hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-913.htm

Dân gian

Dã Tràng

Ngày xưa, ở tỉnh Sơn Tây, có người thợ săn tên là Dã Tràng thường ngày vào rừng săn bắn, hay đi qua một cái hang rắn, trong đó có một con đực và một con cái mình đen lốm đốm trắng. Một hôm, anh ta thấy con rắn cái lột xác, thì con rắn đực săn sóc, đi tìm mồi về cho.

Lần sau, anh ta thấy con rắn đực lột xác thì con rắn cái không ở nhà trông nom, lại đi với một con rắn đực khác. Anh ta giận con rắn cái lang chạ, mới giương cung bắn chết. Con rắn đực đã khỏe, đợi không thấy vợ về mới đi tìm, thì thấy chết ở ngoài rừng, trên mình mang một mũi tên, xem biết là của Dã Tràng, mới bò đến nhà anh ta cắn để trả thù. Con rắn chồng còn đang nằm rình trên mái nhà thì nghe Dã Tràng nói với vợ rằng:

"Hôm nay tôi đi săn gặp một chuyện buồn cười về loài rắn: Con cái lột xác thì con đực trông nom, kiếm mồi về cho, còn đến khi con đực lột xác thì con cái bò đi với con đực khác. Thấy thế tôi tức mình bắn chết con cái..."

Rắn đực nghe thấy thế, biết vợ mình chết là đáng tội, không báo thù nữa, bỏ đi. Hôm sau, Dã Tràng thấy một con rắn đến nhả cho mình một viên ngọc sáng lòa trong bóng tối.

Dã Tràng nghe nói là có ngọc rắn thì nghe hiểu biết được tiếng loài vật, sáng hôm sau mới bỏ vào miệng ngậm đi săn. Vừa đến rừng, anh đã nghe tiếng chim quạ nói với nhau trên cây:

"Phía đàng đông, cách đây một dặm, có con nai bị thương, có ai thấy không?"

Dã Tràng nghe theo lời quạ đi đến nơi, quả nhiên thấy một con nai vàng đang hấp hối, liền giết thịt con mồi. Con quạ bay theo nói:

"Cho tôi bộ lòng! Cho tôi bộ lòng!"

Dã Tràng lấy bộ lòng nai đền ơn mách bảo cho quạ. Hôm sau, Dã Tràng trở vào rừng, quạ lại chỉ nơi cho anh tìm mồi, rồi cứ thế mà ngày nào anh cũng đem về nhà được rất nhiều thịt rừng. Dã Tràng và quạ thành đôi bạn liên minh, và anh không quên mỗi lần dành cho quạ bộ đồ lòng của con thú săn được.

Một hôm, phần thịt để cho quạ bị chó rừng đến trước tha mất, quạ tưởng Dã Tràng đã quên công mình mới bay đến nhà để trách đòi. Dã Tràng bảo có, quạ bảo không, rồi đôi bên cãi nhau to tiếng. Thấy quạ nói hỗn, Dã Tràng liền lấy cung bắn, trong lúc giận nên bắn trượt. Quạ mới bay theo cắp mũi tên rơi, kêu lớn:

"Ta báo thù! Ta báo thù!"

Vài hôm sau, có lệnh trên bắt Dã Tràng hạ ngục. Người ta vừa thấy một thây ma trôi sông trên bụng có ghim một mũi tên khắc họ tên của Dã Tràng. Anh ta biết ngay là quạ trả thù mình, hết sức kêu oan song vẫn bị tống giam.

Ở trong ngục, anh nghe lũ chim sẻ đậu trên mái ngói nhà tù nói với nhau rằng có nhiều kho lúa nhà vua không giữ cẩn thận đã bị chim kéo đến ăn sạch. Dã Tràng bèn xin gặp viên quan coi ngục để kể lại việc này. Ban đầu ông quan không tin, song đến khi nghe nói các lẫm lúa trong hoàng cung mất sạch mới biết là Dã Tràng đã nói đúng.

Sau đó, Dã Tràng nghe lũ kiến bảo nhau là sắp có lụt to, anh liền đem chuyện này thưa với viên quan coi ngục. Lần này viên quan vội vã tâu lên vua để tìm cách đề phòng thiên tai. Ba hôm sau, quả nhiên mưa to gió lớn, nước sông dâng lên tràn ngập khắp nơi.

Vua cho đòi Dã Tràng đến, anh ta cứ thực tình kể lại đầu đuôi, từ việc rắn cho ngọc đến việc quạ báo thù, và dâng viên ngọc rắn lên vua xem. Vua mượn viên ngọc để thử, thì nghe được tiếng chim ở vườn ngự uyển chuyện trò với nhau, lấy làm thích thú lắm, phong tước cho Dã Tràng và giữ lại bên mình. Từ ngày có viên ngọc, vua mải mê đi khắp nơi để nghe tiếng nói của các loài chim muông đủ mọi giống bay trên trời, bò chạy dưới đất. Dã Tràng nhờ thế mà sống được một quãng đời an nhàn, vui thú.

Ban đầu, vua say mê tìm nghe loài vật chuyện trò, nhận thấy chúng cũng chẳng khác gì loài người, cũng có những ham muốn, những khốn khổ, những vô lý như người ta, nên rồi vua cũng đâm chán.

Một hôm, vua muốn nghe tiếng nói của các loài ở dưới nước, mới ngự thuyền rồng ra biển, có Dã Tràng cùng đi theo. Các giống thủy tộc cũng như các loài ở trên đất, thường nói năng chẳng nghĩa lý gì hoặc chỉ nói để làm hại lẫn nhau.

Một buổi trưa, vua thấy một con cá mực bơi theo thuyền rồng mà hát khúc ca ngợi các làn mây trôi trên biển trời xanh. Trông con mực uốn éo ca những lời đẹp đẽ, vua bật cười làm rơi viên ngọc xuống biển.

Dã Tràng cuống cuồng tuyệt vọng, nhà vua cũng chặc lưỡi tiếc uổng. Các tay bơi lội giỏi trong nước lập tức được gọi đến để mò viên ngọc dưới đáy biển, nhưng đều uổng công. Dã Tràng thấy không tìm lại được viên ngọc, bỏ ăn, bỏ ngủ, ngày đêm ngơ ngẩn như kẻ mất hồn, nảy ra ý muốn lấp biển để tìm của quý. Anh ta mượn cả ngàn người xe cát đổ xuống biển sâu. Lúc đầu vua còn tội nghiệp để làm song thấy công việc ngông cuồng của Dã Tràng kéo dài vô ích nên bỏ mặc anh ta.

Còn lại một mình, Dã Tràng ngày đêm ra sức gánh cát lấp biển để tìm lại ngọc, cho đến khi buồn rầu kiệt sức lăn ra chết.

Sau đó, người ta thấy hiện ra ở bãi biển một giống cua nhỏ ngày đêm cứ xe cát hết hòn này đến hòn nọ, bị sóng dạt vào cuốn đi, lại đào lại xe. Cứ thế mà liên miên theo với sóng biển ngàn đời không dứt.

Người ta cho rằng Dã Tràng đã đầu thai hóa kiếp làm loài cua nhỏ ấy cố ngày đêm ra công lấp biển để tìm lại viên ngọc đã mất, mới đặt tên giống cua này là Dã Tràng. Trong dân gian ngày nay còn để lại câu hát để nhắc nhở đến việc ấy:

Dã Tràng xe cát bể đông,

Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.

Cường bạo đánh Thiên Lôi

Dân gian

Ngày xưa, ở làng Bối Xuyên, huyện Thiên Bổn thuộc Nam Định bây giờ, có một người đàn bà một hôm nằm mộng thấy một vị thần tên gọi là Cương Báo Đại Vương, hiện đến giao cảm với mình. Sau đêm đó, người đàn bà thấy bụng mình cứ mỗi ngày một lớn rồi đẻ ra một đứa con trai.

Đứa bé lớn lên, gan dạ, ngang tàng, bà mẹ đặt tên cho nó là Cường Bạo, phỏng theo tên của vị thần đã đi lại với bà. Cường Bạo được mười tuổi thì bà mẹ qua đời, nhà nghèo, mồ côi, phải sống bằng nghề mò tôm bắt cá. Quanh năm chỉ có một mảnh khố che thân, Cường Bạo đâm ra oán kẻ đã sinh ra mình, không cúng giỗ nhắc nhở gì đến, lại nghe nói cha mình là thần Cương Báo mà chẳng giúp đỡ gì con cái, nên thường tỏ ra bất kính với Cương Báo Đại Vương.

Cường Bạo thường chỉ chơi với Thần Bếp, tức là ông Táo, đôi bên thân thiết tử tế với nhau lắm. Mỗi lần bắt được nhiều tôm, Cường Bạo không bao giờ quên bạn, đem về nướng lên mời Táo quân cùng ăn.

Thần Cương Báo thấy con không đếm xỉa gì đến việc thờ cúng mình, lấy làm bất bình đã lỡ sinh ra một đứa con ngỗ nghịch, mới tâu với Ngọc Hoàng xin giết Cường Bạo đi. Ngọc Hoàng sai Thần Sét, tức là Thiên Lôi xuống đánh chết Cường Bạo. Ông Táo biết tin liền báo cho Cường Bạo hay để đề phòng, bày cho nó lấy rau mùng tơi đem giã trộn với dầu vừng bôi lên khắp mái lều, rồi lại quét lá chuối gác thêm lên nữa. Cường Bạo tính bụng phen này làm cho Thiên Lôi biết tay, không còn dám héo lánh đến làm hại mình nữa, cầm sẵn gậy nấp ở xó lều chờ Thiên Lôi xuống.

Trời đang yên tĩnh bỗng kéo mây đen, rồi chớp nhoáng sáng lòa, sấm dậy ầm ỹ, Thiên Lôi tay cầm búa lăm lăm từ trên cao, nhắm nóc lều Cường Bạo mà nhảy xuống. Nào ngờ Thiên Lôi vừa đặt chân xuống trên mái lều thì gặp phải nước trơn như mỡ, trượt lăn ngã oạch xuống sân, để văng cả lưỡi búa ra đất. Cường Bạo đã rình sẵn, lập tức nhảy xổ ra lấy gậy phang thẳng ngay vào đầu, vào thân hình đen trùng trục của Thiên Lôi. Bất ngờ bị đánh đau quá, Thiên Lôi tức giận tràn hông, song đã để rơi mất vũ khí, không làm gì được, lồm cồm dậy chạy, liền bị Cường Bạo đá thốc luôn vào mông chúi nhũi, đánh dông vụt về trời, bỏ quên cả búa. Cường Bạo nhặt được búa Thiên Lôi, kháo ầm lên với mọi người là đã cho Thiên Lôi một trận nên thân. Thiên Lôi về đến Thiên Đình, vừa đau rêm cả mình vừa xấu hổ, song không dám dấu diếm câu chuyện, phải tâu lại đầu đuôi với Ngọc Hoàng.

Ngọc Hoàng nghe tâu lấy làm nhục nhã tho thể thống Thiên Đình, nổi giận đùng đùng mắng cho Thiên Lôi một hồi, rồi giao hẹn cho Thiên Lôi nếu không giết được Cường Bạo thì sẽ bị cách mất chức Thần Sét. Đoạn Ngọc Hoàng cho gọi Thần Nước đến sai đi dâng nước lên ngập lều Cường Bạo rồi cho sóng cuốn dìm chết Cường Bạo.

Ông Táo lại ngầm báo tin cho Cường Bạo hay, rồi khuyên kết một chiếc bè lớn để tránh lụt, và coi chừng cả Thiên Lôi hùa sức với Thần Nước mà báo thù nữa.

Cường Bạo nghe theo, đẵn chuối kết một cái bè, dựng lên một túp lều lợp lá chuối quét nước mùng tơi trộn dầu vừng, chuẩn bị đối phó với các vị thần nhà trời.

Quả nhiên hôm sau mưa to gió lớn, nước sôn dâng lên ngập cả nóc lều Cường Bạo. Anh ta đã ngồi trên bè, ở trong lều lợp chuối, theo nước lụt dâng lên. Cường Bạo có mang theo một cái trống, tay đánh ầm ỹ, tay múa búa Thiên Lôi, miệng hò hét vang dậy: "Phen này ta quyết lên phá Trời một chuyến xem chơi"!

Ở Thiên Đình, Ngọc Hoàng đang họp triều chợt nghe tiếng của Cường Bạo lẫn với tiếng trống dục, liền sai một vị thần xuống xem chuyện gì. Một lát thiên thần về tâu là Cường Bạo đang thắng Thủy Thần, đòi theo nước dâng lên để phá cả Trời. Ngọc Hoàng nghe nói sợ Cường Bạo lên làm loạn cả Thiên Đình vội phán rằng: "Thôi, bảo Thủy Thần rút nước ngay đi kẻo nguy đến sinh linh mà khốn. Thằng Cường Bạo nghịch thiên nghịch địa, đòi chống báng cả ta nữa, Thiên Lôi, Thủy Thần đã phải chịu nó, thôi đành để dịp khác trị tội ngỗ nghịch của nó vậy".

Cường Bạo lại thoát nạn được mấy lần, nhưng rồi về sau không còn coi trời đất ra gì nữa, ít lui tới với Táo quân như trước, không được Thần Bếp báo cho biết trước tai họa mà đề phòng. Một hôm, Cường Bạo đi ngang một cánh đồng, Thiên Lôi vẫn căm thù rình mò ở trên trời nom thấy, nhè lúc Cường Bạo không phòng bị, thình lình nhảy bổ xuống bổ lưỡi búa vào đầu Cường Bạo chết tươi.

Dân chúng đem xác Cường Bạo chôn ở gò đất cao, rồi lập miếu thờ gọi là đền Bối Xuyên.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com