễ trọng tạ ơn. Các triều đều có phong tặng, gọi Phùng Hưng là Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa Đại Vương.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com